Một tính cách nóng nảy được trui rèn trong nhân đức có thể mang đến những điều tuyệt vời cho vương quốc của Đức Kitô.
Mặc dù sự giận dữ có thể dễ dàng biến thành một nỗi đam mê điều khiển chúng ta, nhưng nó vốn dĩ không phải là sự dữ. Như Sách Giáo lý dạy chúng ta, “Các đam mê là thành phần tự nhiên của sinh hoạt tâm lý con người.” Thật vậy, Thánh Tôma Aquinô nói, “Thiếu tức giận cũng là một khuyết điểm,” và một trích dẫn trong tài liệu thường được cho là của Thánh John Chrysostom nói rằng, “Một người cũng mắc tội vì không tức giận khi người đó có lý do.”
Chắc chắn có nhiều điều đáng để chúng ta tức giận chính đáng trong thế giới của mình, và người Kitô hữu phải đáp trả điều ác và những bất công bằng sự tức giận thánh thiện thúc đẩy chúng ta cầu nguyện và hành động. Chúng ta phải chống lại cám dỗ trở nên quá quen thuộc với điều ác đến nỗi chúng ta không còn thấy bị sỉ nhục; ngược lại, chúng ta cũng đừng bao giờ cho phép sự tức giận điều khiển chúng ta.
Khi chúng ta tìm cách đáp trả trước cái ác một cách chính đáng, các thánh là những người không e ngại lớn tiếng bảo vệ cho công bằng có thể đồng hành và can thiệp cho chúng ta.
Thánh Eulalia of Mérida (292-304) là một trinh nữ thánh hiến 12 tuổi dịu dàng, đã giận dữ trước cuộc bách hại người Kitô hữu. Mặc dù thân phụ mẫu thánh nữ cố gắng ngăn cản thánh nữ đối đầu với các quan chức liên quan đến cuộc bách hại, Eulalia đã lẻn ra ngoài và chạy vào thành, nơi cô thiếu nữ mắng mỏ viên quan tòa và lính của ông ta vì sự sùng bái ngẫu thần của họ và cố gắng lèo lái người Kitô hữu đi lầm đường lạc lối, cuối cùng thánh nữ kêu lên: “Những con người khốn nạn! Ta sẽ chà đạp thần thánh của các người dưới chân ta! ” Cô tiếp tục nhổ nước bọt vào mặt quan tòa và đạp đổ ngẫu thần của ông ta và chịu tử đạo vì cơn bốc giận của mình.
Thánh Nicholas (270-343) không ngại thể hiện sự tức giận chính đáng, và không chỉ trong cuộc tấn công vào nhóm lạc giáo Arius tại công đồng Nicaea. Có một lần (sau một chuyến đi trở về) ngài nghe chuyện ba người đã bị kết án tử. Thánh Nicholas chạy vào thành, đến chỗ những người bị kết án vừa kịp lúc để giữ lại thanh gươm từ tay của đao phủ và giải thoát cho những người kia trước khi lao vào thành để chửi mắng quan trong thành là người đã kết án những người đàn ông để đổi lấy một cô dâu. Ngài hét lên, “Kẻ giết người phạm thượng! Ta sẽ không dung thứ hoặc tha thứ cho ngươi!” Khi viên quan hối lỗi và xin lỗi những người bị kết án, Đức Giám mục Nicholas hân hoan khi thấy rằng cơn tức giận công chính của ngài đã sinh hoa trái và tha thứ cho viên quan.
Thánh Columba Ki Hyo-im (1814-1839) là một trinh nữ người Triều Tiên. Bị bắt vì đức tin cùng với em gái là Thánh Agnes Kim Hyo-ju, thánh nữ bị lột trần truồng, bị tra tấn, và bị ném vào một ô nhà tù đầy những tù nhân nam tồi tệ nhất. Cuối cùng khi hai chị em bị đem đến trước mặt quan tòa và kết án tử, Columba đã miêu tả sự tấn công tình dục mà hai người đã phải chịu đựng với sự giận dữ khó có thể kìm nén. Thánh nữ nói: “Dù cô gái ấy là con của một nhà quý tộc hay một thường dân, thì trinh tiết của một cô gái trẻ có quyền được tôn trọng. Nếu ông muốn giết tôi theo luật của đất nước, tôi sẵn sàng chấp nhận hình phạt. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng phải chịu đựng những sự sỉ nhục không thuộc về luật là đúng đắn, và tôi phản đối lại chúng.” Viên quan tòa ra lệnh phạt những kẻ chịu trách nhiệm, nhưng Columba và Agnes cũng chịu tử vì đạo theo cách như vậy.
Chân phước Francisco de Paula Victor (1827-1905) là linh mục người Brazil da đen đầu tiên. Mặc dù ngài đáp lại sự phân biệt chủng tộc mà ngài phải chịu đựng trong suốt cuộc đời của mình một cách hiền lành, khi là một đứa trẻ nô lệ, một chủng sinh và thậm chí là một linh mục, nhưng việc ngài sẵn sàng chịu đựng sự ngược đãi là đối với riêng bản thân ngài chứ không phải người khác. Một lần, một đám đông có vũ trang đến thị trấn với ý định đốt nhà của một người theo chủ nghĩa bãi nô, người đó đang cho những nô lệ bỏ trốn chỗ trú ngụ. Cha Victor đứng tại cổng dẫn vào thị trấn, cầm một cây thánh giá để cho những người này nhìn thấy khuôn mặt đẫm máu của Đấng Cứu Độ đã trở thành nô lệ vì họ. Ngài hét lên, “Mời vào! Mời vào! Nhưng hãy bước qua xác linh mục của các anh đã.” Họ rút lui và nhiều người đã được cứu sống trong đêm đó.
Chân phước Emilian Kovch (1884-1944) là một linh mục Công giáo Ukraine, là người chồng và người cha, người đã nhiều lần liều mạng rao giảng chống lại thành kiến và chủ nghĩa bài Do Thái. Trong một lần, quân đội Đức Quốc xã đã dồn đuổi một số người Do Thái địa phương vào trong một giáo đường Do Thái và ném bom lửa vào bên trong. Không quan tâm đến sự an toàn của bản thân, Cha Kovch chạy đến hội đường, chặn các cửa ra vào, và giận dữ quát đuổi những người lính cút đi. Trước sự kinh ngạc của mọi người, những người lính đã làm theo! Sau khi trừng mắt nhìn vào đám lính Đức Quốc xã, Cha Kovch vội chạy vào hội đường Do Thái để cứu những người đang bị thiêu cháy bên trong. Những cố gắng để bảo vệ người Do Thái thoát khỏi Đức Quốc xã đã dẫn đến việc ngài bị bắt và chết trong trại tập trung.
Tôi tớ Chúa Dorothy Day (1897-1980) có một tính khí mạnh mẽ. Tuy nhiên, thay vì kìm nén nó, ngài lại chọn cách chuyển hướng tính nóng giận đó để chống lại sự bất công, nghèo đói và phổ biến vũ khí hạt nhân. Một người đàn ông có quen biết ngài có lần nói: “Chị ấy đã ở nhà tôi một đôi lần và chị luôn tức giận. Các vị thánh đâu có tức giận…” Ông ta dường như không hiểu được sức mạnh mà sự tức giận có thể tạo ra khi dùng để phục vụ Chúa. Và trong khi Day vẫn tiếp tục chiến đấu với sự nóng nảy của mình (nói với một người đã yêu cầu chị giữ bình tĩnh, “Tôi giữ bình tĩnh trong một phút còn nhiều hơn so với bạn sẽ làm trong cả đời”), chị nhận ra rằng Chúa sử dụng sự nóng nảy của mình để đạt kết quả lớn trong vai trò là người sáng lập Phong trào Công nhân Công giáo.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/1/2021]