Sắc lệnh “CHRISTUS DOMINUS” nói về các tu sĩ

0

 CHRISTUS  DOMINUS

 Trích Sắc Lệnh “ CHRISTUS  DOMINUS  =  CHÚA KI TÔ” của Công Đồng Vaticano II

Nói về NHIỆM VỤ Chăn Chiên của các Đức Giám Mục

 Từ số 33 đến số 35: Nói về các Tu-sĩ

(Trích Nữ Tu đọc Văn Thư Tòa Thánh,

Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1969, Văn thư XXII, trang 289 -292

Nữ Tu viện Đaminh BC – Tam Hiệp) 

 XXXIII. TU SỸ VÀ VIỆC TÔNG ĐỒ.

  • Tiếng Tu sỹ sau đây hiểu về các Dòng khấn giữ lời khuyên Phúc âm, mỗi Dòng tủy theo Ơn Thiên Triệu riêng của mình
  • Tất cả các Tu sỹ đều có bổn phận phải tận tâm tận lực giúp vào việc xây dựng và phát triển toàn thể Mình Mầu Nhiệm Chúa Kytô và mưu ích cho các Giáo Hội địa phương.
  • Trước hết, buộc họ phải theo đuổi mục đích ấy bằng lời cầu nguyện, bằng việc hãm mình và bằng đời sống gương mẫu. Thánh Công Đồng khuyên họ hãy luôn lấy điều đó làm quan trọng và thực thi thêm mãi mãi. Đã vậy, họ còn phãi tùy theo  tính chất riêng của Dòng mà lấy lòng quảng đại hiến thân cho việc Tông đồ nữa.

 XXXIV. TU SỸ LÀ CỘNG TÁC VIÊN CỦA CÁC ĐỨC GIÁM MỤC TRONG VIỆC TÔNG ĐỒ.

Các Linh mục Dòng là những người đã tận hiến cho chức vụ Linh mục, cốt để chính họ cũng trở nên người cộng tác viên khôn ngoan của hàng Giám Mục, thì ngày nay, họ càng có thể giúp đỡ các Đức Giám Mục cách đắc lực hơn, vì thực sự, nhu cầu các linh hồn ngày nay đòi hỏi hơn. Cho nên phải nói rằng: với một danh nghĩa xác thực nào đó, họ cũng thuộc hàng Giáo sỹ địa phận, vì họ đã tham gia vào việc coi sóc các linh hồn và các việc Tông đồ, dưới quyền điều khiển của Đức Giám Mục.

Và với một danh nghĩa riêng, cả những phần tử khác nữa của các Dòng nam nữ, cũng đều thuộc về gia đình địa phận và cũng mang lại một sự giúp đỡ quí giá cho hàng Giáo phẩm. Chẳng những họ có thể, và còn buộc họ phải luôn luôn mang lại sự giúp đỡ ấy hơn mãi mãi, theo mức nhu cầu của việc Tông đồ đòi hỏi.

XXXV. NGUYÊN TẮC CHO TU SỸ LÀM VIỆC TÔNG ĐỒ TRONG CÁC ĐỊA PHẬN

 Để các việc Tông đồ trong mỗi địa phận được chu toàn luôn luôn trong sự hòa hiệp, và giữ được kỷ luật thống nhất trong địa phận, Công Đồng đặt ra những nguyên tắc căn bản sau đây:

1) Hết thảy các Tu sỹ phải luôn luôn thực sự phục tùng và kính trọng các Đức Giám Mục, vì là những Đấng kế vị các Thánh Tông Đồ, buộc phải thi hành nhiệm vụ như những người cộng sự chuyên cần, và phục tùng các Đức Giám Mục. Hơn nữa, các Tu sỹ còn phải sẵn sàng mau mắn trung thành đáp lại những điều các Đ. G. Mục cầu mong, mà tham gia cách quảng đại hơn và việc phụng vụ để cứu rỗi nhân loại ; tuy nhiên, vẫn phải tôn trọng tính chất riêng của Dòng và theo đúng Hiến pháp Dòng. Chính Hiến pháp Dòng, nếu cần, lại phải theo những nguyên tắc của Sắc lệnh Công Đồng này mà thích nghi, để đạt được mục đích ấy. Vì nhu cầu khẩn cấp của các linh hồn, và vì sự khan thiếu các Linh mục trong địa phận, nên các Dòng không phải là thuần túy chiêm niệm, có thể được Đức Giám mục mời gọi cách riêng hơn để giúp vào các việc mục vụ, tuy vẫn phải chú ý đến tính chất riêng của mỗi Dòng. Để được như thế, các Bề Trên phải tùy tiện mà cho các Tu sỹ lãnh nhiệm vụ coi xứ, dù là tạm thời.

2) Còn các Tu sỹ được phái đi để thi hành việc Tông đồ ở ngoài, phải thấm nhuần tinh thần riêng của Dòng, phải trung thành giữ luật Dòng, và phải tùng phục các Bề trên Dòng của mình. Chính các Đức Giám Mục cũng đừng quên nhắc nhở bổn phận đó cho các Tu sỹ.

3) Luật miễn trừ mà theo đó, các Tu sỹ sẽ thuộc quyền Đức Giáo Hoàng, hay một thẩm quyền nào khác của Giáo Hội, và thoát quyền Đức Giám Mục, là có ý nhằm vào cơ cấu nội bộ của Dòng. Mục đích của luật miễn trừ là xếp đặt và hòa hiệp các việc các Dòng lại, là lo cho các Dòng tiến triển và hoàn thiện đời sống chung của Dòng hơn. Luật miễn trừ dành quyền cho Đức Giáo Hoàng được xử dụng các Tu sỹ, để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội, và cho cơ quan có thẩm quyền khác được xử dụng các Tu sĩ làm việc cho các Giáo Hội thuộc thẩm quyền riêng của các Ngài.

Nhưng luật miễn trừ không ngăn trở việc các Tu sỹ trong địa phận phục quyền Đức Giám Mục theo Giáo Luật, và tùy theo mức, phải chu toàn trách nhiệm mục vụ của các Ngài và tổ chức hoàn bị của việc phục vụ các linh hồn đòi hỏi.

4) Tất cả các Tu sĩ Dòng miễn trừ hay không miễn trừ, đều phải vâng phục các Đấng Bản Quyền địa phương, trong những điều liên quan đến việc Phụng vụ công cộng – (Tuy vẫn phải tôn trọng sự khác biệt về Lễ nghi) – việc coi sóc các linh hồn, việc giảng giải cho dân chúng, việc dạy Giáo lý và Luân lý cho tín hữu, nhất là cho trẻ con, việc dạy Bổn và Phụng vụ, và cách ăn ở của hàng Giáo sỹ, cả đến những việc gì khác nhằm làm việc Tông đồ, cũng phải theo Đấng Bản Quyền như vậy. Các trường Công Giáo của Dòng cũng phải phục tùng các Đấng Bản Quyền địa phương, về cách tổ chức chung, về sự kiểm soát, tuy Dòng vẫn giữ quyền cai trị. Cũng thế, buộc các Tu sỹ phải giữ tất cả những gì mà các Hội đồng Giám Mục truyền mọi người phải giữ cách hợp pháp.

5) Giữa các Hội Dòng với nhau cũng như giữa các Hội Dòng với hàng Giáo sỹ địa phận,phải khuyến khích thiết lập sự đồng tâm cộng tác với nhau. Hơn nữa, cần phải phối hợp chặt chẽ các công cuộc và các hoạt động Tông đồ với nhau. Điều đó nhờ nhất ở chí hướng siêu nhiên của các tâm hồn đã có căn bản ở Đức Ái. Sự phối hiệp ấy, Tòa Thánh lo cho toàn thể Giáo Hội – Các Đức Giám Mục lo cho địa phận mình – rồi đến các Hội Đồng Thượng Phụ và hội đồng Giám Mục lo cho lãnh vực mình.

Một đàng các Đức Giám Mục hay Hội đồng Giám Mục, một đàng các Bề trên Dòng hay Hội đồng các Bề trên thượng cấp, hãy vui lòng hiệp lực tiến hành những dự án việc Tông đồ do các Tu sỹ làm.

6) Để gây nên sự đồng tâm và hiệu lực cho mối tương giao giữa các Đức Giám Mục và các Tu sỹ, các Đức Giám Mục và các Bề trên Dòng hãy vui lòng hội họp trong những ngày đã ấn định, hoặc mỗi khi có việc cần, để cùng nhau thảo luận những việc có liên can đến việc Tông đồ chung trong toàn thể lãnh thổ mình.

 (Concile OEcuménique, VaticanII

Editions du Centurion p. 380-384)

 Trang 289-292.

Comments are closed.

phone-icon