Mỗi ngày khi làm dấu Thánh Giá: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần, người tín hữu lại tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống. Là mầu nhiệm không thể hiểu hết ý nghĩa nhưng lại thấm sâu vào trong mọi hoạt động thường ngày. Là mầu nhiệm được sống nên có rất nhiều cảm nghiệm để gia tăng lòng yêu mến.
Giống như huyền nhiệm trải ra trước cuộc sống, chẳng riêng gì người Kitô hữu mới suy tư về cuộc đời. Mỗi cuộc đời đang sống là một suy tư, mỗi suy tư là một dòng chảy tìm về đại dương. Vẫn là một mênh mông, thế nhưng một mênh mông cứ sống, suy tư và rồi sẽ hiểu trong phạm vi chính cuộc đời của mình. Tình yêu của Thiên Chúa tỏ bày cho loài người là thế, chẳng ai kể siết mà cũng chẳng ai thấy giống ai. Chúa yêu thương loài người và từng người một, mỗi người một cách, mỗi người một vẻ, để rồi trong mỗi cách mỗi vẻ ấy, con người hướng tìm đến một khám phá lớn lao cho chính mình.
Dòng chảy của mỗi cuộc đời, có sự bắt đầu của khơi nguồn để đi vào nhân thế, chẳng biết từ thưở nào nhưng lại là một thưở khi Thiên Chúa cất tiếng mời gọi con người đi vào cuộc sống. Thánh Iréneé nói đến định thức: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống và sự sống của con người chính là nhìn thấy Thiên Chúa”. Định thức ấy chi phối mọi cuộc sống trên trần gian này, dù có nhận biết Thiên Chúa hay không, Thiên Chúa vẫn hằng hữu và Thiên Chúa vẫn lên tiếng mời gọi từng cuộc đời ra khơi. Ra khơi để tìm kiếm và ra khơi để thoả những câu hỏi khắc khoải về cuộc đời mình. Như thế, chúng ta hiểu được rằng khi Thánh Augustine diễn tả: “Lòng con khắc khoải tìm kiếm Chúa cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”. Khắc khoải nhưng không âu lo, khắc khoải của một con người đợi chờ Tình Yêu đến để hoàn thành chính cuộc đời và nhận ra lời tạ ơn chân thành nhất của cuộc sống con người: “Chúa đã không để con đời đời mà lại sinh ra con, cho con được làm người” (Kinh Cám Ơn). Tuyệt diệu thay cho con người thế chúng ta khi được chính Thiên Chúa cất tiếng mời gọi vào cuộc đời.
Thiên Chúa đã lên tiếng và tiếp tục lên tiếng ngay trong chính Người Con của Người. Sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người đã bằng xương bằng thịt, “Lời đã trở nên xác phàm và đã ở giữa loài người” (Ga 1, 10). Thiên Chúa đã đến để cho con người được biết mầu nhiệm Thiên Chúa. Thế nhưng, mạc khải của Thiên Chúa vẫn là một ẩn giấu. Sự ẩn giấu làm nên một sức mạnh cho cuộc vận động vươn tới của từng cá nhân không bao giờ thấy chán nản, Henri De Lubac diễn tả: “Con người tìm Chúa không giống như người hà tiện thu góp của cải, hoặc giống như người hoạ sỹ vẽ đi vẽ lại bức chân dung. Con người đi tìm Chúa giống như người bơi lội giữa đại dương, mỗi lần tiến tới là mỗi lần đẩy lui một đợt sóng. Bơi lội trong đại dương làm cho con người sợ hãi, lo sợ không tới bến. Nhưng Thiên Chúa vừa là Bến Bờ vừa là Đại Dương. Ai bơi lội trong Đại Dương là bơi lội trong Chúa. Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, và ở trong Chúa cũng đang là hướng tới Chúa”.
Huyền nhiệm và tiếp tục mở ra những huyền nhiệm, nhưng sống huyền nhiệm lại là một cách sống sinh động, năng động tiến về phía trước. Lối đi muôn ngã nhưng lối đi ngọt ngào của những giai điệu tình yêu. Thiên Chúa là Cha Yêu thương, một tình yêu thương thấm đượm vào từng loài thụ tạo chính Chúa dựng nên. Khi ta yêu một bài thơ hay, ta biết rằng không chỉ bài thơ hay mà bài thơ ấy diễn tả được nét kiều diễm cuộc sống mà ta đang được hưởng phúc. Thánh Augustine trong cuốn “tự thuật” diễn tả nỗi lòng của mình khi yêu Chúa: “Con yêu gì khi yêu Chúa, con yêu một ánh sáng, một âm thanh, một mùi thơm, một của ăn, và một sự ôm ấp trong con người nội tâm”. Càng say ngắm vẻ đẹp thiên nhiên lại càng khát khao tìm kiếm Đấng Tác Thành nên chúng, nên khi ta yêu, ta không hề muốn chiếm hữu dừng lại cho riêng mình, trái lại còn thêm ước muốn chia sẻ cho nhiều người cùng chung vui. Tình yêu của khát vọng vô biên ấy vẫn là một tình yêu sống để rồi kể ra cho mọi người. Con người tìm kiếm Thiên Chúa luôn luôn là con người tường thuật vinh quang của Thiên Chúa đã đoái thương đến chính phận nhỏ của mình: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, lòng trí tôi vui mừng trong Thiên Chúa cứu độ tôi” (Lc 1, 47).
Cảm nghiệm về Tình Yêu Thiên Chúa là cảm nhận giữa cuộc đời trồi sụt của chính mình. Con người giữa những sóng đời, vào những khi phong ba bão táp, bởi chính ta, con người đã sinh ra mang thân tội lỗi. Tội lỗi luôn làm xáo động gây nên mất trật tự bình an của đời sống. Vào những lúc này, người đi tìm Chúa sẽ kinh nghiệm hơn về lòng Chúa yêu thương, như thánh Phanxicô Xavier diễn tả: “trải qua những hiểm nguy chết người, học cho biết lòng Chúa yêu thương”. Giữa sóng gió mà vẫn thấy được Chúa yêu thương đó chẳng phải là hoa trái của Chúa Thánh Thần ban cho sao? Một cảm nghiệm rất thực đang đến với con người tìm kiếm, bởi vì “Hãy tìm kiếm Chúa, các ngươi sẽ được sống” (Am 5, 4), Sự sống tuôn chảy cách mạnh mẽ trong con người tìm kiếm và luôn trải ra giữa những thăng trầm của đời sống. Con người không chỉ là bụi đất nhưng con người còn là linh thiêng vì đã đón nhận hơi thở sự sống của Thánh Thần Thiên Chúa. Con người lãnh nhận ấy luôn thao thức về chính hơi thở mà mình đã lãnh nhận, cho nên sống cũng chính là lên đường tìm kiếm Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu mạc khải cách rõ ràng “Ngài là Đấng ban sự sống và bảo vệ sự sống cho con người”. Chúa Thánh Thần hướng dẫn con người bằng cách giáo hoá nội tâm những gì Chúa Giêsu đã truyền dạy, lên án tội lỗi nơi con người đồng thời cũng là trạng sư cho người mang tội. Giáo hoá và chữa lành con người để con người giữa sóng vỗ vẫn thấy được sự bình an. Bình an của Chúa Thánh Thần ban tặng là một sự bằng an không hệ tại những hoàn cảnh bên ngoài.
Chúa Thánh Thần đang viết lịch sử cuộc đời của con người chúng ta vào lịch sử Ba Ngôi Thiên Chúa. Một lịch sử của đời thường này, cuộc đời chóng qua này, thân hay chết này lại mặc lấy sự vĩnh cửu. Một bảo đảm chắc chắn và quả quyết của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Chúa Giêsu qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Thánh Thần đã đón nhận sự chết của Chúa Giêsu và đã phục sinh Ngài trong sự sống mới. Trong mầu nhiệm mạc khải người tín hữu biết được điều này là một điểm tựa chắc chắn cho niềm tin vào Thiên Chúa.
Nếu dừng lại không tìm kiếm Thiên Chúa, con người sẽ không hay biết, sẽ mù mờ trong lối đi của mình. Chúng ta biết rằng, Chúa Thánh Thần hoạt động đa năng, đa dạng, Chúa Thánh Thần dùng người này và người kia để nói lên Ý định yêu thương của Thiên Chúa. Nhiều cách để tiếp cận bởi nhờ Chúa Thánh Thần gợi lên hứng khởi trong tâm hốn người tìm kiếm. Chúa Thánh Thần làm nên những “cái mới” và hết cái mới này đến cái mới khác. Cái đẹp cái hoàn mỹ của thiên nhiên cũng chỉ phản ảnh phần nhỏ nào vẻ đẹp của Thiên Chúa. Thánh Thần làm tươi trẻ bộ mặt trái đất trong niềm hân hoan nơi những con người làm cho trái đất ngày càng xinh tươi và bảo vệ sự sống trên trái đất này.
Tình yêu của Thiên chúa mãnh liệt như cách nói của nhà thần học: “Thiên Chúa say mê con người”. Say mê cho đến nỗi Tình yêu được diễn tả: “Thiên Chúa yêu mến thế gian cho đến nỗi ban Con Một của Người cho nhân loại, để nhờ Con Một của Người một nhân loại được cứu thoát” (Ga 3, 16). Nơi Người Con của Thiên Chúa, con người gặp gỡ chính Đấng đã tạo dựng nên mình và gặp gỡ Tình Yêu thương của Thiên Chúa. Con người dù là tội lỗi những sau khi đã hoà giải với Thiên Chúa được chữa lành thì nguyên nhân tội lỗi kia lại trở thành nguyên nhân của mọi hoạt động hết mình vì đã nhận được ơn thứ tha: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32).
Tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là một hành vi thường nhật nhất của người tín hữu, mỗi khi làm dấu, mỗi khi nguyện kinh và ngay trong những cảm nghiệm thường nhật nhất. Thiên Chúa là Cha là Danh xưng người tín hữu kêu cầu là nhờ Chúa Thánh Thần và trong Chúa Giêsu con người được trở nên con cái Thiên Chúa.
Xin Ba Ngôi Thiên Chúa luôn chiếu tỏa ánh vinh quang Người trên cuộc sống chúng con.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan