NIỀM VUI CỦA NHỮNG EM BÉ TIỀU PHU

Cây cầu treo tạm bợ bằng mây tre đan kết, tròng trành mở lối cho chúng tôi đến với
buôn làng người dân tộc thiểu số cưu mang những bệnh nhân phong, mà một số trong họ đã bị dị dạng: khuôn mặt lởm chởm sứt sẹo; chân tay cụt ngủn không ngón, không bàn. Và kìa, những em nhỏ lấy củi đang trên đường về làng. Cảnh nghèo khổ hằn in trên con người các em: mặt mũi lem luốc, hốc hác, đen đủi, mệt mỏi vì những cây củi đang chồng chất trên đôi vai bé nhỏ của tấm thân gầy đét.người suốt đời lầm lũi ại núi rừng Dakto, tỉnh Kontum..
Sinh ra và lớn lên trong gia đình của buôn làng phong từ 3 thế hệ – cái bệnh xã hội gần như tách họ khỏi cộng đồng, nên họ chỉ còn biết tìm đến với núi rừng, chặt cây, chẻ củi bán kiếm sống qua ngày, nơi những gia đình cha mẹ đã bị bệnh phong làm thương tật các chi thể, thì bao nỗi long đong vất vả đã sớm ập trên mái đầu thơ bé. Ngày ngày các em vào rừng chặt từng cây củi chất đầy gùi trên con đường mòn gồ ghề, lởm chởm, chênh vênh bên sườn đồi, chỉ cần trượt chân một cái là cả người, cả gùi củi lăn lóc trên triền dốc, nỗi khổ là thế, gai rừng làm đôi chân non nớt luôn rướm máu như thắm đẫm sự cơ cực của tuổi thơ. Nắng sớm, mưa chiều và công việc nặng nề của môi trường đã cướp mất sự hồn nhiên tươi trẻ và khung trời tuổi thơ của các em. Đồi khô nắng cháy thay cho lớp học, sân trường; con dao, cái rựa thay cho cái bút, cây viết. Bạn với cây củi nhưng các em vẫn mơ được đến trường làm quen với những con chữ nho nhỏ xinh xinh nhưng thật thần kỳ.
Nhìn các em áo không đủ mặc, mũ không có đội đầu, ốm o đen đủi gò mình xuống trên gùi củi thật đáng thương, chúng tôi nghĩ: các em phải được đến trường như các bạn, dù ngày qua ngày các em vẫn phải lên rừng kiếm củi để có cơm ăn. Nghĩ và làm, chúng tôi đã liên hệ để các em được đi học: dụng cụ học sinh chúng tôi lo, tiền học chúng tôi đóng, áo quần chúng tôi may – ước mơ của các em đã được hiện thực, dù rằng ước mơ ấy chưa tròn, chưa đẹp như lòng chúng tôi mong ước.
Điều chúng tôi vừa bắt đầu cho các học sinh người cùi cũng tạo lên trong chúng tôi những thao thức, băn khoăn và lo lắng: Nếu học kỳ II không có tiền đóng học phí thì sao? Chẳng lẽ các em lại phải nghỉ học? Vừa khởi đầu đã kết thúc thì thương các em quá – chúng tôi vẫn nơm nớp sợ rằng sự bất lực của chúng tôi dập tắt niềm vui và hy vọng của những bé thơ đầy tin tưởng. Nhưng Chúa đã làm những điều thật kỳ diệu. Trong lúc chúng tôi lo lắng băn khoăn thì Chúa gởi đến cho chúng tôi những vị ân nhân để tiếp tục đỡ nâng bước chân đến trường còn non yếu của các em, cũng như khả năng hạn chế của chúng tôi. Xin cảm tạ tình thương của Ngài đến muôn đời.
Hôm nay, các em vẫn bước thấp, bước cao lên đồi, nhưng trên môi đã vang tiếng ê, a của người học trò – vẫn tập họp chơi trò chơi dân gian bên gùi củi trên nương rẫy khô chồi nắng cháy, nhưng những con số 1, 2 đã được viết nguệch ngoạc trên đất – vẫn những gùi củi trên bờ vai gầy nhỏ bé bước đi xiêu vẹo nhưng lòng rộn lên niềm vui cùng con chữ: tương lai đang mở ra với những con Tí, cu Tèo tiều phu.
Sr. Maria