Sr. Teresa Nguyễn Thị Mừng, OP
Lời mở
Việc hiến dâng cho Thiên Chúa đã có từ xa xưa trong Kinh Thánh – thời Cựu Ước, Tổ phụ Ab-ra-ham hết lòng kính tin, mến yêu và tôn thờ Đức Chúa đến độ ngài sẵn sàng hiến dâng cho Thiên Chúa người con độc nhất mà Thiên Chúa ban cho lúc tuổi già (St 22). Trong Tân ước, Đức Giê-su đã khen bà goá dâng vào Đền thờ mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá trị 1/4 xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống; vì thế bà đã được Đức Giêsu khen ngợi: “Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12,43-44).
Theo Chủ đề, chúng ta thấy rõ hai hoạt động tâm lý – “tâm tình hiến dâng” và “yêu cho đến cùng”. “Tâm tình hiến dâng” là hoạt động nội tại và “yêu cho đến cùng” là hoạt động ngoại tại, hoạt động bên ngoài được khởi đi hoàn trọn nhờ hoạt động mãnh liệt bên trong.
Tâm tình chính là tình cảm riêng tư, thầm kín của mỗi người, được bày tỏ, thổ lộ cách rất riêng cho nguời mình yêu mến nhất; và tâm tình này sẽ bày tỏ bằng động từ “hiến dâng”. Động từ “hiến dâng” chỉ dành cho đối tượng thật cao cả, đầy kính tôn; nên vật hiến dâng ở đây phải là thứ quý giá nhất, được dâng lên cách cung kính, trân trọng cho đối tượng, cho mục tiêu cao cả” (x. Tự Điển Việt).
“Yêu cho đến cùng”, là yêu đến tận cùng, không giữ lại gì cho bản thân, chính là hiến mạng (1Ga 3, 16).
Hai “tâm tình hiến dâng” và “yêu cho đến cùng” mà Tổ phụ Ab-ra-ham và bà goá nghèo đã minh họa cho chúng ta ý nghĩa tuyệt vời, sống động của Chủ đề.
Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn hai hoạt động này để sự “dâng hiến cuộc đời” chúng ta cho Thiên Chúa được thể hiện một cách đúng nghĩa – là hiến dâng trọn hảo bằng một tình yêu tuyệt đối cho Vua Trời cao cả.
I. TÂM TÌNH HIẾN DÂNG VÀ YÊU CHO ĐẾN CÙNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU
1. Tâm tình hiến dâng của Đức Giê-su
a. Ý nghĩa hiến dâng
Tất cả cuộc đời Đức Giê-su là của lễ dâng hiến Chúa Cha.
Vâng, Người đã tôn kính và yêu mến Chúa Cha trên hết mọi sự, trên cả bản thân mình, nên dẫu là Thiên Chúa, đồng bản thể, cùng quyền năng và hằng hữu như Đức Chúa Cha, nhưng Đức Giê-su đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang ấy, mặc lấy thân nô lệ, sống trong kiếp phàm nhân, giống như người trần thế” (Pl 2, 7-8). Một hành vi “huỷ mình” vì kính tôn Cha, nhằm thi hành kế hoạch cứu độ nhân loại của Cha. Thật qúa cao cả của một vị Thiên Chúa. Chính Người đã xác định: “Thế gian phải biết rằng, tôi yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho tôi” (Ga 14,31). Sự hiến dâng trọn vẹn cho Cha luôn theo sát Người đến độ, ước muốn sống chết cho ý định yêu thương cứu chưộc này của Cha trở thành động lực cho cả cuộc đời Người (x. Mt 16, 21-23).
Chúng ta thấy rõ, bản thân Người là Thiên Chúa, một của lễ vô giá, mà Người sẵn sàng dâng hiến lên Chúa Cha, Đấng là Thiên Chúa, vô cùng cao quang, Chúa các Chúa, Vua trên các Vua, Đấng Sáng Tạo, là Thượng Đế, Đấng Thương trí, Đấng mà Người yêu mến trên bản thân mình.
b. Giá trị hiến dâng
Giá trị việc hiến dâng của Chúa Giê-su nằm ở trọng tâm: “vâng phục triệt để”.
Người đã xoá mình hoàn toàn để kế hoạch yêu thương nhân loại của Cha được vẹn toàn. Thánh Phao-lô đã cúi mình khuất phục khi viết: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa … Người đã sẵn sàng mặc lấy thân nô lệ, sống trong kiếp phàm nhân, … đến nỗi, Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá” (x. Pl 2, 6-8). Người đã trải qua bao đau khổ để học biết được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8), vì dâng hiến là phải lấy đi phần cao quí nhất để dâng lên cho Đấng mình yêu mến, kính tôn. Đức Giê-su đã chấp nhận mất mát, và đón nhận cái giá của hiến mạng. Nhìn xuyên suốt cuộc đời Đức Maria, chúng ta thấy được sự thật ấy. Một khi đã cúi đầu xin vâng, Mẹ cũng sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau sẽ xảy đến trong sứ mạng Mẹ Đấng đồng công cứu chuộc.
Khi vào trần gian, chính Người thân thưa cùng Cha: “… Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 7). Đức Giê-su nhìn xuyên suốt kịch bản Chúa Cha viết cho Người rất nghiệt ngã, vì nó phải vượt xa với tội phản nghịch lớn lao của hai nguyên tổ, nhưng lòng yêu mến Chúa Cha và nhân loại, khiến Người hết sức bình tâm đón nhận sứ mạng Cha trao.
Với định hướng cao cả và rất rõ rệt của Người ngay trong cái kết thương đau của kịch bản cứu độ, dẫu cho Người rất hoảng sợ nhưng lại dứt khoát trong vâng phục: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12, 27). Người khẳng khái với các môn đệ: “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống” (Ga 18,11). Trong tận cùng của đau khổ, cô đơn, nhân tính lại khiến Người khẩn nài: “Cha ơi! Nhân sao Cha bỏ con?”. Nhưng Người đã đấu tranh quyết liệt, và chiến thắng trước cái kết khổ nhục của chương trình cứu độ: “Mọi sự đã hoàn tất!” (Ga 19,30).
Thánh Gio-an tông đồ khẳng định: “Con Thiên Chúa, Đấng “từ trời xuống không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã cử Người” (Ga 6, 38). Tình yêu tuyệt đối Chúa Giê-su dành cho Chúa Cha là sự hiệp nhất nên một. Tâm tình hiến dâng của Người với Cha là chiều sâu của sự hiệp thông – Quả nhiên, bước kết là hành động vâng phục triệt để.
2. Yêu cho đến cùng
Thiên Chúa đã yêu nhân loại cho đến cạn cùng. Cả cuộc đời tại thế, Đức Giê-su đã mạc khải về một Thiên Chúa tình yêu, và chính Người đã sống tình yêu ấy cho đến cùng đối với nhân loại.
Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài muôn vật “vì con người”. Con người là thụ tạo được tạo dựng sau cùng, nhưng nó được tạo dựng “vì chính nó” (GLHTCG 27). Quả thế, con người đã được Thiên Chúa yêu thương cách rất đặc biệt trong ý định của Ngài: “Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta và giống như chúng ta”. Và “để con người làm bá chủ vũ trụ này. Rồi Thiên chúa chúc lành cho nó: Hãy sinh sôi nẩy nở cho đầy tràn mặt đất và thống trị mặt đất (x. St 1, 26-28). Thế nhưng, con người lại ngang nhiên chống đối Thiên Chúa, nghe theo quỷ dữ, phản nghịch cùng Ngài để cướp ngôi Đấng là Chủ tể muôn loài.
Nhưng Thiên Chúa là tình yêu, dẫu có nghiêm phạt, nhưng bản chất xót thương của Ngài, khiến Ngài quyết thực hiện kế hoạch yêu thương ngay để cứu con người, trả lại cho nó quyền làm con cùng nhiều đặc quyền khác. Đức Giê-su, người Con độc nhất của Ngài đã vâng lệnh Cha thi hành sứ mạng cứu độ này.
Quả thật, Đức Giê-su đã yêu nhân loại cho đến cùng.
