Lạy Chúa của con – Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh, Kính Lòng Thương Xót Chúa

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

TIN MỪNG: Ga 20, 19-31

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái.

Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! “20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.

21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

*  *  *

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”

27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! “29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! “

*  *  *

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

(Bản dịch của Nhóm CGKPV)

SUY NIỆM: 

Phần 1. “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (c. 19-23)

  1. Đóng kín và sợ hãi (c. 19a)
  2. Bình an và vui mừng (c. 19b-20)
  3. Được sai đi và ơn huệ Thánh Thần (c. 21-23)

Phần 2. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (c. 24-29)

  1. “Tôi chẳng có tin” (c. 24-25)
  2. “Bình an cho anh em” (c. 26)
  3. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (c. 27-29)

*  *  *

  1. Đức Ki-tô Phục Sinh tỏ mình ra cho các môn đệ đang trong trình trạng đóng kín và sợ hãi, để ban bình an, niềm vui, mở lòng ra và sai các ngài đi với ơn huệ của Thánh Thần (phần 1).

Tuy nhiên, ơn huệ được Đức Ki-tô Phục Sinh ban cho nhóm, cần trở nên kinh nghiệm « đích thân », nghĩa là mỗi người phải đối diện và vượt qua khó khăn của mình, để đi vào tương quan cá vị với Đấng Phục Sinh, trong lời tuyên xưng : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”, và trong hành trình của lòng tin : « Phúc thay những người không thấy mà tin! » (phần 2). Bởi vì, Đức Ki-tô Phục Sinh vừa hướng đến cả nhóm và vừa hướng đến ông Tô-ma một cách đích thân.

  1. Trong mỗi lần Đức Ki-tô Phục Sinh tỏ mình ra, Người đều cho thấy « tay và cạnh sườn » của Người (c. 20 và 27 ; chúng ta có thể thêm « bàn chân » nữa !). Như thế :
  • Đấng chịu đóng đinh và đã chịu chết (tay và cạnh sườn), nay vẫn hiện diện sống động. Vì thế, chỉ có thể là sự hiện diện thần linh (« Lạy Chúa của con… ») và vẫn mời gọi lòng tin : « Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin ».
  • Đấng Phục Sinh với vết thương ở « tay và cạnh sườn » : hình ảnh sống động và thiêng liêng của MẦU NHIỆM VƯỢT QUA : ĐỨC KI-TÔ CHẾT và PHỤC SINH (mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ). Đấng Phục Sinh với vết thương ở « tay và cạnh sườn » vẫn bày tỏ cho chúng ta, khi mời gọi chúng ta « đọc lại cuộc đời của chúng ta dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua », như hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 13-35).
  1. Vì thế, niềm tin nơi ĐỨC KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH và PHỤC SINH, gồm hai khía cạnh (không thể thiếu một trong hai) :
  • « Tay và cạnh sườn » : vừa là « dấu vết » của sự chết gây ra bởi sự dữ (gian dối, tố cáo, kết án, bạo lực…), vừa là dấu chứng của « LÒNG THƯƠNG XÓT » (Người không « kết tội », nhưng tha thứ, chữa lành, giải thoát và trao ban sự công chính của Người).
  • Sự hiện diện thần linh. Vì Đấng Phục Sinh vượt qua không gian và thời gian, hiện diện sống động (khác với thể lý), với chúng ta, giữa chúng ta và cho chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Đấng Phục Sinh nói với ông Tô-ma và với chúng ta hôm nay : « Phúc thay những người không thấy mà tin ». Chúng ta không thấy, nhưng không phải « cả tin », vì sự hiện diện của Đấng Phục Sinh được nhận ra qua những dấu chỉ (sáng tạo, lịch sử, « tấm bánh »), qua ơn huệ « lòng bừng cháy », và vì Người biến đổi sâu xa và bền vững « ngũ quan » của chúng ta, Người mang lại ý nghĩa và hoa trái sự sống cho cuộc sống ngay hôm nay. Thật là có phúc !

1. Sợ hãi và vui mừng (c. 19-20)

a. Đóng kín và sợ hãi

Trong ngày đầu tiên của mầu nhiệm Phục Sinh, những người đã từng đi theo Đức Ki-tô đang ở trong những hoàn cảnh rất khác nhau :

– Ngày thứ nhất trong tuần, sáng sớm, bà Maria Mác-đa-la ra khỏi nhà, đi đến mộ trong buồn đau, chạy về, chạy ra trong lo âu, rồi lại chạy về trong niềm vui khôn tả.

– Bà nói với các Tông Đồ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

– Ngày thứ nhất trong tuần, buổi chiều, các môn đệ ở trong nhà, các cửa đều đóng kín, tâm trạng sợ hãi.

– Và đặc biệt với tông đồ Tô-ma: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người… tôi chẳng có tin.

b. Bình an và vui mừng

Các môn đệ đang ở trong tâm trạng sợ hãi, vì thế, ơn điều tiên mà Đức Ki-tô phục sinh muốn thông truyền cho các môn đệ là ơn bình an: “Bình an cho anh em!” Bình an của sự sống mới, nhưng Chúa lại muốn thông truyền cho các môn đệ và cho chúng ta ngay trong sự sống đầy thách đố này; bởi lẽ chính Ngài đã sống ơn bình an này ngay trong cuộc Thương Khó đầy nhọc nhằn và đau đớn. Đức Ki-tô phục sinh sẽ “viếng thăm”, “đi ngang qua” những tình huống khác nhau của những người thuộc về Ngài, của từng người chúng ta, của cả nhân loại để khơi dậy lòng tin nơi Ngài, Đấng chiến thắng Sự Dữ và sự chết; một lòng tin có sức mạnh “tái sinh” chúng ta cho niềm vui của sự sống mai sau, ngay hôm nay giữa những thử thách của thân phận và số phận con người.

Chắc chắn chúng ta cũng đã trải qua những hoàn cảnh như thế, và có kinh nghiệm về sự viếng thăm của Đức Ki-tô phục sinh, ngang qua Lời của Ngài. Chúng ta có thể nhớ lại những kinh nghiệm này. Xin cho chúng ta cũng nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa trong cầu nguyện và trong ngày sống của chúng ta, và nhất là trong những thử thách làm chúng ta sợ hãi và đóng kín.

*  *  *

Như tất cả các lần hiện ra khác, Chúa luôn luôn cho thấy mình chính là Người đã bị đóng đinh: “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Điều này cho thấy:

  • Sự sống mới phát xuất từ con đường Thập Giá. Như thế, tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui Phục Sinh.
  • Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Đức Ki-tô phục sinh vừa rất khác, khiến cho những người đã từng sống với ngài không nhận ra, nhưng vửa vẫn là một.
  • Tuy Ngài đã đi vào sự sống mới, nhưng tất cả những gì đến từ cuộc Thương Khó, mãi mãi gắn bó với ngôi vị của Ngài. Đó chính là để chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót vô hạn của Chúa.

Hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an và niềm vui, không chỉ vì Đức Ki-tô đi vào sự sống mới, nhưng còn là vì, mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa có liên quan sâu xa đến cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta: tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui Phục Sinh, và sự sống Phục Sinh đã được gieo và sinh hoa kết quả ngay hôm nay.

2. Ơn huệ Thánh Thần (c. 21-23)

Đức Ki-tô phục sinh, thay vì trở lại nắm quyền, Ngài tin tưởng trao lại hết cho các môn đệ: Đức Ki-tô phục sinh lại ban ơn bình an một lần nữa cho các môn đệ, vì trong tương lai đầy thách đố của ơn gọi và của sứ vụ, các môn đệ và chúng ta cũng vậy, cần ơn bình an của Đức Ki-tô phục sinh biết bao. Xin cho chúng ta được bình an, vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 136), tình thương mà Chúa Cha dành cho chúng ta nơi Đức Ki-tô, như thánh Phaolo diễn tả:

Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 38-39)

Như Chúa Cha đã sai thầy, thì thầy cũng sai anh em”. Tương lai không còn thuộc về chúng ta nữa, nhưng thuộc về Chúa: sống là sống cho Chúa; và chết cũng chết cho Chúa. Cuộc đời của chúng ta giờ đây trở thành sứ mạng, được Chúa sai đi để sống từng ngày như là những chứng nhân. Và Chúng ta cần hiểu lời trao ban sứ mạng này xuất phát từ sự thông truyền sự sống và tình yêu và được thúc đẩy một cách tự nhiên bởi ơn huệ sự sống và tình yêu.

Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúa đã được đầy Thánh Thần thế nào, Ngài cũng muốn chúng ta được đầy Thánh Thần như thế, đế có thể sống sứ mạng đến cùng. Thánh Thần sẽ thêm sức, làm cho can đảm không sợ hãi, chữa lành và nhất là dẫn chúng ta vào Chân Lý của Đức Ki-tô, để làm cho chúng ta hiểu biết, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô mỗi ngày mỗi hơn.

Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Đức Ki-tô phục sinh tin tưởng trao ban cho các môn đệ một quyền, thuộc về Thiên Chúa, đó là quyền tha tội, bởi vì con người không thể sống, mà không cần được tái sinh bởi ơn tha thứ. Chúng ta không có chức thánh, nhưng vẫn có thể làm chứng về lòng thương xót của Chúa, bằng con tim bao dung và tha thứ. Và Ngài trao cả quyền cầm giữ nữa, không phải để giết chết, nhưng là để phục vụ cho sự sống. Đã có lúc Giáo Hội dường như đã mê quyền cầm giữ hơn quyền tha tội. Không gắn bó với Đức Ki-tô, không hiểu Ngài cách sâu xa, nhất là mầu nhiệm Thập Giá, không nhớ lại kinh nghiệm được thương xót, không để cho Thánh Thần dẫn dắt,chúng ta rất dễ sử dụng quyền bính Chúa ban để giết chết thay vì để cứu sống. Giáo Hội được đặt xây dựng trên đá tảng Phê-rô, nhưng đá tảng Phê-rô lại được nâng đỡ bởi lòng thương xót. Hãy cảm nếm lòng tin của Đức Ki-tô phục sinh dành cho các môn đệ và cho chúng ta hôm nay.

 3. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (c. 24-29)

Trong phần còn lại của bài Tin Mừng, thánh sử Gioan kể cho chúng ta nghe về hành trình đức tin của thánh Tô-ma và mời gọi chúng ta nhận ra mình nơi hành trình này.

Thánh Tô-ma cứng lòng tin, nhưng không chỉ thánh nhân, mà tất cả các tông đồ khác nữa. Thật vậy, Đức Ki-tô phục sinh khiển trách thánh Tô-ma, như đã khiển trách các tông đồ, vì đã không tin khi nghe lời chứng của các chứng nhân (x. Mc 16, 9-15 ; bài Tin Mừng của thứ bảy, tuần Bát Nhật Phục Sinh). Nhưng tại sao thánh nhân lại muốn thấy và không chỉ muốn thấy, mà còn muốn đụng ? Và rồi khi Chúa tỏ mình ra, Người mời gọi đụng vào Chúa, nhưng thánh nhân không dám đụng ? Đó là vì Người vừa là Đức Giê-su trước cuộc Thương Khó và vừa là Đức Chúa, là Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và sự chết, vừa là Đấng Khác Hẳn, vượt không gian và thời gian. Vì thế, người ta không thể tự mình nhận ra ngay, mỗi khi Người tỏ mình ra.

Xin cho chúng ta có lòng ước ao mạnh mẽ « thấy » Chúa để đi theo Người một cách cụ thể ; và xin cho chúng ta vượt qua bình diện thấy thể lí, để có thể nhận ra Đức Giê-su Ki-tô, là Đức Chúa Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ sáng tạo, sự sống, cuộc đời, ơn gọi, Lời Chúa, Thánh Thể dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời của chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể nhận ra sự hiện hiện của Chúa ngay trong lòng chúng ta, vì Người đã từng nói : « Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. »

*  *  *

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta ít nhất nghe thánh Tô-ma lên tiếng bốn lần :

  • “Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài” (Ga 11, 16).
  • “Thưa Thầy, chúng con không biết được Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con biết được đường đi” (14, 5).
  • “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (20, 25). Khởi đi từ hai lời nói trước của thánh Tô-ma, chúng ta có thể nhận ra tâm tình thật sự ẩn đàng sau lời nói, vẫn bị coi là cứng lòng tin, đó là “tôi khao khát Thầy vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này, hiện hữu bằng xương bằng thịt, để tôi tiếp tục đi theo Thầy”.
  • Cuối cùng là lời tuyên xưng đức tin vượt qua vô hạn điều ông Tô-ma nhìn thấy: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

Qua những lời này, chúng ta có thể nhận ra nơi thánh Tô-ma một sự quyết tâm rất lớn muốn đi theo Đức Giêsu, không phải trong tư tưởng, nhưng bằng « chính đôi chân của mình ». Đây đã một lời gọi đầy ý nghĩa đối với mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, cứ mỗi lần ông Tô-ma lên tiếng, Đức Giêsu đều mời gọi ông đi từ bình diện hữu hình sang bình diện vô hình, từ bề ngoài sang bề trong, từ bề mặt sang bề sâu : cuộc Thương Khó và nhất cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá không đơn giản như ông Tô-ma nghĩ, nghĩa là « thôi thì đi chết với Thầy cho rồi đời » (x. Tv 139 : « ước gì bóng tối bao phủ tôi ») ; đường đi không phải là đường « Đồng Khởi », nhưng là chính ngôi vị của Đức Giêsu, bởi vì chính Đức Ki-tô là Đường, chứ không phải là bất cứ điều gì khác.

Đáng lẽ ra, với lời chứng của các tông đồ khác, ông Tô-ma đã phải tin rồi. Vì khi gặp ông Tô-ma, Đức Giêsu Ki-tô phục sinh sẽ trách ông : “Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma vẫn muốn có được Đức Giêsu như xưa kia, trong khi Ngài đã đi vào trong sự sống mới. Vì thế, tương quan với Thầy, việc đi theo Thầy cũng sẽ mới. Đức Ki-tô không còn hiện diện với các môn đệ, và với chúng ta hôm nay một cách thể lý nữa, nhưng qua Thần Khí của Ngài, qua Lời của Ngài, qua các bí tích, qua những ơn huệ, qua những con người mà chúng ta được sai đến để phục vụ, nhất là những người bé nhỏ, nghèo hèn, bị thua thiệt, qua tương quan hiệp nhất, qua hành vi « bẻ bánh » của chúng ta, nghĩa là chia sẻ sự sống.

Tám ngày sau ; có nghĩa là đúng một tuần. Đó là đêm tối của đức tin, nhưng cũng là thời gian cần thiết để đi tới đức tin đích thật. Thực vậy, ông Tô-ma đã trở thành con người khác, sau thời gian một tuần : ông đã không làm điều ông tuyên bố, mặc dù chính Đức Giêsu mời ông thực hiện. Đức Ki-tô “chiều” ông Tô-ma biết bao, nhưng là để mời gọi ông đi xa hơn và sâu hơn trong cách thức tin, hiểu, yêu và đi theo Đức Ki-tô Phục Sinh. Ông tuyên xưng :

Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.

Bởi lẽ, Đức Giêsu phục sinh mà ông « nhìn thấy » trước mặt ông là một « Đấng Khác », không như ông đã nghĩ. Đó là sự hiện diện thần linh, sự hiện diện của Đấng vô hình. Biến cố hiện ra này, cũng như tất cả các biến cố khác (chẳng hạn trong trình thuật về cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh của bà Maria Mác-đa-la, của hai môn đệ trên đường Emmau) làm cho chúng ta hiểu ra rằng, người ta không tự mình nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chính Ngài đến và cho nhận ra thì người ta mới nhận ra, bởi vì Đức Ki-tô sau cái chết đã đi vào sự sống mới.

Tương quan giữa chúng ta cũng cần vượt qua sự hiện diện hữu hình : tuy không thấy nhau, chúng ta vẫn được mời gọi sống sự hiện của nhau, ngang qua quà tặng, ngang ơn huệ. Điều này đặc biệt quan trọng trong huấn luyện : giữ tương quan ngay trong sự vắng mặt. Xin cho mỗi chúng ta hưởng được mối phúc mà Đức Ki-tô công bố :

Phúc thay những người không thấy mà tin.

Nghĩa là nhận ra, ở lại, đi theo và trở nên một với Đấng Phục Sinh ngang qua kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện và nhận ra Ngài hiện diện nơi các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh thể, và cả trong đời thường nữa với những hoàn cảnh và biến cố xẩy ra trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ;  như thánh Gioan kết luận sách Tin Mừng của Ngài :

Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người. (c. 31)

Comments are closed.

phone-icon