Sr. Maria Thanh Lan
Với bề dày lịch sử hơn 800 năm, Dòng Anh Em Giảng Thuyết đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Giáo hội nói riêng. Đã có ai đó nói rằng: “Ngọn đuốc của Cha thánh Đa Minh không chỉ được thắp sáng ở vùng trời tây hay nơi miền Bắc Âu xa xăm, mà nó đang chiếu sáng trên khắp địa cầu”. Vâng, ngọn đuốc Đa Minh vẫn còn được thắp sáng mãi theo dòng thời gian bởi những gương sống kiên cường, thánh thiện của các tu sĩ Dòng Anh Em giảng thuyết, là con cháu thánh Tổ phụ Đa Minh.
Trong Hiến pháp Dòng Anh em Thuyết Giáo, số 16 viết: “Anh em hãy trung thành tưởng nhớ những người trong Gia đình Đa Minh đã ra đi trước và còn nêu lên cho chúng ta những mẫu gương về đời sống, hãy đồng phận, hiệp thông và trợ giúp do lời chuyển cầu của các ngài. Hãy nghiền ngẫm và phổ biến các việc làm cũng như đạo lý của các ngài”. Là một tu sĩ Dòng Giảng Thuyết, con đang chập chững từng bước đi theo dấu chân cha anh trong linh đạo Dòng. Con khao khát được học hỏi và tìm kiếm về cội nguồn của Dòng qua những môn đệ đầu tiên của Cha thánh Đa Minh. Và, một trong những người anh em của Dòng khiến cho con cảm phục và yêu mến chính là chân phước Bertrand Garrigues. Con xin được giới thiệu đôi nét về ngài để giúp chúng ta biết thêm về những bậc tiền nhân đã làm nên gia sản tinh thần của Dòng mà chúng ta được thừa hưởng hôm nay.
1. Chốn xưa người ở
Chân Phước Bertrand Garrigues là một trong những thành viên đầu tiên của Dòng Anh Em thuyết giáo. Ngài là một trợ tá thân cận và là một trong những người bạn đồng hành gắn bó thân thiết nhất với Cha Đa Minh. Vậy cuộc đời của Chân phước Bertrand có gì đặc biệt?
Garrigues, chữ cuối cùng trong tên của Chân phước Bertrand chính là địa danh làng quê của ngài ở miền Nam nước Pháp. Bertrand được sinh ra vào thế kỉ XII. Song thân của ngài là những tín hữu Công giáo đạo hạnh, nên ngài được thừa hưởng một môi trường tôn giáo rất tốt. Vì là một thanh niên đạo hạnh nên ngay từ thủa bé Bertrand đã có ý hướng gia nhập vào hàng giáo sĩ. Thật vậy, trước khi là tu sĩ Dòng Anh Em Giảng Thuyết Bertrand đã là một linh mục. Ngay khi còn là một linh mục trẻ, Cha Bertrand đã luôn sẵn sàng tham gia vào nhóm truyền giáo do các cha Dòng Xitô hướng dẫn.
Năm 1208, Đức Giáo Hoàng Innocent III đồng ý cho nhóm này thực hiện cuộc viễn chinh tự thập quân với mục đích chống lại bè lạc giáo. Đáng tiếc thay, cuộc viễn chinh này chỉ mang lại nhiều bạo động và đẫm máu hơn là làm cho người ta hoán cải. Qua biến cố lịch sử đau đớn này, cha Bertrand có dịp gặp Cha thánh Đa Minh khi ngài tháp tùng Đức Giám mục Điegô từ Rôma trở về. Được chứng kiến hình ảnh cầu nguyện và giảng thuyết của Cha thánh Đa Minh, cách ngài dựa vào tràng chuỗi Kinh Mân Côi của Mẹ Maria để nhờ Mẹ cứu giúp và nhờ đó ngài đã giảm thiểu những thiệt hại do nhóm viễn chinh thập tự gây ra và đã hòa giải với nhóm Albigensian, Cha Bertrand rất cảm phục tài năng và đức độ của Cha thánh Đa Minh. Qua lần gặp ngỡ đó hai người đã trở nên đôi bạn.
2. Dấu chân người đi
Năm 1215, cha Bertrand được nhận tu phục của Dòng tại Toulouse. Ngài cảm thấy rất hạnh phúc vì từ nay được mở rộng đời sống tâm linh và gắn bó chặt chẽ hơn với Giáo hội qua sứ vụ tông đồ trong ơn gọi Đa Minh. Cũng trong năm 1215, cha Đa Minh đã đặt cha Bertrand làm Bề trên các anh em trong cộng đoàn khi cha đến Rôma để xin Tòa Thánh châu phê sắc lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Cha Bertrand giữ chức Tu Viện trưởng tại Toulouse cho tới khi cha Đa Minh trở lại Tu viện với sắc chỉ thành lập Dòng mới được ban hành vào 5/1217.
Vào ngày 15/8/1217, các anh em ở Prouille được phân tán đi nhiều nơi để lo việc truyền giáo. Cha Thánh Đa Minh đã chọn cha Bertrand là người đồng hành số một của ngài. Ngay từ đầu, cả hai đã trở nên những người bạn thân thiết vì được đào tạo cùng một khuôn mẫu và được đổ tràn cùng một thần khí, nên cả hai làm việc, cầu nguyện, ăn chay truyền giáo rất ăn ý. Cả hai cùng làm việc với nhau trong nhiều năm nên nhiều người cho rằng cha Bertrand là người đầu tiên mà cha Đa Minh cho biết ý tưởng lập một Dòng tu hoạt động tông đồ với mục đích cứu rỗi các linh hồn. Là bạn đồng hành, nên cha Bertrand đã trở thành chứng nhân sống động khi tận mắt chứng kiến vô vàn phép lạ của cha Đa Minh.Tuy nhiên, những phép lạ ấy đã được ngài giữ kín vì vâng lời đấng Tổ Phụ. Mãi tới khi cha Đa Minh qua đời, ngài mới tiết lộ những điều ấy cho cha Jordan Saxony. Với quyền Bề trên Cả, Đấng kế nhiệm cha thánh Đa Minh, cha Jordan Saxony đã viết lại tất cả những điều ấy theo lời kể của cha Bertrand.
Một trong những phép lạ mà cha Bertrand được tận mắt chứng kiến là, trong cuộc hành trình cuối cùng vào tháng 6/1219, khi cha Bertrand và cha thánh Đa Minh đi từ Toulouse tới thủ đô nước Pháp. Những người Đức đi hành hương đã chia sẻ phần lương thực của họ cho hai ngài. Lúc đó, cha Đa Minh buồn rầu nói: “ Này Thầy Bertrand … chúng ta đón nhận hoa lợi của những người hành hương này mà không gieo vào lòng họ của cải tinh thần nào hay sao? Nào, chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể nói tiếng của họ và loan báo Chúa Giê-su cho họ…” Phép lạ đã xảy ra, cả hai đều nói về Thiên Chúa bằng tiếng bản địa cho những người đồng hành người Đức trong suốt 4 ngày.
Sau đó, cha Bertrand được Cha Đa Minh sai đến trường Đại học Paris để tham gia vào việc huấn luyện của trường theo yêu cầu của Đức Giáo hoàng Honorio III. Tuy nhiên, cha Bertrand chỉ ở miền Bắc nước Pháp trong một thời gian ngắn, vì quân lạc giáo đánh chiếm thành Toulouse nên ngài đã trở lại miền Nam nước Pháp.
Năm 1221: Tổng hội lần thứ hai của Dòng, cũng là năm Cha Đa Minh qua đời. Cha Jordan Saxony được anh em bầu chọn là người kế vị Đấng sáng lập và cha Bertrand được bổ nhiệm làm giám tỉnh ở Provence. Ngài lưu lại đó trong 9 năm để chăm lo việc giảng thuyết. Ngài mở rộng sứ vụ của Dòng. Cuối cùng ngài qua đời năm 1230 trong khi đang giảng về đời sống tâm linh cho các nữ đan sĩ Dòng Xitô ở Notre Dame tại Woods.
Ngày 6/9/1881: Đức Giáo hoàng Lêô Cả XIII đã tôn phong cha Bertrand lên hàng Chân phước.
3. Tiếp bước dấu xưa
Sự thánh thiện của Giáo hội được diễn tả bằng nhiều cách thức khác nhau qua những con người khác nhau. Thực vậy, trong lịch sử Dòng Thuyết Giáo đã có những vị thánh sống rất đạo đức, thánh thiện, được nhiều người mến phục ngay khi tại thế và được tôn kính ngay sau khi qua đời. Chẳng hạn như thánh Tôma Aquinô, thánh Catarina Siêna hay thánh Rosa Lima. Nhưng cũng có những vị thánh khác, cuộc sống tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng các ngài cũng đã để lại nhiều mẫu gương thánh thiện cho hậu thế noi theo.
Chân phước Bertrand Garrigues là một trong những người như thế. Ngài là mẫu gương về đời sống cầu nguyện. Ngài yêu thích sự thinh lặng, vì thinh lặng giúp ngài dễ dàng kết hiệp với Chúa. Đặc biệt là ngài thường xuyên đánh tội, phạt mình ép xác hầu mong xứng đáng với tình yêu của Đức Kitô. Trong cuộc sống của mỗi người, khi ai đó đi ngang cuộc đời của chúng ta, họ sẽ để lại cho ta những dấu ấn. Có những dấu ấn ghi đậm vào tâm trí và con tim nhưng cũng có những dấu ấn đi ngang qua một cách mờ nhạt và dần biết mất. Chân Phước Bertrand cũng thế, ngài đã đi ngang qua đời con và để lại trong con những dấu ấn với những bước chân thật đẹp.
- Dấu chân dẫn đến thiên đường của sự tĩnh lặng.
Khi bước chân vào ngưỡng cửa đời tu, con gỡ tưởng rằng mình sẽ được đến ở cung điện thanh vắng để có thể tỉ tê tâm sự với Chúa trong mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, thực tế thì khác, hằng ngày tai con phải tiếp nhận hàng loạt nhưng âm thanh được phát ra từ nhiều thứ: nào là tiếng xập xình đêm ngày của những cỗ máy nơi công trình, những tiếng ca hò ỉnh ỏi của những căn hộ xung quanh nhà Dòng hay chính những ồn ào náo động ngay trong chính tâm hồn con vì như lo toan vì công việc bổn phận, ồn ào, chia trí khi nghĩ về gia đình, bạn bè và người thân.
Con phải làm gì để gặp Chúa? Làm sao đời sống nội tâm của con lớn lên được nếu con không biết sống trong sự tĩnh lặng của tâm hồn? Thánh Vincent de Paul đã nói: “Chỉ trong thinh lặng con mới nghe được tiếng Chúa và chỉ trong thinh lặng con mới nhận ra được điều Chúa muốn nói với con trong tâm hồn”.
Vâng, thinh lặng cần lắm trong cuộc sống của con!
Thinh lặng cần trong những giờ cầu nguyện để con không quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa.
Thinh lặng cần cho kẻ dấn thân để con kịp nhận ra những nhu cầu của tha nhân.
Thinh lặng cần cho chính bản thân con để con có đủ can đảm nhìn và nhận ra những điểm khuất trong tâm hồn con và thinh lặng cũng chính là điểm nhấn để cuộc sống của con có thêm màu sắc.
- Dấu chân dẫn đến bầu trời tri thức
Người Rôma có câu danh ngôn: Không ai có thể cho cái mình không có. Vì thế việc học trong ơn gọi Đa Minh chiếm vị trí rất quan trọng để có thể thi hành sứ vụ giảng thuyết. Học hành chính là một trong những cột trụ chính và là điểm làm nên sự khác biệt trong ơn gọi Đa Minh. Chính vì thế mà Cha thánh Đa Minh đã đặt nặng việc học hành cho các anh em tiên khởi ngay từ giai đoạn đầu tiên mà Dòng mới được phôi thai.
Học hành chính là một quá trình được huấn luyện và tự huấn luyện; là phương tiện giúp con thăng tiến trên đường nhân đức và tri thức. Đó cũng là hành trang cho con bước vào đời để thi hành sứ vụ mà Hội dòng sẽ trao phó. Vì thế con sẽ tận dụng mọi cơ hội để tìm tòi, học hỏi để không phụ công ơn dưỡng dục của Mẹ Hội Dòng, quý dì giáo, quý dì giáo sự đã hết lòng dạy dỗ chúng con. Và con cũng ước mong nhờ hoa trái của cầu nguyện và công khó của việc truy tìm tri thức mà con có thêm những sáng kiến để cứu giúp các linh hồn.
- Bước chân người loan báo Tin Mừng
Hành trình theo Chúa của người môn đệ được khởi đi bằng việc “đến xem và ở lại” để rồi sau một thời gian được thụ huấn cùng thầy Giêsu, người môn đệ sẵn sàng quân trang bước ra chiến trường chiến đấu để làm chứng cho một tình yêu Giêsu.
Nhưng … hành trình ấy thật không đơn giản. Bởi …
Ở lại với Chúa thì thật dễ dàng nhưng lên đường thì còn nhiều lắm tính toan, ích kỷ.
Ở lại với Chúa thì nhẹ nhàng, êm đềm và hạnh phúc nhưng xuống núi thì đường đời còn nhiều lắm chông gai.
Thế đấy, lên đường, xuống núi trong cuộc sống hôm nay quả là một con đường chông chênh, sỏi đá và đầy gai góc. Lên đường thật khó vì con luôn phải giằng co chọn lựa giữa ánh sáng và bóng tối. Tuy nhiên, qua gương sống của Chân Phước Bertrand con cảm thấy tự xấu hổ với bản thân, vì ngài đã hoàn trọn ơn gọi giảng thuyết của mình để loan báo về một Đức Kitô tử nạn và Phục Sinh. Trong khi đó, con vẫn cứ mãi loay hoay trong vỏ óc của mình. Con vẫn chưa thoát ra được chính mình để đến với tha nhân.
Là một Tu sĩ Dòng Giảng Thuyết, được mang trên mình bộ tu phục của Dòng. Đó như một lời nhắc nhớ con phải sống sao cho xứng đáng với bộ y phục quý giá của Dòng.
Vậy, đâu là điều đẹp ý Chúa trong đời sống dâng hiến của con hôm nay?
Đó là câu hỏi con luôn đặt ra cho mình trong mỗi ngày sống bởi lẽ làm theo ý mình thì rất dễ nhưng tìm ý Chúa thì không hề đơn giản. Như cha Bertrand con cũng muốn trở thành chứng nhân của “LỜI” cho thế giới nhập nhằng giữa ánh sáng và bóng tối này. Sống ở môi trường Học viện, dù con không có cơ hội đi đến những vùng biên cương để rao truyền Lời Chúa như cha Bertrand nhưng con có thể “truyền giáo” ngay chính môi trường con đã sống.
– Truyền giáo: sống dưới sự hiện diện của Chúa, tập kết hiệp với Chúa trong từng công việc bổn phận.
– Truyền giáo: Tập mỉm cười với những trái ý và biết đón nhận tất cả trong niềm tin tưởng và tín thác.
– Truyền giáo là sống viên mãn trong giây phút hiện tại và tận dụng mọi cơ hội để học hỏi hầu giúp ích cho Hội dòng và cho Giáo hội.
Những hy sinh đó tuy nhỏ nhưng đòi hỏi con phải có tình yêu và sự chân thành vì hy sinh mà không yêu là thừa và yêu mà không hy sinh là giả dối.
Ước mong nơi con hiện diện sẽ mang lại những tiếng cười và hạnh phúc cho những người con được tiếp xúc.