Suy niệm: Mt 2, 13-15.19-23
Được sống giữa các gia đình, tôi mới cảm được nỗi đau khốn cùng của những gia đình đổ vỡ. Thật là bất hạnh cho họ! Tổ ấm yêu thương mà họ xây dựng khi mới cưới nhau bây giờ chỉ còn là chuyện cổ tích. Tôi vẫn nói đùa với các bạn trẻ khi dạy giáo lý hôn nhân: Chúng con đừng mơ là tình yêu của chúng con vẫn mãi là thế! Sự thật đau lòng của những người đi trước làm chúng ta suy nghĩ: Nếu không đề phòng và hâm nóng tình yêu thì sau một tháng trăng mật sẽ là ba tháng dập mật và sáu tháng vỡ mật.
Thật thế, khi đi thăm các gia đình tôi mới nghiệm ra một điều: đời sống hôn nhân ngày nay rất phức tạp và khó khăn. Khó khăn do cuộc sống, do kế sinh nhai, do cách sống, do giáo dục, do môi trường, do sự tiến bộ khoa học… và rất nhiều lý do khác ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Những yếu tố này đã làm rạn nứt nhiều gia đình. Và người ta thống kê những cặp vợ chồng ly dị ngày nay nhiều hơn thời trước. Khi còn nhỏ mỗi lần thấy bố mẹ to tiếng thì chị em chúng tôi đã mất ăn mất ngủ rồi. Còn ngày nay tôi thường được nghe những âm thanh chát chúa, cay độc, những lời nguyền rủa vô liêm sỉ từ trong các căn nhà của gia đình hàng xóm bất kể ngày đêm. Mới tờ mờ sáng hay tệ hơn trong đêm thâu khi mọi người chìm trong giấc điệp thì những tiếng đập phá la hét vang lên. Tôi có cảm tưởng Tủ lạnh, tivi … và các vật dụng trong nhà bay tới tấp dưới trận cuồng phong. Nếu ngày xưa ông cha ta sống hạnh phúc như câu ca dao:
“ Râu tôm nấu với ruột bầu,
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”
Râu tôm, ruột bầu là cái đổ vào sọt rác nhưng có gia vị của tình yêu thì cái vất đi kia cũng trở thành ngon ngọt trong các bữa ăn của gia đình.
Nhưng ngày nay hạnh phúc đó đã bị lu mờ nhiều trong các gia đình. Chính vì tình yêu đã xuống cấp nên chỉ cần một chuyện nhỏ không đáng kể cũng có thể làm gia đình tan nát.
Trước cảnh đổ vỡ của các gia đình trong xã hội ngày hôm nay thì mẫu gương của Thánh Gia Thất rực sáng với những nhân đức phi thường mời gọi các gia đình chiêm ngưỡng trong lòng khâm phục yêu mến và khiêm cung bước theo với lòng khẩn nguyện sự trợ giúp của các Ngài. Gia đình Tam Thánh đó đang hùng hồn nói với mỗi thành phần trong gia đình phải sống trọn vẹn ơn gọi của mình bằng một tình yêu vô vị lợi, bằng sự phục vụ quên mình, bằng việc tìm hạnh phúc cho nhau. Chính tình yêu này đã giúp Gia Đình Thánh vượt qua những thử thách mà gia đình thường tình không thể vượt qua. Trước những biến cố bi đát xảy đến làm nghiêng ngửa con tàu gia đình tương lai nhưng nhờ lòng vâng phục của thánh Giuse mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa không bị đảo lộn. Sự kiện mẹ Maria mang thai đã dày vò trái tim thánh Giuse. Nếu Ngài không phải là người công chính, người trung thành với Chúa và rất mực yêu Mẹ thì sự đổ vỡ đã xảy ra ngay lập tức. Còn Mẹ Maria trước biến cố động trời này mẹ chỉ biết im lặng và cầu nguyện. Đó là mẫu gương của những người cha và người mẹ trong gia đình.
Có thể nói cuộc đời của Đức Mẹ và Thánh Giuse là một chuỗi thử thách liên tiếp. Biến cố Chúa Giê-su sinh trong chuồng bò, trong cảnh cùng đinh trong xã hội, sinh giữa màn trời chiếu đất, trong máng súc vật giữa đêm đông giá buốt. Sống chung với bò lừa. Trước cảnh xua đuổi của con người, Thánh Giuse và Đức Mẹ hẳn bị cám dỗ: Thiên Chúa cao sang, Vua muôn loài, Chúa tể vô song, lại phải chịu cảnh rách nát bần cùng này chăng? Nếu không có đức tin và lòng mến son sắt thì Hai Ngài đã không đứng vững trước sóng gió này.
Tưởng rằng yên vị trong chuồng bò hôi tanh này để cho con trẻ cứng cáp, nhưng Thiên Thần Chúa truyền phải đổi chỗ ngay trong đêm, sang nước ngoài. Phương tiện di chuyển không có, thức ăn dự trữ trong những ngày ở cữ cũng không. Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mẹ Maria mới sinh, không có giờ tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi như các bà mẹ khác. Mẹ phải gấp rút lên đường để chạy trốn. Ngay trong đêm Mẹ và Thánh Giuse đã mau mắn lên đường không chậm trễ để đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập. Thiên Chúa hướng dẫn Thánh Gia chạy trốn quyền thống trị của Hêrôđê để cứu thoát con trẻ Giê-su, Đấng Israel Mới sống lại kinh nghiệm tôn giáo của mình về việc xuất hành khỏi Ai Cập. Chính ở điểm này mà Chúa Cha đã tiết lộ cho chúng ta thấy Ngài là Đấng Cứu Độ, Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa như ngôn sứ Hôsê đã loan báo (11,1). Hơn nữa, thánh Mát thêu cũng muốn đặt Chúa Giê-su song song với Maisen. Như Maisen thoát khỏi tay Pharaô thì Chúa Giê-su cũng được Mẹ Maria và Thánh Giuse bảo vệ cách rất thận trọng và khôn ngoan để Ngài không rơi vào tay bạo chúa Hêrôđê.
Sang nước người thật không đơn giản lại kèm theo những bi lụy: thân thế nghèo, gia cảnh nghèo, điều kiện nghèo, con người nghèo…phải đối đầu với những khó khăn về văn hóa, phong tục, tập quán, địa hình, con người… gia đình thánh gia chắc phải chật vật, khó khăn và kiên tâm lắm mới quen dần cái cảnh lạ nước lạ cái. Hơn nữa xứ người không có ai quen thuộc để nâng đỡ khi “tối lửa tắt đèn”. Sự nâng đỡ tinh thần và vật chất đều là con số zero. Lúc này ta mới hiểu Gia Đình Thánh phải kiên vững và yêu thương nhau lắm mới có thể đứng vững khi con thuyền tròng trành trong sóng gió.
Khi đã quen với môi trường xứ lạ, quen với cảnh sống tha phương thì Thiên thần lại truyền trở về quê hương. Lần đi đã khổ, lần về còn lận đận hơn. Gia Đình Thánh lại phải bỏ lại sau lưng những gì đã gom góp được trong bao năm qua và bắt lại từ đầu. Không dễ dàng gì cho một gia đình luôn luôn bất an về chỗ ở vì người ta thường quan niệm: “An cư rồi mới lạc nghiệp”được. Cả ba đều phải chấp nhận cảnh bèo dạt mây trôi và cố gắng dựng lại tổ ấm để Con Trẻ được dần dần lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha mẹ.
Tại quê nhà, Gia Đình Thánh hẳn cảm nghiệm cảnh nghèo bấp bênh của nghề thợ mộc nay no mai đói. Nhưng cả Ba đều trào tràn hạnh phúc của tình thương mến nhau. Gia đình Thánh toát lên một sự thánh thiện, yêu thương, hiền hòa, trung tín, phục vụ … là mẫu gương cho mọi gia đình. Thánh Giuse, trong cương vị người cha, Ngài miệt mài lao động để nuôi Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Mẹ Maria, chăm chỉ với những công việc nội trợ không biết mỏi mệt để lo hạnh phúc cho cha con. Chúa Giê-su, người con ngoan hiếu thảo, thánh đức được lớn lên cách thầm lặng dưới bóng của người Mẹ tin và yêu Thiên Chúa với một tình yêu cao độ, và Thánh Giuse được tin mừng diễn tả là người công chính, người giữ luật Chúa. Trong ba mươi năm này, Ngài được nuôi dưỡng cách đặc biệt để chuẩn bị cho sứ vụ cao cả mai sau.
Hôm nay mừng lễ Thánh Gia, chúng ta hãy cầu cho các gia đình, Hội Thánh tại gia ý thức mạnh mẽ và sâu sắc về căn tính cao cả và chức năng trọng đại của mình là cộng đoàn hiệp thông liên đới trong yêu thương, một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, một cộng đoàn gắn bó chặt chẽ với Lời Chúa và các giờ kinh tối.
Trong bối cảnh các gia đình đang xuống dốc hiện nay, hạ thấp phẩm giá hôn nhân và gia đình, coi thường đời sống và giá trị tâm linh, sống hưởng thụ, quên đi tình liên đới giữa người với người thì các gia đình Ki-tô Hữu phải nêu gương sáng về bác ái, yêu thương, phục vụ và tôn trọng sự sống như gia đình Thánh Gia xưa.
Mong thay!
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu