Huấn từ của Đức Thánh Cha tại Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới

0

Huấn từ của Đức Thánh Cha
tại Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới

Gia đình là nhóm chiếm đại đa số trong Dân Chúa

25 tháng Tám, 2018 22:29

ZENIT STAFF

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico tại Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới ngày 25 tháng Tám, 2018, trong Sân Vận động Croke Park, Dublin.

******

Anh chị em thân mến, xin chào (buổi tối) anh chị em!

Cha rất cảm kích trước sự chào đón nồng hậu của anh chị em. Thật hạnh phúc cho cha được đến đây! Thật hạnh phúc khi được hân hoan kỷ niệm, vì sự kỷ niệm làm cho chúng ta trở nên nhân văn hơn và Ki-tô hữu hơn. Nó cũng giúp chúng ta chia sẻ niềm vui khi biết rằng Chúa Giê-su yêu thương chúng ta, Người đồng hành với chúng ta trên hành trình cuộc sống, và mỗi ngày Người đưa chúng ta lại gần với Người hơn.

Trong bất kỳ ngày kỷ niệm gia đình nào đều cảm nhận được sự hiện diện của mọi người: cha, mẹ, ông bà, các cháu, chú cô bác, những anh em họ, những người không thể đến và những người sống quá xa. Hôm nay ở Dublin chúng ta tập trung ở đây cho một dịp kỷ niệm gia đình để tạ ơn Chúa vì biết chúng ta là ai: là một gia đình trong Đức Ki-tô, trải rộng ra trên toàn thế giới. Giáo hội là gia đình gồm những người con cái của Thiên Chúa. Một gia đình trong đó chúng ta mừng vui với ai vui mừng, và khóc với những ai sầu khổ hoặc cảm thấy bị bị gục ngã vì cuộc sống. Một gia đình trong đó chúng ta chăm sóc cho mọi người, vì Thiên Chúa Cha đã làm cho tất cả chúng ta trở nên con cái của Người trong Bí tích Rửa tội. Đó là lý do tại sao cha khuyến khích các cha mẹ nên đưa con đi rửa tội càng sớm càng tốt để chúng có thể trở nên một phần trong đại gia đình này của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải mời mọi người đến dự bữa tiệc!

Các gia đình thân mến, chúng con là nhóm chiếm đại đa số trong Dân Chúa. Giáo hội trông sẽ như thế nào nếu không có các gia đình? Nó giúp chúng ta nhận ra được vẻ đẹp và tầm quan trọng của gia đình, với những góc sáng và tối mà cha đã viết trong Tông huấn Amoris Laetitia về niềm vui của tình yêu, và muốn chủ đề của Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới này là “Tin mừng của Gia đình, Niềm vui cho Thế giới”. Chúa muốn mọi gia đình trở thành dấu chỉ của niềm vui trong tình yêu của Người cho toàn thế giới. Điều này có nghĩa là gì? Tức là chúng ta, những người đã gặp gỡ được tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa, đang nỗ lực, bằng lời nói hoặc sự âm thầm, để bày tỏ nó qua những hành động tốt lành nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày và trong những thời khắc âm thầm của từng ngày.

Đó là tất cả những gì cần cho sự nên thánh. Cha thích nói về những vị thánh “hàng xóm sát bên cạnh,” đó là tất cả những con người bình thường phản ánh lại sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc sống và lịch sử của thế giới chúng ta (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, 6-7). Ơn gọi yêu thương và nên thánh không phải là một điều dành riêng cho nhóm thiểu số những người có đặc quyền. Ngay cả lúc này, nếu chúng ta có đôi mắt nhìn, chúng ta có thể thấy sự nên thánh đó đang được sống ở chung quanh chúng ta. Nó âm thầm hiện hữu trong tâm hồn của tất cả các gia đình thể hiện sự yêu thương, sự tha thứ, và lòng thương xót khi họ nhìn thấy những người thiếu thốn, và làm nó trong âm thầm, không cần phải phô trương ồn ào. Tin mừng của gia đình thật sự là niềm vui cho thế giới, như vậy trong gia đình của chúng ta có thể luôn tìm thấy sự hiện diện của Chúa Giê-su, cư ngụ trong sự đơn sơ và khó nghèo như Người đã sống trong Gia đình Thánh ở Nazaret.

Chỉ có thể nhìn thấy toàn bộ vẻ đẹp và sự cuốn hút của hôn nhân và đời sống gia đình Ki-tô giáo nếu chúng được neo đậu trong tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Người để chúng ta có thể dâng lên Ngài niềm vinh quang như là những biểu tượng của tình yêu và sự nên thánh cho thế gian. Thưa các bậc cha mẹ, ông bà, những người con và những người cháu: tất cả chúng ta được kêu gọi để tìm kiếm sự kiện toàn trong tình yêu ngay trong gia đình. Ơn sủng của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta sống mỗi ngày nên một trong tâm trí và trong tâm hồn. Ngay cả với những người con dâu và mẹ chồng! Không ai dám nói đây là điều dễ dàng. Nó cũng giống như việc pha trà: lấy nước đem đi đun sôi là dễ, nhưng một tách trà ngon cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn; nó cần phải pha chế! Vì vậy từng ngày từng ngày Chúa Giê-su sưởi ấm chúng ta bằng tình yêu của Ngài và để nó thấm nhập vào hữu thể chúng ta. Từ kho tàng Thánh Tâm của Người, Người tặng ban cho chúng ta ơn sủng cần thiết để chữa lành những yếu đuối của chúng ta và mở rộng trí óc và tâm hồn chúng ta để lắng nghe, thấu hiểu và tha thứ cho nhau.

Chúng ta vừa nghe các chứng ngôn của Felicité, Isaac, và Ghislain, họ từ Burkina Faso đến. Họ kể cho chúng ta câu chuyện cảm động về sự tha thứ trong gia đình. Một nhà thơ nói rằng “sai phạm thuộc về con người, tha thứ thuộc về Thiên Chúa.” Và điều đó rất đúng: tha thứ là một món quà đặc biệt từ Thiên Chúa để chữa lành những đau khổ của chúng ta và đưa chúng ta lại gần nhau hơn và đến gần Người hơn. Những hành động tha thứ nhỏ bé và đơn sơ, được canh tân mỗi ngày, là nền tảng để xây dựng đời sống gia đình Ki-tô hữu vững chắc. Chúng buộc chúng ta phải vượt qua tính tự cao, sự xa lánh, và sự lúng túng, và xây dựng hòa bình. Đúng là cha muốn nói rằng trong gia đình chúng ta cần phải học ba từ ngữ: “xin lỗi,” “làm ơn” và “cảm ơn.” Khi xảy ra cãi nhau trong nhà, hãy nhớ rằng trước khi đi ngủ bạn hãy xin lỗi và nói rằng bạn rất tiếc về chuyện đó. Ngay cả khi cuộc cãi vã đó dụ dỗ bạn bước sang ngủ ở phòng khác, một mình và xa cách, thì hãy đến gõ cửa và nói: “Xin em/anh, cho anh/em vào nhé.” Và tất cả những gì cần có chỉ là một ánh mắt nhìn, một nụ hôn, một lời nói nhẹ nhàng … và mọi việc lại trở về như trước đó! Cha phải nói điều này vì khi gia đình thực hiện như vậy thì họ mới thoát qua được. Chẳng có một gia đình nào là hoàn hảo; nếu không có sự tha thứ, gia đình phát triển một cách èo uột và dần dần tan vỡ.

“Tha thứ” có nghĩa là “cho đi” một điều gì đó của chính bản thân bạn. Chúa Giê-su luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Qua sức mạnh của sự tha thứ của Người, chúng ta cũng có thể tha thứ cho người khác, nếu chúng ta thực tâm muốn như vậy. Có phải là chúng ta vẫn cầu nguyện như vậy khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha? Con cái học cách tha thứ khi chúng nhìn thấy cha mẹ tha thứ cho nhau. Nếu chúng ta hiểu điều này, chúng ta mới hiểu rõ giá trị cao cả giáo huấn của Chúa Giê-su về sự chung thủy trong hôn nhân. Nó không phải là một nghĩa vụ pháp lý lạnh lùng, nhưng trên tất cả nó là một lời hứa mạnh mẽ của sự trung tín của Thiên Chúa đối với lời của Người và ơn sủng không bao giờ cạn của Người. Đức Ki-tô đã chết cho chúng ta, và vì vậy về phần chúng ta, chúng ta hãy tha thứ và hòa giải với nhau. Theo cách này, là những cá nhân và các gia đình, chúng ta có thể hiểu được chân lý trong lời nói của Thánh Phaolo rằng khi mọi sự qua đi thì “đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13:8).

Cảm ơn Nisha và Ted, về chứng tá của chúng con đến từ Ấn độ, nơi chúng con đang dạy những đứa con của mình cách trở thành một gia đình thật sự. Chúng con đã giúp chúng ta hiểu rằng các mạng xã hội cũng không hẳn là một vấn đề cho các gia đình, nhưng lại có thể sử dụng để xây dựng một “mạng lưới (web)” của tình bạn, tình đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Các gia đình có thể kết nối qua internet và gặt hái những ích lợi từ nó. Các mạng xã hội có thể trở nên hữu ích nếu được sử dụng một cách điều độ và thận trọng. Chẳng hạn, tất cả anh chị em tập trung ở đây trong Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới này đã tạo thành một mạng lưới tinh thần, một mạng lưới của tình bạn; các mạng xã hội có thể giúp anh chị em duy trì sự kết nối này và mở rộng nó ra thậm chí với nhiều gia đình khác trên toàn thế giới. Nhưng điều quan trọng là những mạng xã hội này không bao giờ được trở thành một sự đe dọa cho mạng kết nối thật của những mối quan hệ giữa người với người bằng cách cầm tù chúng ta trong một thực tại ảo và cô lập chúng ta tách khỏi những mối quan hệ thật, những mối quan hệ thách đố chúng ta phát triển khả năng trọn vẹn của chúng ta trong tình hiệp nhất với người khác. Có thể câu chuyện của Ted và Nisha sẽ giúp mọi gia đình đặt câu hỏi rằng liệu họ có cần phải cắt bớt thời gian họ dành cho công nghệ, và dành nhiều thời gian quý giá hơn cho nhau và với Thiên Chúa.

Chúng ta đã nghe câu chuyện của Enass và Sarmaad nói về cách mà sự yêu thương và đức tin của gia đình có thể trở thành một nguồn sức mạnh và bình an ngay cả giữa những bạo lực và tàn phá do chiến tranh và bách hại gây ra. Câu chuyện của họ nhắc chúng ta nhớ đến những hoàn cảnh bi thảm của quá nhiều gia đình phải gánh chịu hàng ngày và bị buộc phải trốn chạy khỏi quê hương của họ để tìm sự an toàn và hòa bình. Nhưng họ cũng cho chúng ta thấy rằng bắt đầu từ gia đình, và nhờ vào sự đoàn kết được thể hiện nơi rất nhiều gia đình khác, mà cuộc sống có thể được tái xây dựng và hy vọng được tái sinh. Chúng ta nhìn thấy điều này trong video của Rammy và người anh là Meelad, nơi Rammy bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với sự động viên và giúp đỡ của rất nhiều gia đình Ki-tô hữu trên toàn thế giới dành cho gia đình họ, những người đã giúp họ có thể quay trở về làng của mình. Trong mọi xã hội, gia đình tạo ra sự bình an, vì họ dạy những nhân đức yêu thương, chấp nhận, và tha thứ là liều thuốc giải tốt nhất cho sự thù hận, thiên kiến, và trả thù đầu độc sự sống của các cá nhân và cộng đoàn.

Một linh mục người Ireland đã dạy chúng tôi rằng, “gia đình cùng cầu nguyện sẽ cùng thuận hòa với nhau” và chiếu tỏa sự bình an. Một gia đình như vậy có thể trở thành sự hỗ trợ cho những gia đình không sống trong bình an theo một cách đặc biệt. Sau cái chết của Cha Ganni, Enass, Sarmaad, và gia đình của họ đã chọn sự tha thứ và hòa giải để vượt qua lòng phẫn uất và thù hận. Dưới ánh sáng của thập giá, họ nhận thấy rằng điều ác chỉ có thể bị đánh bại bằng điều thiện, và sự thù hận chỉ có thể bị hạ gục bằng sự tha thứ. Và kỳ diệu thay, họ đã tìm thấy sự bình an trong tình yêu của Đức Ki-tô, một tình yêu đổi mới mọi sự. Tối hôm nay họ chia sẻ với chúng ta sự bình an đó.

Tình yêu của Đức Ki-tô đổi mới mọi sự chính là điều làm cho hôn nhân và tình yêu vợ chồng trở nên hiện thực qua sự chung thủy, hợp nhất, hòa thuận, và mở lòng với sự sống. Đó là điều cha đã vui mừng viết lên trong chương bốn của Tông huấn Amoris Laetitia. Chúng ta nhìn thấy tình yêu này nơi Mary và Damian và gia đình mười đứa con của họ. Cảm ơn các con về chứng ngôn và chứng tá tình yêu và đức tin của chúng con! Chúng con đã cảm nghiệm được sức mạnh tình yêu của Chúa làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống và chúc phúc cho chúng con bằng niềm vui của một gia đình rất đẹp. Chúng con nói với tất cả chúng ta rằng chìa khóa cho đời sống gia đình của chúng con là sự chân thành. Từ câu chuyện của chúng con, chúng ta nhận ra thật quan trọng biết bao phải quay trở về với nguồn mạch của chân lý và tình yêu để có thể thay đổi đời sống của chúng ta: đó là Chúa Giê-su, Người đã bắt đầu sứ vụ công khai từ một tiệc cưới. Ở đó, tại Cana, Người đã biến nước thành một loại rượu mới và ngon để giữ cho buổi tiệc được tiếp tục nhộn nhịp. Và tình yêu vợ chồng cũng như vậy. Loại rượu mới bắt đầu lên men khi đính hôn, là thời gian cần thiết nhưng lướt qua nhanh, và trưởng thành lên trong suốt cuộc đời hôn nhân qua sự cho đi giữa hai người để làm cho vợ chồng có thể trở nên “một xác thịt” từ hai thân xác. Và để mở tâm hồn ra với tất cả những người thiếu thốn sự yêu thương, đặc biệt là những người cô đơn, những người bị bỏ rơi, những người cô thế và dễ bị xúc phạm thường xuyên bị gạt bỏ bởi văn hóa loại bỏ của chúng ta.

Gia đình ở khắp nơi đang đứng trước thách đố phải tiếp tục phát triển, tiếp tục tiến tới, giữa muôn vàn khó khăn và giới hạn, cũng như các thế hệ đi trước đã trải qua. Tất cả chúng ta đều là một phần trên một chuyến hỏa xa vĩ đại của các gia đình kéo dài từ khởi thủy. Gia đình của chúng ta trở thành một kho tàng của ký ức sống động, khi đến lượt những đứa con lại trở thành cha mẹ và ông bà. Chúng ta đón nhận bản sắc riêng, những giá trị, và đức tin của chúng ta từ họ. Chúng ta nhìn thấy điều này nơi Aldo và Marissa, họ đã kết hôn trên 50 năm. Cuộc hôn nhân của họ phải là một đài kỷ niệm cho tình yêu và sự chung thủy! Những đứa cháu của họ giữ cho họ luôn trẻ trung; căn nhà của họ luôn đầy ắp tiếng cười, niềm hạnh phúc, và múa hát. Tình yêu của họ cho nhau là một món quà từ Thiên Chúa, và nó là một quà tặng mà họ đang hân hoan để lại cho con cháu của họ.

Một xã hội không biết trân quý giá trị của ông bà sẽ là một xã hội không có tương lai. Một Giáo hội không quan tâm đến khế ước giữa các thế hệ sẽ dẫn đến hệ lụy là thiếu đi điều thật sự quan trọng, đó là tình yêu. Ông bà của chúng ta dạy cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của tình yêu vợ chồng và của cha mẹ. Chính họ đã lớn lên trong một gia đình và trải nghiệm sự yêu thương của những người con trai và con gái, của anh chị em. Vì vậy họ là một kho tàng đầy ắp những kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho thế hệ trẻ. Thật là một sai lầm lớn nếu không hỏi người cao tuổi về kinh nghiệm của họ, hoặc cho rằng nói chuyện với họ chỉ phí thời gian. Đến đây cha muốn cảm ơn Missy về những chứng ngôn của bà. Bà nói cho chúng ta biết rằng gia đình luôn là một nguồn mạch của sức mạnh và sự đoàn kết giữa những người lữ khách. Chứng tá của bà nhắc chúng ta rằng trong nhà của Chúa luôn có một chỗ ngồi tại bàn cho mọi người. Không ai bị loại trừ; sự yêu thương và chăm sóc của chúng ta phải vươn ra tới mọi người.

Bây giờ đã khuya và cha biết anh chị em đã thấm mệt! Nhưng cho phép cha nói một điều cuối cùng với tất cả anh chị em. Là gia đình, anh chị em là niềm hy vọng của Giáo hội và của thế giới! Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, đã tạo dựng lên nhân loại theo hình ảnh của Người và chia sẻ tình yêu của Người, trở nên một gia đình gồm các gia đình, và cùng chung hưởng sự bình an mà chỉ mình Ngài có thể trao ban. Bằng chứng tá Tin mừng của anh chị em, anh chị em có thể giúp ước mơ của Thiên Chúa trở thành sự thật. Anh chị em có thể giúp lôi kéo tất cả những người con của Chúa xích lại gần nhau hơn để họ có thể lớn lên trong tình hiệp nhất và học cách sống hòa bình như một đại gia đình trên toàn thế giới. Vì lý do này, cha muốn gửi tặng mỗi người một quyển Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu), quyển sách cha viết như một bản đồ hướng dẫn để sống Tin mừng của gia đình một cách hân hoan. Nguyện xin Mẹ Maria, Nữ vương các Gia đình và Nữ vương Hòa bình, giúp anh chị em vững vàng trên hành trình của cuộc sống, của tình yêu, và của niềm hạnh phúc!

Và bây giờ, để kết thúc buổi tối của chúng ta hôm nay, chúng ta sẽ đọc kinh của Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới.

Đọc kinh và Phép lành

Tạm biệt anh chị em và chúc ngủ ngon! Hẹn gặp anh chị em ngày mai!

[01264-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/8/2018]

Comments are closed.

phone-icon