Tình yêu và lệnh truyền – Suy niệm CN VI Phục sinh

0

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, NĂM A
TÌNH YÊU VÀ LỆNH TRUYỀN

14

LỜI CHÚA: Ga 14, 15-21                

Sự chia ly bao giờ cũng để lại nỗi nhớ, nỗi buồn và nỗi cô đơn, vì nỗi sầu muộn dâng lên tràn ngập trong lòng người đi kẻ ở. Nói theo ngôn ngữ nhân loại thì sự xa cách trùng trùng điệp điệp của kẻ ở người đi để lại màu tang tóc đẫm nước mắt.

Tôi còn nhớ mãi cái cảnh chia ly quá thương đau của người thân cách đây hơn hai chục năm đã làm nhiều người rơi lệ. Đêm Giáng Sinh hôm ấy khi niềm vui đang dâng trào với mọi người tin cũng như không tin thì biến cố đau thương xẩy ra với gia đình chú tôi. Số là trước khi đi dự lễ nửa đêm, thím tôi nấu nồi chè đậu đen để cho gia đình ăn mừng lễ như kiểu người tây phương ăn mừng Reveillon đêm Noel. Hôm nay khác mọi lần, thím tôi vừa đi vừa mặc áo dài rồi dặn với chú tôi: Ông này, nhớ trông nồi đậu! Khi nào đậu nhừ thì bỏ gạo nếp vào!  Dặn xong, thím tôi rảo bước như vội chạy theo tiếng gọi vô hình  và không quên gọi người con út mười lăm tuổi cùng lên đường kẻo trễ. Hai mẹ con song hành bên thảm cỏ ven đường. Một chiếc xe 67 thời đó phóng vào giữa hai mẹ con làm thím tôi và em tôi ngã ngửa ra đường. Hung tin được báo về nhà, cả hai đều được đưa cấp cứu ngay. Nửa đường thím tôi từ giã cõi đời, còn em tôi tiếp tục được chở lên nhà thương Đà-lạt. Nhưng vừa tới nhà thương thì em tôi cũng theo thím về thế giới bên kia.

Ngày Lễ Giáng Sinh, ngày của ánh sáng, ngày của những nguyện chúc tốt đẹp, ngày của những đèn sao lấp lánh với muôn vàn hòa quang rực rỡ chung quanh hang đá, thì nhà chú tôi thê thảm một màu tang tóc. Ngọn đèn cày tuy sáng nhưng không phủ lấp được bóng tối. Bốn bóng đèn Neon sáng rực nhưng không làm mờ được màu tím ảm đạm. Thật quá thương tâm và đau đớn ! Hai quan tài đặt song song nhau! Quá đau thương, tôi thưa với Chúa: Thế này là thế nào? Con không hiểu! Còn chú tôi thì nửa sống nửa chết, nằm bất động, không nước mắt, không nhìn, thở dồn dập vào trong không khí. Tôi biết trái tim chú đang tan nát. Tôi có cảm tưởng chú sẽ theo thím và con đi về với Chúa. Nếu chú qua được thì hẳn là phép lạ vì Chú bệnh tim và cao máu.

Ngày đại lễ xẩy ra một nghịch cảnh buồn vui: Nhà thờ, nhà xứ tưng bừng với ánh sáng của ngày sinh nhật Chúa Cứu Thế, thì nhà chú tôi ảm đạm màu tang chế. Giáo dân hân hoan, vui vẻ trên nhà thờ, nhưng  khi đi ngang nhà chú tôi phải lập tức khép nụ cười, trĩu làn mi, dừng bước để mặc niệm hai người quá cố và một chút chia sẻ nỗi đau của tang quyến.

Nhìn hai quan tài để giữa nhà trong ngày vui Giáng Sinh, mọi người dù muốn dù không cũng không cầm nổi nước mắt. Sự chia ly không hẹn ngày về, sự ra đi không được báo trước. Cả xứ Phú Hiệp buồn thê thảm, cố gượng gạo xóa vệt nước mắt chảy trong trái tim  cho ngày lễ bớt u sầu. Bà con đến chia sẻ rất nhiều nhưng làm sao dịu được nỗi trọng thương của cuộc ly biệt này.

Hôm nay đọc bài Tin Mừng này, tôi hiểu được nỗi đau của các môn đệ khi Chúa báo Ngài sẽ ra đi. Trước đây, đôi lần Chúa Giê-su đã cho các Tông đồ biết lờ mờ về cái chết của Ngài. Nhưng bây giờ Ngài nói không úp mở. Ngài không nói về cái chết như chúng ta thường thấy là chấm dứt cuộc sống dương gian. Ngài nói về cái chết như một sự ra đi, đi về với Cha. Còn các môn đệ khi nghe điều ấy đều có cảm tưởng Ngài đang từ bỏ họ. Nhưng sự từ bỏ này không ảm đạm như cuộc từ bỏ của thím tôi. Sự từ bỏ của Chúa Giê-su tốt cho Ngài và cho các môn đệ. Ngài trở về cùng Cha, đi về nhà Cha, đi vào vinh quang. Và Ngài sẽ sai Thần Chân Lý đến an ủi dạy dỗ các môn đệ: “ Ta sẽ không để anh em mồ côi.”

Ngài cho các môn đệ biết: Chính giờ phút đau khổ và sầu buồn này, các môn đệ được an ủi lớn lao. Ngay khi nói đến việc chia ly, Ngài đã nói đến việc trở lại của Ngài. Ngài sẽ đến với họ qua Thánh Thần. Và Ngài sẽ ở với họ cho đến ngày tận thế.

Chúa Giê-su không để các môn đệ mồ côi. Trong niềm tin họ có thể thấy Ngài, và qua vâng phục mệnh lệnh của Ngài, họ vào trong sự thông hiệp với Ngài.

Chúa Giê-su không hiện diện cách lờ mờ như khi các ông tưởng nhớ đến Ngài như một người đã chết nhưng là sự hiện diện đích thực và sống động để biến đổi các ông.

Ngày nay chúng ta cảm nghiệm rõ điều này, bất cứ ở đâu khi lãnh nhận Mình và Máu Ngài chúng ta cảm thấy được gần Ngài, gần Ngài không phải như chúng ta ở bên những người thân, nhưng là được kết hợp cách thâm sâu với Ngài. Ngài nuôi dưỡng trái tim chúng ta với tình yêu của Ngài. Ngài cho chúng ta cảm được niềm hạnh phúc Thiên Đàng ngay tại thế. Thánh Augustino đã nếm cảm được điều này nên đã thốt lên trong nuối tiếc: “ Lạy Chúa con yêu Chúa quá muộn màng.”

 Của ăn Thánh Thể cho chúng ta mạnh sức để giữ Lời Ngài và sống như môn đệ Ngài. Giữ lời Ngài là theo con đường Ngài đã đi, sống như Ngài sống, hành xử như Ngài hành xử. Chúng ta giữ lệnh Ngài vì Ngài yêu chúng ta. Ngài yêu chúng ta vô điều kiện. Ngài yêu chúng ta không phải chúng ta tốt lành nhưng là vì Ngài tốt lành. Tình yêu vô điều kiện ấy là Tin Mừng. Sự đáp trả của chúng ta là cố gắng trở lại với tình yêu của Ngài.

Như Chúa Giê-su  đáp lại tình yêu của Cha bằng vâng phục chết trên thập giá thì chúng ta cũng vậy, lắng nghe và thực hành Lời. Yêu là vâng phục và vâng phục là yêu. Nên trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “ Nếu anh em yêu mến Ta, hãy giữ lời Ta”. Ngài không nói về mười điều luật nhưng nói về điều phải làm và không được làm: Đừng xét đoán anh em, đừng kết án, đừng lo lắng về của ăn, đừng tích trữ kho tàng… Hãy để cho ánh sáng của anh em chiếu rọi trước mặt mọi người. Ánh sáng của anh em sẽ giúp con người tìm được con đường của họ và Chúa Cha được tôn vinh.

Hãy yêu kẻ thù. Hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ anh em. Nếu anh em làm được điều này anh em sẽ là muối trần gian.

Hãy tha thứ cho kẻ chống lại anh em. Thiên Chúa sẽ tha thứ cho anh em. Hãy tẩy sạch chén bát bên trong rồi bên ngoài sẽ nên trong sạch. Khi trí khôn và trái tim anh em trong sạch thì mọi lời nói và công việc anh em cũng sẽ được sạch giống như nước chảy từ nguồn sạch trong.

Thật không dễ là môn đệ Chúa trong xã hội nhiễu nhương này, không dễ giữ lệnh truyền của Ngài giữa một thế giới điên đảo, thác loạn. Nên Chúa đã ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài. Thánh Thần sẽ yên ủi chúng ta lúc ưu sầu, chiếu sáng lúc đêm tối, ban sức mạnh và can đảm khi yếu đuối. Ngài sẽ dạy dỗ chúng ta hiểu những điều Chúa Giê-su nói. Ngài sẽ giúp chúng ta đào sâu đức tin bằng cách hiểu từ bên trong cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giê-su. Ngài sẽ củng cố chúng ta vững vàng trước các đợt tấn công của thế gian và thúc đẩy chúng ta làm chứng cho Ngài.

Ngài cũng được mệnh danh là Đấng Bầu Chữa, vì Ngài sẽ nâng đỡ chúng ta và tiếp tục công việc của Chúa Giê-su là phù trợ các kẻ thuộc về Ngài. Ngài là Đấng Bào Chữa thay cho Đức Ki-Tô nghĩa là Người biện hộ cho chúng ta bên cạnh Chúa Cha.

Để đứng vững trước trào lưu thế tục, chúng ta cần người nâng đỡ, cần người hướng dẫn,cần người bảo trợ. Chúa Giê-su biết rõ điều này, nên Ngài đã gửi Thánh Thần đến cho chúng ta. Để thấy Ngài và biết Ngài đang hiện diện nơi ta, nơi anh em cũng như nơi thế giới, chúng ta phải cầu nguyện để Chúa Giê-su gửi Ngài đến cho chúng ta. Phải yêu mến Ngài để nhạy bén trước những công việc Ngài đang thưc hiện nơi ta.

Xin Thánh Thần chân lý và tình yêu luôn ở cùng chúng ta để giúp chúng ta yêu và giữ lệnh truyền của Chúa Giê-su. Amen.

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon