Ts. Trần Mỹ Duyệt
“Veni Creator Spiritus” (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm). Bài ca mà các tín hữu thường hát lên để cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn lành, sự khôn ngoan, và hướng dẫn khi khai mạc các buổi cầu nguyện, cách riêng trong Lễ Chúa Thánh Thần Hệ Xuống, và những dịp trọng thể khác. Bài ca được cho là của Rabanus Maurus, một đan sỹ Biển Đức, thần học gia, thi sỹ, nhà văn và Tổng Giám Mục Mainz thuộc thế kỷ thứ 9. Đây là một lời nguyện tuyệt đẹp và đầy quyền năng đã được Giáo Hội dùng để xin ơn Chúa Thánh Thần trải qua hàng thế kỷ.
NGÔI BA THIÊN CHÚA
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba trong một Thiên Chúa Ba Ngôi: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.” Đó là đức tin, là những gì mà Giáo Hội Công Giáo buộc phải tin về Chúa Thánh Thần. Ngài được xem như sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trên thế giới và trong lòng những các tín hữu, hướng dẫn và ban sức mạnh cho họ. Trong Tân Ước từ “pneuma” của tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thần linh” xuất hiện 385 lần. Trong đó 133 lần theo nghĩa tổng quát, 153 lần mang nghĩa thuộc về thần linh, và đặc biệt 93 lần liên quan đến Chúa Thánh Thần. Điển hình:
– Ngài đã dựng thai Chúa Giêsu trong lòng Đức Trinh Nữ Maria (Matthêu 1:20).
– Ngài là Thiên Chúa và các tín hữu đã được rửa tội nhân danh Ngài (Matthêu 28:19-20).
– Ngài là quyền năng của Thiên Chúa (Luca 24:49)
– Ngài cư ngụ trong lòng các tín hữu và biến họ trở thành đền thờ Thiên Chúa (1 Corinthians 6:19-20).
Trong Cựu Ước, Thánh Thần được nhắc đến khoảng 86 lần.
Theo cắt nghĩa của thần học, Chúa Thánh Thần là một trong ba ngôi riêng biệt trong một Thiên Chúa duy nhất. Ngài đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là hình ảnh sống động của Thiên Chúa hiện diện trên mặt đất, hoạt động qua các tín hữu và đóng vai trò trong việc các Thánh Ký viết Phúc Âm, cũng như những biến cố quan trọng của lịch sử. Ngài hướng dẫn các tín hữu trong đời sống, ban cho họ những ân huệ thiêng liêng, an ủi và giúp đỡ những nhu cầu cần thiết trong mọi lúc để giúp họ sống theo thánh ý Thiên Chúa, và mặc khải cho họ sự thật về Thiên Chúa.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ và Giáo Hội. Ngài nói với các ông: “Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con.” (Gioan 14: 16-17)
HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Chúng ta không nhìn thấy Chúa Thánh Thần, nhưng có thể cảm nhận được sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong Giáo Hội và các tín hữu qua 7 ơn của Ngài:
1. Ơn Khôn Ngoan: Giúp phân biệt điều phải, điều trái.
2. Ơn Hiểu Biết: Giúp hiểu biết sâu xa hơn những điều Thiên Chúa và Giáo Hội dạy.
3. Ơn Lo Liệu: Giúp giải quyết mọi khó khăn trong đời sống.
4. Ơn Sức Mạnh: Giúp chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn.
5. Ơn Thông Minh: Giúp nhận ra thánh ý Thiên Chúa.
6. Ơn Đạo Đức: Giúp tin yêu Thiên Chúa và giúp đỡ anh chị em.
7. Ơn Kính Sợ Chúa: Giúp tôn kính sự công bằng và quyền phép Thiên Chúa, và sợ làm phiền Ngài.
Nhờ sự hướng dẫn và sức mạnh của những ơn trên, các tín hữu có thể:
– Chuyển đổi đời sống.
– Can đảm bước đi trong Sự Thật.
– Được hướng dẫn trong Chân Lý.
– Mạnh mẽ rao truyền Đức Kitô.
– Lãnh nhận những ân huệ thiêng liêng.
– Sốt sắng thờ phượng Thiên Chúa.
Tóm lại hoạt động đặc biệt của Chúa Thánh Thần là thánh hóa Giáo Hội và các tín hữu, là hướng dẫn, ban sức mạnh, và ở trong lòng các tín hữu, giúp họ có khả năng sống đời sống đức tin và vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa. Ngài cũng lên án thế giới về tội lỗi, sự công chính và kết án.
TỘI PHẠM ĐẾN CHÚA THÁNH THẦN
Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống thiêng liêng của Giáo Hội và các tín hữu rất đặc biệt và quan trọng, nên việc xúc phạm đến Ngài là một trọng tội. Theo Thánh Kinh, thì tội này vĩnh viễn không được tha dựa như lời của chính Chúa Giêsu: “Vì thế, tôi nói cho các ông hay: mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha. Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.” (Matthêu 12:31-32)
Lời cảnh báo đáng sợ về tội phạm đến Chúa Thánh Thần liên quan đến hành động khước từ ân sủng của Thiên Chúa; đó là chối bỏ lời mời gọi cứu độ của Thiên Chúa – tức từ chối cách hoàn toàn mọi hoạt động và mọi lời mời gọi liên lỷ của Ngài, cùng lời nhắc bảo hay cảnh báo của Ngài. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần “không thể tha thứ” bởi vì tội nhân đã ngăn cản Thiên Chúa ban ơn tha thứ cho họ. Và vì Thiên Chúa tôn trọng sự tự do mà Ngài đã ban cho con người, nên Ngài cũng tôn trọng quyết định việc chối bỏ sự tha thứ ấy. Thánh Giáo hoàng Piô X đã dạy trong sách Giáo Lý, sau đây là 6 tội một người có thể phạm đến Chúa Thánh Thần:
1. Mất Hy Vọng Vào Ơn Cứu Độ (Despairing of salvation).
Mất hy vọng vào ơn cứu độ của Thiên Chúa khi một người cho rằng sự sống đời đời của họ đã bị đánh mất và họ đã bị luận phạt, ngay trước cả phán xét của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là người ấy đang xem nhẹ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nó cũng mang ý nghĩa là họ không tin vào quyền năng và sự công chính của Thiên Chúa.
2. Tiền Giả Định Về Ơn Cứu Độ (Presumption of salvation).
Khi con người nuôi trong lòng mình ý tưởng về sự hoàn hảo của bản thân, điều này bao hàm sự kiêu hãnh về chính mình. Người ấy tin rằng sự cứu rỗi của mình đã được đảm bảo bởi những gì mà họ đã làm.
3. Phủ Nhận Chân Lý (Denying a truth).
Phủ nhận một chân lý đã được Huấn Quyền Giáo Hội công nhận. Khi một người không chấp nhận các chân lý (tín điều) của đức tin, kể cả khi đã được giải thích đầy đủ về giáo lý. Đây là tội lạc giáo. Người coi sự hiểu biết của mình hơn sự hiểu biết của Giáo Hội, và sự dạy dỗ của Chúa Thánh Thần hỗ trợ cho Giáo Huấn Thánh Thiện.
4. Ghen Tỵ Với Những Ơn Chúa Ban Cho Người Khác (Envying the grace that God gives to other people).
Không hài lòng vì người khác được điều gì đó tốt đẹp, ngay cả khi bản thân mình đã sở hữu điều ấy, hoặc có thể sẽ đạt được. Không muốn điều tốt đẹp cho những người quanh mình. Với tội này, người ta tự cho mình trở thành vị thẩm phán của thế giới. Rằng họ đang chống lại Thánh Ý Thiên Chúa, đang chống lại giới răn yêu thương người thân cận.
5. Chai Lỳ Trong Tội (Obstinacy in sin).
Sống chai lỳ trong tội lỗi là kiên quyết tiếp tục phạm tội ngay cả khi đã nhận được sự soi sáng và trợ lực của Chúa Thánh Thần. Đây là hành động khi một người tự tạo ra tiêu chuẩn riêng cho những phán đoán về đạo đức, hoặc đơn giản là không tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn đạo đức nào cả, và theo đó, người ấy tách mình ra khỏi Thánh Ý của Thiên Chúa và chối bỏ ơn cứu độ.
6. Không Ăn Năn Trong Giờ Sau Hết (Final impenitence).
Đây là kết quả của một đời từ chối Thiên Chúa. Đây là khi một người vẫn phạm tội cho đến giờ phút cuối cùng của đời mình. Điều này đồng nghĩa với việc tự dâng mình cho kẻ thù của Thiên Chúa. Ngay cả trong giờ chết, người ấy vẫn khước từ việc đến gần với Thiên Chúa là Cha với sự khiêm hạ, và không mở lòng mình đón nhận lời mời gọi của Chúa Thánh Thần.
CA TIẾP LIÊN – LỄ CHÚA THÁNH THẦN
Chúng ta hãy cùng với Giáo Hội kêu xin Chúa Thánh Thần trong khi cử hành long trọng biến cố Ngài hiện xuống trên các Tông Đồ năm xưa trong Phòng Tiệc Ly, khi cùng với Đức Trinh Nữ Maria mong chờ lời hứa của Chúa Giêsu:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời tỏa ánh quang minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;
Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!
Lạy Đấng an ủi tuyệt vời,
là khách trọ hiền lương của tâm hồn,
là Đấng ủy lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.
Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,
xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.
Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.
Xin Chúa ban cho các tín hữu,
là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.
Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.
Amen. Alleluia.
__________
Tham khảo tài liệu:
AI Overview
https://en.wikipedia.org/wiki/
https://aleteia.org/2018/06/