Khiêm nhường trong cộng đoàn thánh hiến

0

Sr. Têrêsa Lại Thị Mỹ Hạnh, OP

Trong đời sống cộng đoàn, mỗi người giống như một viên gạch mà Thiên Chúa đặt vào đúng vị trí để xây dựng nên một tòa nhà. Những viên gạch này có thể lớn nhỏ khác nhau, thậm chí có viên bị khiếm khuyết. Chính vì vậy, để xây dựng một tòa nhà vững chắc, mỗi thành viên cần nhận thức rõ về bản thân, dám vượt qua cái tôi cá nhân và sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích của mình. Đây chính là tinh thần khiêm nhường mà mỗi người cần rèn luyện để xây dựng một cộng đoàn hòa hợp, gắn kết trong tình yêu thương.

Qua tấm gương khiêm nhường của Chúa Giêsu, Thánh Giuse, Mẹ Maria, Thánh nữ Catarina và các vị thánh khác mà chúng ta được chiêm ngưỡng, học hỏi và noi theo, ta nhận ra rằng khiêm nhường không chỉ là một thái độ bên ngoài mà còn là sự khởi đầu từ trong tư tưởng, sau đó thể hiện qua lời nói và hành động.

1. Khiêm nhường trong tư tưởng

Trong đời sống, các vị thánh đã luôn gìn giữ cho mình có được một tâm hồn trong sạch và khiêm tốn hướng về Chúa. Trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, các ngài lắng nghe hơn là phán xét, phục vụ tha nhân hơn là chính mình, sống trong tâm tình biết ơn, luôn phản tỉnh và cầu nguyện mật thiết với Chúa. Nhờ sự khiêm nhường thẳm sâu, các ngài biết mình cần Thiên Chúa và để Thiên Chúa lấp đầy. Chính vì thế, sự khiêm nhường của các ngài đã thu hút ánh nhìn của Thiên Chúa (ĐTC Phanxicô 15/8/2021). 

Nhìn lại lối sống của bản thân, có những lúc ta tưởng rằng mình đang thực hiện rất tốt điều Chúa khuyên bảo: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”( Mt 11,29) khi được những người bên cạnh khen ngợi. Tuy nhiên, ta phải cẩn trọng với những lời khen đó, bởi nó rất dễ đưa ta tới sự kiêu ngạo. Lời khen có thể biến sự khiêm tốn của ta thành sự giả dối, khi ta bắt đầu thỏa mãn và kiêu hãnh về mình. Điều Chúa Giêsu muốn ta sống khiêm nhường không phải chỉ là vẻ bên ngoài để cho mọi người nhìn thấy, nhưng phải xuất phát từ bên trong tư tưởng, cõi lòng và đặc biệt là trái tim của mình. Rèn luyện được khiêm nhường thực sự trong lòng, chúng ta sẽ hiểu rõ bản thân mình là ai, những giới hạn của mình. Trong sự khiêm nhường, chúng ta sẽ không coi mình là trung tâm, không dễ dàng xét đoán người khác mà thay vào đó là một sự tôn trọng phẩm giá của họ như họ “là”. Đồng thời, ta cũng không so sánh bản thân với người khác để kiêu căng hay tự ti, nhưng chú tâm vào việc hoàn thiện bản thân và sống đúng như ta “là”.

Vậy đâu là dấu hiệu để biết có sự khiêm nhường thực sự? Đó chính là tâm tình biết ơn và phó thác, yêu thương và tha thứ cho nhau. Còn gì đẹp bằng tinh thần khiêm nhường của Mẹ Maria khi sống tin yêu phó thác nơi Thiên Chúa và luôn ca ngợi tình thương của Chúa trong suốt cuộc đời. Còn ai cao cả hơn tấm lòng khiêm nhường thẳm sâu của Chúa Giêsu khi sẵn sàng yêu thương và tha thứ cho kẻ đã sỉ vả, đánh đập và giết chết mình.

Trong đời sống này, có ai là hoàn hảo cả đâu! Vì thế, ta cần tập cho mình sẵn sàng tha thứ và đừng bao giờ để mình dừng lại ở lỗi lầm nào đó của tha nhân. Nếu chẳng may ta muốn phán xét họ, thì hãy nghĩ ngay đến một nhân đức của người đó để mà coi trọng họ. Vì thế, một tư tưởng khiêm nhường không chỉ giúp ta tránh được sự kiêu ngạo, mà còn tạo ra sự tôn trọng, hiểu biết và hòa hợp cá nhân với cộng đoàn qua lời nói khiêm nhường của mình.

2. Khiêm nhường trong lời nói

Chúng ta đã từng nghe câu nói của cha ông: Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Quả thật, lời nói đóng vai trò quan trọng trong việc giao tiếp hằng ngày. Nó có thể biến mối quan hệ tầm thường trở nên thân thiết hơn, nhưng cũng có thể trở nên một con dao sắc nhọn giết chết tâm hồn người khác, và làm đổ vỡ các mối tương quan. Vì thế, người khiêm nhường sẽ dùng lời nói khiêm tốn, nhã nhặn, và mang tính khích lệ để xây dựng, gắn kết cộng đoàn, không gây tổn thương cho người khác hay thể hiện cái tôi của mình.

Trong một tập thể, để có thể hiểu nhau thì điều chắc chắn cần có là ta biết lắng nghe nhau. Chúng ta cần khiêm nhường lắng nghe hơn là nói, nghe người khác thay vì nói quá nhiều về bản thân. Đồng thời, ta cần tôn trọng suy nghĩ của người khác cách chân thành thay vì chỉ trích, phán xét, chê bai, mặc dù mình có những quan điểm khác họ. Đứng trước một sự việc, ta chọn cách lắng nghe thay vì phán xét cách vội vã và luôn cho mình là đúng. Khi chúng ta nghe đủ, chúng ta sẽ thấu hiểu họ cần gì và muốn gì. Vậy chúng ta có dám sẵn sàng chịu thiệt một chút và sẵn sàng tha thứ cho nhau không? Muốn được như vậy, chúng cần chấp nhận bỏ đi cái tôi của mình. Vì nếu chúng ta cứ cố nuôi dưỡng để cho cái tôi lớn lên mỗi ngày, thì thật khó để có thể yêu thương tha thứ cho nhau, và ta cũng không còn khả năng nhường nhịn được nữa. Để cộng đoàn có được bình an và yêu thương, mỗi người chúng ta cần phải chịu thiệt đi một chút. Trong đời sống chung, chúng ta có thể gặp những hiểu lầm làm ảnh hưởng đến danh dự của bản thân, và chúng ta có quyền minh chứng và nói sự thật, nhưng có lẽ một lần là đủ. Chúng ta không cần phải luôn chứng minh mình đúng, không cần bới lại những điều tồi tệ để bôi nhọ người làm tổn thương mình. Chúng ta hãy khiêm nhường đón nhận anh chị em, và tha thứ như những gì Chúa Giêsu đã làm. Khi chúng ta chịu sỉ nhục để gìn giữ sự bình an trong cộng đoàn, điều đó lại trở nên nhân đức cao cả. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Khiêm nhường là chấp nhận sỉ nhục. Khiêm nhường mà không có sự sỉ nhục thì không phải khiêm nhường. Ta vẫn xin cho được chịu sự sỉ nhục bằng lòng nơi ngắm thứ ba Mùa Thương, vậy tại sao khi bị sỉ nhục ta lại tìm mọi cách để thanh minh? Hãy sống khiêm nhường để làm sáng tỏ chân lý đó nơi bản thân.

3. Khiêm nhường trong hành động

 Trong Tân ước, chúng ta không thấy các thánh sử ghi lại câu nói nào của Thánh Giuse, nhưng qua hành động, Người đã để lại cho chúng ta bài học khiêm nhường cao quý. Đó là những minh chứng rõ ràng nhất cho đời sống và nhân đức khiêm nhường của Người. Trong suốt cuộc đời, ta chỉ thấy Thánh Giuse im lặng, khiêm cung lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Cho dù những điều Chúa muốn vượt quá trí hiểu con người, nhưng Người cũng không từ chối và sẵn sàng từ bỏ ý riêng của mình. Vì vậy, để xây dựng cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất chúng ta cũng phải vét rỗng chính mình để lấp đầy tình yêu nơi cộng đoàn qua những hành động cụ thể. Chúng ta cần làm những việc tốt hằng ngày, cho dù là những công việc nhỏ bé, tầm thường không ai chú ý đến, nhưng vẫn có thể mang lại giá trị cho cộng đoàn. Luôn phục vụ, dấn thân trong âm thầm, không phô trương hay tìm kiếm sự chú ý từ người khác. Sẵn sàng giúp đỡ mà không mong nhận lại sự đền đáp. Và luôn tôn trọng và khuyến khích sự đóng góp của mọi người trong cộng đoàn. Có được đức khiêm nhường, chúng ta sẽ dễ chấp nhận người khác mặc dầu họ có những khuyết điểm và tật xấu, vì ta biết rằng con người không có ai vẹn toàn. Ngược lại, nếu mỗi người không rèn luyện cho mình nhân đức khiêm nhường, thì cuối cùng chỉ còn lại sự chia rẽ, bất hòa, không thể sống chung một cách bình an.

   Khiêm nhường trong tư tưởng, lời nói và hành động chính là yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng một cộng đoàn gắn kết, bình an. Do đó, để có được sự khiêm nhường trong lòng như Chúa mong muốn, ta cần phải xin ơn khiêm nhường mỗi ngày, chân thành nhận biết bản thân, tôn trọng tha nhân, đặt lợi ích của tha nhân và cộng đoàn lên trên để dám chấp nhận chịu thiệt một chút. Nhờ đó, Chúa và tha nhân có thể lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại. Mỗi người chúng ta hãy cùng nhau tập luyện để sống khiêm nhường từ trong tư tưởng, lời nói đến hành động. Vì chỉ khi ta biết sống khiêm nhường, ta mới nhận biết và sống đúng với bản chất của mình nhất, mới đem lại sự yêu thương, bình an cho cộng đoàn và thu hút được ánh nhìn của Thiên Chúa đoái trông đến phận hèn của ta.

Comments are closed.

phone-icon