Tiệc cưới tại Cana tiên báo bữa tiệc Thánh Thể – Chúa Nhật II TN C

0

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 2, 1-11).

Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ.”

Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

++++++

Ðể hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay về tiệc cưới tại Cana, chúng ta cần biết rằng trong Cựu Ước, giao ước của Chúa với dân của Người được ví như một hôn ước, như đã được đề cập trong bài đọc I. Chúa là hôn phu của dân riêng Ít-ra-en (x. Is 54, 5-6 ; 62, 4-5). Các ngôn sứ loan báo rằng: dù hiền thê của Người bất trung, vào ngày tận thế, Chúa sẽ làm cho hôn ước đó vĩnh cửu (x. Hs 2, 18-22). Vì thế dân Do-thái mong chờ Ðấng Mê-si-a, Ðấng Cứu Tinh đến để khai mở hôn ước này. Tiệc cưới là hình ảnh được dùng để mô tả niềm vui vào ngày Ðấng Mê-si-a đến.

Với viễn cảnh này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn câu chuyện tiệc cưới tại Cana. Thánh sử Gio-an, là thần học gia, trước tiên không có ý định miêu tả cho chúng ta một đám cưới làng vào thời đó. Ngài muốn dạy chúng ta một bài giáo lý, với cách giải thích mang tính biểu tượng sâu sắc.

Đối với thánh Gioan, nước hóa thành rượu ngon tại Cana là một “dấu lạ” mà chúng ta thường gọi là “phép lạ”. Khi chúng ta nói đến dấu lạ, điều quan trọng không phải ở việc nước hóa thành rượu, mà là dấu lạ đó muốn diễn tả điều gì. Đối với thánh Gioan, dấu lạ nói về đức tin và cho đức tin. Người quản tiệc dường như không hiểu gì về hành động của Đức Giêsu, nhưng các môn đệ hiểu và tin vào Người. Chúng ta hãy đọc lại câu cuối của đoạn Tin Mừng này: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.” Dấu lạ này chỉ biểu lộ thần tính của Đức Giêsu khi được nhìn bằng con mắt đức tin. Đây chính là chìa khóa của bài Tin Mừng. Biến cố Cana không nhất thiết mang lại niềm tin, nhưng có thể củng cố niềm tin.

Ðiểm khởi đầu bài Tin Mừng là việc thiếu rượu. Thánh sử Gioan không quan tâm đến lý do tại sao thiếu rượu, nhưng người nhấn mạnh đến ý nghĩa tượng trưng của nó, đó là sự nguy khốn của dân Do-thái và sự mong đợi ơn Chúa.

Khi Mẹ Maria nói với Ðức Giêsu: “Họ hết rượu rồi”, Ðức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Chúng ta đừng cho rằng Ðức Giêsu không tôn tôn trọng mẹ mình hoặc do tâm trạng bực bội của Người. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Maria chỉ được nhắc đến hai lần: trong tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá (Ga 19, 25-26). Cả hai lần, Đức Giêsu gọi mẹ Người là “Bà”. Đức Maria được mời gọi để chuyển từ một mối quan hệ ruột thịt sang một mối quan hệ mà kể từ đây được đặt trên một chiều kích khác, đó là chiều kích của đức tin.

Vả lại, ở đây, Đức Maria được giới thiệu như một người phải trở thành gương mẫu của các tín hữu. “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”: Đức Maria đã tin trước phép lạ; còn các môn đệ thì tin sau phép lạ. Truyền thống Giáo Hội sẽ nhấn mạnh vai trò trung gian chuyển cầu của Đức Maria, sự hiện diện ân cần, quan tâm của Mẹ đối với người khác. Giáo Hội tôn kính Mẹ Thiên Chúa là Đấng trung gian tuyệt hảo.

“Giờ của tôi chưa đến.” Toàn bộ Tin Mừng của thánh Gioan đều hướng đến sự tỏ hiện của “Giờ”, đó là sự tôn vinh của Đức Kitô trên thập giá. Tại Cana, tuy chưa tới “Giờ” ấy, nhưng Người đã cho một dấu hiệu về “ giờ” ấy: tiệc cưới tại Cana tiên báo tiệc cưới vĩnh cửu, bữa tiệc của Nước Trời.

Có một chi tiết quan trọng trong bài Tin Mừng, đó là ý nghĩa của con số 6: “sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái.” Số 7, số hoàn hảo, trừ 1, thành 6, là con số tượng trưng cho sự bất toàn. Như vậy, tiệc cưới giữa dân Ít-ra-en và Thiên Chúa chưa được hoàn hảo. Ðiều này muốn nói rằng, Ðức Giêsu là Ðấng khai mở một thời kỳ hoan lạc mới; với Ðức Giêsu, Giao Ước mới thay thế Giao Ước cũ, Luật mới thay thế Luật cũ, rượu ngon và dồi dào của Tân Ước thay thế nước lã của Cựu Ước.

Còn một chi tiết tượng trưng khác để kết thúc: sau khi hóa nước thành rượu, Ðức Giêsu nói với gia nhân: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Người không bảo họ đổ hết các chum rượu ra, nhưng cứ việc múc thoải mái và đem cho ông quản tiệc cũng như mọi người hưởng dùng. Phó từ “bây giờ” muốn ám chỉ sự hiện diện bất tận. Tiệc cưới ngày hôm ấy trở thành tiệc cưới mãi mãi. Bữa tiệc này tiên báo bữa tiệc Thánh Thể, bữa tiệc vô tận, luôn được lập lại do lệnh truyền của Ðức Giêsu: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Phúc cho chúng ta và tất cả những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa !

Comments are closed.

phone-icon