Ba lời khấn nhằm phục vụ sự sống (P3) – Lời khấn Khiết tịnh

0

Sr. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà chuyển ngữ
Nguồn: Sr. Elaine M. Prevallet, SL. In the service of life:
Widening and Deepening Religious Commitment. 2006, p. 28 – 56.

Là con người phải có sự khiết tịnh. Một số sinh vật khác không có sự giao hợp. Trong một số loài chim, khi thức ăn hoặc chỗ ở khan hiếm, một số chim trưởng thành không tìm bạn, không giao hợp và đẻ con. Ngược lại, khi mạng sống cũng như mối nguy tuyệt chủng, các con chim này lại đi tìm bạn để như một bản năng duy trì nòi giống (tùy theo nhu cầu của loài chim của mình). Trong các loài sư tử, nhiều sư tử mẹ đã chọn không sinh con nữa, nhưng dồn hết năng lực của mình để bảo vệ sư tử con khỏi sự tấn công của các sư tử đực muốn ăn thịt chúng. Loài chó sói ở Bắc Mỹ, chỉ có những con đầu là sinh con, còn những con cái khác có nhiệm vụ tìm thức ăn, canh phòng hang, chơi với những con con, chăm sóc và hướng dẫn cho những chú sói con khả năng kiếm sống bằng việc săn bắt mồi. Mặc dù khoa học không cho phép chúng ta đồng hóa con người với các loài vật khác, nhưng dường như nó có một quy luật là để có đủ lương thực và nguồn sống cho chủng loại của mình, cần có một số sống khiết tịnh.
Thánh Thần đã khơi dậy lòng khao khát đáp trả nơi những cá nhân muốn dâng hiến nhu cầu tính dục cũng như khả năng sinh sản cho lợi ích chung qua việc cam kết sống khiết tịnh. Đây là một chọn lựa có ý thức. Xã hội đầy đam mê nhục dục của chúng ta không ủng hộ cho lựa chọn này. Một cách chung, nền văn hóa hôm nay đã tẩy não chúng ta bằng một quan điểm rằng, để trở thành một con người hoàn hảo phải được thỏa mãn tính dục trong sự giao hợp nam nữ. Nếu những ai không có ý hướng này, họ là những người không bình thường. Chọn lựa sống khiết tịnh là một chọn lựa đi ngược với quan niệm xã hội. Một sự chọn lựa gặp rất nhiều khó khăn. (Ngay cả một số tu sĩ cũng có quan niệm là phải thỏa mãn một phần nào đó thì mới sống khỏe mạnh được: tương quan giữa các linh mục và nữ tu, đồng giới, thỏa mãn trên thân thể, …).
Nhưng lời khấn khiết tịnh của người tu sĩ mang một ý nghĩa lớn hơn nhiều so với việc không sinh con. Trọng tâm của lời khấn khiết tịnh là ước muốn dâng hiến đời mình và toàn bộ năng lực của mình cho Thiên Chúa. Trong truyền thống Kitô giáo, sự cam kết này là một sự diễn tả của sự hoàn trọn ơn gọi của mình trong con người Đức Kitô. Thời gian gần đây, chúng ta bắt đầu đào sâu các động lực của việc cam kết sống khiết tịnh: một ước muốn dâng hiến năng lực đời mình cho Thiên Chúa qua việc hăng say trong sứ vụ phục vụ Nước Chúa được thể hiện qua cộng đoàn.
Dâng hiến đời mình cho tình yêu với con người Đức Giêsu và cho nước Chúa. Cả hai không mâu thuẫn nhau nhưng đã làm nên một sự cam kết sống khiết tịnh. Động lực này đan quyện và hòa hợp với nhau, ngay cả trong bản thân mỗi người chúng ta. Mục đích của sự cam kết này là một trái tim không chia sẻ hướng về Thiên Chúa, một tương quan sâu đậm với Thiên Chúa.
Động lực duy nhất, có thể gọi là mầu nhiệm của lời khấn khiết tịnh là xây dựng một tương quan cá vị với Chúa Giêsu Kitô. Tương quan này là trung tâm của lời khấn khiết tịnh. Khi chúng ta tuyên khấn khiết tịnh, chúng ta chọn Đức Kitô làm trung tâm của mọi quy hướng, mọi ước muốn của chúng ta. Ngài là sự hiện diện duy nhất trong linh hồn chúng ta, là nguồn mọi tình yêu và sự khôn ngoan. Sự kết hợp mật thiết với Đức Giêsu giúp chúng ta sống hòa hợp với chính mình và với tha nhân. Cuộc sống trong Đức Kitô là nguồn mạch cho cuộc sống nội tâm của chúng ta, giúp chúng sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa và sống sung mãn tương quan với tha nhân.
