Thần lực của Kinh Mân Côi

0

THẦN LỰC CỦA KINH MÂN CÔI

Bức Tâm Thư LXXV, ngày 1/10/1968

Trích trong: “Huấn đức của cha Giuse Phạm Phúc  Huyền”

Kính gửi:

Mẹ Bề Trên, các Bà và toàn thể chị em phúc lành của  Rất Thánh Trái Tim Chúa và Mẹ

Chúng con thân yêu trong hai Trái Tim Cực Thánh,

Tháng Mẹ Maria đã về, Tháng Mân Côi đã trở lại. Đây là tháng sống Đức Tin, tháng đọc Kinh “Kính Mừng” và cũng là tháng hun nóng tình yêu mến Mẹ, tháng nhắc nhớ chúng ta về những ơn Mẹ  đã ban cho Giáo Hội, cho gia đình và cho cá nhân, qua kinh Mân Côi.

Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta còn được hưởng một tháng kính Mẹ ở trần gian này nữa để làm sáng danh Mẹ và đền tội lập công cho ta bằng Kinh Mân Côi. Bởi vì một khi đã li trần lìa thế, chúng ta không thể làm gì hơn được cho Mẹ và cho ta nữa; mặc dù ở trên Trời, ta sẽ được mến Mẹ thân thiết hơn, nhưng không thể làm sáng danh Mẹ hơn cũng không thể thêm công phúc gì cho ta hơn được.

Để tăng độ nhiệt sùng mộ Kinh Mân Côi, nhất là để sống Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại mấy dòng lịch sử:

1. Kinh Mân Côi đã cứu Giáo Hội

Chiến thắng thời danh lịch sử nhất của Kinh Mân Côi là chiến thắng ở vịnh LEPANTE (Lê-păng-t(ơ)), tức một eo bể nối liền vịnh Patras và Corinthe của Hy Lạp lại với nhau. Chính nơi đây, đại tướng Don Juan người Áo đã toàn thắng hải quân Turco năm 1571 để có trang sử lẫy lừng vẻ vang của Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi,và để có tháng Mân Côi này.

Số là: Vua Sélim đệ Nhị của Turco, sau khi đã bách chiến bách thắng khắp nơi, ông tự đại tự mãn, kiêu căng như một quả bóng đã bơm căng khinh khí. Uy quyền thế giá ông lên như diều, làm máu tranh quyền cướp nước của ông sôi lên cực độ. Ông có tham vọng đoạt chiếm cả Âu Châu để sát nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế, năm 1570 ông ra lệnh cho tướng Mustapha Pascha kéo quân xuống chiếm đảo Chypre ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ trong Địa Trung Hải, bấy giờ là thuộc địa cùa Venise (Ý). Thế là hai thành Nicosia và Famagusta bị chiếm hữu, bất chấp chính quyền Venise. Thấy rõ mối nguy hiểm sắp đến cho cả Âu Châu, Đức Thánh Cha Pio thứ V bấy giờ đang hiển trị Giáo Hội, chiêu vời chính quyền Venise và vua Philippe đệ Nhị nước Y-Pha-Nho tổ chức mặt trận Đồng Minh để hãn ngữ đà xâm lược của dân Turco. Hiệp ước được ký kết hồi tháng 5 năm 1571 dưới quyền chủ tọa của Đức Thánh Cha, tướng Mare Antoine được đặt làm chỉ huy trưởng và Đại tướng Don Juan (người Áo) được cử làm tổng chỉ huy. Đức Thánh Cha ban phép lành để bảo đảm chiến thắng và đồng thời truyền cho vị Tổng chỉ huy phải thải hồi các binh sĩ có óc thực dân nuôi tham vọng để cướp của làm giàu. Nhất là phải khai trừ những người khả nghi về hạnh kiểm ra khỏi hàng ngũ Đồng Minh. Chủ trương thanh trừng quân đội như thế là vì Đức Thánh Cha nghĩ rằng: những binh sĩ tham ô bất chính tội lỗi sẽ khêu cơn thịnh nộ Chúa giáng họa thêm và như thế Âu Châu sẽ càng khốn nạn.

Chuẩn bị đầy đủ tinh thần và võ khí với quân trang quân dụng rồi, đoàn binh Công Giáo  xuống tàu nhổ neo ra khơi. Tới đến eo bể Lépante, thì đoàn chiến thuyền của Turco vẫn còn đang cắm neo đậu, đoàn thủy quân Công Giáo liền bày ngay thế trận “gọng kìm”. Bộ tham mưu do Đại tướng Don Juan điều khiển ở giữa với tướng Colonna và Venieri- cánh hữu do tướng André Doria và cánh tả do tướng Augustin Barbanigo chỉ huy. Dẫn đầu hai gọng kìm là tướng Pierre  Justiniani và Paul Jorden . Cờ Thánh Giá đi đầu một đoàn 60 chiến thuyền dự phòng để yểm hộ và cấp cứu. Còn tướng Jean de Cordora dẫn đầu một đoàn sáu chiến thuyền của Venise mạo hiểm đi trước để thám thính.

Về sáng, chiến thuyền Turco dàn thế trận “cánh cung”, không có đoàn thuyền dự phòng như bên Công Giáo nhưng số chiến thuyến của họ nhiều hơn gấp mấy bên mình. Tướng Hali và Pétauch chỉ huy ở giữa, còn Louchali và Siroch ở hai đầu cánh cung.

Bên Công Giáo, Đại tướng Don Juan phát lệnh thượng kỷ, hình Chúa Kytô nổi bật trên không trung. Sau đó, các vị chỉ huy lên tiếng điều khiển và kích thích binh sĩ. Rồi tất cả quỳ gối quay về phía cờ Thánh Giá cho đến khi được lệnh tiến sát lá cà với chiến thuyền Turco. Dĩ nhiên là cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Người ta còn truyền tụng rằng: trước lúc các binh sĩ xuống tàu, Đức Thánh Cha còn làm phép và gửi cho mỗi người một tràng hạt để làm khí giới thiêng liêng giữ mình và cầu nguyện.

Quân Turco bắt đầu khai hỏa, phóng lửa vào các chiến thuyền Công Giáo cách dữ dội và ác liệt, đến nỗi ai cũng nghĩ: không chết chìm thì cũng chết cháy hết. Nguy hơn nữa, gió lại thổi lửa thổi khói về bên Công Giáo, thành ra “đã rối lại tối thêm”. Chiến thuyền của Turco lại đông gấp mấy, nên họ dàn một cánh cung khổng lồ như muốn gói gọn cả hai gọng kìm của đoàn thuyền Công Giáo vào trong. Ôi! nguy hiểm! Nhưng  Đức Mẹ Mân Côi đã đến đúng lúc. Nghĩa là sau khi quân Turco đã phóng hỏa quá nhiều đến nỗi dầu nổi trên mặt nước cháy, làm thành một biển lửa ở vịnh Lépante thì gió đổi hẳn chiều và thổi mạnh. Bao nhiêu khói lửa tạt thẳng vào đoàn thuyền quân Turco hết.

Thế thắng bắt đầu nghiêng hẳn về phe Công Giáo:

Sau 3 tiếng đồng hồ giao tranh giữa khói lửa, tướng Barbarigo chỉ huy cánh tả đoàn thuyền Công Giáo, đánh đắm được một chiến thuyền địch, trong đó có tướng Siroch của Turco. Cánh binh này thấy mất chỉ huy, tan rã rụng rời ngay, Còn Đại tướng Don Juan mượn thế thắng, thúc quân hối tiến bắt được đúng chiến thuyền chỉ huy của Turco trong đó có tướng Hali. Giết Hali, hạ cờ Turco, đại tướng Don Juan tuyên bố: “Thắng rồi” mặc dầu trong lúc đó, tướng Louchali của Turco còn đang cố chiếm cửa tử với tướng Doria bên Công Giáo. Nhưng vừa thấy đoàn chiến thuyền mang cờ Thánh Giá của Công Giáo đến hộ chiến, Louchalo đã phải vội tẩu chạy thoát thân với 30 chiến thuyền tàn quân còn bao nhiêu bị bên Công Giáo bắt và đánh đắm hết.

Cuộc ác chiến này xảy ra đúng ngày 7 tháng 10 năm 1571, từ 6 giờ sáng đến chiều. Chiến thắng hoàn toàn về phe Công Giáo.

Quân Turco bị chết 30 ngàn, bị bắt sống 5 ngàn, trong số có cả mấy ngưởi con của tướng Hali, tức cháu nội của vua Sélim. Bị mất 20 ngàn người Công Giáo mà họ đã bắt làm nô lệ từ trước nay đưa ra chiến trường để phục vụ và làm quân đội. Bị bắt 200 chiến thuyền, và 362 đại bác.

Lực lượng của Turco quả là tan như xác pháo, trong khi bên Công Giáo chịu thiệt hại không đáng kể, lại cứu được 20 ngàn người Công Giáo. Người ta còn truyền tụng rằng: Từ khi quyết định giao tranh với quân Turco Đức Thánh Cha Pio V đã kêu gọi toàn thể Giáo Hội ăn chay cầu nguyện, nhất là các hội Kinh Mân Côi phải liên tục lần hạt để cầu nguyện. Và chính hôm ác chiến đó, ở Rôma Đức Giáo Hoàng cũng có việc phải hội nghị với các Đức Hồng Y trong  một phiên họp, tự nhiên Đức Thánh Cha đứng dậy mở cửa sổ nhỉn lên trời một lát, rồi đóng cửa quay  lại nói với các Đức Hồng Y: “Thôi xong việc rồi, bây giờ chúng ta chỉ cần bàn đến tổ chức việc Tạ Ơn Chúa đã cho đoàn quân Công Giáo thắng trận”.

Do đó và từ đây, trong kinh cầu Đức Mẹ, đã thêm câu: “Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu” để ghi nhớ muôn đời ơn Đức Mẹ đã gìn giũ bảo vệ Giáo Hội. Đến năm 1573, Đức Thánh Cha Gregorio X11 ban phép cho các nhà thờ có lập tòa Rosa được làm lễ kính Đức Mẹ Mân Côi. Năm 1716, Đức Thánh Cha Clemente XI truyền cho khắp Giáo Hội mừng lễ Mân Côi. Năm 1730, Đức Giáo Hoàng Benedito XIII thêm bài đọc mới cho Kinh Nhật Tụng Lễ Mân Côi. Năm 1888, Đức Giáo Hoàng Leo XIII làm hẳn Kinh Nhật Tụng mới riêng cho  Lễ Mân Côi và nâng lễ lên bậc nhì mừng vào Chúa Nhật thứ Nhất tháng Mười D.L. Và tiếp sau, Đức Thánh Giáo  Hoàng Pio X đã ấn định lấy ngày 7 tháng 10 hằng năm để mừng lễ Mân Côi vào chính ngày Đức Mẹ đã cứu Giáo Hội khỏi tai họa quân Hồi, tức ngày chiến thắng ở vịnh Lépante để ghi nhớ muôn đời ngày 7-10 -1571 (viết theo Dictionnaire d E1xemples  T. IV. P 346- 348).

Chúng con thân yêu! Chớ gì mỗi năm, đến ngày lễ Mân Côi ôn lại lời Khấn Dòng, chúng con cũng suy hiểu Kinh Mân Côi được thêm một độ nữa, để tiếng rao giảng Kinh Mân Côi của Cha Thánh Đa Minh xưa như còn âm vang mạnh mẽ trong đời  sống chúng con, khiến chúng nên gương mẫu sống theo Mầu nhiệm Kinh Mân Côi. Hầu làm tông đồ nhiệt thành đắc lực cho Mẹ Maria Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, theo chân thánh Tổ Phụ, cải tạo nhân loại, nhất là trong thời hiện đại khủng hoảng  Đức Tin này. Chính Đức Thánh Cha Pio V, Đấng đã được ơn đặc biệt của Đức Mẹ Mân Côi trong truyện trên đây, cũng là người Dòng Thuyết Giáo nữa. Thật đúng như Chúa phán: “Xem quả thì biết cây” (Mt 12,33).

  2. Kinh Mân Côi đã cứu gia đình

Năm 1507, ông Valentin Valtsachs bị bọn cướp bắt cóc giữa đường. Thật  là tội nghiệp cho gia đình ông ở nhà: một người vợ mong chồng, một đoàn con mong bố. Còn ông, để tống tiền, bọn cướp xiềng chân trói tay ông rồi nhốt giam trong một tháp cao kín mít, tối tăm, bẩn thỉu hôi hám. Sự thường phải nói là tuyệt vọng nhưng gia đình ông cũng như ông đã lần hạt khấn Đức Mẹ. Một hôm, cầu nguyện xong, tự nhiên ông thấy xiềng xích tuông ra cả. Được thong dong chân tay, ông mới lần mò trong tăm tối, gõ khắp lượt vào tường tháp. Đến một chỗ, ông nghe tiếng rè rè ọp ẹp. Ông vỗ tay vào viên đá, thấy nhúc nhích. Trong người ông nảy ra ý nghĩ: Nạy đá ra dần dần để lấy chỗ chui. Thấy yên tâm, ông cứ nhẩn nha làm, ra một viên rồi ra hai viên, ba viên… Bọn cướp yên trí rằng: tháp xây bằng đá chắc chắn kiên cố thế, mà chân tay lại xiềng xích nữa rồi thì khỏi lo chi hết; vì vậy mà chúng không canh gác gì. Thế là ông Valentin chui ra đi, thoát tay chúng bằng an vô sự.

Thật là Đức Mẹ Mân Côi đã cứu ông và ban niềm an ủi lạ lùng cho cả gia đình ông! (Viết theo Dict. DE IX. T IV. P 342).

3. Kinh Mân Côi với bản thân

Có một người nhà quê không biết chữ vào xin tu bậc trợ sĩ trong một Dòng khổ tu. Được nhận vào Dòng ít lâu, ông buồn phiền chán nản vì thấy không biết đọc sách để được hát Kinh Nhật Tụng chung với các thầy. Ông cũng cố rán học, nhưng vì đã có tuổi nên học trước quên sau, chẳng chữ nào ra chữ nào cả. Sau một thời gian miệt mài, ông thấy rõ là bất lực mới bỏ học và đành chịu lần hạt vậy. Nhưng lần nào ông cũng phàn nàn với Đức Mẹ: “chả biết chữ mà ngợi khen Mẹ hơn được, Mẹ chẳng cho con biết đọc sách nguyện thì Mẹ ráng chịu vậy”. Không chịu thua lòng đơn sơ thành thật của ông, Đức Mẹ hiện ra sáng láng đẹp đẽ quá chừng với một chiếc áo choàng lộng lẫy, nhưng mới thêu được có một nửa bằng những chữ vàng óng ánh: “Kính mừng Maria”.

Ông đơn sơ hỏi: Sao Mẹ mặc áo đẹp quá mà lại thêu dở dang vậy?

Đức Mẹ trả lời: “Đây là những kinh Kính Mừng con đọc hằng ngày để dâng kính Mẹ. Vì con mới đọc được bằng ấy kinh, nên áo Mẹ còn dở dang như thế đấy. Vậy con hãy cố đọc nhiều nữa, để thêu xong chóng áo cho Mẹ đi. Khi nào xong, Mẹ sẽ đến mặc cho con một áo cưới thật đẹp, để đưa con vào dự tiệc cưới đời đời trên trời với con Mẹ”.

Nói xong, Đức Mẹ biến đi, để thầy dòng không có chữ ở lại ngất ngây với những kinh Kính Mừng mình đã đọc để kính Mẹ (Viết theo Instruction Regieuse en Exemples. T 2. P  224- 225).

Thật là không thể ngờ được cho thầy dòng không chữ kia cũng như cho chúng ta.

Chúng con thân yêu! Chớ gì những câu chuyện trong bức tâm thư này, gợi lên được trong chúng con, lòng tin tưởng vào Kinh Kính Mừng, vào phép lần hạt Mân Côi để chẳng những miệng đọc sốt sắng, lòng suy hiểu thấu đáo mà còn sống theo Mầu Nhiêm Kinh Mân Côi nữa để xứng đáng là con cái cha Thánh Đaminh- Vị tông  đồ của Kinh Mân Côi, được Đức Mẹ thưởng như Đức Thánh Cha Pio V, như gia đình ôngValentin, như thầy dòng khổ tu không biết chữ trong bức tâm thư này.

Chớ gì chúng con lấy lời Đức Mẹ bảo những người giúp việc ở đám cưới Cana xưa làm lời Mẹ bảo mỗi người chúng con ngày nay: “Người bảo gì, thì cứ làm y như vậy” (Ga 2,5); nghĩa là sống theo Phúc Âm.

Đến đây cha xin chúng con dừng lại để vấn tâm xem Chúa bảo chúng con làm gì? –

Chúa bảo:

  • Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác Thánh giá mà theo (Lc 9,23).
  • Ai thương cha mến mẹ hơn Ta, không đáng theo Ta (Mt 10,37).
  • Ai muốn cứu sự sống mình sẽ mất sống; còn ai phí bỏ mạng sống mình vì Ta và vì Phúc âm sẽ được sống (Mc 8, 35).
  • Hãy thương yêu kẻ thù mình, làm cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ vu vạ cho mình (Mt 5,44).
  • Phúc cho kẻ thực lòng khó khăn… Phúc cho kẻ hiền lành… Phúc cho kẻ phải than khóc… Phúc cho kẻ đói khát sự công chính… Phúc cho kẻ có lòng thương người… Phúc cho kẻ có lòng thanh sạch… Phúc cho kẻ hòa thuận… Phúc cho kẻ bị người ta nhiếc mắng, bắt bớ… vu oan… (Mt 5,3-11).

Nếu chúng con nghe lời Mẹ nhắn nhủ mà làm đúng như Chúa dạy trong Phúc Âm thì tâm hồn chúng con sẽ trở nên đầy ơn thánh và đời sống cũng như việc làm của chúng con sẽ tràn đầy công phúc như  6 chum nước ở Cana đã trở thành 6 chum rượu ngon cho cả mọi người được no thỏa, chỉ vì đã làm y như lời Mẹ khuyên, đúng như lời Chúa truyền.

Chớ gì lời Đức Mẹ phán ở Fatima được chúng con trung thành thực hiện: CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG- LẦN HẠT MÂN CÔI- TÔN SÙNG MẪU TÂM.

Chớ gì lời Đức Mẹ bảo thầy dòng khổ tu không biết chữ trong bức Tâm thư này được chúng con tha thiết thi hành.

Giáo Hội, Tổ Quốc, Hội Dòng được phúc nhờ ở những Kinh Kính Mừng chúng con đọc biết bao nhiêu! Và chính số phận đời đời của mỗi người được bảo đảm chắc chắn biết chừng nào?

Vậy chào: Thi đua cầu nguyện cho Đại Hội Đồng Canh Tân Dòng bằng Kinh Mân Côi.

Linh mục Tuyên Uý

Jos. Phạm Phúc Huyền

Comments are closed.

phone-icon