Ôm lấy Thập Giá, chìa khóa chữa lành tổn thương tâm hồn

0


Nt. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà. OP chuyển ngữ
Nguồn: WAU.ORG 

Thiên Chúa muốn chữa lành ký ức của chúng ta

Ký ức về những tổn thương trong quá khứ và cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống hiện tại có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Thậm chí, những trải nghiệm tiêu cực của chúng ta với những người có trách nhiệm cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa. Ví dụ, một người lớn lên với một người cha lạnh lùng, xa cách, người đó cũng sẽ dễ dàng nhìn Chúa như một Đấng lạnh lùng, xa cách, khó gần. Hoặc nếu ai đó có một người cha hà khắc, luôn trừng phạt con cái, người đó cũng dễ nhìn Chúa như một vị thẩm phán khắt khe, thẳng tay trừng phạt khi con người phạm tội.

Đằng sau mọi ký ức tổn thương thường ẩn dấu nỗi sợ bị loại trừ, sợ không được yêu thương. Kinh nghiệm trong quá khứ cho chúng ta những cảm nhận về sự từ chối phũ phàng, cay đắng và chúng ta quyết tâm không để nó tái diễn. Để bảo vệ mình khỏi bị tổn thương lần nữa, chúng ta bắt đầu xây những bức tường xảm xúc và tinh thần khóa chặt tâm hồn mình. Những bức tường hay “thành trì” mà thánh Phaolô nhắc đến trong thư thứ hai gửi Giáo đoàn Corintô (2Cr 10,5), tượng trưng cho sự tự thương hại, trầm cảm, nghi ngờ, hoặc giận dữ. Đó là những cơ chế phòng thủ vững chắc nhằm bảo vệ chúng ta khỏi những người đã gây đau khổ cho mình trong quá khứ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, một mặt những thành trì đó dường như có thể ngăn chặn không làm chúng ta đau khổ thêm nữa, nhưng mặt khác thì chúng lại ngăn cản chúng ta mở lòng ra với Chúa là Đấng có quyền năng chữa lành chúng ta. Kết quả là, chúng ta bị khóa chặt sau những bức tường đó mà không có hy vọng được giải thoát hay phục hồi.

“Đức Tin Của Con Đã Cứu Chữa Con”

Chỉ khi chúng ta để cho Chúa đi vào những thâm cung sâu thẳm của lòng mình, chúng ta mới bắt đầu cảm nhận được sự chữa lành. Cội nguồn của mọi vết thương và mọi tội lỗi bắt đầu từ sự rạn nứt trong tương quan với Chúa. Và khi chúng ta tìm cách hàn gắn mối quan hệ đó trong tâm hồn mình, chúng ta đang tiến bước trên con đường chữa lành. Những câu chuyện chữa lành trong Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng đức tin khởi đi từ sự phục hồi tương quan với Chúa, một mối tương quan có sức chữa lành mà chúng ta mong đợi. Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh người phụ nữ tội lỗi, đã được chữa lành khi cúi xuống rửa chân Chúa bằng những giọt nước mắt yêu thương và hối lỗi (Lc 7,36-50). Hoặc người bại liệt đã nhờ vào đức tin mạnh mẽ của các bạn, đức tin mạnh đến nỗi họ đã gỡ mái nhà để thòng dây đưa anh bại liệt từ nóc nhà xuống nơi Chúa Giêsu đang ngồi giảng dạy để được Chúa chữa lành cho anh (Mc 2, 1-12). Trong vài trường hợp, Đức Giêsu nói với người được chữa: “Đức tin của con đã cứu chữa con” (Mt 9,22; Mc 10, 52; Lc 17,19).

Tất cả những câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa rất tôn trọng chúng ta và sự tự do của chúng ta, tôn trọng đến mức Ngài sẽ không chữa lành chúng ta nhưng kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi chúng ta chọn tin tưởng Ngài và mở lòng ra để cho Ngài chạm tới. Đây là niềm tin vượt trên mọi hiểu biết của lý trí, một đức tin có sức di chuyển mọi trở ngại trong cuộc sống của chúng ta, cho dù những trở ngại đó có to lớn như những ngọn nút (Mt 21, 21-22). Chính niềm tin của chúng ta đã chạm đến trái tim của Chúa Giêsu. Và cũng chính niềm tin đó đã nên lời mời Ngài phá tan những bức tường tự vệ của chúng ta để Ngài có thể chữa lành những vết thương mà từ lâu chúng ta cố gắng che dấu, không muốn cho ai đụng vào.

Thập Giá – Nguồn Gốc Của Mọi Sự Chữa Lành

Rất nhiều lần chúng ta để Chúa Giêsu ở một khoảng cách an toàn. Nhiều người trong chúng ta muốn Chúa gỡ bỏ những bức tường ngăn chặn ký ức của mình, nhưng chúng ta lại không muốn bỏ đi cái tôi cố hữu của mình, không muốn thay đổi. Tuy nhiên, nếu không từ bỏ những cách cũ để đối diện với quá khứ, chúng ta sẽ không thể cảm nhận được niềm vui và sự tự do mà Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta. Bề ngoài, chúng ta có thể cảm thấy mình thoải mái hơn khi từ chối tha thứ cho những người đã xúc phạm, đã làm tổn thương mình. Nó có thể mang lại cảm giác an toàn giả tạo khi chúng ta biện minh cho thái độ của mình. Kết quả là chúng ta vẫn tiếp tục lẩn trốn sau những bức tường tự bảo vệ.

Cảm giác an toàn giả tạo hoặc sự lẩn trốn chỉ tạm thời che đậy các vết thương của chúng ta chứ nó không chữa lành và cũng không giúp chúng ta dễ dàng tha thứ hơn. Cảm giác an toàn giả tạo đó ủng hộ cho thái độ quy ngã, tự cho mình là trung tâm và dần dần hủy hoại bản thân. Điều này đặc biệt đúng với những tổn thương mà chúng ta đã cất giữ trong nhiều năm. Vì những tổn thương càng được cất giữ lâu năm thì những bức tường bao quanh nó càng được củng cố vững chắc hơn. Và vì thế rất khó để chúng ta có thể vượt ra khỏi cảm giác an toàn lấy mình làm trung tâm đã hình thành nơi chúng ta từ lâu.

Chỉ khi chúng ta ôm lấy thông điệp giải thoát của thập giá, chúng ta mới thực sự được chữa lành. Chỉ khi chúng ta để cho sức mạnh của Thập Giá đánh bại ước muốn trả thù của mình hoặc giải thoát chúng ta khỏi tình trạng buồn bã, vô vọng và đau khổ, thì lúc đó chúng ta mới cảm nhận được sự an toàn đích thực trong tình thươngg chữa lành của Chúa.

Hãy Tháo Gỡ Những Bức Tường

Chúa Giêsu đến trần gian không chỉ để tha thứ những lỗi lầm chúng ta trót phạm nhưng còn để tha thứ cho những sai lầm mà người khác đã gây ra cho chúng ta. Chúa muốn đổ tràn trên chúng ta phúc lành của Tin Mừng. Ơn phúc đó chỉ đến được với chúng ta khi chúng ta để cho Chúa gỡ bỏ những bức tường tự vệ của mình, những bức tường của sợ hãi, buồn bã và cay đắng. Mỗi khi ký ức buồn phiền trỗi dậy, chúng ta hãy xác tín cách mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu đang ở trong chúng ta. Hãy để cho sự hiện diện của Chúa và nguồn sống mới mà Chúa đã ban cho bạn trở thành động lực giúp bạn tha thứ cho những ai đã làm tổn thương bạn cũng như trao ban lòng thương xót mà bạn đã nhận được. Những gợi ý dưới đây giúp bạn mở lòng đón nhận sự chữa lành của Chúa. Một khi bạn sẵn sàng đóng đinh con người cũ và trái tim đầy thương tích của bạn vào Thập giá Đức Kitô, bạn sẽ cảm nhận được một trái tim hoàn toàn mới, trái tim tràn đầy yêu thương đang lớn lên trong tâm hồn bạn.

Mở Rộng Tâm Hồn Đón Chúa Kitô

Mỗi ngày, bạn hãy dành thời gian cầu nguyện và suy niệm Kinh Thánh, đặc biệt là các đoạn Tin Mừng về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Bạn hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đã chịu đau khổ và hiến mình vì bạn cũng như vì kẻ thù của bạn. Ngài muốn bạn cũng hãy thật lòng tha thứ cho họ như Ngài đã tha thứ cho bạn. Hãy tin tưởng vào sức mạnh của thập giá và hãy loại bỏ mọi sự giận dữ cũng như những ý định muốn trả thù. Thay vào đó, bạn hãy cầu nguyện cho kẻ thù và chúc lành cho họ.

Nhạy bén với những suy nghĩ nảy sinh trong tâm trí bạn. Hãy đối chiếu những suy nghĩ đó với chân lý Tin Mừng. Đừng để những suy nghĩ về những tổn thương của quá khứ tự do lởn vởn trong đầu bạn. Nếu thấy trong đầu bạn xuất hiện những suy nghĩ đó, bạn cần phải ngăn cản chúng ngay lập tức. Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy rất khó để ngăn cản, tuy nhiên, nếu bạn để ý tập luyện và cầu xin Chúa ban ơn để bạn được “mặc lấy con người mới, là con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24), dần dần bạn sẽ có đủ sức mạnh tinh thần để vượt thắng.

Mở lòng đón nhận hồng ân sám hối. Ý nghĩa thật sự của sự sám hối—metanoia—là sự thay đổi trong cách nghĩ. Hãy cầu xin lòng thương xót Chúa giúp bạn thay đổi những suy nghĩ cũ kỹ nảy sinh từ bản tính dễ sa ngã của bạn. Hãy tuyên bố cách xác tín rằng: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi.” “Bây giờ tôi thuộc về Chúa Giêsu.” “Tôi đặt niềm tin và lòng trông cậy của tôi vào Đức Giêsu, Đấng đã yêu tôi và tự hiến vì tôi.” Một khi bạn trung thành duy trì thái độ đầy xác tín này, những suy nghĩ và cảm giác tổn thương và thù hận trước đây sẽ nhường chỗ cho quyền năng chữa lành của Chúa. Ngài yêu thương khi chúng ta chấp nhận để cho ân sủng của Ngài chữa lành.

Cách Đón Nhận Sự Chữa Lành Của Chúa

Thực hành tha thứ bằng niềm tin vào Chúa Kitô. Bạn hãy tin rằng Chúa Giêsu đang sống trong bạn. Bạn hãy cầu xin Ngài ban ơn để bạn biết yêu thương và tha thứ như Ngài. Xác tín vào sự thật rằng bạn đã được thông phần vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, và bản tính yếu hèn, dễ sa ngã trước đây của bản đã bị đóng đinh với Ngài. Nhờ quyền năng của Thập giá, giờ đây bạn có đủ mọi nguồn lực cần thiết để yêu thương và tha thứ.

Cầu nguyện xin ơn giải thoát. Sự chữa lành có thể đến nhanh hay chậm, điều đó còn tùy thuộc vào chương trình và kế hoạch tốt lành của Chúa. Vì vậy, điều quan trọng là bạn hãy tạo cho mình thói quen hằng ngày biết cầu xin Chúa chữa lành và mở lòng đón nhận Chúa. Bạn cần cảnh giác trước những âm mưu chước độc của ma qủy. Ngay từ đầu, ma qủy luôn cố gắng dụ dỗ chúng ta nghi ngờ ý định của Thiên Chúa, không tin vào quyền năng tốt lành của Chúa. Ma qủy rất thích sự nghi ngờ, cô lập và chia rẽ. Tuy nhiên, bạn có thể chiến thắng được mọi cám dỗ của ma quỷ nếu mỗi ngày bạn biết cầu xin Chúa chữa lành những ký ức không lành mạnh của bạn, những ký ức đã ngăn cản bạn mở lòng ra đón nhận tình thương và sự chữa lành của Chúa.

Tìm kiếm sự giúp đỡ – từ Giáo hội, hoặc nếu cần, từ một chuyên viên tư vấn. Bạn hãy tận dụng nguồn ơn chữa lành có sẵn nơi Bí tích Giải tội. Bạn hãy thành tâm xưng thú tội lỗi của mình và xin Chúa chữa lành những vết thương trong tâm trí bạn. Nếu đó là những tổn thương rất nghiêm trọng, bạn nên xin một vị linh mục giúp đỡ hoặc nhờ linh mục hay bạn bè giới thiệu cho một chuyên viên tư vấn, người có thể giúp bạn tìm thấy sự bình an mà bạn hằng mong đợi. Chúa dùng nhiều cách thức và công cụ để chữa lành cho dân của Ngài. Và trong một số trường hợp, có thể bạn cần đến sự giúp đỡ của những chuyên viên.

Comments are closed.

phone-icon