Đây là thời kỳ của sự hoàn thành

0

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us

Một Giao Ước mới, Được xây trên Những Lời Hứa Tốt Hơn

Hơn năm trăm năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, ngôn sứ Giêrêmia đã hứa rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện một “giao ước mới” với dân Người (Gr 31,31).

Giao ước mới này có phạm vi và chiều sâu lớn hơn nhiều so với giao ước trước. Thực tế, nó rất khác biệt đến độ Giêrêmia đã công bố: “Đức Chúa tạo ra điều mới lạ trên mặt đất” (Gr 31,22). Cứ như thể là Thiên Chúa đã tái tạo dân Người lần nữa.

Thiên Chúa đã hứa đặt luật của Người trong tâm hồn chúng ta, Người hứa ban cho chúng ta một quả tim mới và một tinh thần mới. Giao ước này sẽ được hoàn thành cách trọn vẹn nhất nơi Chúa Giêsu. Nó là hành động vĩ đại nhất của Thiên Chúa để đến với dân Người, một giao ước tốt hơn giao ước mà Thiên Chúa đã thực hiện kết với dân Ítraen. Giao ước này kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa.

Vị Trung Gian Thần Thiêng của Chúng Ta. Một trong những điều mà một người trung gian làm là kết nối các thành viên xa lạ với nhau. Kinh Thánh sử dụng hình ảnh của một người trung gian để mô tả Chúa Giêsu và công việc của Người là hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể nhận ra rằng trước Chúa Giêsu, công việc hòa giải này được thực hiện nhờ máu của các con vật hiến tế.

Khi khai mở giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, Môsê đã hành động như một vị trung gian bằng cách lấy máu của con bò tơ đực và rưới một nửa máu của nó trên bàn thờ và nửa còn lại rẩy trên dân. Hy lễ này là một dấu chỉ cho thấy rằng Thiên Chúa và dân Người kết hiệp với nhau nhờ “máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em” (Xh 24,8).

Tương tự, vào ngày Đền Tội hằng năm, vị thượng tế cao cả hành động như một vị trung gian khi ông rảy máu hiến tế trên bàn thờ. Máu này được dâng lên để đền tội mà dân đã phạm trong năm đó, không có máu, tội lỗi của họ không thể được tha (Lv 17,11).

Nhưng cho dẫu những hy lễ này tốt đến đâu, chúng cũng có những hạn chế. Những hy lễ bằng động vật chỉ che phủ tội lỗi của dân, nhưng nó không thể xoá bỏ tội lỗi được (x. Dt 10,4). Cần có điều gì đó hơn nữa xảy ra. Dân chúng cần một vị trung gian khác và một hy lễ khác.

Đây là lý do tại sao Thiên Chúa đã khai mở một giao ước mới. Giao ước đó cũng đã được đánh dấu bằng máu, nhưng chỉ lần này, chính máu của Chúa Giêsu được hiến dâng. Và thay vì một thượng tế phàm nhân, hay sa ngã, lần này chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa vô tội, đời dời đã trở thành vị trung gian của chúng ta. Bởi vì Người đã hiến dâng chính máu mình, tội lỗi của chúng ta không chỉ được che phủ mà còn được xóa bỏ. Máu của Người có quyền năng chạm đến tận thâm sâu tâm hồn chúng ta và thanh tẩy lương tâm chúng ta. Thậm chí còn quan trọng hơn, nó có quyền năng kết hợp chúng ta với Thiên Chúa trong một mối dây mà không một hy lễ nào có thể hoàn thành.

Một Giao Ước Tràn Đầy Ân Sủng. Rõ ràng, giao ước mới này vượt xa sự tha thứ tội lỗi. Là đấng trung gian của giao ước, Chúa Giêsu không chỉ tha thứ tội lỗi và cứu độ chúng ta. Người còn đến để hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa. Người đến để tháo bỏ mọi rào cản khiến chúng ta xa Chúa: không chỉ tội lỗi của chúng ta mà cả sự thiếu định hướng và bất lực của chúng ta. Người đã đến để dạy chúng ta cách trở nên thánh thiện, cách trở nên từ bi và nhận hậu như Người, và cách chăm sóc người khác. Từ khi chết, Người khai mở giao ước mới, Chúa Giêsu đã tuôn đổ ân sủng vô hạn trên chúng ta – ân sủng giúp chúng ta sống giao ước cách trung thành hơn.

Nếu nhìn vào lịch sử Cựu Ước, chúng ta có thể nhận ra rằng dân Ítraen đã bị rơi vào vòng luẩn quẩn của chính mình. Họ bắt đầu với sự vâng phục khiêm tốn và biết ơn Thiên Chúa, nhưng theo thời gian họ bị cám dỗ rời xa Người và trở nên bất tuân. Cuối cùng, họ từ bỏ giao ước với Thiên Chúa, điều này mang đến một số hậu quả bi thảm. Giữa lúc gặp tai họa, họ nhận ra họ đã sa ngã đến mức nào, họ đã sám hối tội lỗi và trở về với sự tuân phục – chỉ để lặp lại toàn bộ vòng luẩn quẩn ấy (x. Tl 2,7-23).

Giao ước mới thì khác. Nó bao gồm sự cứu chuộc sâu sắc hơn mà không gì có thể chế ngự. Quà tặng và ân sủng của nó vượt qua thời gian và vẫn mới mẻ như ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Như Phaolô viết: ân sủng giờ đây đang tràn đầy cho chúng ta ngày này qua ngày khác (x. Rm 5,20).

Kế Hoạch Được Khai Mở. Thư gửi tín hữu Do Thái cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn vào ân sủng nằm ở trọng tâm của giao ước mới này, bằng cách tóm tắt sự khác biệt giữa hai giao ước. Theo thư Do Thái, Chúa Giêsu là trung gian của “một giao ước tốt hơn, được thực hiện trên những lời hứa tốt hơn”. Thư tiếp tục nói rằng “giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế”. Nhưng Thiên Chúa đã tìm ra tỳ vết, và vì thế Người phán: “Ta sẽ hoàn thành một giao ước mới với nhà Ítraen và nhà Giuđa” (Dt 8,6-8).

Rõ ràng, có điều gì đó không tốt với cách con người lãnh nhận và sống giao ước thứ nhất. Dĩ nhiên, giao ước đó không có lỗi. Thiên Chúa không lầm lẫn! Nhưng vấn đề là nó bị giới hạn. Giao ước thứ nhất đã không có tất cả quyền năng và ân sủng mà dân Ítraen cần để giữ luật lệ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tuôn đổ ân sủng của Người xuống trên họ, nhưng ân sủng đã không tác dộng trực tiếp với bản chất hay sa ngã của họ.

Như Thánh Phaolô nói với các tín hữu Rôma, những người sống thời giao ước thứ nhất muốn đi theo đường lối của Thiên Chúa, nhưng cuối cùng họ làm điều ngược lại bởi vì họ vẫn cố tình phạm tội. Nhân danh những người Do Thái đi theo mình, Phaolô đã lớn tiếng: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng ta!… Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 7,24-8,2).

Những Lời Hứa Tốt Hơn. Vậy “Những lời hứa tốt hơn” này là gì? Chúng đặt trọng tâm vào ba công việc của Thiên Chúa trong tâm hồn và tâm trí chúng ta. Trước hết, qua giao ước mới, các luật lệ của Thiên Chúa sẽ được viết trong tâm hồn chúng ta bởi chính tay Người. Thứ hai, nhờ giao ước này, mỗi người chúng ta giờ đây có thể có một cuộc gặp gỡ sâu sắc và cá vị với Thiên Chúa. Thứ ba, bởi vì Chúa Giêsu đã đổ máu mình, tất cả tội lỗi của chúng ta được tha thứ và quên lãng mãi mãi.

Dĩ nhiên, có hai bên liên quan trong mỗi sự thỏa thuận của giao ước và mỗi bên có phần trách nhiệm của mình. Chúng ta tập trung chính yếu vào các trách nhiệm của Thiên Chúa bằng cách nói về các lời hứa của Người. Nhưng chúng ta cần rõ ràng: Thiên Chúa cũng mong đợi chúng ta sống phần giao ước của mình. Người mong đợi chúng ta tuân theo các mệnh lệnh của Người và đối xử với nhau bằng tình yêu và sự công bằng. Người mong đợi chúng ta chăm sóc những người không thể tự chăm sóc họ. Người muốn chúng ta yêu mến Người và yêu thương nhau.

Chính ở đây, khi chúng ta đối diện với việc sống phần giao ước của chúng ta – một trách nhiệm mà dân Ítraen đã không chu toàn – giao ước mà chúng ta nhìn thấy tất cả các lời hứa tốt hơn đang hoạt động. Chính ở đây mà chúng ta tìm thấy ân sủng thánh thiêng làm cho chúng ta có khả năng để ở gần Người, để chống lại cám dỗ và yêu thương nhau.

Tại sao lại như thế? Bởi vì, giống như Giêrêmia đã hứa, Thiên Chúa đã viết luật của Người vào tâm hồn chúng ta. Người đã đan dệt ân sủng của Người vào chính cấu trúc bản thể của chúng ta và làm cho chúng ta thành một thọ tạo mới. Giờ đây chúng ta có tiềm năng vượt lên trên những giới hạn của bản chất hay sa ngã của chúng ta – nếu chúng ta lựa chọn hướng về Chúa. Giờ đây chúng ta có tiềm năng để ngăn cản tội lỗi thống trị chúng ta bởi vì cuộc sống cũ của chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Chúa Giêsu (x. Rm 6,11-12; Gl 2,19-20). Không có gì ngạc nhiên khi Kinh Thánh gọi chúng là những lời hứa “tốt hơn”!

Hãy Cử Hành Giao Ước Mới Của Bạn! Giống như lễ Vượt Qua hằng năm đã cho dân Ítraen một cơ hội để nhớ lại và làm mới lại giao ước của họ với Chúa, chúng ta cử hành Thánh Lễ hằng ngày. Theo các Giáo phụ của Vaticanô II, tại chính Thánh Lễ mà “giao ước giữa Chúa và con người” được làm mới lại. Trên bàn thờ, chúng ta dâng mình và máu của Chúa Kitô như là một cách cử hành những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trên thập giá. Và giữa khi chúng ta cử hành, chúng ta được lôi cuốn vào trong “tình yêu hấp dẫn của Chúa Kitô” và tràn đầy lòng tin vào Chúa (Về Phụng Vụ, 10).

Anh chị em thân mến, đây là vinh quang của giao ước mới. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã làm cho giao ước ấy thành có thể cho chúng ta để tham dự vào sự sống thánh thiêng của Người. Đây là giao ước mới, được thanh luyện trong chính máu của Chúa Giêsu, cho chúng ta thấy chiều sâu và chiều rộng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó là điều mà chúng ta có thể cử hành và sống lại mỗi lần chúng ta quy tụ để dâng Thánh Lễ. Ước mong chúng ta không bao giờ quên Cha chúng ta tốt lành thế nào và ước mong tất cả chúng ta đến hưởng sự cao cả của giao ước của chúng ta với Người!

Comments are closed.

phone-icon