Suy niệm: Ga 15, 9-17
Một danh nhân nọ đã nói: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác.” Đúng thế, tình yêu là thứ tình cảm đẹp đẽ nhất , tuyệt vời nhất, lạ kỳ nhất, lớn lao nhất, huyền diệu nhất trong cuộc đời này. Cuộc đời không có tình yêu cũng như quả đất thiếu ánh sáng mặt trời. Tình yêu là nền tảng, là động lực và là nơi trú ẩn cho con người trong mọi hoàn cảnh, dù đang trong tận cùng đau khổ hay nỗi cô đơn sâu thẳm. Tình yêu quan trọng như thế nên hôm nay Chúa mời gọi chúng ta: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” Và điều kiện để được lưu lại trong tình yêu của Ba Ngôi là “ Hãy yêu thương nhau.”
Tất cả mọi người đều cần tình yêu. Muốn có tình yêu thì trước hết ta phải trao tặng tình yêu. Nhưng muốn trao tặng thì chúng ta phải nhận nó từ nguồn tình yêu là chính Chúa. Một lò sưởi không thể cho sức nóng nếu nó không nhận được sức nóng từ nguồn điện. Chúa Giê-su nói với các môn đệ: Như Chúa Cha đã yêu Ta, Ta cũng yêu các con. Tình yêu mà Ngài chia sẻ cho các môn đệ và chúng ta rất đại lượng là chính tình yêu Ngài đã nhận từ Cha, từ Mẹ Maria và thánh Giuse. Chúa Giê-su nói về tình yêu vô cùng đã linh động suốt cuộc đời Ngài. Ngài đã yêu chúng ta với chính tình yêu mà Cha đã yêu Ngài. Và Ngài mời chúng ta ở lại trong tình yêu này như Chúa Cha và Ngài ở lại trong chúng ta.
Chính từ nơi Chúa Giê-su dẫn đến mọi tình yêu. Ngài là Thiên Chúa yêu Cha như Con yêu Cha. Ngài là con người, Ngài yêu chúng ta như người anh duy nhất yêu đàn em. Tất cả chúng ta được mời gọi vào trong dòng chảy của tình yêu này. Chỉ có một tình yêu và chỉ có một Thánh thần. Thánh Thần và tình yêu từ Cha đến Con và từ Con đến chúng ta trong sự hiệp thông vững bền. Con được yêu vô cùng và Ngài đã yêu đến cùng. Ngài mời gọi chúng ta yêu như chúng ta đã được nhận. Tình yêu làm cho đời chúng ta ý nghĩa. Tình yêu cũng giúp cho mọi công việc của chúng ta được kết quả như lòng Chúa mong muốn. Tình yêu có phép màu để hóa giải tất cả. Câu truyện có thật sau đây chứng minh cho phép màu này.
Câu truyện có thật trong đời một Đức Giám Mục người pháp đã làm cho nhiều người công giáo suy nghĩ, đã xẩy ra vào thập niên bảy mươi. Người kể chuyện này dẫu rất ấn tượng trước gương sáng của một vị truyền giáo, nhưng không nhớ tên Ngài, xin độc giả thông cảm. Và bây giờ xin được bắt đầu câu truyện với những nét chấm phá nhạt nhòa nhưng nội dung không thay đổi: Một hôm trên đường đi mục vụ ở miền Tây nguyên, vị Giám Mục của chúng ta thấy một chiếc xe hơi dừng lại bên lề đường ven đèo. Xe hỏng giữa rừng sâu như thế thật nhiêu khê. Xe Đức Víp Vồ của chúng ta tới gần, thấy thế, Ngài dừng xe, xuống xe, xắn tay áo, Ngài chui vào gầm xe như một người thợ sửa xe chuyên nghiệp. Sau mấy tiếng chủ xe cũng là tài xế có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình. Gia đình lâm nạn đó đã rất biết ơn Ngài và hậu tạ phong bì, nhưng Ngài từ chối. Họ đã xin địa chỉ Ngài để có dịp trở lại thăm vị đại ân nhân. Sau đó không lâu cả gia đình xin gia nhập đạo công giáo. Gương sáng tình yêu đó đã thắp sáng cả gia đình đúng như lời Chúa Giê-su: Người ta sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Thày nếu chúng con có lòng yêu thương nhau.
Một câu truyện khác cũng rất cảm động được dân gian truyền tụng như sau: Một ngôi làng hẻo lánh miền đồi núi ở Thụy Sỹ có một ngôi thánh đường nhỏ bé cũ kỹ, nhưng dân làng rất yêu thích nó vì nó ghi dấu ấn của tình huynh đệ. Số là có hai anh em mồ côi cha mẹ, ngày ngày vào rừng phát rẫy trồng tỉa. Họ rất thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đến tuổi trưởng thành, người anh lấy vợ, sinh con cái, nên hai anh em phải sống riêng mỗi người một nhà, nhưng họ vẫn làm ăn chung với nhau. Nơi đó khí hậu khắc nghiệt luôn luôn ảnh hưởng đến mùa thu hoạch của họ. Dẫu được mùa hay mất mùa thì đến mùa thu hoạch, mọi sản phẩm đều chia đôi, mỗi người một nửa. Người em nhận phần của mình, nhưng đêm đêm cậu suy nghĩ : anh mình còn có gia đình phải nuôi vợ con mà cũng chỉ nhận phần bằng mình, anh ấy sẽ khổ ; nghĩ vậy, nên mỗi tối, cậu xúc lúa đội sang đổ vào cót của anh. Trái lại, người anh nghĩ : mình có vợ, con để nương tựa, trong khi chú em chỉ một thân một mình, ốm đau, bệnh tật, về già lấy gì trang trải; nghĩ thế, nên mỗi tối, anh xúc lúa đội sang đổ vào cót của em. Họ làm như thế trong nhiều năm tháng. Nhưng rồi, vào một buổi tối nọ, cả hai đang đội lúa đã đụng vào nhau, họ nhận ra nhau trong đêm đen. Lúc đó họ mới hiểu vì sao mà cót thóc của họ vẫn đầy khi đem chia sẻ. Cảm động trước tình yêu dành cho nhau như thế, hai anh em bỏ thúng lúa xuống, ôm chầm lấy nhau, nước mắt lăn dài vì xúc động. Bỗng trên trời có tiếng phán: Nơi đây Ta sẽ xây nhà của Ta. Vì nơi đây con người đã gặp gỡ nhau trong tình yêu. Câu chuyện được lưu truyền trong dân gian và họ đã xây nhà thờ và địa điểm được chọn là chính nơi hai anh em đã gặp nhau khi trên đầu đội thúng lúa tình nghĩa dành cho nhau. Nhà thờ được mang tên: “Nhà thờ của tình liên đới sẻ chia”.
Tình yêu đã là động lực để cho con người nhận ra Chúa tình yêu. Chỉ có tình yêu mới giới thiệu được về tình yêu. Chúa mời chúng ta lưu lại trong tình yêu nghĩa là để tình yêu Chúa Giê-su hoạt động trong ta, khiến ta yêu như Ngài yêu thương các môn đệ, yêu bằng tình yêu phục vụ, tự hạ, tự hiến và yêu đến cùng.
Có lưu lại trong Ngài mới có thể yêu như Ngài đã yêu vì tình yêu mà Chúa muốn chúng ta yêu tự chúng ta không thể làm được. Phải để Ngài yêu qua ta. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng nói: “Tình bác ái cho tôi chìa khóa của ơn gọi. Tôi hiểu rằng nếu Giáo Hội có một thân xác gồm các chi thể khác nhau, chi thể nào cũng cần và không thể thiếu. Tôi cũng hiểu rằng Giáo Hội có một trái tim và trái tim này được nung nấu bởi tình yêu. Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho mọi thành phần của Giáo Hội hoạt động. Nếu tình yêu tắt thì tông đồ không loan báo Tin Mừng, các thánh Tử Đạo từ chối đổ máu. Tôi hiểu tình yêu củng cố mọi ơn gọi. Tình yêu là tất cả, nó ôm ấp mọi thời và mọi nơi.
Trong niềm vui tột cùng của mình, tôi đã kêu lên: Ôi Giê-su tình yêu của con…ơn gọi của con, cuối cùng thì con đã tìm thấy ơn gọi của con, đó là tình yêu. Vâng con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong giáo Hội và chỗ đứng này ôi lạy Chúa, chỗ đứng mà Chúa đã dành cho con trong lòng Giáo Hội, mẹ của con, CON SẼ LÀ TÌNH YÊU…cũng thế con sẽ là tất cả…cũng thế giấc mơ của con sẽ được thực hiện”.
Hôm nay Chúa Giê-su cũng nói với chúng ta như xưa Ngài đã nói với các môn đệ: “ Ta không gọi các con là tôi tớ nhưng là bạn hữu, vì tất cả những gì Ta đã học nơi Cha, Ta đã cho anh em biết.” Màu nhiệm của Thiên Chúa là màu nhiệm thông hiệp và Ngài bộc lộ cho chúng ta màu nhiệm này. Đây là tình yêu lý tưởng, nó là kiểu mẫu cho mọi tình yêu. Chúa Giê-su muốn nói tình yêu của Ngài đối với chúng ta là tình yêu tuyệt đối, vô cùng. Chính vì thế mà Chúa mời gọi chúng ta hãy lưu lại trong tình yêu của Ngài vì chúng ta không thể thấy tình yêu nào hơn tình yêu này. Và chính lệnh truyền của Chúa phát xuất từ tình yêu nên ai giữ lệnh truyền của Ngài sẽ ở trong Ngài. Chúa Giê-su yêu Cha, Ngài giữ lời Cha. Chúng ta cũng vậy. Lệnh truyền của Chúa là để chúng ta sống bản tính thực sự của con người: Thiên Chúa tạo dựng con người để sống yêu. Giữ lệnh truyền là sống theo sự thúc đẩy của tình yêu, là lưu lại trong tình yêu để cho tình yêu của Chúa Giê-su thúc đẩy chúng ta yêu, để Ngài hoạt động trong chúng ta, khiến ta yêu anh em như Ngài yêu bằng tình yêu phục vụ, tự hạ, tự hiến và yêu đến cùng. Đây là điều kiện để Ngài nâng các môn đệ lên hàng bạn hữu.
Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta yêu như Ngài đã yêu, vì tình yêu mà Chúa muốn chúng ta yêu tự sức chúng ta không thể làm được. Chúng ta phải để Chúa yêu qua ta. Nếu được như thế, chúng ta sẽ là chứng nhân tình yêu của Chúa như cộng đoàn tiên khởi xưa. Khi thấy cộng đoàn sống tình huynh đệ cao đẹp, dân ngoại đã bàn tán với nhau: “ Kìa xem họ yêu thương nhau biết là chừng nào”.
Xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm sự ngọt ngào của nghĩa yêu thương để chúng ta thực hiện giới luật yêu thương của Chúa như Chúa muốn.
Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu