Kêu Trách hay Ca Tụng ? – SN ngày 18.8.2021

0

Ngày 18 tháng 8 năm 2021
Thứ Tư, sau Chúa Nhật XX Thường Niên

 

 

I. LỜI CHÚA: Mt 20, 1-16

1 “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.

3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.4 Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.”5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? “7 Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! “

8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.”9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:12 “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.”13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? “

16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

II. SUY NIỆM

Dụ ngôn của Đức Giê-su kể về những nhóm thợ khác nhau được mời gọi đi vào làm việc trong vườn nho, qua đó mặc khải cung cách hành động của Thiên Chúa, trong Sáng Tạo, trong Lịch Sử Cứu Độ, trong cuộc đời của mỗi người chúng ta: Ngài là Đấng luôn luôn đi bước trước, khi ban ơn và ban ơn một cách tự do và quảng đại.

Tuy nhiên, theo dụ ngôn, thay vì “ca tụng” Chúa và “chúc mừng” nhau, con người “kêu trách và ghen tị”, và thái độ này có gốc rễ từ “Tội Nguyên Tổ”[1]. Vì thế, thái độ này hiện diện ở chiều sâu nơi mỗi người chúng ta, khi đối diện với cung cách hành động của Thiên Chúa.

Đức Giê-su đến để “chữa lành và giải thoát” loài người chúng ta từng người chúng ta khỏi thái độ “vô ơn tức tối”, gốc rễ của mọi tội, khi ban cho chúng ta Lời và chính SỰ SỐNG của Người, để dẫn chúng ta vào niềm vui hiệp thông với nhau, cùng ca tụng Chúa trong tâm tình tạ ơn.

1.” Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia…” (c. 1-2)

Trước hết, Thiên Chúa được ví như ông chủ vườn nho, hành động giống như bao ông chủ vườn nho khác : sáng sớm ra khỏi nhà để đi tìm thợ, thỏa thuận về thời gian và tiền công (mỗi ngày một quan tiền) và sai họ đi vào làm việc trong vườn nho của mình. Ở bước này, cho dù là tương quan giữa ông chủ vườn và người làm công xem ra rất bình thường và công bằng, nhưng những người làm công vẫn được mời gọi nhận ra việc làm của mình là một điều may mắn, thậm chí là một ơn huệ, và nhất là nhận ra lòng tốt của ông, khi ông đich thân ra khỏi nhà để đi tìm người thợ, thay vì người thợ đi tìm ông chủ đề « xin việc ».

Chúng ta có nhận ra hiện hữu, cuộc đời, ơn gọi gia đình hay tu trì của chúng ta là một ơn huệ không ? Chúng ta có nhận ra lòng tốt của Chúa để luôn tạ ơn và ca tụng Ngài không ? Và để sống và làm việc trong tâm tình tạ ơn và ca tụng không ? Hay chúng ta coi tất cả những ơn huệ nhưng không này như một thứ « quyền lợi », để đòi hỏi Thiên Chúa, để so bì và ganh tị với nhau ? Nhưng khi đòi hỏi và ganh tị, chúng ta dựa vào điều gì, phải chẳng là công lao hay thành tích của chính chúng ta ?

2. “Cả các anh nữa hãy đi vào vườn nho”  (c. 3-7)

Thực vậy, phần tiếp theo của dụ ngôn, mỗi lúc một mạnh mẽ và vượt quá cách hành động thông thường của một người chủ, có thể có trong kinh nghiệm sống của chúng ta, nhấn mạnh đặc biệt đến chiều kích ơn huệ và lòng tốt khác thường của ông chủ : giờ thứ ba (9 giờ sáng), ông lại ra khỏi nhà đi tìm thợ ; giờ thứ 6 (12 giờ trưa), ông lại đi nữa ; rồi giờ thứ 9 (3 giờ chiều), ông lại đi nữa ; và đây là tột đỉnh của sự khác thường, vào giờ thứ 11 (5g chiều), ông vẫn ra khỏi nhà đi tìm thợ làm việc !

Nếu trong những trường hợp trước, ông chủ chỉ hứa trả công một cách hợp lí : « Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng », thì trong trường hợp sau cùng, ông chỉ mời gọi đi làm việc : « Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho ». Như thế, được hiện diện trong vườn nho là một ơn huệ hoàn toàn nhưng không, diễn tả lòng tốt của ông chủ ; và điều này cũng đúng với những trường hợp trước và phải được nhận ra và được ngợi khen bởi những người thợ đi vào trước, và kể cả những người vào làm việc đầu tiên nữa.

Tuy nhiên, câu chuyện của dụ ngôn, vốn diễn tả sự thật về chính chúng ta, lại diễn biến theo hướng lòng ghen tị và lời kêu trách, thay vì theo hướng chúc mừng và ca tụng. Dân Chúa đã kêu trách và ghen tị trong sa mạc (x. Ds 21,4-9, bài đọc I của ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá) ; và loài người và mỗi người chúng ta được mời gọi nhận ra bản thân mình nơi Dân Chúa.

Như thế, đúng ra những trường hợp trước phải được hiểu dưới ánh sáng của trường hợp sau cùng, để nhận ra lòng tốt của ông chủ được thể hiện từ đầu đến cuối. Vì, nếu hiểu ngược lại, nghĩa là các trường hợp sau được hiểu dưới ánh sáng của trường hợp đầu tiên, người ta sẽ hiểu lệch lạc về ông chủ và về người khác : từ đó, phát sinh thái độ kêu trách và ganh tị.

3. “Bắt đầu từ những người vào làm sau chót… ” (c. 8-16)

Và dường như ông chủ cố ý làm cho lòng ghen tị và lời kêu trách lộ diện, khi ông trả công, đúng hơn là ban phát, cách quảng đại cho người đến làm việc sau cùng, trước mắt mọi người :

Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. (c. 8)

Bởi vì, làm cho cái xấu lộ diện, chính là cách tốt nhất để chữa lành. Thực vậy, khi đến lượt nhóm thợ đầu tiên đến lãnh tiền công, họ được nhận đúng với lời thỏa thuận của ông chủ và của họ và điều này làm bật lên sự khác biệt giữa họ và những người khác. Nhưng thay vì họ chúc mừng những người đến sau (vì họ làm ít hơn mình, nhưng lại nhận được nhiều như mình) và ca ngợi lòng tốt của ông chủ (ông chủ không chỉ trà công sòng phẳng, nhưng còn ban phát rộng rãi cho người khác, theo lòng tốt của mình), họ vừa lãnh công và vừa cằn nhằn :

Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt. (c. 12)

Trong lời này, hàm chứa hai thái độ : so sánh mình với người khác : « mấy người sau chót này », và kêu trách ông chủ : « thế mà ông lại… ». Lời kêu trách của họ dựa trên những sự kiện rất khách quan và rất đúng : họ làm việc nhiều hơn và vất vả hơn người khác ; nhưng người khác lại được hưởng bằng họ ! Nhưng rất tiếc, những điều rất đúng và rất khách quan này lại được nhìn bằng con mắt ghen tị ! Và vì ghen tị, nên trở nên mù quáng, không mở ra để nhận ra những sự kiện lớn hơn và đúng hơn : người khác thật may mắn và ông chủ thật tốt lành, để chúc mừng họ và ca ngợi ông chủ, đê đi vào trong niềm vui của người ban phát và của người lãnh nhận. Và vì ghen tị, nên cũng mù quáng với chính những gì mình đang có, bởi lẽ điều mình dang có không phải là quyền lợi, nhưng là ân huệ, và vì người lãnh nhận không chỉ là người khác, nhưng cũng là chính bản thân mình. Mình có niềm vui, nhưng lại tự biến niềm vui của mình thành nỗi buồn, gây chết chóc, cho mình và cho người khác.

*  *  *

Xin cho Lời Chúa, là Lời sẽ dẫn chúng ta đến « Lời Thập Giá » (x. 1Cr 1, 18) chữa lành đôi mắt của chúng ta, khi chúng ta « nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu » (Ga 19, 37) ; bởi vì nơi Thập Giá, chúng ta vừa nhìn thấy hình ảnh và hệ quả khủng khiếp của thái độ ghen ghét (nhìn thấy để được chữa lành), và vừa nhận ra tình yêu đến cùng của Chúa dành cho loài người và từng người chúng ta, để ca tụng Chúa, thay vì kêu trách.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

——–

[1] Có thể đọc bài “Quên Ơn Huệ” (St 3, 1-7) và “Kêu Trách và Rắn Độc” (Ds 21 và Ga 3).

Comments are closed.

phone-icon