Sr. Teresa Nguyễn Thị Phượng
Đọc lịch sử các thánh, chúng ta thấy có nhiều thánh nữ thật can đảm, kiên cường, mẫu mực, nổi bật trong đời sống sống Hội Thánh, các ngài là những Đấng đã ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, đang trao đổi với chúng ta mối dây Đức Ái và sự hiệp thông[2]. Trong số muôn vàn các vị thánh nữ ấy, chúng ta đặc biệt chiêm ngắm Chị Thánh Catarina thành Sienna qua suy tư của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II.
Thật vậy, qua nhiều cách thức khác nhau, Thiên Chúa đã bày tỏ sự quan phòng ưu ái như là Đấng điều khiển dòng lịch sử bằng cách thắp lên những ánh sáng mới trên đường đi của con người. Thiên Chúa đã thực hiện những điều lạ lùng kỳ diệu nơi Chị Thánh Catarina, Người đã chọn một người nữ con bác thợ mộc thành Sienna, tuy xem ra bất tài, bất lực và thất học để thực hiện những điều lớn lao cho Hội Thánh. Người đã nâng cao những khả năng tự nhiên của Thánh nữ lên, khiến cho Chị có thể thi hành những công việc hoàn toàn vượt quá tầm cỡ của mình. Chính Chúa Thánh Thần đã chiếu rọi nơi Chị sự sung mãn diệu kỳ của ân sủng và nhân bản, bằng các linh ân Khôn ngoan, thông minh và hiểu biết, nhờ đó, tâm trí Chị trở nên cực kỳ nhạy bén đối với những điều Chúa soi sáng, “trong những kiến thức thuộc về Thiên Chúa và nhân loại”, bởi vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được[3].
Lịch sử cho biết cuộc đời Chị Catarina gắn liền với một bước ngoặt quan trọng trong đời sống Hội Thánh và của tình hình chính trị dân sự thời đó, chẳng hạn như các cuộc chiến tranh, nhất là trận chiến kéo dài 100 năm giữa hai nước Pháp và Anh; cuộc chiến giữa vua Philip nước Pháp với Đức Bonifacio VIII, khi ngài muốn bảo đảm quyền bính tuyệt đối trên Hội Thánh lẫn quốc gia; còn vua Philip chống lại bằng cách liên kết với các Giám mục Pháp ngăn cấm việc đóng góp tiền bạc cho Tòa Thánh [4]… Trong lãnh vực tôn giáo, thế kỷ này được đánh dấu trong vòng ba phần tư thời gian với việc các Giáo hoàng trú ngụ ở Avignon (70 năm), và tiếp theo là cuộc ly giáo Tây Phương kéo dài cho đến năm 1417.
Lịch sử của cô “Áo choàng đen” thành Siena[5] được lồng trong bối cảnh này, Catarina đã sớm ý thức những nhu cầu của thế giới, và Hội Thánh; đồng thời chị được thu hút bởi lý tưởng tông đồ của Dòng Đaminh là tất cả cho việc cứu rỗi các linh hồn.
Với chị Catarina, “Chúa như người thầy đối với học trò, Chúa đã dạy dỗ Chị, và hé mở cho Chị từng bước “những điều hữu ích cho linh hồn Chị”, để làm cho Chị được hoà hợp hơn với mầu nhiệm cứu chuộc và chuẩn bị Chị đi vào sứ mạng tông đồ không mệt mỏi, ngày 1 tháng 4 năm 1375, trong nhà thờ Santa Cristina ở Pisa, Chúa đã ban cho Chị Catarina ơn mang năm dấu thánh, năm ấy Chị 28 tuổi.
Nhờ sự hướng dẫn của Chúa, Catarina ý thức đầy đủ sứ vụ cao cả của mình là “tái lập mối quân bình cho Kitô giáo”. Từ nhiều năm qua, Chị đã hô hào lực lượng “đạo binh thánh giá” để giải phóng đất thánh, hoặc để giải trừ quân bị Kitô giáo khỏi những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn…
Chị bày tỏ lòng quan tâm chăm sóc Giáo hội như người mẹ, sẵn sàng khiển trách và tố giác những xáo trộn trong Giáo hội, nhưng với một tâm hồn hết sức tha thiết, Chị cương quyết với khí thế nam nhi, đề nghị và viết thư cho Đức Giáo hoàng Grêgoriô XI: “Xin Ngài hãy mau chóng đến với Hiền thê của Ngài đang tái mét và chờ đợi Ngài đến trang điểm cho thêm sắc thắm. “Xin Ngài hãy trả lại (cho hiền thê Hội Thánh) trái tim đầy đức ái nồng nhiệt đã mất: nó đã ra tái mét vì bị hút hết máu bởi những phường gian ác.”
Tình yêu đối với Hội Thánh Chúa Kitô ngày càng mãnh liệt thôi thúc, Chị cảm thấy không thể chần chừ được nữa, và vào tháng 6 năm 1376, Chị đã lên đường đi Avignon với tư cách làm người trung gian hoà bình giữa Toà Thánh và thành phố Firenza. Chị đã trao cho cha giải tội Raymonđô Capua một bức thư đi trước, đệ trình lên Đức Thánh Cha Gregorio XI, ba điều chính yếu phải làm để đạt tới hoà bình trong mọi đường hướng:
– Ươm trồng những mục tử xứng đáng,
– Phất cao ngọn cờ thánh giá của thập tự quân,
– Dời toà Giáo hoàng về Rôma.
Trong ba tháng ở tại Avignon, bằng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, những lời của Chị vọng lại tiếng kêu gọi mãnh mẽ của các ngôn sứ, nhất là lúc Chị đụng chạm đến tình trạng thảm thương và hư hoại của Giáo Hội bởi vì bận rộn với tài sản vật chất… Chị không ngần ngại hối thúc vị đại diện Đức Kitô hãy trở về Roma: “Xin Đức Thánh Cha hãy trả lời tiếng mời gọi của Chúa Thánh Thần. Con tha thiết xin Đức Thánh Cha: hãy đi, hãy đi và hãy đi”.
Thấy Đức Gregorio, vị Giáo hoàng hiền hậu cứ chần chừ trong việc quyết định, Chị đã phấn khích Đức thánh cha hãy can đảm từ bỏ, dứt khoát ra đi “như con chiên hiền lành”; hơn thế nữa, để tăng thêm sức mạnh cho lời lẽ mình, với tấm lòng kính trọng và khẳng khái, Chị nói thêm: “Thân lạy Đức thánh cha, Xin ngài hãy tỏ cho con thấy ngài là nam nhi can trường chứ không nhát đảm”
Cuối cùng, Đấng đại diện Chúa Kitô cũng phải nhìn nhận rằng, Chúa thực sự đã nói với Ngài qua môi miệng Chị Catarina, và Ngài nhận ra đó là ý muốn của Chúa, nên Đức Gregogrio XI đã dứt khoát rời bỏ Avignon, khởi hành về Roma ngày 13 tháng 9 năm 1376 – và ngày 17 tháng 1 năm 1377, Đức Gregorio đã long trọng tiến vào thành Roma giữa tiếng reo hò cuồng nhiệt của đoàn dân nhảy mừng như ngày hội lớn.
Nhưng không may vào ngày 27/3/1378, Đức Gregorio XI băng hà và Đức Urbano VI được bầu làm Giáo hoàng giữa nhiều cuộc xô xát. Vị đắc cử là người chủ trương nếp sống khắc khổ và cải cách phong hoá. Thế là cuộc ly khai lớn đã nổ ra và kéo dài gần 40 năm, làm rối loạn sự hiệp nhất trong Giáo hội. Ngày 16 tháng 5 năm 1378, các Hồng y Pháp ly khai rút về Anagni, nhà nghỉ mùa hè của giáo triều để phản kháng, và ngày 9 tháng 8 họ tuyên bố việc bầu cử giáo hoàng Urbano là vô hiệu… Họ tập họp tại Fondi và ngày 29 tháng 9, các hồng y Pháp bầu một nhân vật khét tiếng hung bạo là hồng y Robert, và ngày 31 tháng 10 hồng y Robert đăng quang lấy tên là Clemente VII…! [6]
Trước tình cảnh đó, Chị Catarina thấu cảm trong thớ thịt mình vết thương của Giáo hội. Chị đành bỏ qua một bên mọi ý tưởng khác, để cùng với các môn đệ dồn hết sức lực vào việc chiến đấu cho sự hiệp nhất của thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, và cho một Giáo hoàng đích thực duy nhất. Lòng yêu mến đối với Đức Giáo hoàng và Giáo hội đã thiêu đốt tâm hồn Chị.
Theo lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Urbano VI, giữa bối cảnh những cuộc nổi dạy ở Roma và ly giáo trầm trọng, sức khỏe của chị ngày càng suy sụp, nhưng tình yêu đối với Hội Thánh vẫn bừng cháy trong tâm hồn Chị [7]… Chị vội vàng về Rôma: Chị phải hoạt động ngay giữa con tim của Hội Thánh. Chị đề nghị và cổ vũ cho việc tập họp những người có tinh thần tinh tuyền xung quanh “Đức Kitô dịu hiền trên mặt đất” để giúp đỡ Ngài, bằng những lời cố vấn, bằng lời cầu nguyện và cuộc sống thánh thiện. Chị cổ động các chiến sĩ chiến đấu cho Đức Urbano, xoa dịu những cuộc nổi dậy của người dân Rôma, kìm hãm cơn hăng nồng của Giáo hoàng, đi cầu nguyện trên mộ Tông đồ thánh Phêrô bất chấp mệt mỏi. Chị vẫn đi bộ mỗi ngày hơn một cây số đến đền thờ Thánh Phêrô, ở đó Chị khẩn cầu cho cuộc canh tân và hiệp nhất trong Hội Thánh. [8]
Quả là một năm rưỡi tiêu hao trong những hoạt động mòn mỏi và những lời khẩn nguyện thống thiết: “Ôi lạy Chúa trường cửu, xin hãy nhận lấy hiến lễ của đời con trong thân thể mầu nhiệm Hội Thánh đây !”. Và như vậy, giữa những lời van nài và những niềm ao ước hao mòn, Catarina tắt thở tại Rôma vào Chúa nhật, 29 tháng 04 năm 1380, khi chị được 33 tuổi, giống như Đức Giêsu, vị Hôn phu chịu đóng đinh.
Thi hài của Chị được chôn cất trong nhà thờ Santa Maria sopra Minerva ở Rôma, và nay được đặt dưới chân bàn thờ chính để tôn kính. Trong khi đó thủ cấp của Chị được rước về Siena giữa sự chào đón nồng nhiệt của hàng giáo sĩ và dân chúng, với sự hiện diện của thân mẫu là bà Lapa, và được cất giữ trong nhà thờ San Domenico cho tới ngày nay.
_______________________
(Soạn theo Tông thư ‘Amantissima Providentia” của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, dịp mừng kỷ niệm 600 năm ngày thánh nữ Catarina Siena qua đời, 29/4/1980)
[1] Lời cầu nguyện cuối đời của thánh Catarina Siena
[2] x Tông huấn GE số 4
[3] x Lc 1, 37
[4] x “Đôi cánh tình yêu” tr 21-22
[5] Chị Catarina đã gia nhập hàng ngũ Dòng Ba, nghĩa là những người không phải là nữ tu và cũng không sống đời sống cộng đoàn, nhưng mặc áo trắng và khoác áo choàng đen của Dòng Anh Em Thuyết Giáo
[6] x “Đôi cánh tình yêu” tr. 36
[7] x Ga 2,17
[8] x “Đôi cánh tình yêu” tr. 265