Tình yêu là cho đi, là hiến mình. Người đã định hướng rõ: “Tôi đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và hiến dâng mạng sống hầu cứu chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Dụ ngôn “Người mục tử nhân lành” cho ta phẩm chất của người chăn chiên chân chính, là yêu thương, chăm sóc, lo toan, xả thân hết mình vì chiên. Người xác định: “Chính tôi là mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…. Tôi đến để chiên tôi được sống và sống dồi dào!” (Ga 10, 11-18). Quả thật:
Người yêu nhân loại đến cùng khi chấp nhận đi vào một gia phả loài người với những vị tổ tiên tội lỗi bất toàn, bất hảo, trắc nết (Mt 1 1-17) để nói lên rằng, Người hạ mình thẳm sâu để cứu độ. Người chấp nhận “xoá mình” để nhập thể, mang xác phàm hèn hạ của nhân loại, ngoại trừ tội lỗi, trong cung lòng một thiếu nữ Do Thái, làm mẹ và nhận cha nuôi trong thân phận nghèo hèn (Lc 1, 20-28; Mt 1, 18-25).
Người yêu nhân loại đến cùng khi chấp nhận sinh ra nơi hang bò lừa hôi tanh, lạnh giá. Thánh Gio-an đã đau đớn thốt lên: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Người yêu họ đến cùng khi chấp nhận hối hả chạy trốn thụ tạo của mình tìm cách giết vì sợ Người tiếm ngôi vua của nó. Đấng là vua trên các vua, Chúa trên các chúa, Đấng Sáng tạo phải chạy trốn loài thụ tạo. Nhưng vì yêu, nên Người chấp nhận kịch bản Cha đã viết.
Người yêu nhân loại đến cùng khi chấp nhận sống 30 năm trong cảnh đơn nghèo, hoà nhập vào Phụng tự Do Thái và mọi truyền thống dân tộc, lao động chân tay, sống âm thầm trong gia đình Nazareth, không một chỗ đứng giữa cộng đồng nhỏ bé Israel tại xóm nhỏ Nazareth ấy.
Cuộc đời công khai, Người đã yêu họ đến cùng – “Tôi đến để phục vụ và cứu độ”.
Ngôn sứ Isai đã loan báo về sứ mạng của Người, Đấng cúi mình xuống trên tạo vật thấp hèn để trao ban tình yêu: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Is 61, 1-2).
Quả vậy, sau lưu đầy, với kinh nghiệm tôn giáo, dân Israel hướng tới đời sống tâm linh, khao khát Thiên Chúa. Đức Giê-su đã không mỏi mệt rao giảng về Nước Trời, mặc khải chân lý về một Thiên Chúa tình yêu, mời gọi họ sống căn tính của con người là tình yêu, vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa là tình yêu; một nhu cầu căn bản của con người. Vì thế, họ tuốn đi theo Chúa, có khi 4.000 người, khi thì 5.000 người không kể đàn bà con trẻ (Mt 15, 29-37; Lc 9, 10-17) để nghe giảng giải về những chân lý họ đang đói khát. Họ kinh ngạc thốt lên: “Giáo lý gì mà mới mẻ, người giảng lại đầy uy quyền (Mc 1, 27).
Vâng, dân chúng lũ lượt tuốn đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, bại liệt và nhiều thứ bệnh tật khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel (Mt 15, 29).
Người yêu họ đến cùng, nên đã bôn ba ngược xuôi đi khắp mọi nẻo đường, Người giơ tay đón người tội lỗi và ủi an vỗ về kẻ đơn côi.
Người yêu nhân loại đến cùng khi đón nhận mọi tầng lớp người nghèo khổ, tật nguyền phần xác, phần hồn. Người yêu thương tất cả mà không loại trừ.
Tin Mừng theo Thánh Marcô kể rằng: “Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Bằng cả trái tim xót thương thân phận đớn đau thể xác, cô đơn tâm hồn khi bị loại trừ, Người đã thân thương đặt tay trên anh và dịu dàng đáp lại khao khát của anh: “Ta muốn”, mà không hề có thái độ sợ sệt, xa tránh như truyền thống người Do Thái thể hiện bản chất “loại trừ” (Mc 1, 40-42). Thực ra người cùi đã sẵn sàng chịu người khác mắng chửi, chịu ném đá, anh vẫn lao mình đến với Chúa, quỳ xuống trước mặt Người với lòng tin tưởng tuyệt đối. Chúa đã thương anh.
Người yêu họ đến cùng khi kiên nhẫn thể hiện tình yêu cứu độ.
Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: “Ngươi có thấy gì không?” Anh nhìn lên và trả lời: “Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi”.
Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng (Mc 8, 22-26).
Đức Giêsu đã làm một loạt các hành động: “cầm tay”, “đưa đi”, “nhổ nước miếng”, “đặt tay” và “hỏi”, thế mà hiệu quả là anh ta chỉ thấy lờ mờ. Người nhẫn nại, đặt tay lần hai, anh mới thấy rõ. Sự kiện này mục đích Chúa dậy ta, Người sẵn sàng nâng đỡ những ai tìm cách trông thấy Người. Đức tin hình thành nhờ kiên trung và bền bỉ. Tình yêu khiến Người nhẫn nại, không nề hà, mong đáp lại lòng tin của anh mù và dân chúng.
Chúa chữa người bị quỷ ô uế ám ở Giê-ra-sa. Anh này rất hung hăng, không ai kìm chế anh được, dù dây xích, gông cùm, anh đều bể gẫy. Đêm ngày anh ta ở trong mồ mả, đồi núi, kêu la và rạch mình mẩy. Chúa Giê-su đã trừ lũ quỷ ám anh. Người lệnh cho chúng: Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này”, và đã trục xuất chúng khỏi vùng ấy (Mc 5, 1-20). Lòng Chúa quặn thắt khi thấy anh bị cả một đạo binh quỷ dữ hoành hành. Với quyền năng Người đã đuổi lũ quỷ ra khỏi vùng và lòng thương khiến Chúa chữa anh mặc dù anh không còn khả năng xin Chúa cứu. Và cũng chẳng ai xin cho anh vì nghĩ Chúa chẳng thể cứu nổi anh.
Người càng yêu họ đến cùng tận khi người tội lỗi rơi vào vô vọng.
Kỹ nữ Madaleine, cô gái điếm bị mọi người khinh bỉ, loại trừ. Bản thân cô dẫu có muốn hoàn lương cũng không thể kiếm được một cái neo mỏng manh để bám trụ. Lại ngay khi bị họ rình rập và bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Không thể nào quay lại được. Cái án tử hình trước mắt. Họ đã lôi cô ta đến trước mặt Chúa để thử xem Chúa kết án ra sao? Tình thương đã khiến Chúa nhìn xuyên suốt nỗi thống khổ của con người tội lỗi này. Người đặt câu hỏi cật vấn những người kết án chị: “Ai trong các ông không có tội thì hãy ném đá chị ấy”. Họ đã bỏ đi. Và Người đã cứu chị, khi Người dịu dàng bảo chị: “Thầy cũng không kết án chị đâu, nhưng hãy về và đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 1- 8). Chị đã bám được cái phao vững chắc là tình yêu lớn lao của Thầy. Lập tức, Chị đã xoay 180 độ và nên môn đệ thân tín của Chúa.
Gia-kêu, một Tổng đốc thu thuế, đã bị dân tộc Do Thái của ông loại trừ tuyệt đối. Trong cô đơn và mặc cảm trước niềm tin tôn giáo, ông được nghe những đồn đại về Ngôn sứ Giê-su, ông đã quyết tìm để xem biết Người ra sao. Lòng khao khát của ông đã phát tín hiệu tình yêu nơi Đức Giê-su. Và chính Người đã đi tìm gặp ông. Đang trên hành trình tới Giê-ri-cô, bỗng Chúa Giê-su ngước mắt lên cây sung mà Gia-kêu đang ngồi trên đó chờ Người đi ngang qua. Người gọi ông: “Gia-kêu, xuống mau. Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Vô cùng bất ngờ. Gia-kêu đã vội trụt xuống khỏi cây và thảng thốt thưa ngay với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Ðức Giêsu nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19, 1-10).
Đức Giê-su đã mặc khải về tình thương của Thiên Chúa qua ba dụ ngôn: “Đồng Bạc Bị Mất”, “Con Chiên Lạc” và “Người Cha Nhân Hậu”, Người kết luận ý định của Thiên Chúa cách rõ ràng: “Tôi bảo các ông: trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” (Lc 15, 1-24).
Và cuối cùng sứ mạng cứu độ nhân loại, Người tuyên bố Người yêu nhân loại cho đến tận cùng yêu thương: “Không có tình yêu nào lớn cho bằng tình yêu của Người chết vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Vâng, Người đã trao ban chính mình làm thần lương dưỡng nuôi toàn nhân loại, Người đã ân ban Lời Hằng Sống, Người liều thân chết thảm thê bằng nhục hình trên thập tự. Người xin vâng Ý Cha để nên của lễ mang ơn cứu độ trần gian. Isai đã tiên báo: “Đức Chúa đã muốn cho Người bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, thì nhờ Người ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu” (Is 53, 10).
II. TÂM TÌNH HIẾN DÂNG VÀ YÊU CHO ĐẾN CÙNG CỦA NGƯỜI TU SĨ
Căn tính của người tu sĩ là nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su, Đấng họ hiến dâng cuộc đời làm môn đệ Người. Họ có thể khẳng định như Thánh Tông đồ Phao-lô: “Tôi sống mà không phải là tôi, mà là chính Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Và “Ai thấy tôi là thấy Đức Ki-tô” (x. Ga 14, 6-14). Đó là những yếu tố quyết định – cho người môn đệ đích thực của Đức Giê-su mà nhân loại đang kỳ vọng nơi vai trò chứng nhân của họ.
Vâng, họ sống “tâm tình hiến dâng” và “yêu mến Thiên Chúa” đến tận cùng.
1. Tâm tình hiến dâng: Điều cơ bản, theo luật pháp: ba quyền trọng yếu của con người, gọi là nhân quyền, đó là những quyền bất khả xâm phạm: quyền tự do kết hôn, tự do định đoạt về tài sản và quyền tự do thực hiện theo ý mình muốn. Người tu sĩ cam kết dâng hiến cho Thiên Chúa Ba chủ quyền này. Đó chính là ba Lời khấn của một tu sĩ.
Tâm tình hiến dâng của người tu sĩ thật đúng nghĩa, khi chúng ta dâng lên Đấng chúng ta tôn thờ, Đấng tôn nghiêm, Đấng vô vàn kính yêu của lễ quý trọng nhất của chúng ta là ba Chủ quyền: cam kết sống độc thân Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục
Và như Thầy Giê-su, người tu sĩ phải xác tín rõ ràng: khi đã dâng hiến ba “quyền làm chủ” này, là chấp nhận sự “huỷ mình”, một sự “xoá mình ra không” như Thầy, mà tính pháp lý đòi ta cam kết, để sống lệ thuộc Bề trên và Hội Dòng qua Luật Dòng. “Ai muốn theo tôi phải huỷ mình, vác thập giá mình mà theo”.
a. Khiết Tịnh
Lời khuyên phúc âm về đức khiết tịnh được đảm nhận vì Nước Trời là dấu chỉ của thế giới sẽ đến, là nguồn sinh lực phong phú hơn trong một con tim không chia sẻ, và bao hàm nghĩa vụ tiết dục hoàn toàn trong bậc độc thân (đ. 599). Quả là một đòi hỏi gắt gao với một của lễ quý.
Nội dung nền tảng mang tính pháp lý của lời khuyên khiết tịnh được xác định rõ: “Lời khấn khiết tịnh bao hàm nghĩa vụ tiết dục hoàn toàn trong bậc độc thân”. Tuân giữ sự tiết dục hoàn toàn đụng chạm đến những khuynh hướng thâm sâu của bản tính con người. Trước giáo luật 1983, Giáo hội đã nói đến sự khiết tịnh như một nguyên tắc bao trùm tất cả đời sống của tu sĩ. Giáo hội cũng đưa ra một lời khuyên cho các ứng sinh: “Những ai muốn khấn giữ khiết tịnh chỉ nên quyết định và chỉ được chấp thuận sau một thời gian thử thách đầy đủ, và có được sự trưởng thành cần thiết về tâm lý cũng như tình cảm” (PC 12).
Ngoài ra với kinh nghiệm thiêng liêng Giáo hội chỉ cho con cái mình cách thức giữ lời khấn khiết tịnh: một mặt cần đến sự khôn ngoan và cố gắng từ phía con người (x. đ. 666), mặt khác tu sĩ cần cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa. Thật vậy, Giáo hội khuyến khích những ai sống trong bậc độc thân cần cảm nhận đây là hồng ân của Thiên Chúa, cần đến ơn Chúa nâng đỡ chứ không chỉ sống như một qui định của giáo luật (x. OT 10).
(Nguồn: x. giaoluatconggiao.com doi-song-thanh-hien Maria Tran-thi-to-oanh).
Thực sự đây là Lời khấn đòi hỏi một tình yêu lớn lao với tự do nội tâm. Giáo Luật đã nhắc, vì khi “Tuân giữ sự tiết dục hoàn toàn đụng chạm đến những khuynh hướng thâm sâu của bản tính con người”. Có biết bao thánh nữ sống ngoài thế gian, với Lời khấn tư “khiết tịnh” cùng Chúa, mà các Ngài đã vượt qua dễ dàng để bảo vệ đức Khiết tịnh bằng một sức mạnh phi thường. Kết quả ấy khởi từ tự do nội tâm của một tình yêu sâu sắc, có định hướng rõ ràng: dâng hiến đức đồng trinh của bản thân cho Vua Trời.
Agatha được sinh ra trong một gia đình đạo đức, thế giá tại Sicily. Ngay từ nhỏ Chị đã khấn giữ mình đồng trinh, hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa. Agatha chỉ có một chí hướng là hiến toàn thân của mình cho Thiên Chúa để Chúa định liệu cuộc đời của mình. Trong những người say mê Agatha có quan trấn Quintain, hắn muốn cưới và chiếm đoạt luôn tài sản của Agatha. Vì đã khấn hứa giữ mình đồng trinh, thánh nhân đã từ khước lời cầu hôn của quan trấn Quintian.
Quá tức giận trước đề nghị của mình bị từ chối, quan trấn Sicily đã lợi dụng sắc lệnh bắt đạo của hoàng đế Decius, bắt giam Agatha và đem ra xử án.
Trước tòa, Agatha đã can đảm xưng danh Chúa Kitô và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Chúa của con, Chúa biết con yêu Chúa, Chúa biết những ước muốn của con. Xin Chúa nhận lấy con, là chiên của Chúa, xin giúp con chiến thắng quỷ dữ.” Còn quan Quitian trả thù bằng cách ra những cực hình dã man cho Agatha, như: Bắt giải và giao vào chốn “lầu xanh” dưới sự hành hạ của tú bà Aphrodisia; bưộc Agatha vào con ngựa gỗ và dùng roi có móc sắt mà đánh, giứt từng mảng thịt ở cạnh sườn thánh nữ, dùng đuốc và diêm quẹt đốt da thịt ngài, cuối cùng hắn ra lệnh xẻo ngực của Agatha và hạ lệnh nướng sống trần truồng thánh nhân trên giường sắt, đau đớn quằn quại và dùng mảnh chai chà xát. Bị nhốt trong ngục tù, bị hành hạ trăm bề, thánh nữ đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5/2/251 với lời nguyện: “Lạy Chúa Ðấng đã ban cho con sự sống, Chúa đã giữ gìn con từ lúc nằm nôi, Chúa đã đem con ra khỏi thế gian và giúp con chịu đựng đau khổ. Xin Chúa nhận lấy linh hồn con.” (x. Nguồn: Thanhlinh.net).
Thánh Agatha là giáo dân, ngài có lời cam kết khấn tư với Thiên Chúa mà sự trung thành của ngài tới mức vô song, tột cùng cao cả, kiên cường. Thánh nữ đã quý trọng đức Khiết tịnh biết chừng nào vì Ngài ý thức sâu xa đây là của lễ hiến dâng cho Thiên Chúa, Vua Cả Trời Đất.
Là những tu sĩ, tuyên khấn lời khấn Khiết tịnh công khai và chúng ta được học hỏi, hiểu biết. Chỉ bằng một tình yêu tuyệt đối, với tự do nội tâm sâu sắc, chúng ta sẽ phân định và xác tín, cùng với ơn trợ giúp lớn lao của Chúa, sự bảo trợ của Đức Maria Vô Nhiễm, tất cả yếu tố cơ bản này sẽ là nguồn sinh lực phong phú hơn trong một con tim không chia sẻ, và là sức mạnh phi thường cho nghĩa vụ tiết dục hoàn toàn trong bậc độc thân (x. GL 599). Qua đó, chúng ta bình tâm hiến dâng của lễ trân quý lên Vua Cả trời đất, và ngay đời này, xứng là chứng nhân Nước Trời mai hậu.
Ngoài ra, chúng ta sống tâm tình Gia Đình trong tình yêu thương chân thành với chị em trong cộng đoàn. Đây là điểm tựa vững chắc thứ hai, đỡ nâng và đồng hành để vực dậy giúp chúng ta sống kiên vững trong đời sống khiết tịnh.
b. Khó Nghèo
Lời khuyên phúc âm về đức nghèo khó theo gương Đức Kitô là Đấng từ chỗ giàu sang đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian, còn bao hàm sự lệ thuộc và sự hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản chiếu theo quy tắc luật riêng của mỗi Tu hội (đ. 600).
Suy nghĩ về cội nguồn của mình, chúng ta là bụi đất. Như Ông Gióp thản nhiên xác định chân lý: “Tôi sinh ra từ lòng mẹ vốn trần truồng”; hay Thư Do Thái khẳng định: “Những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11, 3). Và “Đức Giê-su là Thiên Chúa Người vốn giầu sang phú quý đã trở nên nghèo khó vì chúng ta”.
Xác định rõ chân lý về thân phận mình, về mẫu gương của các bậc thánh thiện, và nhất là lời dậy và lối sống rạng ngời, cao cả của Thầy Chí Thánh, cùng những yếu tố nền tảng của Giáo Luật đ. 600. Với sự trưởng thành, chúng ta thanh thản sống lệ thuộc Hội Dòng như người con với lòng biết ơn, sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian với một phong cách bình tâm. Y phục luôn xứng kỳ đức. Hết lòng cộng tác để xây dựng Hội Dòng.
Phải chăng sự hiểu biết rõ như thế thì sự cam kết sống nghèo như Tin Mừng đòi hỏi là một điều mặc nhiên.
c. Vâng Phục
Lời khuyên phúc âm về đức vâng phục, được đảm nhận trong tinh thần đức tin và đức ái để theo bước Đức Kitô là Đấng đã vâng phục cho đến chết, đòi buộc ý chí một sự tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi các ngài đại diện Thiên Chúa ban lệnh hợp theo hiến pháp riêng (đ. 601).
Việc giữ lời khấn Vâng phục, tu sĩ bắt chước Đức Kitô và tham gia vào sứ mạng của Người. Rất khó, vì chính Đức Giê-su cũng trải qua gian khó mới học được thế nào là vâng phục. Bởi đó, ai tuyên khấn giữ lời khấn vâng phục thì đã “tận hiến ý muốn của mình như lễ vật dâng lên Thiên Chúa” (PC 14). Từ sự dâng hiến này nảy sinh một ý chí mạnh mẽ hơn và tự do hơn.
Ngày nay người ta nhấn mạnh và tìm kiếm những giá trị như phẩm giá, tự do, trách nhiệm và những giá trị nhân bản khác nên rất khó khăn để hiểu được những giá trị của sự vâng phục. Giáo hội khẳng định lời khấn vâng phục không làm mất đi phẩm giá con người, bởi vì không có sự mâu thuẫn giữa vâng phục và tự do trong đời sống tu trì (VC 91). Hơn nữa sự vâng phục được đề cập đến một sự cộng tác, một sự tôn trọng quyền bính và nghĩa vụ của bề trên thực hiện quyền bính đó. Với lời khấn này các tu sĩ thực hiện lễ hiến dâng trọn vẹn ý chí của họ cho Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội một cách tích cực hơn (ET 23).
Trong mức độ trưởng thành, thì sự vâng phục này làm cho họ nên người môn đệ đích thực, là hoạ ảnh rạng ngời của Thầy Giê-su, là chuyện mặc nhiên khi “hiến dâng ý chí bản thân”.
(Nguồn: x. giaoluatconggiao.com doii-song-thanh-hien Maria Tran-thi-to-oanh).
2. Yêu cho đến cùng
Như Thầy Chí Thánh, tình yêu cho chúng ta vượt qua bản thân, ngay cả cái chết, nên tất cả những gì là tạm bợ đời này, không cho chúng ta một bến đỗ vĩnh hằng, thì một người tu sĩ trưởng thành, coi việc thực thi triệt để Ba lời Khấn, Ba Lời Cam kết với Thiên Chúa với những đòi hỏi nền tảng của mỗi Lời Khấn, là điều dễ hiểu và mặc nhiên. Qua đó, khiến chúng ta trở nên tự do của con cái Chúa, chúng ta đang sống Nước Trời mai hậu, chúng ta nên chứng tá sáng ngời giữa nhân loại đang tha hoá, đang vong thân và đói khát tình yêu, đói khát chân lý. Cuộc sống thánh hiến ấy, giúp chúng ta hết lòng tôn vinh Thiên Chúa Cha. Thầy Giê-su sẽ tự hào vì chúng ta đã bước sát dấu chân Thầy với sự hỗ trợ tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Yêu cho đến cùng là hiến mạng, là chết đi. Chỉ khi chúng ta thực sự trở nên bé nhỏ, “không có gì” với một tình yêu tuyệt đối vào Cha, một sự hiến dâng trọn hảo bản thân cho Cha. Như Thầy, xác định và thực hành dứt khoát buông bỏ những đeo bám của “cái tôi vị kỷ” để trở nên “không”, ta mới bình tâm để nỗ lực bước theo Thầy cách trọn toàn bằng một trái tim không mảy may chia sẻ. Và như Mẹ Maria rất thánh, như các thánh nam nữ trên trời đã nhìn ra hạnh phúc nơi “Con đường Hẹp”, con đường mời gọi chúng ta luôn hết lòng hướng về quê vĩnh phúc với cuộc chiến cam go để đi tới cùng đích.
• Lời kết
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 22). Hạnh phúc biết bao! Chúng ta sẽ đón nhận một sự hỗ trợ tuyệt đối nơi Thiên Chúa.
Từ cuộc sống thăng hoa này, chúng ta sống chết với sự hiến dâng cho Thiên Chúa, Đấng chúng ta yêu mến, tôn thờ, chúng ta được thanh thản buông bỏ những phụ thuộc trong tinh thần dấn thân quên mình để nên chứng nhân sáng ngời cho Thầy. Tâm tình hiến dâng tuyệt đối cho Thiên Chúa bằng một tình yêu cạn cùng, đó là căn tính của người tu sĩ. Hành trình dâng hiến ấy phải bao trùm trọn toàn cuộc sống của chúng ta, để nên dấu chỉ của Nước Trời.
Như thế, chúng ta đã được Chúa Cha và Thầy Giê-su ngự trị trong ngôi nhà được xây bằng nền đá kiên vững.
Và hãy nên “người mục tử nhân lành”, phục vụ trong yêu thương cho đến cùng. Như Thầy, dẫu mệt mỏi sau những giờ làm việc, Người vẫn tất tả đi tìm chiên lạc và vác nó trên vai đưa về nhà. Hãy hoan lạc phục vụ Nước Chúa với tâm tình bình tâm nhớ về phận mình:
“Là cát bụi” nên không vương đền đáp,
“Không có gì”, nên chẳng bận thương đau.
“Vì là không” nên đồng hành cùng thương tổn.
Và cứ thế, luôn vui đời hiến thánh.
Trong yêu thương phục vụ mãi đến cùng.
Giữa tập thể coi mình không hiện hữu,
Để hồn mãi, nhẹ nhàng thanh thoát nghĩa hiến dâng
Và như thế, với Thầy ta yêu đến cạn cùng.