Thời gian hoạt động của Thánh Thần

0

Thiên Chúa muốn ban tràn đầy, tạo bất ngờ và dẫn dắt chúng ta hằng ngày.

Trong Thánh Kinh, chúng ta sẽ không tìm thấy ở đâu ngoài sách Công vụ Tông đồ, một sự diễn tả tốt hơn về tất cả những gì Chúa Thánh Thần có thể làm).

Không ở đâu khác chúng ta có thể đọc được nhiều câu chuyện về cách thức Chúa Thánh Thần biến đổi và ban khả năng cho những con người bình thường rồi sai họ vào trong thế gian như những đại diện sứ giả của Người. Vì thế, chúng ta hãy xem những câu chuyện này để học cách Chúa Thánh Thần đã làm việc và cách thức Người có thể làm việc trong tâm hồn chúng ta ngày nay!

Được tràn đầy Thánh Thần. Thánh Luca mở đầu sách Công vụ Tông đồ với lời hứa của Chúa Giêsu với các tông đồ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” (Cv 1,8). Các tông đồ có thể đã nghĩ họ có tất cả những gì họ cần. Rốt cuộc, họ đã trải qua ba năm để học Tin Mừng của Chúa và thậm chí đang thi hành công việc sứ vụ của chính họ. Họ đã được đặc ân nhìn thấy Chúa sống lại sau Phục Sinh, và sau đó đã sống bốn mươi ngày với Người, được học ngày càng nhiều hơn về Nước Trời. Và họ vừa mới trải qua chín ngày với nhau, chìm đắm mình trong trong cầu nguyện (say sưa trong cầu nguyện). Các tông đồ còn cần thêm gì nữa?

Thánh Thần, đó là những gì các tông đồ cần. Mọi thứ phần nào tốt đẹp và hữu ích. Nhưng cho dẫu tất cả họ đã nhìn thấy và đã nghe, họ vẫn cần Thánh Thần ngự đến trong tâm hồn của họ và dạy dỗ họ, làm cho họ có khả năng và nâng họ lên.

Và đó chính xác là những gì đã xảy ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Thánh Luca thuật lại cho chúng ta rằng giữa tiếng gió mạnh và những lưỡi lửa, “tất cả họ được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,4). Bằng cách nói họ được “tràn đầy”, Thánh Luca đang khẳng định với chúng ta rằng các tông đồ đã trải nghiệm một cảm thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ đã cảm nhận tình yêu của Chúa. Họ đã cảm nhận một điều gì đó không đến từ bên trong họ, nhưng điều đó đang cho họ một sự hiểu biết mới về Thiên Chúa và một khát vọng mới để chia sẻ Tin Mừng của Chúa (cho mọi người).

Chúa Giêsu đã sai chính Thánh Thần này đến để “ban tràn đầy” cho chúng ta để chúng ta cũng có thể nhận biết Thiên Chúa và tìm thấy một sức mạnh mới để chia sẻ Tin Mừng của Người. Mỗi mọi người trong chúng ta có thể thực thi công việc của Chúa bởi vì chúng ta có Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa nâng chúng ta lên và làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân biết chiếu toả tình yêu và quyền năng (sức mạnh) của Người.

Được kinh ngạc bởi Thánh Thần. Vượt ra ngoài bóng tối của sự nghi ngờ, Phêrô biết rằng Chúa Giêsu đã đến để mang ơn cứu độ cho người Do Thái. Nhưng đâu là ý nghĩa của thị kiến rắc rối (phiền phức) mà Thánh Phêrô gặp khi đang đi thăm một số tín hữu ở Giaphô (Cv 10,9-26)? Trong thị kiến này, Thiên Chúa đã truyền cho Phêrô phải ăn những thú vật mà người Do Thái luôn cho là ô uế, Người bảo ông: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch thì ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 10,15). Khi Phêrô đang phân vân về thị kiến thì có ba người đến, họ được ông Conêliô sai đi. Dường như chính ông Conêliô cũng đã gặp một thị kiến, trong đó, một sứ thần bảo ông cho mời ông Phêrô đến. Được Thánh Thần thúc đẩy, Phêrô đã đi cùng với họ (ba người) đến nhà ông Conêliô, mặc cho luật của Môsê cấm người Do Thái giao tiếp với những người Dân Ngoại.

Khi tông đồ Phêrô đã giảng dạy cho Conêliô và những người nhà của ông xong, mọi người hiện diện ở đó được tràn đầy Thánh Thần giống như Phêrô trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Lấy làm kinh ngạc, Phêrô đã công bố: “Ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho những người này?” (Cv 10,47). Như thế rốt cục Tin Mừng không chỉ dành cho những người Do Thái! Chúa Giêsu đã đến để cứu độ mọi người. Dẫu bất ngờ, Phêrô gạt qua một bên những ý kiến của riêng mình về cách Thiên Chúa làm việc. Và nhờ sự cởi mở của Phêrô với Thánh Thần, một thời đại mới bắt đầu mở ra.

Rồi có những lúc Thánh Thần sẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Người có thể yêu cầu chúng ta bỏ qua một bên thành kiến đã có từ lâu đời. Người có thể thúc đẩy chúng ta đi vào trong vùng ngoại tuyến mới hoặc tham gia một hoạt động trong giáo xứ – một việc gì đó ít nhất chúng ta đã mong đợi để làm. Cuối cùng, chúng ta có thể nhận thấy chính mình bị thúc đẩy phải hàn gắn một mối tương quan bị đổ vỡ. Bất cứ tình huống nào, tất cả chúng ta nên giữ lấy lời đáp trả của Phêrô trong tâm trí mình. Ước mong chúng ta luôn cởi mở lòng mình trước những điều bất ngờ của Thánh Thần!

Được Hướng Dẫn bởi Thánh Thần. Saolô thành Tácsô là một người Do Thái nhiệt thành, một người Pharisêu tuân giữ lề luật không thể chê trách được (x. Pl 3,6). Ông đã chứng kiến và chấp thuận việc hành quyết (xử tử) Stêphanô; sau đó, Saolô đã phát động một cuộc bách hại chống lại Giáo Hội. Nhưng khi đang trên đường tới Đamát, Saolô đã bị mù bởi một ánh sáng từ trời và ông nhận ra ông thực sự đang bắt bớ Chúa Giêsu (x. Cv 9,3). Giống như Phêrô đã được dẫn dắt đến việc chấp nhận Dân Ngoại vào trong Giáo Hội, Saolô (cũng được gọi là Phaolô) cần có Chúa Thánh Thần chỉ cho ông thấy rằng Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế của dân Ítraen.

Nhưng điều đó chỉ mới là khởi đầu cho Phaolô. Suốt phần đời còn lại của mình, Phaolô đã học cách quy phục Thánh Thần để ông có thể hoàn thành “công việc” (Cv 13,2) mà Thiên Chúa đã dành cho ông. Tại một thời điểm, khi Phaolô và các bạn đồng hành của ông “đã thử vào miền Bithynia, … nhưng Thần Khí của Đức Giêsu đã không cho phép họ” (Cv 16,7). Chúng ta không biết điều đó đã xảy ra thế nào, nhưng bằng cách nào đó, Phaolô và những người khác đã cảm nhận được sự dẫn dắt của Thiên Chúa và đã đi theo đó.

Như đã làm cho Phaolô, Thánh Thần muốn ban tràn đầy hơn nữa cho chúng ta tình yêu và niềm vui của Người. Thánh Thần muốn thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta. Thiên Chúa muốn Thánh Thần của Người là một quà tặng vĩnh cửu cho chúng ta, để định hình tâm hồn và tâm trí của chúng ta, ngay cả khi Người đang hướng dẫn các bước đi của chúng ta. Người muốn dẫn dắt chúng ta khi chúng ta đi vào trong thế giới mỗi ngày. Người có thể chỉ cho chúng ta thấy cách thức để chia sẻ tình yêu của Người với ai đó tại nơi chúng ta làm việc. Người có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan khi chúng ta giải quyết một tình huống đầy thách đố trong gia đình của chúng ta. Thậm chí, Người có thể sai chúng ta theo một hướng mới, như Người đã làm với Phaolô và mở ra một viễn tượng mới về sứ vụ cho chúng ta.

Hãy Lãnh Nhận Thánh Thần. Sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn ban tràn đầy (Thánh Thần) cho chúng ta, làm chúng ta ngạc nhiên và thậm chí dẫn dắt chúng ta ngày này qua ngày khác. Nhưng điều đó xảy ra thế nào? Đó là khi chúng ta học cách quy phục Thánh Thần của Người. Vì thế, đây là một số bước đơn giản mà tất cả chúng ta có thể thực hành, chúng sẽ giúp chúng ta cảm nhận được Thánh Thần khi Người hoạt động trong cuộc sống của chúng ta.

1. Giữ cho tâm hồn của bạn được yên tĩnh (thinh lặng). Nghe thì quá đơn giản, nhưng trong thế giới đầy dẫy truyền thông, điều này có thể là một thách đố thực sự. Điện thoại di động, truyền hình, máy tính bảng và đài phát thanh đã làm cho cuộc sống dễ dàng hơn cho chúng ta. Nhưng chúng cũng làm cho cuộc sống ồn ào và bị phân tán nhiều hơn. Thật rất quan trọng khi chúng ta dành thời gian mỗi ngày để ngắt kết nối với tất cả những thiết bị này hầu chúng ta có thể kết nối với Chúa. Chúng ta cần tạo không gian trong cuộc sống của chúng ta – những khoảnh khắc thinh lặng, khi chúng ta gắn bó lòng mình với Chúa Giêsu và bắt đầu cảm nhận Thánh Thần của Người.

2. Rèn luyện tâm trí của bạn. Thật là tốt việc giữ cho tâm hồn chúng ta thinh lặng nếu chúng ta không có bất cứ việc gì phải tập trung vào phải không? Đó là lý do tại sao thật hữu ích để dành phần thời gian thinh lặng để đổ đầy vào tâm trí của bạn những chân lý về Thiên Chúa. Bạn có thể suy gẫm những bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ của ngày hôm đó. Bạn có thể đọc phần Giáo Lý. Bạn có thể học hỏi cuộc sống của một vị thánh hoặc những bài viết về một cuốn sách hướng dẫn tâm linh hữu ích nào đó. Thậm chí bạn có thể hát những bài thánh ca nói về Chúa và về tình yêu của Người. (Bạn) có nhiều lựa chọn. Chỉ cần bạn chắc chắn rằng bạn đang tập trung vào “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền” (Pl 4,8) – bất cứ điều gì dạy bạn về cuộc sống trong vương quốc của Thiên Chúa.

3. Hãy viết ra (viết lại). Hãy giữ một cuốn nhật ký về những thời gian cầu nguyện của bạn. Hãy viết lại bất cứ điều gì bạn nghĩ có thể đến từ Thánh Thần. Ngay cả nếu điều đó nghe có vẻ bình thường, ngay cả nếu nghe có vẻ ngớ ngẩn, hãy viết lại. Đó có thể chỉ là một cảm giác của tình yêu. Đó có thể là một sự hiểu biết sâu sắc mới về một đoạn Thánh Kinh. Đó có thể là một ý kiến về cách quan tâm đến một người bạn. Không quan trọng. Chỉ cần bạn có thói quen ghi chép lại những hiểu biết của bạn từ Thánh Kinh. Điều đó sẽ giúp duy trì chúng được luôn mới mẻ trong tâm trí của bạn.

4. Hãy giữ cho nó tươi mới. Hãy cố gắng tìm hai hoặc ba cơ hội mỗi ngày khi bạn có thể dừng lại một chút, giữ cho tâm hồn thinh lặng và cảm nhận sự hiện diện của Thánh Thần. Hãy nhớ lại những gì bạn đã viết trong nhật ký cầu nguyện của bạn trước đó trong ngày. Hãy xét lại nhanh ngày sống của bạn cho đến lúc này và hãy sám hối nếu có điều gì đó làm lương tâm bạn cắn rứt. Hoặc hãy tạ ơn Chúa Thánh Thần vì Người đã giúp bạn trong một tình huống nào đó mà bạn phải đối diện. Hãy tập thói quen biết lắng nghe. Hãy phát huy một đôi tai và một tâm hồn nhạy cảm. Hãy tập thói quen ghi lại những cảm nhận từ Thánh Thần. Điều đó sẽ giúp giữ cho chúng được tươi mới trong tâm trí của bạn.

Câu Chuyện Tiếp Tục. Sách Công vụ Tông đồ không kể lại tất cả “những hành động” của Chúa Thánh Thần. Ngày nay, Thánh Thần vẫn tiếp tục làm việc cách quyền năng. Người vẫn đang biến đổi những con người bình thường nên những hình ảnh của Chúa Giêsu. Người vẫn đang hợp nhất con người với nhau để xây dựng nên Giáo Hội. Người vẫn đang ban cho họ khả năng để truyền bá Tin Mừng.

Thế nên bạn hay ra sức thực hành bốn bước đơn sơ này. Không khó để có được một thói quen, và để có được kết quả, cần phải có những kỷ luật tương xứng. Phương pháp rèn luyện (với thử thách và lầm lỗi) này chính xác là những điều đầu tiên mà những tín hữu đón nhận, và nó sinh ra nhiều hoa trái tuyệt diệu. Giống như họ, bạn sẽ tìm thấy Chúa Thánh Thần đang làm những điều kỳ diệu trong cuộc sống của bạn.

Theo The Word Among Us

Personal Spirituality Resources
Nguồn:
https://wau.org/resources/article/re_the_season_of_the_spirit/

Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon