Trong truyền thống Kinh Thánh, cái giếng đã là nơi khởi đầu của nhiều cuộc tình duyên. Vậy “cái giếng Xykha” gợi nhớ đến cuộc “tình duyên” nào? Trong Cựu Ước, Israel thường được giới thiệu là hôn thê của Đức Chúa. Israel-hôn thê thường thất trung, ngoại tình với các thần Ai Cập, Átsua, Babylon, Ba Tư, Rôma. Câu chuyện người phụ nữ Samari hẳn là câu chuyện của dân Israel mà Đức Giêsu đến gặp và muốn dẫn về với Đức Chúa. Hơn nữa, Tin Mừng IV còn giới thiệu Đức Giêsu như chàng rể và nhân loại như một hôn thê tội lỗi, mà Người đến để đưa về sống trung thành. (Lm. FX. Vũ Phan Long).
Sách Sáng thế kể chuyện Abraham chọn vợ cho trai Isaac. Abraham sai người lão bộc lên đường đến xứ Aram Naharaim, đến thành của Nakhor. Lão bộc cho lạc đà phục xuống bên ngoài thành, bên giếng nước đầu làng, vào lúc xế chiều, lúc phụ nữ ra kín nước. Rêbecca đi ra, cô gái nhan sắc tuyệt đẹp. Cô múc nước đầy vò. Lão bộc chạy lại đón cô và nói: Làm ơn cho tôi uống ngụm nước nơi vò của cô. Cô đáp: Xin ông uống. Rồi cô lanh chai hạ vò xuống và cho ông uống. Cho lão uống xong, cô nói: tôi sẽ kín nước cho lạc đà của ông nữa cho đến khi nào chúng uống xong. Rồi cô lanh chai đổ vò nước vào máng và còn chạy tới giếng để múc nước và cô đã cho cả mấy con lạc đà uống…Sau đó, lão bộc đưa Rebecca về. Isaac tổ chức tiệc cưới với Rêbecca. Dòng dõi Israel lớn mạnh từ đó. (x.St 24,10-21).
Tin mừng hôm nay kể về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với một người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacop. Nơi đây như “Giếng nước đầu làng Samari”, người phụ nữ tin vào Ngài và dân làng Samari tin vào Đức Giêsu Đấng Cứu Độ.
Sau một hành trình dài, Đức Giêsu và các môn đệ ngồi nghỉ tại bờ giếng Giacop, thuộc miền Samari. Có một phụ nữ Samari đến múc nước. Đức Giêsu chủ động khởi đầu câu chuyện bằng việc xin nước uống: Chị cho tôi xin chút nước. Người phụ nữ Samari lúc đầu chỉ hiểu người đàn ông xa lạ này xin nước múc lên từ giếng sâu. Nhưng Đức Giêsu đã khiến cho chị đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nói với chị: Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: Cho tôi xin chút nước, thì hẳn chị đã xin người ấy ban cho chị nước hằng sống. Đức Giêsu bắt đầu bằng việc uống nước để nói về một nguồn nước đặc biệt hơn đó là Nước Hằng Sống. Nguồn nước do chính Ngài đem đến cho trần gian, có sức thanh tẩy tâm hồn con người và đem đến cho con người sự sống đời đời. Nguồn nước này sẽ được ban tặng nhưng không, cho những ai được Thiên Chúa ban ơn để tin vào Đức Giêsu.
