Thứ Sáu Tuần Thánh (15.4.2022) hôm nay, Giáo hội mời gọi tất cả tín hữu ăn chay, với ý nghĩa là chay vượt qua, để tỏ lòng sám hối về những tội lỗi của mình, đồng thời ngước mắt nhìn lên Thánh Giá Chúa, nguồn ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Chiều nay, cùng với Giáo hội, Hội dòng cử hành nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Với sự chủ sự của Cha Đa Minh Lê Thanh Liêm – Dòng Đa Minh, chị em trong Tu viện Trung Ương và các em Lưu sinh thuộc tu xá Thánh Giuse -Tân Mai đã sốt sắng tham dự.
Nghi thức Phụng vụ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh gồm có 3 phần: (1) Phụng vụ Lời Chúa và cầu nguyện cho mọi thành phần, (2) Kính thờ Thánh giá Chúa Giêsu và (3) Rước lễ.
Trong phần phụng vụ Lời Chúa với cao điểm là bài Thương Khó theo Thánh Gioan, nhằm đề cao tính cách tự nguyện bước vào cuộc khổ nạn chỉ yêu nhân loại của Chúa Giêsu. Và hiệu quả của việc tự nguyện này là ơn cứu độ được ban cho toàn thể nhân loại không trừ một ai, khi chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin cho mọi thành phần và mọi nhu cầu của nhân loại.
Trong bài giảng sau bài Thương Khó, Cha chủ tế đã nhấn mạnh đến cuộc Thương Khó của Chúa chính là “chén đắng”, mà Ngài đã tự nguyện đón lấy vì yêu Chúa Cha và yêu nhân loại. Nếu ai đã từng xem phim “Mười hai giờ cuối cùng của Chúa Giêsu” thì sẽ hiểu thấu nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần mà Chúa đã chịu.
Cuộc khổ nạn mở đầu với “đêm tối vườn Cây Dầu”, đêm tối đức tin, đêm của quyền lực satan lên ngôi. Trong tĩnh mịch của đêm đen ấy, ngài bị thử thách nặng nề đến toát mồ hôi máu. Rồi sau đó bị đội vòng gai, từng cái gai đóng vào đầu xuyên vào óc. Những trận đòn liên tiếp giáng xuống cùng vác thập giá đến kiệt sức. Một hình ảnh đau thương là Đức Mẹ cầm khăn trắng, lê theo vết máu con mà thấm. Và đỉnh điểm của nỗi đau thể xác là bị kéo giãn chân tay ra để đóng đinh vào thập giá.
Nỗi đau thể xác kinh khủng là vậy, nỗi đau tinh thần còn đáng sợ hơn. Trong vườn Cây Dầu, Chúa hoàn toàn cô đơn giữa các môn sinh thân tín. Trên đường khổ nạn, Chúa bị quân lính khinh khi, dân chúng trở mặt, môn đệ từ chối và phản bội. Ngài hoàn toàn bị bỏ rơi. Ngay cả Chúa Cha cũng im lặng.
Chúa Giêsu đã đón nhận đau khổ thế nào? Thập giá đúng là nhục hình, nhưng Ngài đã đón nhận tất cả vì động lực TÌNH YÊU. Ngài yêu mến Thánh Ý Chúa Cha và yêu mến nhân loại. Chỉ Thiên Chúa mới lập công để tha thứ cho nhân loại.
Còn chúng ta, mỗi lần chúng ta phạm tội, có phải là chúng ta đang đóng đinh vào tay chân Chúa?
Sau phụng vụ Lời Chúa là phần tôn vinh Thánh Giá. Giáo Hội mời gọi chúng ta bằng chính hành vi đức tin của mình mà tôn thờ chính Đức Kitô, Đấng đã dùng Thập Giá để chiến thắng sự dữ và giải thoát chúng ta. Như thế thập giá – là dụng cụ xử tử những người mang trọng tội – đã trở thánh Thánh Giá vì là nơi Con Thiên Chúa chịu chết trên đó. Nên người Công giáo tôn vinh Thánh Giá không phải là tôn vinh sự đau khổ nhưng là tôn vinh cuộc chiến thắng vinh quang của Đức Kitô trên đau khổ và cái chết. Nhờ cuộc chiến thắng này đã mang đến ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Cuối cùng là phần Rước lễ. Giáo Hội mời gọi chúng ta hiệp thông với Đức Kitô trên con đường Thương Khó của Người.
Tham dự vào cử hành phụng vụ hôm nay, chúng ta không chỉ dừng lại việc tưởng nhớ nỗi thống khổ của Đức Kitô, nhưng còn phải hướng tới việc cảm tạ hồng ân cứu độ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, thống hối về những lầm lỗi chúng ta đã phạm, đồng thời dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin cho toàn thể nhân loại trong đời sống thiêng liêng cũng như trần thế.