Nhờ sự khiết tịnh, giúp chúng ta thoát khỏi những ràng buộc của hôn nhân để chúng ta được tự do phục vụ nước Thiên Chúa. Chúng ta kín múc được nguồn năng lực dồi dào từ bên trong để chuyền tải ra bên ngoài qua việc phục vụ tha nhân. Những người sống khiết tịnh cam kết với lời mời của Tin Mừng để phục vụ. Sự khiết tịnh là một phương tiện hữu ích và được cảm nghiệm qua sự nâng đỡ và động viên của cộng đoàn trong đó mọi người cùng cam kết sống khiết tịnh.
Trong mọi sự, một đời sống khiết tịnh đích thực luôn được thể hiện qua lòng thương xót đối với nhu cầu của anh chị em và của thế giới, như Chúa Giêsu đã thể hiện. Đối với một số người, kết hợp với Đức Giêsu sẽ là một mạch sống dồi dào chuyển trao năng lượng tình yêu và tiếp tục chảy trào trong toàn bộ cuộc sống của họ. Với một số khác, họ tìm thấy khuôn mặt của Đức Giêsu qua khuôn mặt của anh chị em, những người đang cần đến họ. Theo một cách chung, một đời sống khiết tịnh Kitô giáo là một đời sống sẵn sàng cho đi, sẵn sàng dâng hiến đời mình để phục vụ người khác và mang lại sự viên mãn cho cuộc sống của mọi người. Yêu mến Chúa và yêu thương anh em đồng loại là một tình yêu duy nhất.
Hầu hết tất cả mọi người chọn đời sống khiết tịnh không phải chỉ dựa trên lời khấn mà họ đã tuyên khấn, nhưng quan trọng là họ được thúc đẩy tuyên khấn khiết tịnh là vì họ cảm nhận được một lời mời gọi sâu xa từ bên trong. Một cảm nhận rằng chính sự khiết tịnh làm nên cuộc sống của họ. Lý do để chọn đời sống khiết tịnh rất khó để xác định. Tuy nhiên, khi họ càng lớn thì đời sống khiết tịnh trở thành một cam kết giữa lời khấn khiết tịnh và sự hiện diện của họ. Ở đây không phải là vấn đề sợ sự thân mật; ngược lại, một tình bạn thân thiết với người cùng giới hay khác giới là một trong những khía cạnh của sự khiết tịnh. Với họ, khi chọn Chúa là gia nghiệp đời mình, họ từ chối tương quan tình dục với người khác.
Nhu cầu tính dục là một điều cần thiết trong mối tương quan vợ chồng. Khi dâng hiến nguồn năng lực đó cho Thiên Chúa sẽ ảnh hưởng trên nhân cách và mối tương quan của người đó. Sự cam kết sống khiết tịnh có ảnh hưởng sâu xa và căn bản trên cuộc sống của một người, cả trong lẫn ngoài.
Với những người cam kết sống khiết tịnh, đòi họ phải có ý thức về bản thân và chống trả lại những khuynh hướng bản năng. Khiết tịnh không phải chỉ là không lập gia đình hay không có con cái, nhưng quan trọng đó là, một tình yêu không chiếm hữu và không loại trừ.
Vì không bị ràng buộc bởi quan hệ tính dục phức tạp, những người sống khiết tịnh thể hiện một tình yêu tự do, không chiếm hữu và cũng không ích kỷ. Tình bạn với những người cùng hoặc khác giới thường làm giàu cho đời sống thiêng liêng cách sâu đậm mà không chiếm hữu cũng không loại trừ. Cộng đoàn sống khiết tịnh thường trở nên chứng nhân cho những tình bạn trong sự tin tưởng lẫn nhau và trong sự cam kết vĩnh viễn về một cuộc sống được thông chia cho nhau. Họ cũng khuyến khích mọi người mở ra cho những tình bạn khác, cả với những người cùng hoặc khác cộng đoàn, với những ai cam kết chia sẻ cùng một mối quan tâm. Cộng đoàn nữ tu có thể trở thành một cộng đoàn tràn đầy tình yêu của tình mẫu tử, tỉ muội, bạn bè. Đó là nguồn mạch của niềm vui.
Trở thành một với chính mình là một sự tự do nội tâm khỏi những ràng buộc của những mong đợi bên ngoài và sống thực chất từ bên trong, xây dựng một khả năng yêu thương cách tự nhiên và vượt khỏi những ràng buộc. Phẩm chất của tình yêu này không giới hạn ở những người nữ tuyên khấn sống khiết tịnh, nhưng cho tất cả những ai tìm kiếm một tình yêu không chiếm hữu và thông truyền tình yêu đó cho tất cả mọi thụ tạo.
Tuy nhiên, sự khiết tịnh là một thực hành suốt đời. Khi sống khiết tịnh, chúng ta cũng thường bị thu hút bởi tình yêu của một người cùng giới hoặc khác giới. Cảm thấy bị thu hút bởi một người nào đó là điều rất tự nhiên, tâm lý con người ai cũng muốn yêu và muốn được yêu. Tuy nhiên, người sống khiết tịnh phải ý thức để nhận ra những gì đang diễn ra trong con người mình, những hướng chiều về điều trái với lời khấn khiết tịnh để giúp chúng ta tự điều chỉnh và có kỷ luật bản thân không để mình bị cuốn bởi tình yêu đó.
Thông thường, khi yêu ai, chúng ta muốn chiếm hữu người đó và giữ người đó cho riêng mình. Ở đây, lời khấn khiết tịnh tương đồng với lời khấn khó nghèo. Cái tôi của mình ước muốn chiếm đoạt cho riêng mình. Đây là thời điểm khó khăn và đau khổ cho người sống đời khiết tịnh vì họ phải chiến đấu chống lại ước muốn chiếm hữu thân xác, và sự giằng co trong tình cảm. Mặt khác, đây cũng là một nguồn cảm hứng, mở ra cho nguồn năng lượng mới và tiềm năng dấu kín trong bản thân mình. Mặt khác nữa, đây là một cảm giác thiếu sự tự do, một tâm hồn đang bị giam giữ. Bản thân mình phải phân định để luôn trung thành với lời cam kết ban đầu và trung thành với tình yêu mới mẻ và rộng lớn. Hãy trung thành với sự liêm khiết của mình. Và kết quả của việc phân định này làm cho chúng ta trở nên một con người đầy lòng thương xót, nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân, ý thức về bản thân mình, và một cảm thức sâu xa về chính mình trong toàn thể cộng đồng nhân loại. Những chiến đấu này là sự tham dự vào tiến trình tự hủy và sống lại cho sự sống mới. Đây cũng có thể là một thời gian của ân sủng tràn đầy.
Điều khó khăn thứ hai cho những người nữ sống độc thân là việc không sản sinh con cái. Với một người phụ nữ có gia đình, mặc dù họ phải chiến đấu với cuộc hôn nhân của họ, chiều chồng, chiều con. Tuy nhiên, những người sống độc thân lại có những thách đố khác, thách đố phải đối diện với nỗi cô đơn, không cảm nhận được niềm vui của một người đặc biệt đối với người khác. Người sống khiết tịnh cảm thấy mình không thuộc về đâu cả, không cắm rễ ở một chỗ nào, đôi khi cảm thấy mình như một con thiêu thân không có chỗ đậu. Khi đối diện với khó khăn này, nếu họ không tìm đến Đức Kitô nguồn mạch của mọi niềm vui và sự sống, họ có thể bị cám dỗ muốn nhốt mình ở trong phòng riêng, không mở ra cho bất kỳ một tình bạn nào trong cộng đoàn. Họ cũng rất dễ bị cuốn theo những trào lưu xã hội như: mua sắm, nghiện ti vi, internet, tệ hơn nữa là nghiện rượu hoặc ma túy. Hoặc họ có thể vùi đầu vào công việc, tìm thỏa mãn trong những thành công và sứ vụ của họ.
Điều quan trọng là chúng ta không phủ nhận năng lực chiếm hữu, không kiềm chế hay hủy bỏ nó, nhưng hãy dùng nó để làm cuộc sống phong phú hơn. Nếu nguồn năng lượng này không được sử dụng đúng cách và phù hợp hướng đến tình yêu phục vụ, thì nó sẽ quy về việc phục vụ chính mình. Nó có thể dẫn đến sự hủy diệt cũng như tôn vinh chính mình bằng những hình thức nghiện ngập (ngay cả nghiện các mối tương quan) và lạm dụng tình dục. Những điều này không loại trừ những người cam kết sống khiết tịnh. Lời khấn khiết tịnh trong Dòng tu không phải để kiềm chế khả năng tự nhiên, nhưng siêu nhiên hóa khả năng đó. Nếu chúng ta tìm cách thống trị bằng bất cứ hình thức nào, chúng ta đang đi ngược lại với mối tương quan đích thực, chúng ta muốn chiếm hữu cuộc sống, làm chủ nó thay vì cộng tác. Và cuối cùng chúng ta đánh mất mục đích việc tuyên khấn khiết tịnh là để phục vụ sự sống chứ không bóp chết.
Chúng ta phải luôn ý thức về mục đích việc chúng ta chọn sống khiết tịnh. Trong mọi tình huống, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, chúng ta cần giữ nguồn năng lượng hướng tới sự sống, sáng kiến và tương quan lành mạnh. Để chuyển từ tình yêu chiếm hữu sang tình yêu đại đồng là một điều đi ngược với bản năng con người. Vì thế, điều này đòi chúng ta phải phân định và chọn lựa. Làm sao để tình yêu luôn là trung tâm trong mọi sự và cho mọi chọn lựa của chúng ta.
Rõ ràng, để có được khả năng mở ra cho một tình yêu không chiếm hữu không phải là chuyện dễ. Chúng ta không thể có được ngày một ngày hai, nhưng là một chuỗi dài của việc cầu nguyện, phân định và chọn lựa. Công việc mục vụ, tình bạn đích thực, đời sống cộng đoàn và đời sống cầu nguyện phải được đào sâu hầu giúp cho đời sống khiết tịnh của chúng ta được hài hòa và triển nở. Người sống khiết tịnh phải đặt nền trên đời sống nội tâm sâu xa, phải nhạy cảm với những thúc đẩy từ bên trong. Họ phải nhận ra nhu cầu cần thiết của bản thân cho một mối tương quan lành mạnh và sống động, đồng thời biết yêu thích đời sống cô tịch. Thực hành việc suy niệm Lời Chúa, viết nhật ký, chiêm niệm và cầu nguyện sẽ giúp cho cá nhân chúng ta khả năng nhận biết những đòi hỏi sâu kín của bản năng và biết được những chuyển động của trái tim.
Như mọi tín hữu, người sống khiết tịnh cần ý thức họ thuộc về một cuộc sống lớn hơn nhiều so với cuộc sống của họ. Việc tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn, các nghi thức, bí tích và tham dự Thánh lễ là những thực hành rất hữu hiệu giúp người sống khiết tịnh giữ được sự cân bằng và tìm thấy ý nghĩa lớn hơn. Các bí tích giúp chúng ta tham dự vào sự sống rộng lớn trong thân thể Đức Kitô và cũng là cách diễn tả của con người lệ thuộc vào Thiên Chúa để có thể tồn tại và trao ban sự sống cho vũ trụ chung quanh chúng ta.
Trung thành thực hành những điều trên cùng với những phương thế nội tâm thích hợp như việc đồng hành thiêng liêng hoặc tình bạn để giúp chúng ta nhận ra những dấu hiệu tiêu cực và ích kỷ đang cản đường chúng ta tới sự hiệp thông toàn vẹn. Để cuộc sống chúng ta được hoàn toàn kết hiệp với Chúa và với vũ trụ trong ý nghĩa chấp nhận chết đi để được sống, đó là một điều không dễ, cần phải thực hành suốt đời.
Vai trò của cộng đoàn là giúp mỗi cá nhân được sống đời tu cách tự do và cho họ một cảm thức thuộc về qua việc họ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương, nâng đỡ của cộng đoàn. Cộng đoàn cần nhận ra những hình thức ẩn dấu của sự bất công, chiếm hữu hay bạo động trong đời sống cộng đoàn. Làm sao để cộng đoàn trở nên một cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn mở ra cho những khác biệt và truyền thông sự sống cho mỗi thành viên trong cộng đoàn và lan tỏa ra khắp thế giới. Người sống khiết tịnh là người biết biến những đòi hỏi của bản năng thành một tình yêu có khả năng tái tạo mầm sống cho người khác và trong việc phục vụ sự sống. Người sống khiết tịnh là người có trái tim đủ lớn để yêu thương cả thế giới.

CÂU HỎI CẬT VẤN
1. Điều gì thúc đẩy bạn chọn đời sống khiết tịnh? Điều đó có giúp bạn trở thành con người yêu thương, một người dám sống thật với chính mình không?
2. Thực hành việc cam kết sống khiết tịnh có giúp bạn mở rộng và đào sâu mối tương quan của bạn với trái đất và với mọi tương quan khác không? Bạn có học để sống giản dị, có trách nhiệm và bền vững trong mọi mối tương quan không?

Comments are closed.

phone-icon