Qua cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Giacop, chúng ta nhận ra cả một khoa sư phạm Đức Giêsu đã vận dụng để đưa người phụ nữ đến đức tin. Trước tiên, Ngài khơi lên sự tò mò để chị tìm hiểu, qua việc nhắc đến một công việc tầm thường làm mỗi ngày, là đến giếng kín nước để giải tỏa cơn khát thể lý. Từ đó, Ngài gợi đến một thực tại khác là Nước Hằng Sống: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Đến đây chính chị xin Đức Giêsu uống nước: “Thưa Ngài, xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Như vậy, Đức Giêsu đã mạc khải cho chị biết, chính Ngài là Đấng Kitô. Cho nên không phải ai khác, mà chính Ngài là người ban cho chị Nước Hằng Sống. Rồi Ngài còn mạc khải cho chị về việc tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý: “Đã đến giờ và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý. Đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn”. Sau khi chị được Đức Giêsu “cho uống nước hằng sống” liền chạy về làng và kêu gọi mọi người: “Mau hãy đến xem, có một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông ấy là Ðấng Kitô?”. Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Ngài. Được Đức Giêsu chấp nhận ở lại với họ, dân làng Samari đã nhìn nhận Ngài như là “Đấng Cứu độ trần gian”, như là Đấng đã được Chúa Cha ban vì lòng yêu thương và được sai phái đến để cứu độ trần gian. Nay họ tin là nhờ chính tương quan trực tiếp với Đức Giêsu chứ không dựa vào lời chứng của người phụ nữ nữa. Lời chứng ấy đưa họ đến chỗ nghe Đức Giêsu để đào sâu đức tin, và bây giờ đức tin đó có thể thực sự bắt đầu triển nở.
Bên giếng nước Giacóp, “giếng nước đầu làng” cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi cuộc đời con người và cả dân làng Samari.
1- Giếng nước, những lợi ích tự nhiên
Giếng nước đầu làng là một hình ảnh quá quen thuộc, đến nỗi nó trở nên gần gũi, thân thiết như của riêng mình, trải qua thế hệ này đến thế hệ khác mà không ai cần biết nó có tự bao giờ. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng, nó được hình thành từ lúc những người đầu tiên dừng bước trên mảnh đất mà sau này gọi là “làng” hay “thôn”. Vì nước là một nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống của con người cũng như của mọi tạo vật khác.Vì vậy, giếng nước chẳng những là nơi cung cấp nước cho người dân trong làng, mà còn là nơi gặp gỡ để trò chuyện, để trao đổi tâm tình mỗi khi người ta ra đó để kín nước mang về nhà. Nó cũng còn là nơi dừng chân của khách bộ hành đi đường xa mỏi mệt vì bên cạnh giếng là cây đa cổ thụ có bóng che mát cho khách. Khát nước, khách có thể xuống giếng vốc nước bằng hai bàn tay chụm lại, hoặc lấy nón lá múc nước mà uống thỏa thuê, an lành. Giếng nước là một không gian đáp ứng hai nhu cầu của con người : vừa là nơi gặp gỡ thân tình, vừa là nơi cung cấp nước uống cho nhu cầu thể chất và cũng còn là nơi dừng chân của khách bộ hành qua đường, đồng thời còn là nơi nhắc nhở người ta nhớ đến cội nguồn sâu thẳm và thiêng liêng.
2- Giáo xứ, những lợi ích siêu nhiên
Nhu cầu thứ hai của con người là đời sống thiêng liêng. Giáo xứ là giếng nước đầu làng. Ví von này thật gần gũi và giàu ý nghĩa. Dân trong thôn làng luôn đến giếng múc nước. Cũng thế, giáo dân luôn liên đới với cộng đoàn giáo xứ, nơi đây là “giếng nước” mầu nhiệm chan chứa ân sủng từ nguồn mạch sự sống Thiên Chúa.
Nhà thờ giáo xứ là “Nhà thờ phượng”, “Nhà cầu nguyện”, nơi người tín hữu đến đó hằng ngày để lãnh nhận thánh ân, rồi vào đời chia sẻ và sống chứng nhân.
Cái giếng nước đầu làng, ngoài những lợi ích nhân bản và tự nhiên, nó còn nhắc nhở người ta “uống nước nhớ nguồn”. Nguồn ở đây vừa hiểu là nơi phát sinh mạch nước, tuôn chảy về giếng, vừa hướng về những bậc tiền nhân trong làng đã khơi dòng nước này cho các thế hệ hậu sinh. Còn giáo xứ, các Linh mục cai quản ở đây, làm sao để người tín hữu sống mầu nhiệm đức tin, giúp họ thăng tiến về nhân cách của những người tin, và nhất là mỗi ngày người ta thấy mình đã tiến triển trong tình huynh đệ, tiến triển trên đường kết hiệp với mầu nhiệm thánh giá và phục sinh (x. Giếng nước đầu làng, Khải Triều).
Bốn hình ảnh Giáo xứ Thánh Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Người Kitô hữu giáo dân” đã đưa ra bốn hình ảnh về giáo xứ, cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn Thánh Thể.
* Giáo xứ là một gia đình của Thiên Chúa chan hòa tình bác ái huynh đệ. Mọi người được đón tiếp chân thành, được sống trong bầu khí bác ái, được cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương che chở. Ai cũng cảm thấy mình thuộc về giáo xứ là một vinh dự.
* Giáo xứ là một cộng đoàn nuôi dưỡng đức tin. Mọi người được bồi dưỡng đức tin, được kêu gọi sống đức tin, được giúp hiểu biết các vấn đề đức tin. Các Thánh lễ, các giờ giáo lý, các buổi cầu nguyện luôn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Lời Chúa và lời Giáo hội soi sáng mà người tín hữu hiểu biết về những biến cố cuộc đời.
* Giáo xứ là một cộng đoàn có tổ chức. Mọi người được sắp xếp trong một hệ thống trật tự, có phân công, có trách nhiệm.Tất cả liên hệ với nhau trong tinh thần hiệp thông, cộng tác, trách nhiệm để xây dựng giáo xứ tốt đẹp.
* Giáo xứ là một cộng đoàn truyền giáo. Đây là hình ảnh mà Công Đồng Vatican II đề cao nhất, hình ảnh cộng đoàn truyền giáo. Mọi người được nuôi dưỡng đức tin, được sống tình bác ái để ra đi truyền giáo, loan báo Tin Mừng Phục Sinh, rao truyền niềm vui, niềm hy vọng như cộng đoàn Nhóm Mười Hai đã ra đi đến với muôn dân.
Giáo xứ vững mạnh thì luôn hướng đến việc huấn luyện đào tạo những con người phục vụ.
Ở nhà thờ, các tín hữu được nghe được học được thấm nhuần chân lý đức tin đặt nền trên Thánh kinh. Chân lý có tính cứu độ, thánh hóa, sáng tạo, giúp con người có tinh thần trách nhiệm cao, có lương tâm nhạy bén trước sự lành sự xấu, có khát vọng đi sâu đi xa vào các giá trị xây dựng và phát triển con người xã hội. Từ đó họ sẽ trở thành người phục vụ cho chân lý.
Ở nhà thờ, các tín hữu đón nhận sự sống thiêng liêng. Sự sống này rất dồi dào phong phú làm cho họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Với sự sống này, người tín hữu không chỉ sống cho mình mà còn sống cho người khác, dám sinh sinh cho người khác. Từ đó, họ trở thành người phục vụ sự sống.
Ở nhà thờ, các tín hữu được chia sẻ tình yêu thương của mọi người trong Hội Thánh. Chia sẻ là cho đi và đón nhận. Tình chia sẻ này được xây dựng trên sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ đó, họ trở thành người phục vụ cho tình hiệp thông.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các Tông đồ đã làm thay đổi số phận của những con người lênh đênh trên biển hồ ngày trước. Cuộc gặp gỡ ấy là khởi đầu cho công cuộc thay đổi thế giới và làm nên những huyền diệu trong lịch sử nhân loại.
Bên bờ giếng Giacop, người phụ nữ Samaria gặp Đức Giêsu, cuộc gặp gỡ này đã làm chuyển biến cuộc đời chị và dân làng Samaria đã tin Ngài như là “Đấng Cứu độ trần gian”.
Giáo xứ “giếng nước đầu làng”, nơi người tín hữu hàng ngày đến gặp Đức Kitô Đấng Cứu Độ, nhờ đó họ trở thành con người mới, với trái tim mới, sống yêu thương và hy sinh phục vụ.
Xin cho mỗi tín hữu được gặp Chúa mỗi ngày trong suốt cuộc đời của mình. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An