I. LỜI CHÚA; Ga 20,1-9
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
II. SỐNG LỜI CHÚA
Niềm vui phục sinh là niềm vui vĩ đại nhất của người Kitô hữu. Hôm nay là Chúa nhật của tất cả các ngày Chúa nhật trong năm, vì nếu không có ngày Chúa Nhật phục sinh thì không có niềm tin Kitô hữu, không có niềm tin vào Đức Kitô. Niềm vui phục sinh là niềm vui giải đáp được vấn nạn tại sao Thiên Chúa đã muốn Đức Kitô yêu thương cứu độ nhân loại qua con đường khổ nạn. Niềm vui phục sinh cũng là niềm an ủi chúng ta giữa những bế tắc, đau khổ hầu như không lối thoát của mầu nhiệm thập giá nơi bản thân, trong gia đình và ngoài xã hội. Và trong chính lúc niềm vui phục sinh được loan báo, toàn thể gia đình nhân loại sẽ hân hoan trở về qui tụ dưới vương quyền của Đức Kitô. Do đó, tham dự mừng lễ Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay chúng ta cùng nguyện xin Thiên Chúa ban Thần Khí hướng dẫn chúng ta hiểu biết, xác tín và tràn đầy niềm vui hơn trong mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.
1. Niềm vui Đức Kitô sống lại từ cõi chết.
Hôm nay chúng ta hãy tưởng tượng lại khung cảnh các môn đệ đang tuyệt vọng vì chính mắt các ông đã chứng kiến Thầy của mình bị chết khổ nhục trên thập giá. Quả thật, các ông buồn rầu mất định hướng! Các ông thường ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ hãi người Do Thái. Nhưng từ nguồn tin của chị Maria Madalena về ngôi mộ trống, ông Phêrô và Gioan đã tung cửa chạy đến mồ quan sát. Riêng người môn đệ Chúa yêu đã ghi lại rằng ông đã thấy và đã tin. Vì trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Rồi sau đó, tất cả các đoạn Tân ước nói về Chúa Giêsu sống lại đều ghi nhận: “các môn đệ vui mừng vì đã nhìn thấy Chúa” (Ga 20,20). Vâng, các ông đã loan tin mừng cho nhau về việc mình đã được nhìn thấy Chúa (x. Ga 20, 18.25)
Cũng như các môn đệ, khi tham dự cuộc khổ nạn với cái chết đẫm máu của Đức Kitô, chúng ta cũng không thể hiểu nổi: Tại sao Thiên Chúa lại muốn Đức Kitô phải cứu độ nhân loại bằng con đường thập giá? Nhiều học giả đã đặt vấn đề: Tại sao Thiên Chúa tốt lành lại bắt con mình phải trải qua những cực hình đau thương như thế? Các câu hỏi xem ra có lý, nhưng nếu Đức Giêsu không chịu hiến tế vì tội chúng ta như thế thì sẽ không có ngày phục sinh đầy ấn tượng và hy vọng như hôm nay. Do đó, niềm vui phục sinh là niềm vui Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và đau khổ, niềm vui được chiêm ngắm Đức Giêsu đang sống, đang hiện diện trong một cách thức mới, mở ra cho những ai tin vào Người một con đường sự sống, con đường hy vọng giữa những đổi thay của cuộc đời.
2. Niềm vui cho những ai vác thập giá
Hơn bao giờ hết, trong xã hội hiện đại người ta cũng đang phàn nàn than trách và thách đố niềm tin của những Kitô hữu đang phải vác thập giá của bệnh tật, thiên tai và bất hạnh từ những gia đình đổ vỡ. Họ cho rằng nếu có một Thiên Chúa là tình yêu với quyền năng tuyệt đối, tại sao lời cầu nguyện của kẻ lành xem ra vẫn không được nhận lời? Thiết nghĩ đó chỉ là vấn nạn của những người chưa tin vào mầu nhiệm phục sinh và chưa một lần được cảm nghiệm về niềm vui phục sinh. Vì nếu phân tích về đau khổ thì khi cưu mang và sinh con, bà mẹ nào cũng đã trải qua đau khổ; nhưng trong tình yêu thì việc sinh con đối với người phụ nữ thực sự là một món quà, một hồng ân cao quí không thể diễn tả được.
Một hình ảnh nhỏ khác cũng có thể minh họa về niềm vui phục sinh là tâm trạng của một số bệnh nhân: ngay trong chính căn bệnh, họ cảm nhận mình được yêu thương từ những người thân trong gia đình và những người làm công tác từ thiện hơn là khi họ khỏe mạnh phải lo bơi chải kiếm ăn. Và ngay trong những thiên tai, bất hạnh, nhiều người cũng có được niềm vui tràn nước mắt khi đón nhận được sự giúp đỡ của anh em đồng loại từ khắp năm châu.
Đặc biệt hơn cả, niềm vui phục sinh mang đến cho tất cả những người đang vác thập giá một niềm hy vọng rằng: qua đau khổ họ có cơ hội để sống yêu thương; và khi họ cùng chết với Chúa Kitô, họ sẽ được sống lại với Người.
3. Loan báo niềm vui phục sinh
Niềm vui phục sinh là niềm vui cảm thấy được sự hiện diện của Đức Kitô. Lời loan báo niềm vui phục sinh đầu tiên của chị Maria Madalena cho các tông đồ là: “Tôi đã thấy Chúa”. Tiếp đến, lời rao giảng Tin Mừng của Thánh Phêrô và các tông đồ là lời chứng thật rằng: Đức Kitô đã chết và sống lại, Người vẫn đang sống, đang hiện diện và điều khiển Giáo Hội của Người. Thực ra, là Kitô hữu, chúng ta chỉ có thể loan báo niềm vui phục sinh, khi từ nội tâm chúng ta luôn dâng lên Chúa lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ vì Chúa Giêsu đang ở trong chúng ta, đang yêu thương chúng ta. Chúng ta đang được sống bằng sức sống của Chúa.
Với kinh nghiệm về niềm vui phục sinh, người Kitô hữu luôn được mời gọi thể hiện tình yêu, chia sẻ khổ đau với anh em đồng loại để qua việc tiếp cận với chúng ta, họ cảm nhận được một Chúa Kitô đang sống, đang yêu thương, cảm thông, ủi an và nâng đỡ họ. Nhờ đó, trước những hậu quả do tội lỗi gây ra, tất cả mọi người luôn được mời gọi tin vào ơn cứu độ của Đức Kitô, Đấng đang đi tìm những con chiên lạc, những người nghèo hèn để yêu thương và phục hồi nhân phẩm họ với tước vị là con Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống trong niềm vui phục sinh vì Chúa đang sống, đang hiện diện và điều khiển Giáo Hội. Chính niềm vui phục sinh đã cho chúng con hy vọng rằng: qua đau khổ chúng con có thêm cơ hội để sống yêu thương. Nhờ đó, giữa những bế tắc, đau khổ hầu như không lối thoát của mầu nhiệm thập giá nơi bản thân, trong gia đình và ngoài xã hội, chúng con vẫn có thể loan báo Tin Mừng Phục sinh của Chúa. Amen.
Têrêsa Phạm Thị Oanh