Ts. Trần Mỹ Duyệt & Bs. Lương Huỳnh Ngân
Một trong những vấn nạn đôi lúc dẫn đến tâm trạng bối rối đối với những người có sự nhạy bén về luân lý và đạo đức. Đó là làm thế nào để phân biệt giữa hai quan niệm sống : Thú vui và niềm vui.
Thú vui thường được nhìn với cái nhìn tiêu cực, ngầm ý qua những lôi cuốn, hấp dẫn theo bản năng. Niềm vui, trái lại, là một cảm xúc lành mạnh, tốt đẹp, và trong sáng. Nhưng cả hai đều được cảm xúc, và ham muốn tự nhiên chi phối. Sự lẫn lộn này nhiều khi khiến chúng ta mất cảm hứng tốt lành về một điều gì đó thuộc lãnh vực tâm linh, tâm lý và cả thể lý. Thí dụ, cảm thấy ngon, thích thú và sung sướng đối với một món ăn mà mình được mời trong một bữa tiệc. Tình cảm này, sự thích thú này có làm cho một người mất đi tư tưởng đạo đức, luân lý hay không? Hoặc ngược lại, bị thu hút và say mê trước vẻ đẹp của một phụ nữ mà vô tình gặp phải trên đường. Bị thu hút về vẻ đẹp kia có gì là sai trái ? Hoặc có chính đáng không ?
Thật ra, theo tâm lý học, khoảng cách giữa thú vui và niềm vui chỉ được phân biệt bằng sự phán đoán trưởng thành, và bằng cách biết điều chỉnh, kìm hãm bản năng tự nhiên. Và xét về phương diện tâm linh, đạo đức, thì sự khác biệt ấy cũng được định giá bằng lương tâm ngay chính với sự hướng dẫn của lý trí.
Nhưng để có một cái nhìn tổng quát về sự khác biệt giữa hai quan niệm và lối sống này, có ít nhất 5 điều khiến chúng ta có thể dùng để phân biệt:
1. Khác biệt từ bản chất
Thú vui không cần miêu tả, suy nghĩ. Nó thuộc bản năng tự nhiên. Không hẳn chỉ có con người mà các loài động vật cũng có bản năng này. Ví dụ một bữa cơm ngon, một cuốn phim hay. Vì không cần phải suy nghĩ để giải thích tại sao tôi lại thích ăn ngon, hoặc khoái chí khi xem một cuốn phim hay.
Niềm vui, ngược lại, thường sâu xa hơn, tế nhị hơn. Nhiều khi cần sự suy tư mới khám phá ra lý do thật sự. Thí dụ niềm vui và cảm xúc khi gặp lại người bạn thân lâu ngày, hoặc cảm xúc dâng tràn khi vừa cứu sống cho một bệnh nhân thoát chết trong đường tơ, kẽ tóc.
2. Khác biệt do ý nghĩa
Thú vui thường liên quan đến các sở thích, thể xác hay tâm lý. Nó nhằm để thỏa mãn một nhu cầu của thân xác, trực tiếp theo bản năng. Thí dụ, ăn ngấu nghiến khi đói. Hoặc ăn cho hết đói chẳng hạn.
Trong lúc niềm vui liên quan đến nhân sinh quan con người; không cần thiết cho sự sống còn, của con người nhưng mang lại cuộc sống dễ chịu hơn : Không phải sống để ăn, mà là ăn để sống. Nó thường là một con đường dẫn đến hạnh phúc.
Nhà triết học Pháp Henri-Louis Bergson nói: “niềm vui hoàn tất cuộc sống. ” Nói cách khác, khi bạn khám phá ra đã thăng tiến trong cuộc sống, khi ấy bạn tìm thấy niềm vui. Thí dụ, niềm vui và hạnh phúc khi vừa đọc xong một cuốn sách giá trị, hoặc đang và sau khi thưởng thức một bản nhạc hay với giọng ca đầy truyền cảm của người bạn.
3. Niềm vui thường toả ra một cách tự nhiên
Niềm vui được bộc lộ qua cảm xúc. Một trong đặc tính của cảm xúc là khó dấu đi được. Nó xuất hiện trên nét mặt, qua cử chỉ, trong giọng nói, trong khóe mắt, bờ môi, vv … Khó mà dấu được hoặc phải có thói quen tập dấu một cảm xúc mới dấu được…
Trong lúc, trái lại, sau một bữa ăn ngon, sau khi xem một phim hay, hoặc nghe một bản nhạc tình tứ, lãng mạn, không nhất thiết bạn tỏ ra, hay ít nữa sau một thời gian ngắn, quên đi. Nhiều lắm là lúc ăn hít hà, khen ngon, hoặc vỗ tay cổ vũ khi xem phim và nghe nhạc…
4. Niềm vui thường được truyền cảm tự nhiên.
Chính vì nó tự nhiên nên dễ truyền cảm.
5. Âm hưởng khác nhau.
Thú vui thường có bề trái và chóng qua. Một đêm ăn nhậu vui thật, nhưng khi về nặng bụng, lắm khi say xỉn. Âm hưởng của những cuộc vui thâu đêm, hoặc những bữa tiệc linh đình thường qua đi rất mau, bởi nó là những gì làm thỏa mãn tính cách nhất thời của bản năng.
Nhưng một bữa tiệc tiễn một người bạn thân đi sinh sống nước ngoài thường để lại một niềm vui lâu dài, không có bề trái tiêu cực.
Hai điều giống nhau:
Thú vui hay niềm vui đều có thể mang lại hạnh phúc. Thỏa mãn nhất thời, và hạnh phúc sâu kín, tiềm ẩn lâu dài. Tuy nhiên, cả hai lại là quà tặng của Tạo Hóa, mẫu gương của chân thiện mỹ. “Thiên Chúa hành động và hoạt động cho chúng ta trong mọi vật….Người có mặt cụ thể trong những yếu tố, trong những loài cây cối hoa quả, thú vật… ban phát và gìn giữ sự sinh tươi của sinh vật, của cảm xúc. ” (Linh thao 236, Thánh Inhã).
Thượng Đế tạo dựng con người. Ngài không loại bỏ những bản năng tự nhiên, và đời sống tình cảm. Ngài cũng tạo những điều kiện để con người sống hạnh phúc, thăng hoa những giá trị cuộc sống. Điều quan trọng là do người thụ hưởng. Không để lòng bị chôn bám, hoặc đam mê chạy theo những đòi hỏi, ham muốn của bản năng, của vật chất, nhưng phải biết nhận thức và vui mừng trong tâm tình chúc tụng, ngợi khen và thờ phượng Đấng ngự trị trên trời, luôn hằng thương yêu tất cả mọi người chúng ta.