Sr. Maria Trần Tḥị Ngọc Hương chuyển Việt ngữ
Nguồn: WAU
Chúng ta đang sống trong thời đại đáng lo sợ. Lướt nhanh qua các tin tức là thấy đầy/là có đầy những cảnh báo về các tình trạng kinh tế kiệt quệ, chiến tranh và các mối đe dọa về chiến tranh, các thảm họa tự nhiên, và hàng tá những mối lo sợ khác.
Nhiều người trong chúng ta sống trong tình trạng lo lắng, luôn phải đối diện với “điều gì đó kinh hãi” mà chúng ta nghĩ rằng nó sắp xảy ra đâu đó.
Làm cách nào chúng ta đối phó với nỗi sợ hãi dai dẳng? Làm cách nào chúng ta vượt qua nó và học cách thực hành đức tin của mình và sống cuộc sống dồi dào mà Chúa Giêsu nói rằng Người đã đến để ban cho chúng ta?
Gần cả ngàn năm trước đây đã có một câu trả lời. Hildegard of Bingen (1098-1179) nói với chúng ta hãy tận dụng những dấu chỉ của mình không phải từ những gì chúng ta thấy và nghe xung quanh chúng ta nhưng từ những gì chúng ta tìm thấy bằng cách nhìn vào bên trong:
Chúng ta không thể sống trong một thế giới được diễn giải cho chúng ta bởi những người khác. Một thế giới được diễn giải không phải là một niềm hy vọng. Một phần của nỗi sợ hãi là phải lấy lại sự lắng nghe của chính chúng ta. Để sử dụng tiếng nói của chính chúng ta. Để nhìn thấy ánh sáng của chính chúng ta.
Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính cuộc sống của mình. Nếu chúng ta để cho những biến cố và những mong đợi của thế giới quyết định cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ khám phá ra cuộc sống mà vì đó Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tin tưởng vào khả năng của chúng ta để lắng nghe tiếng của Thiên Chúa nói với chúng ta, chúng ta có thể vượt lên trên những nỗi sợ hãi đang đe dọa sự bình an của chúng ta. Chúng ta có thể đáp lại lời mời gọi của Người theo cách duy nhất của chính chúng ta, cách đó tạo nên một sự khác biệt với thế giới và làm cho ánh sáng của Chúa Kitô tỏa sáng.
Hildegard đã làm được điều đó. Sơ là một nữ tu dòng kín với một đời sống cầu nguyện sâu sắc – khá tiêu chuẩn cho một vị thánh thời trung cổ. Nhưng sơ cũng là một người có tầm nhìn xa, một người chữa lành và một nhà giảng thuyết, các tài năng của sơ đã thu hút vô số người hành hương đến tu viện của sơ. Thực vậy, sơ đã có rất nhiều sự đóng góp quan trọng về nghệ thuật và các khoa học tự nhiên mà chúng ta có thể gọi sơ là người phụ nữ của thời kỳ Phục Hưng nếu không phải thời Phục Hưng đã xảy ra vài trăm năm sau đó.
Người Thiếu Nữ Tận Tâm Thời Trung Cổ
Chúng ta biết khá nhiều về sơ Hildegard cho dẫu thời của chúng ta cách xa với thời của sơ. Sơ có một cuộc sống đầu đời tương đối bình thường, mặc dù điều đó có thể có một chút đặc biệt đối với chúng ta. Là người con thứ mười của một gia đình quý tộc, sơ được coi là một “phần mười” đối với Giáo Hội. Điều đó có nghĩa là khi Hildegard được khoảng tám tuổi, cha mẹ của sơ đã gửi sơ vào sống trong một tu viện ở Rừng Palatinate của Đức ngày nay.
Jutta, người phụ nữ thánh thiện đã được giao phó chăm sóc Hildegard, là một phụ nữ thông minh và uyên bác, cũng xuất thân trong một gia đình quý tộc. Dưới sự dạy dỗ của Jutta, Hildegard đã học để biết và yêu mến Thánh Kinh và quy luật Dòng Biển Đức. Hildegard đã học những nguyên tắc căn bản về việc đọc và viết. Có lẽ trong suốt những năm đầu đó, Hildegard cũng đã học chơi cổ psaltery (một loại đàn hạc), đã khám phá ra thuốc thảo dược, đồng thời bắt đầu vẽ tranh và làm vườn.
Sau khi Jutta qua đời, Hildegard được các chị em bầu làm người dẫn dắt cộng đoàn. Khi cộng đoàn phát triển về không gian, sơ Hildegard đã thành lập một đan viện mới ở Bingen, với thiết kế máy nước rất hiện đại. Từ đó, sơ đã dùng những khả năng Chúa ban để tiếp năng lượng cho Giáo Hội và thế giới. Sơ có ảnh hưởng rất lớn đến nỗi khi sơ qua đời, ở tuổi 81, người ta nói rằng có hai dòng ánh sáng tạo thành một thánh giá trên bầu trời trong phòng của sơ.
Phân Định và Công Bố
Hildegard có lẽ không chọn lựa về định hướng căn bản cho cuộc đời của mình: Điều đó được quyết định bởi cha mẹ của sơ. Tuy nhiên, sơ đã biến nó đích thực thành của riêng mình, bằng cách diễn giải thế giới này dựa vào những thuật ngữ của riêng sơ – những thuật ngữ đó sơ đã khám phá ra trong cầu nguyện và trong sự khiêm tốn lắng nghe Thiên Chúa. Kết quả là, sơ đã sống một cuộc sống đích thực mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô gọi sơ là một “người phụ nữ vĩ đại” và một “nữ ngôn sứ”, người cũng nói rất đúng lúc với chúng ta ngày nay, qua khả năng can đảm của sơ để phân định những dấu chỉ của thời đại”.
Khám phá tất cả những cách thức mà Hildegard đã sử dụng tiếng nói của chính sơ và đã thấy ánh sáng của chính sơ thì có mà viết ra đầy những cuốn sách. Thực vậy, người ta đã thực hiện những cuốn sách mà chính sơ đã viết dựa trên những thị kiến mà sơ có từ lúc còn nhỏ. Không giống với những người quá dễ dàng ba hoa về chính mình (và có những người ba hoa ngay cả về thời của Hildegard), Hildegard lúc đầu đã từ chối viết về các thị kiến của mình. Sơ đắn đo về “sự nghi ngờ, ý kiến tiêu cực và tính đa dạng, nhiều vẻ của lời lẽ con người”. Dẫu vậy, sau khi ngã bệnh nặng, sơ Hildegard tin rằng Thiên Chúa muốn sơ cho mọi người biết những gì sơ đã thấy.
Và như vậy, khi ở độ tuổi 42, sơ Hildegard đã bắt đầu viết bản văn nổi tiếng nhất của mình, có tựa đề Scivias (Nhận biết các Đường Lối của Thiên Chúa). Trong mười năm thực hiện, tác phẩm đã mô tả mười ba thị kiến về các chủ đề – chẳng hạn như sự thống nhất của tất cả mọi sinh linh, sự sa ngã và ơn cứu chuộc, sự chiến đấu của đời sống thiêng liêng và tầm quan trọng của Thánh Lễ – (những chủ đề đó) vẫn con vang vọng với chúng ta ngày nay.
Nhưng Hildegard đã không dừng lại ở việc chia sẻ các thị kiến của mình. Sơ cũng sáng tác thơ và âm nhạc, đồng thời đảm nhận một công việc trao đổi thư từ rộng rãi. Thực vậy, sơ đã trao đổi thư từ với rất nhiều người (với cả Thánh Bernard thành Clairvaux và nhiều vị Giáo hoàng) đến nỗi một người viết tiểu sử gọi sơ là “Viện Mẫu thân yêu của thế kỷ XII”.
Dâng cho Thiên Chúa Tất Cả
Nhờ cách mà sơ Hildegard đã tự làm chủ thế giới của riêng mình, sơ ở trong danh sách ít những vị thánh tôi ngưỡng mộ nhất. Ở đây, không theo thứ tự đặc biệt nào, có một số lãnh vực tôi đã đánh giá cao sơ như một gương mẫu cho cuộc sống của chính tôi.
Thứ nhất: Y khoa (Thuốc). Có tới gần 600.000 lượt tìm kiếm về Hildegard và thuốc, bao gồm các bài viết trên các trang báo New York Times cũng như hàng tá cuốn sách. Vô số các bác sĩ trên khắp thế giới áp dụng cách tiếp cận tổng thể để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và tâm linh. Với việc thay đổi thuốc được chấp nhận ở nhiều nơi hơn, các tác phẩm của sơ như Physica (về các khoa học tự nhiên) và Causae et Curae (Nguyên nhân và Việc Chữa trị) (cung cấp khoảng hai ngàn loại thảo dược và các loại thuốc khác) việc đọc chúng trở nên thật tuyệt vời. Những tác phẩm đó cũng cống hiến nhiều lời khuyên khôn ngoan và thực tế cho những người yêu thích tự đảm nhận vai trò chủ động về sức khỏe của chính mình.
