Ngày 18.09, lễ nhớ Thánh Đa Minh Trạch, OP
THÁNH ĐA MINH TRẠCH, OP
Linh mục Dòng Đaminh, Tử Đạo tại VN (1793 – 1840)
“Thưa quan, Thánh Giá là giường Chúa Kitô nằm chết thay cho nhân loại, nếu quan muốn sự sống đời đời, xin quan kính lạy Thánh Giá này.Tôi thà chết chứ không bước qua Thánh Giá”.
Một lẽ sống, một lý tưởng, một chọn lựa, một niềm tin. Và đó chính là một sự thống nhất đời sống, tin sao sống vậy, chọn sao chấp nhận vậy. Niềm tin được tuyên xưng, cái chết được lãnh nhận, ngành lá tử đạo dành cho người chiến thắng được tung bay. Đó chính là hạt giống đức tin mà Thánh Đaminh Trạch đã kiên cường gieo vãi bằng chính máu tử đạo của mình, trên chính mảnh đất quê hương Việt nam thân yêu.
Năm 1793, tại họ Ngoại Bồi, tỉnh Nam Định, một bé trai cất tiếng khóc chào đời, và được gọi là Đaminh Trạch. Thuở nhỏ đã tỏ lòng ước ao theo Chúa trên đường tu trì, nên từng bước được học tập để trở thành môn đệ Chúa, khi thì ở nhà xứ, lúc lại ở Chủng viện. Năm 1823, Ngài được thụ phong Linh Mục. Sau đó, Ngài lại xin vào Dòng Đaminh và được tuyên khấn ngày 03.06.1825
Dù mang trong mình chứng bệnh lao phổi nan y, sức khỏe suy yếu, nhưng Cha Đaminh Trạch đã sống rất nghiêm ngặt, chuyên chăm cầu nguyện, hết lòng tuân giữ kỷ luật Dòng, ăn chay hãm mình, chu toàn nhiệm vụ Mục tử, không chỉ với những con chiên trong đàn, mà còn cả những chiên đang đi lạc, chiên chưa thuộc về đàn.
Công việc thời bình là vậy, nhưng thời chiến cũng không có gì khác. Đất nước nhiễu nhương, đàn chiên tán loạn, Cha cùng chung số phận với mọi người, nhưng Cha vẫn không quên bổn phận. Chính khi đang thi hành chức vụ, Cha đã bị bắt theo lệnh cấm đạo của Vua Minh Mạng. Sau khi được giáo hữu chuộc về (năm 1839, tại Ngọc Cục), Cha lại bị bắt lần 2 ( năm 1840, tại Sa Châu). Lần này Cha an tâm thi hành phận vụ Linh Mục của mình ở trong tù, nơi phủ Xuân Trường, Nam Định: bằng cầu nguyện, bằng Kinh Mân Côi, Cha an ủi, khích lệ các giáo hữu can đảm vượt thắng để làm chứng cho niềm tin. Có lẽ nhờ niềm tin và lòng nhân ái của Cha, mà anh Toma Toán đã trở về với Chúa và can đảm làm chứng cho Chúa, sau khi đã sợ hãi bước qua thập giá.
Không chỉ khuyên giáo hữu, Cha còn tận dụng ngay cả giờ gần chết, khuyên cả quan quyền, khi được hỏi về đạo, về niềm tin: “Thưa quan, Thánh Giá là giường Chúa Kitô nằm chết thay cho nhân loại, nếu quan muốn sự sống đời đời, xin quan kính lạy Thánh Giá này”. Rồi như để chứng minh cho niềm tin của mình, Cha khẳng khái tuyên xưng: “Tôi thà chết chứ không bước qua Thánh Giá”.
Lời dứt. Đầu rơi. Máu đổ. Triều thiên tử đạo được trao tặng. Bài ca ngàn trùng được ngân vang. Đó là ngày đáng nhớ, ngày 18.09.1840.
Gần 60 năm sau, ngày 27.05.1900, Cha được suy tôn lên bậc Chân phước, do ĐGH Lê-ô XIII. Và ngày 19.06.1988, ĐGH Gioan Phaolo II đã nâng Cha lên bậc hiển Thánh, cùng với 117 vị Thánh tử đạo khác tại Việt nam.
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Quả là một hiến lễ. Của lễ hiến dâng thật đẹp, và có lẽ đã được trang bị-sửa soạn từng ngày, qua từng phút giây chọn lựa. Chọn lựa là mất mát, hy sinh là thiệt thòi, chết là mục nát; nhưng chính lúc chết đi lại là khi vui sống muôn đời, và chính mất mát thiệt thòi đó đã kết thành triều thiên tử đạo cho Vị Thánh hôm nay.
Xin cho niềm tin kiên vững của các Thánh Tử Đạo tại Việt nam chảy trào trong dòng máu Lạc Hồng, để giữa một xã hội đầy biến động hôm nay, hạt giống Đức tin vẫn không ngừng nảy sinh và trổ hoa kết trái. Và Máu các Thánh Tử Đạo đã tưới gội trên mảnh đất thân yêu này, giúp các tín hữu biết ý thức hơn trong mỗi chọn lựa, can đảm hơn trong mỗi thực hành, và dấn thân hơn trong từng nghịch lý cuộc sống. Amen.
Binhsanhdevo,dmth.