Có phải Thiên Chúa Đã Thực Sự Nói Điều Đó Không?
Câu chuyện của Ađam và Evà cũng là câu chuyện của chúng ta
“Đó là thời điểm tốt nhất, đó là thời kỳ tồi tệ nhất”. Đó là mở đầu cuốn tiểu thuyết kinh điển của Charles Dickens, Một Câu Chuyện về Hai Thành Phố. Khi chúng ta nhìn vào thế giới của chúng ta, chúng ta có thể đi đến một kết luận tương tự.
Nhìn vào vẻ đẹp, sự hùng vĩ và sự phức tạp của sự sáng tạo, chúng ta có thể gọi đó là điều tốt nhất của thế giới. Nhưng nhìn vào các cuộc chiến tranh và bạo lực kéo dài quá lâu, chúng ta cũng có thể gọi đó là điều tồi tệ nhất của thế giới.
Nếu chúng ta nghĩ về tất cả những phát minh mới mẻ, nguyên bản, sáng tạo mà chúng ta đã chứng kiến qua thời gian, chúng ta có thể nghĩ rằng đó là điều tốt nhất của thế giới. Nhưng cũng không mất nhiều thời gian để xem những sự đổi mới này có thể được sử dụng dễ dàng như thế nào cho mục đích xấu xa và điều đó khiến chúng ta nghĩ rằng đó là điều tồi tệ nhất của thế giới.
Khi chúng ta dừng lại để suy nghĩ về tất cả các hành động tử tế ngẫu nhiên và các hành động tự hy sinh quyết tâm trên toàn thế giới, chúng ta có thể mỉm cười và cảm thấy tự hào về những gì chúng ta có khả năng. Nhưng khi chúng ta nghĩ về tất cả sự phản bội, không chung thủy và tàn nhẫn ở ngoài kia, chúng ta cúi đầu trong sự lúng túng.
Mùa Chay là thời điểm hoàn hảo để chúng ta suy gẫm về những mâu thuẫn này. Đó là thời điểm hoàn hảo để cảm ơn Chúa vì vẻ đẹp mà Chúa đã dựng nên, để nhìn nhận tội lỗi đã bao phủ lên vẻ đẹp này và tìm đến Chúa Giêsu, Đấng là câu trả lời hoàn hảo của Thiên Chúa cho tất cả những mâu thuẫn này. Như chúng tôi đã nói trong bài viết đầu tiên của chúng tôi, chúng ta có thể tìm thấy hy vọng lớn lao trong mùa ân sủng này khi chúng ta tập trung vào lòng tốt của Thiên Chúa.
Bởi vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa là tất cả sự tốt lành và là tất cả tình yêu thương, chúng ta có thể tìm thấy sự can đảm để nhìn vào tội lỗi của chính chúng ta và tội lỗi trên thế giới. Và điều đó chính xác là những gì chúng tôi muốn thực hiện trong bài viết này.
Lúc khởi đầu… Câu chuyện về tội lỗi bắt đầu trong sách Sáng Thế, ngay sau câu chuyện về sáng tạo. Bấy giờ, sách Sáng Thế không có ý định trở thành một lời giải thích lịch sử về việc sáng tạo đã diễn ra và tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian như thế nào. Đúng hơn, Chúa Thánh Thần đã truyền cảm hứng cho các tác giả để viết nên một câu chuyện chất chứa cốt lõi của sự tốt lành của Thiên Chúa và giúp chúng ta hiểu tại sao chúng ta phạm tội và những gì tội lỗi làm cho chúng ta. Nói cách khác, sách Sáng Thế là một cuốn sách thần học tập trung vào chủ thể và lý do của sự sáng tạo, không tập trung quá nhiều về cách thức và những gì của sự sáng tạo.
Khi nói đến vẻ đẹp của sự sáng tạo trong hai chương đầu tiên của sách Sáng Thế, chúng ta thấy chủ thể – Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên thế giới và cha mẹ đầu tiên của chúng ta, là đỉnh điểm được yêu quý của sự sáng tạo của Chúa. Chúng ta cũng thấy lý do tại sao Thiên Chúa muốn chia sẻ tình yêu của Người với chúng ta như là những con trai và con gái của Người và Người muốn chúng ta sống hòa thuận hoàn hảo với Chúa và với nhau. Nhưng khi chúng ta chuyển sang câu chuyện về tội lỗi trong chương 3, chúng ta thấy một nhân vật khác, con rắn và chúng ta thấy một lý do khác tại sao con người mong muốn trở nên giống như Chúa.
Một Lời Đề Nghị Hấp Dẫn. Bắt đầu câu chuyện, người đàn bà tỏ ra sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của Thiên Chúa là không ăn trái cây giữa vườn. Nhưng con rắn giới thiệu một ý nghĩ mới kèm theo một sự cám dỗ mạnh mẽ: “Thiên Chúa biết rõ rằng khi nào ông bà ăn trái cây đó… ông bà sẽ nên giống như những vị thần” (St 3,5). Người đàn bà không thể nói không với ý tưởng đó. Ý nghĩ về việc ngang bằng với Thiên Chúa thật quá hấp dẫn. Vì thế, “bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng bà” (St 3,6).
Vào lúc đó, bức tranh về hòa bình và sự hòa hợp hoàn hảo đã nhường chỗ cho một cuộc xung đột, đố kỵ và xa lánh. Tội lỗi xâm nhập vào thế gian. Đôi mắt của cha mẹ đầu tiên của chúng ta được mở ra như con rắn đã hứa với họ – nhưng trải nghiệm đó không làm họ thích Thiên Chúa. Thay vì nhìn mọi sự với sự rõ ràng và khôn ngoan như thần thánh, thì họ lại thấy rõ những gì họ đã làm và tầm nhìn (ảo tưởng) đó làm họ tràn ngập cảm giác tội lỗi, xấu hổ và hối tiếc.
Quyết định khủng khiếp của Adam và Evà đã bắt đầu một cú trượt vào tội lỗi ngày càng trầm trọng hơn cho đến khi cuối cùng, Thiên Chúa đã quyết định bắt đầu lại bằng cách tiêu diệt con người mà Chúa đã tạo dựng nên với một trận lụt lớn (x. St 6, 5-7). Tương tự như vậy, những nỗ lực của chúng ta để trở nên các vị thần về phía chúng ta sẽ dẫn chúng ta xuống một con đường tội lỗi ngày càng sâu hơn. Khi chúng ta làm theo những ham muốn ích kỷ của chính mình, những quyết định của chúng ta sẽ mang lại những hậu quả bi thảm. Vậy những hậu quả này là gì?
Mất Sự Hòa Hợp với Chúa. Lúc đầu, cha mẹ đầu tiên của chúng ta rất thích mối tương quan gần gũi với Chúa. Họ nghe thấy giọng nói của Chúa, họ đi dạo cùng Chúa trong vườn và họ sống trong sự bình an và hồn nhiên. Nhưng khi họ ăn trái cấm, sự hồn nhiên đó đã mất. Thay vì đi lại tự do với Chúa, họ trốn tránh Chúa và cố gắng che đậy tội lỗi của họ. Hành động của họ cũng cho thấy nỗi sợ hãi bước vào cảnh đẹp. Họ không còn thấy Chúa là một người cha yêu thương. Nỗi sợ hãi và xấu hổ của họ làm họ mù quáng. Hậu quả của tội lỗi của họ hiển hiện lớn hơn lòng tốt của Thiên Chúa Đấng đã tạo dựng nên họ.
Điều tương tự xảy ra với chúng ta khi chúng ta phạm tội. Chúng ta cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Chúng ta sợ phải đến với Chúa vì lương tâm của chúng ta đang buộc tội chúng ta. Chúng ta quên rằng Thiên Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu vô biên và lòng thương xót của Người không bao giờ kết thúc. Chúng ta cảm thấy không xứng đáng đến nỗi chúng ta đánh mất sự thật rằng không có tội lỗi nào đủ mạnh để khiến Chúa ngừng yêu thương chúng ta.
Mất Sự Hòa Hợp với Nhau. Khi Thiên Chúa đối diện với Adam và Evà trước hành động của họ, cả hai đều cố gắng đổ lỗi cho nhau. Adam đổ lỗi cho Evà và Evà đổ lỗi cho con rắn. Đôi vợ chồng từng là một xác thịt này bây giờ bắt đầu tìm kiếm chính mình thay vì tìm kiếm nhau (x. St 2,24). Khi câu chuyện tiếp tục, mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Chính người con trai của họ là Cain đã giết em trai Aben vì ghen tuông (x. St 4,4-8). Laméc giết chết một người chỉ đơn giản vì đã làm ông bầm tím (x. St 4,23-24). Khi sự bất hòa (chia rẽ) tăng lên, Thiên Chúa thấy rằng mọi khao khát mà trái tim con người nghĩ ra luôn luôn là sự ác (x. St 6,5).
Phải chăng mô hình tội lỗi trong câu chuyện này nghe có vẻ quen không? Cốt lõi của mỗi tội lỗi là một chiều hướng ích kỷ cuối cùng ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Tự bảo vệ mình, chúng ta làm bất cứ điều gì cần thiết để có được những gì chúng ta muốn, bất kể điều đó ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào. Sau đó, khi chúng ta cảm thấy rằng tội lỗi của chúng ta rồi sẽ bị phát hiện, chúng ta muốn tìm cách đơn giản nhất để trốn thoát, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đổ lỗi cho người khác. Vả lại, điều này có thể bắt đầu nhỏ, nhưng hiệu ứng tích lũy của tất cả các sự chia rẽ và bất đồng của chúng ta mở đường cho tội lỗi xâm nhập và dẫn đến sự bất đồng công khai, cuối cùng dẫn đến chiến tranh.
Một Tâm Trí Vẩn Đục. Bị con rắn cám dỗ, Adam và Evà để cho suy nghĩ của họ bị che mờ. Có lẽ Thiên Chúa không tốt như chúng ta nghĩ. Có lẽ Thiên Chúa đang cố gắng ngăn chúng ta trở nên giống Chúa. Trong thực tế, Thiên Chúa đã muốn họ chia sẻ trong cuộc sống thiêng liêng của Chúa, không phải qua sự lừa dối và nổi loạn. Thiên Chúa muốn họ học cách yêu cách sâu sắc và thuần khiết như Chúa yêu. Chúa muốn tình yêu của họ được diễn tả bởi niềm tin, sự phó thác và lòng khiêm tốn. Nhưng thay vào đó, con rắn đã thuyết phục họ rằng Thiên Chúa không phải là Đấng được tin tưởng.
Giống như Adam và Evà, suy nghĩ của chúng ta cũng có thể bị che mờ. Lòng tốt của Thiên Chúa bị lu mờ bởi những ham muốn sa ngã, tự cho mình là trung tâm. Lúc đầu thì tế nhị, nhưng sau đó ngày càng rõ ràng hơn, chúng ta tin rằng những lời dối trá của kẻ ác, người nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không đứng về phía chúng ta. Chúng ta tin rằng Chúa đang giữ chúng ta lại chứ không kiên nhẫn huấn luyện chúng ta. Chúng ta bắt đầu ham muốn và chạy theo những thứ khiến chúng ta cảm thấy như một vị thần, chỉ để khám phá ra rằng chúng ta đã bị lừa gạt. Chỉ có Chúa mới có thể thực hiện những khát vọng sâu sắc nhất của chúng ta, và Chúa đau lòng khi chúng ta từ chối Chúa và tìm kiếm sự thỏa mãn thông qua những cách nông cạn, tạm thời.
Câu Chuyện Có Thật về Cuộc Sống Của Chúng Ta. Câu chuyện về tội lỗi này sẽ rất bi thảm nếu nó kết thúc với thế giới đầy mâu thuẫn mà chúng ta đã đề cập ở trên. Ở đó, không có gì buồn hơn là nhìn thấy một người có tiềm năng lớn, lãng phí tất cả những món quà của Chúa ban và ở đó, không có gì buồn hơn là nhìn thấy tất cả vẻ đẹp của thế giới và tất cả sự tốt đẹp mà chúng ta sở hữu đã bị lu mờ bởi tội lỗi, chia rẽ và cạnh tranh. Nếu đây là câu chuyện đầy đủ, thì Thánh Phaolô sẽ đúng khi nói rằng các Kitô hữu là những người đáng thương nhất trong tất cả mọi người (1 Cr 15,19).
Nhưng chúng ta biết đó không phải là kết thúc của câu chuyện. Ngay từ đầu sách Sáng Thế, chúng ta thấy một Thiên Chúa kiên nhẫn, nhân hậu, quan tâm và từ bi. Hết lần này đến lần khác, chúng ta thấy Chúa bảo vệ chính những người đã phạm tội chống lại Chúa bằng cách mặc quần áo cho Adam và Evà, bằng cách đánh dấu Cain để không ai được phép trả thù, và cuối cùng, bằng cách bảo vệ loài người khỏi trận lụt lớn (x. St 3,21; 4,15; 6,11-14).
Đây là câu chuyện có thật của thế giới chúng ta. Đó là câu chuyện về một vị Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ dân của mình nhưng Người yêu thương họ đến cùng. Đó là câu chuyện về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã đi chấp nhận thập giá để chúng ta có thể được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau và biết được sự bình an thực sự trong tâm hồn của chúng ta.
Thế giới của chúng ta có thể có nhiều điểm tối, nhưng chúng ta đừng bao giờ để bản thân trở nên chán nản. Mỗi ngày trong Mùa Chay này, chúng ta có thể vui mừng, bởi vì chúng ta biết rằng bất cứ nơi nào tội lỗi đầy dẫy, nơi đó ân sủng tràn lan hơn nhiều!
Theo The Word Among Us
Lent 2019 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương