“Chúng Ta Hãy Yêu Thương vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4,19)
Chúa Giêsu đã gặp gỡ nhiều người qua khắp miền Palestine.
Các Tin Mừng đã truyền lại một bản ghi chép của một số trong những người này và đã cho chúng ta tên phần lớn của những người quan trọng. Một chi tiết nổi bật làm chúng ta chú ý: những con người này hầu như luôn luôn ở trong tình trạng khó khăn hoặc đang phải chịu đau đớn vì bệnh tật, sầu khổ hoặc vì một số hoàn cảnh đau đớn khác.
Hoặc tệ hơn, họ là “những kẻ tội lỗi” – những người đang sống trong các tình trạng luân lý trái nghịch với những đòi hỏi của luật Môsê và vì thế không theo ý của Thiên Chúa.
Hãy suy gẫm về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với một người tội lỗi như thế: Giakêu, “một người trưởng thu thuế và cũng là một người giàu có” (Lc 19,2). Chuyện đó xảy ra ở Giêricô, nơi mà Giakêu ở giữa một đám rất đông người đang đợi Chúa Giêsu. Vì thấp bé, Giakêu leo lên một cây bên đường để nhìn Chúa Giêsu rõ hơn. Khi Chúa Giêsu tới đó, Người ngước nhìn lên và nói: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Quá vui mừng, Giakêu vội vàng tụt xuống và đón Chúa Giêsu. Nhưng đám đông lại xầm xì: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (Lc 19,7).
Chỉ Là Một Kẻ Tội Lỗi Thôi Sao?
Những người dân đã khinh miệt Giakêu bởi vì ông đã bị tiền bạc và quyền lực tha hóa; có lẽ họ coi thường ông vì ông thấp bé. Giakêu chẳng là gì ngoài một “kẻ tội lỗi” đối với họ. Nhưng Chúa Giêsu vẫn đến nhà ông; Người đã bỏ lại đám đông những con người ngưỡng mộ đang đón tiếp mình và chỉ đến thăm Giakêu. Chúa Giêsu đang hành động như người mục tử nhân lành, để lại chín mươi chín con chiên để đi tìm con chiên thứ một trăm đã bị lạc mất. Đối với Chúa Giêsu, trên hết, Giakêu là “con cháu của tổ phụ của Ápraham” (Lc 19,9).
Chúa Giêsu đón tiếp cả những con người bị hệ thống chính trị ruồng bỏ (những người nghèo và những người bị áp bức) lẫn những người bị hệ thống tôn giáo từ chối (những người ngoại, những người thu thuế và những cô gái điếm). Những người không chấp nhận cách hành xử này của Thiên Chúa thì tự loại trừ chính mình khỏi ơn cứu độ.
Nhìn dưới ánh sáng này, tình tiết về ông Giakêu dường như giống với dụ ngôn về người thu thuế và ông pharisêu thực sự đang diễn ra: Thiên Chúa làm cho người thu thuế sám hối được nên công chính và để cho người Pharisêu ra đi với hai bàn tay trắng. Giờ đây, Chúa Giêsu mang ơn cứu độ đến nhà ông Giakêu và để mặc những kẻ kiêu ngạo, những kẻ tự cho mình là công chính đang xầm xì bên ngoài.
Bên trong nhà, ông Giakêu hứa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Và Chúa Giêsu tuyên bố rằng ơn cứu độ đã đến cho gia đình của ông Giakêu “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).
Lòng Thương Xót Vô Điều Kiện
Chúng ta hãy suy niệm sâu hơn một chút về đoạn dụ ngôn này. Ông Giakêu đã nghe người ta nói về Chúa Giêsu là một ngôn sứ khác với các ngôn sứ khác, vì thế ông muốn nhìn thấy Người. Chắc chắn về phần ông Giakêu có điều gì đó còn hơn cả sự tò mò. Ông thực sự quan tâm, cho dù chưa hẳn là một lòng khao khát để hoán cải. Chúa Giêsu cố nhìn lên cây để thấy ông – theo nhiều gợi ý trong các Tin Mừng, dường như là đôi mắt của Chúa Giêsu có một sức mạnh phi thường và đôi mắt ấy đã nói nhiều hơn cả những lời của Người. Người đã gọi Giakêu bằng chính tên ông.
Chúng ta có thể mong đợi rằng trước khi tuyên bố sự tha thứ, Chúa Giêsu đã đòi hỏi năm điều kiện thông thường để nhận lãnh ơn tha tội: xét mình, thống hối ăn năn, dốc lòng chừa, xưng thú tội lỗi và đền tội. Nhưng thực tế Chúa Giêsu đã không đòi hỏi gì cả! Người muốn nhanh chóng dành thời gian ở với Giakêu – để bước vào nhà ông, ở lại trong chốc lát, dùng bữa với ông và có lẽ ở lại cả đêm hôm ấy.
Chúa Giêsu tự đặt mình vào trong hoàn cảnh nguy hiểm bởi vì Người có nguy cơ đang trở nên không thanh sạch về mặt nghi lễ và đang gây ra sự đàm tiếu. Tuy nhiên Chúa Giêsu gặp gỡ, trò chuyện với một người tội lỗi ngay tại nhà ông và không áp đặt bắt cứ điều kiện tiên quyết nào. Người không đòi hỏi Giakêu phải thanh tẩy mình theo luật Môsê; Người cũng không yêu cầu ông từ bỏ nghề nghiệp tai tiếng của ông hoặc phải làm việc bồi thường hay sám hối nào.
Được Tẩy Sạch
Tuy nhiên, Giakêu có thể nhận ra trong cái nhìn của Chúa Giêsu chính tình yêu thương mà ở một chỗ khác (trong Tin Mừng) Chúa Giêsu đã gửi gắm cho người thanh niên giàu có (Mc 10,21). Cái nhìn đó đã làm cho tâm hồn Giakêu tràn ngập niềm vui sướng lạ thường. Ông đón nhận sự hiện diện này đang bao bọc ông bằng tình yêu; ông để cho chính mình được tẩy sạch bằng chính tình yêu này. Nhờ tình yêu này, ông cảm thấy chính mình đang hồi sinh và trở thành một con người đúng nghĩa một lần nữa. Ông không còn cảm thấy bị bao phủ bởi sự khinh miệt vốn đè nặng mình lâu nay, ngay cả khi ông đang làm việc và cư xử với các đồng nghiệp và những người thuộc cấp.
Giakêu lập tức hiểu ra rằng nếu ông muốn tình yêu này trở nên sống động và mang lại sự sống, ông cần để tất cả cuộc sống của mình được tràn ngập tình yêu ấy; ông cần để cho tình yêu ấy ảnh hưởng trên tất cả các mối tương quan của mình. Và rồi, Giakêu đã tự ý tuyên bố rằng ông sẽ trao tặng phân nửa tài sản của mình cho người nghèo và sẽ đền trả gấp bốn cho bất cứ ai nếu ông đã làm hại.
Đây là một sự sửa chữa nhưng xảy ra trên cấp độ các mối tương quan nhân loại, trong bầu khí của sự công bằng đang vận hành giữa con người. Và Giakêu làm điều này không vì một điều kiện được Chúa Giêsu áp đặt lên ông để ông đón nhận tình yêu của Người. Nhưng đó là kết quả của tình yêu Chúa. Được yêu thương trước và một cách tự do, Giakêu cảm thấy sự thúc bách để hướng về những người khác, về những người mà ông đã làm hại, đồng thời, ông học tôn trọng và yêu thương họ.
Đây là cách Thiên Chúa thực thi lòng thương xót của Người. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó!
Bài báo này được trích từ cuốn sách có tựa đề: Cái Nhìn của Lòng Thương Xót: Bài Dẫn Giải về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và của Con Người, của tác giả Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap, do Marsha Daigle-Williamson chuyển ngữ.
Tác giả: VICKY GALCZYNSKI
Theo Word Among Us, Personal Spirituality Resources
Nguồn:https://wau.org/resources/article/swept_away_by_mercy/
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương