Tình yêu vô biên của Chúa – Chúa Nhật 24 Thường Niên C

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

​Tin Mừng (Lc 15, 1-10 – Bài ngắn)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

“Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

*******

Đức Giêsu nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Lc 5, 32a). Người nói điều đó và và đã thực hiện. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc: “Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.’” Họ muốn thấy Đức Giêsu ngồi vào bàn ăn với những người có chức vị cao trong xã hội hơn.

Để minh chứng cho hành vi của mình, Đức Giêsu kể hai dụ ngôn, đó là dụ ngôn con chiên mất và được tìm thấy, và dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất và được tìm thấy.

Thiên Chúa luôn chủ động như người chăn chiên bỏ chín mươi chín con chiên của mình ngoài đồng hoang để tìm kiếm con chiên bị mất, cho đến khi tìm thấy nó. Một việc làm hơi điên rồ vì người chăn chiên chấp nhận nhiều rủi ro chỉ cho một con chiên. Thiên Chúa chủ động như người phụ nữ kia thắp đèn, quét nhà moi móc tìm kiếm cho đến khi bà tìm thấy nó. Vâng, Chúa luôn đi bước đầu tiên.

Chương 15 của Tin Mừng theo thánh Lu-ca bao gồm hai dụ ngôn ngắn này và dụ ngôn người cha nhân hậu là đỉnh cao của bài huấn giáo của Đức Giêsu về lòng thương xót của Chúa Cha. Ngay bài đọc 1 đã là sự suy ngẫm về hàng ngàn lý do biện minh cho lòng thương xót của Chúa đối với dân sa đọa của Người.

Có một linh mục kể câu chuyện sau đây: Trong một buổi học thần học, một phụ nữ xin được nói chuyện với ngài.
– Thưa cha, con thấy rằng trong Tin Mừng có những điều không công bằng chút nào.
– Là sao ?
– Cha xem, chẳng hạn dụ ngôn con chiên mất. Một người chăn chiên có một trăm con chiên. Chín mươi chín con ngoan ngoãn, chỉ có một con bị lạc trên núi. Thế mà người chăn chiên lại bỏ chín mươi chín con ngoan hiền mà đi tìm con chiên bị lạc. Thật không công bằng tí nào!
Vị linh mục trả lời:
– Nghe bà kể chuyện, tôi có cảm tưởng rằng bà đang đặt mình vào số chín mươi chín con chiên…
– Tất nhiên rồi, thưa Cha !
Vị linh mục mỉm cười trả lời:
– Ồ, thưa bà, vậy thì Chúa Giêsu muốn bà hiểu rằng Người không đến vì bà rồi !

Điều nhấn mạnh của hai dụ ngôn này không phải ở việc tìm kiếm của cải đã mất, mà là lời mời gọi lặp đi lặp lại để chia sẻ niềm vui. Niềm vui này không tương xứng với những sự kiện gây ra nó. Nếu Đức Giêsu nhấn mạnh vào niềm vui này, là vì Người muốn ám chỉ một niềm vui còn sâu xa hơn nhiều, đó là niềm vui của Thiên Chúa khi đón tiếp mọi tội nhân ăn năn sám hối trở lại: “Tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” Đó là dung mạo của Chúa Cha mà Chúa Giêsu mặc khải.

Mọi người – bắt đầu bằng những kẻ bé mọn nhất – đều có một giá trị, đều là vô giá trước mặt Thiên Chúa. Mầu nhiệm về sự tôn trọng của Chúa đối với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa mà chúng ta tin và tôn thờ là Đấng vẫn luôn yêu thương những người con bị bỏ rơi, là Đấng luôn đi tìm kiếm những đứa con tản mác của mình. Niềm vui của Chúa, đó là tìm lại được những đứa con thất lạc của mình. Đúng là Tin Mừng, Tin Mừng của Thiên Chúa, Tin Mừng cho loài người.

Còn “chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” là ai? Đức Giêsu ám chỉ những người Pharisêu và các kinh sư. Họ phải biết rằng “không ai là người công chính”, như lời thánh Phaolô (Rm 3, 10), và họ cũng cần phải sám hối ăn năn.

Niềm vui của Chúa dành cho một tội nhân ăn năn sám hối đối lập với những xầm xì của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu. Họ trách móc Đức Giêsu đã đón tiếp những người tội lỗi. Cái nhìn của họ bị che khuất bởi thành kiến và sự thiếu lòng tin vào tình yêu và sự tha thứ của Chúa

Thái độ của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư phải chất vấn chúng ta về thái độ của mình. Qua việc đánh giá, lên án người khác, chúng ta thường đứng về phía người Pha-ri-sêu! Chúng ta có tiếp đón Chúa vào cuộc đời mình như một người Cha luôn yêu thương không ?

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết nhìn người khác như anh chị em là người được Chúa yêu thương, và tạ ơn Chúa vì tình yêu và lòng thương xót vô biên của Người đối với mọi người. Amen.

Comments are closed.

phone-icon