Thứ hai là âm nhạc. Hildegard yêu thích âm nhạc, sơ nói rằng âm nhạc mang chúng ta trở lại với cảm hứng của cuộc tạo dựng nguyên thủy. Sơ cũng viết âm nhạc riêng của mình, bao gồm nhiều bài hát thánh ca giai điệu mới mẻ và những gì có thể xem là tác phẩm opera đầu tiên. Với những bản ghi âm hiện đại của sơ, hơn 70 sáng tác âm nhạc vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay, những tác phẩm từng ít người biết đến, với sự nhấn mạnh đến Thiên Chúa và đức tin, giờ đây hàng triệu người biết đến (Thực tế, đây là cách tôi đã được giới thiệu để biết sơ Hildegard).
Lý do thứ ba tôi khâm phục sơ Hildegard là cả một ngàn năm trước (khi có) phong trào về môi trường, sơ đã có một tình yêu đặc biệt đối với “sự xanh hóa” của Thiên Chúa. Cả thế giới tự nhiên được sơ đưa vào “các công trình của Thiên Chúa”, một sự tiếp cận mới lạ trong thời đại của sơ. Sơ thường nhấn mạnh đến trách nhiệm của chúng ta phải trở nên những người quản gia tốt, giữ gìn và chăm sóc thế giới này, thế giới mà Thiên Chúa đã yêu thương cho nó hiện hữu. Sơ viết: “Tất cả thiên nhiên đều do con người tùy ý sử dụng”. “Chúng ta phải làm việc với thiên nhiên. Không có nó, chúng ta không thể tồn tại”.
Thứ tư, tôi đánh giá cao sơ Hildegard bởi vì mặc dầu sơ đã luôn luôn là một người con (gái) tận tâm của Giáo Hội, sơ đã không sợ nhìn ra và đối diện với sự xấu trong Giáo Hội. Chẳng hạn, trong thời của sơ, việc thực hành mại thánh – mua và bán các chức vụ của Giáo Hội và các đặc quyền thiêng liêng – đã trở nên phổ biến và được chấp nhận cách rộng rãi. Hildegard đã đứng lên chống lại các nhà chức trách của Giáo Hội, khẳng định rằng các ân huệ của Thiên Chúa không thể được bán như những thứ thông thường ở chợ. Vào thời điểm mà các phụ nữ đã không thực hiện điều đó “đại loại là”, sơ đã thực hiện bốn chuyến giảng thuyết, kêu gọi cả giáo sĩ và giáo dân ăn năn thống hối. Sự can đảm của sơ trong việc lên tiếng chống lại sự tham nhũng và những việc làm sai trái đã khiến sơ trở nên một mẫu gương cho tất cả chúng ta.
Cuối cùng, tôi nhận thấy nơi sơ Hildegard một gương mẫu tuyệt vời về việc biến tất cả mọi sự trong cuộc sống của chúng ta thành “một của lễ sống động, cháy bỏng trước bàn thờ của Thiên Chúa”. Không quan trọng sơ đã làm gì, từ việc giảng thuyết đến việc vẽ tranh, chiêm niệm đến việc bốc thuốc chữa bệnh, sơ Hildegard đã làm tất cả để vinh danh Thiên Chúa, như một quà tặng dâng lên Đấng Sáng Tạo. Sơ đã không chia mảnh cuộc đời của mình; sơ đã sống nó cách đầy đủ và trọn vẹn, hiểu rằng tất cả mọi sự đều hoạt động ăn khớp nhau đối với những ai yêu mến Chúa.
Sống Đích Thực!
Cho dù thánh thiện và có tầm ảnh hưởng, sơ Hildegard đã không được chính thức phong thánh cho đến ngày 10 tháng 5 năm 2012, khi người đồng hương của sơ, là Đức Giáo hoàng Benêđicto XVI, đã thêm sơ vào danh sách các thánh chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Chỉ vài tháng sau đó, ngày 07 tháng 10, ngài đã công bố Thánh Hildegard là Tiến sĩ của Hội Thánh, bảo đảm rằng tiếng nói và ánh sáng của sơ sẽ mời gọi chúng ta sống một cuộc sống đích thực cho những năm tiếp sau này.
Người ta nói rằng theo thời gian tất cả mọi sự sẽ lại trở nên mới mẻ. Thánh Hildegard Bingen, một nữ tu thời trung cổ người đã trở nên ánh sáng cho thời hiện đại, đang chứng tỏ sự khôn ngoan của lời khẳng định đó. Khi tham dự vào hàng ngũ một số những nhà tư tưởng vĩ đại và thầy dạy đức tin, ước mong thánh nhân sẽ truyền cảm hứng cho mỗi người chúng ta để khám phá và hết sức đón nhận những tài năng và con đường độc nhất mà Thiên Chúa đang kêu mời gọi chúng ta.
Đây là một trích lọc từ cuốn sách có tựa đề Đối diện với Nghịch Cảnh bằng Ân Sủng, tác giả Woodeene Koenig-Bricker (The Word Among Us Press, 2012) và có thể truy cập từ www.wau.org/books.