XỨC DẦU
(Xh 29,36; Lv 8,11, 30; 1 Sm 10,1, 16,13; 24,1-7; 26,7-11;
1V 1,39; 2 V 9,3; Is 6,1; Dn 9,24; Lc 4,18, 9,1-6; Cv 4,27; Mc 6,13)
Đổ hoặc rắc một vài giọt dầu ô liu hay bạc hà cay trên đầu của một người, đặc biệt khuôn mặt. Đây là một phong tục trong lịch sử Do Thái, và tiếp tục trong kỷ nguyên Kitô giáo. Xức dầu là một dấu hiệu của lòng hiếu khách và là một phương tiện đề cao cá nhân, nó cũng được dùng để chữa bệnh và trong các nghi lễ thiêng liêng.
Với phụ nữ, việc xức dầu dường như đã là một phần của quá trình tắm, liên quan đến toàn bộ cơ thể chứ không phải chỉ một mình đầu. Trong riêng tư, những người nam và nữ “xức dầu” toàn bộ cơ thể của họ để chuẩn bị cho một bữa tiệc, làm cho tóc và da lấp lánh. Với những thành viên trong hoàng gia – như Ét-te – việc xức dầu sẽ thực hiện ở bồn tắm. Xức dầu làm tỉnh táo vì tạo nên một hương thơm nhẹ nhàng chống lại nhiệt và gió của Palestine. Trước đó, khi chuẩn bị để gặp Bô-át, Rút tắm, và xức cơ thể của cô với các loại dầu thơm và nước hoa, cũng như Su-san-na và Giu-đít vào các thời điểm sau đó. họ có thể sử dụng thuốc mỡ thơm để tăng cường sức hấp dẫn của họ.
Có nhiều hình ảnh “xoa nhẹ” hoặc “bôi” dầu ô liu hay thuốc mỡ trên da và tóc. Trong nhiều trường hợp, dầu đã được sử dụng phung phí. Tác giả Thánh vịnh nói với chúng ta: tình huynh đệ “như dầu quí đổ trên đầu, xuống râu, xuống cổ áo chầu Aaron” (Tv 133,2). Đây rõ ràng là một bí tích miêu tả việc xức dầu cho các linh mục hoặc cho các vị vua.
Sau này, các vận động viên Hy Lạp phát hiện ra rằng việc đổ số lượng lớn dầu lên toàn bộ cơ thể sau khi tắm và tẩy cơ thể, sẽ để lại cho họ sự sạch sẽ và mịn màng – nhấn mạnh vẻ đẹp của da và bắp thịt – Mục đích thẩm mỹ ở đây nâng cao vẻ đẹp thể chất của cơ thể nam giới, và tiết lộ một nền văn hóa khác, mang lại cho buổi cử hành vẻ huy hoàng tráng lệ tự nhiên của Hy Lạp.
Trong cách sử dụng các bí tích, mọi thứ cũng như mọi người đôi khi được xức dầu. Giacóp xức dầu đá ở Bê-tên bằng cách đổ dầu lên trên nó. Trong các ngày lễ, việc xức dầu trở nên đặc biệt quan trọng: theo một truyền thuyết cổ xưa, Môisê chuẩn bị thuốc mỡ trong sa mạc, đủ để xức dầu cho tất cả các vua và các thượng tế của Israel trong suốt lịch sử và đã được sử dụng cho đến khi xức dầu cho Đấng Mê-si-a (George Barton và Kaufmann Kohler 2004).
Đối với người Do Thái, việc xức dầu thường gắn liền với những người thánh thiện, đặc biệt là các thượng tế và các vua. Mỗi tư tế phải được xức dầu theo luật lệ. Từ thời Sa-mu-en, vua Israel đã được xức dầu bởi một tiên tri hay tư tế, là dấu hiệu được Thiên Chúa tuyển chọn. Dầu được xức trên đầu, theo hình dạng của một vương miện chung quanh đầu. Điều này bảo đảm sự bảo vệ của Thiên Chúa với người Ngài đã tuyển chọn. Ngay cả sau khi Đavít đã được Sa-mu-en xức dầu tấn phong làm vua, và mặc dù Sa-un đã ở gần cái chết và mạng sống của ông trong tay Đavít, nhưng Đavít đã sợ làm tổn hại đến Sa-un. Ông là người “Chúa đã xức dầu”.
Truyền thống của Thiên Chúa bảo vệ quyền của các vị vua được xức dầu này được thể hiện trong phần lớn lịch sử. Những người Châu Âu chấp nhận khái niệm này, như chúng ta thấy trong Bi kịch của Macbeth và nhiều vở kịch khác của Sếch-xpia. Ngay cả một vị vua tội lỗi cũng có sự bảo vệ của Thiên Chúa để cảnh tỉnh ông trở về. Vào thế kỷ XVII, với việc hành hình vua Charles I, dân chúng Anh tham gia trong các cuộc tranh luận về những hành vi vi phạm nghiêm trọng của vị vua được xức dầu này. Đây cũng là một vấn đề trọng tâm của việc chém đầu vua Louis XVI trong cuộc Cách mạng Pháp. Buổi lễ xức dầu thường thực hiện cho một người riêng biệt, nhưng rõ ràng là công khai vào những dịp nhất định: Tại lễ đăng quang của vua Sa-lô-môn, “Tư tế Xa-đốc lấy sừng đựng dầu từ nhà lều và xức cho Sa-lô-môn. Sau đó, người ta đã rúc tù và; toàn dân hô: ‘Vua Sa-lô-môn muôn năm'” (1 V 1,39).
Việc Xức dầu biểu lộ phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ trên người được chọn, thường đề cập đến Đấng Mê-si-a. Trong Giáo Hội Kitô hữu tiên khởi, nó cũng được sử dụng như dấu hiệu của ân huệ Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên các tín hữu. Người được xức dầu được coi là thánh thiện và được trang bị đầy đủ với quyền năng từ Thiên Chúa để phục vụ.
Sr. Maria Ngô Liên
Trích dịch tác phẩm “All Things in the Bible” của tác giả Nancy Tischler
—————- Đọc thêm:– Barton, George A. and Kaufmann Kohler, “Anointing”,
http://jewishencyclopedia.com (accessed December 20, 2004).
– Motyer, J. A. “Anointing, Anointed”, in The Illustrated Bible Dictionary. Sydney, Australia: Tyndale House Publishers,1980.