Chìa khóa hạnh phúc – Chương 2

0

“Chìa Khóa Vạn Năng” là một tác phẩm gồm 9 chương của tác giả Cát Thường. Đây là những kinh nghiệm sống và gìn giữ hạnh phúc gia đình được tác giả trình bày dưới dạng một câu chuyện nên rất dễ đọc, dễ hiểu và cũng dễ rút ra những kinh nghiệm thực tế cho những vấn đề thường gặp của các gia đình trẻ Việt Nam hôm nay. Ban Truyền thông sẽ lần lượt đăng mỗi ngày 1 chương để bạn đọc tiện theo dõi. Để xem từ chương đầu, xin bạn tìm tại trang Tư liệu, mục Mục vụ gia đình 

Vân vừa viết vừa đầm đìa nước mắt. Chị đã bỏ qua nhiều lần đi chơi khuya của chồng. Say xỉn đập phá đã là quá đáng lắm rồi. Bây giờ còn phản bội tình yêu vợ chồng, không thể tha thứ được nữa. Tờ giấy li dị viết đến lần thứ bảy mới xong vì các lần trước bị nước mắt rơi xuống làm nhạt nhòa hết. Chị khóc vì giận, vì đau và vì tủi thân. Lòng tự trọng của phụ nữ khi bị xúc phạm cũng bốc hỏa như tính khí của đàn ông khi bị sỉ nhục. Lần này thì không vợ chồng gì nữa. Đoạn tuyệt tình nghĩa. Đường ai nấy đi.

Sáng sớm hôm sau, lúc gà vừa gáy lần thứ nhất, Vân đã muốn gọi điện thoại về nhà cho cha mẹ. Từ nhỏ đến lớn, mỗi lần có chuyện khó khăn, chị đều có cha mẹ gánh vác cho. Đây là chuyện lớn. Người đầu tiên Vân muốn nương dựa là mẹ. Đi qua đi lại, cầm trong tay cái điện thoại di động, Vân cố gắng kiềm chế chờ cho đến 5 giờ 40 phút là lúc cha mẹ đi Lễ nhà thờ về. Đây là thói quen tốt của cha mẹ chị mấy chục năm nay.

Reng reng reng…

–  Alo, mẹ hả? Con đây.

– Mẹ đây. Có gì mà con gọi sớm vậy?

Nghe tiếng mẹ, Vân khóc nấc lên như một đứa trẻ.

– Mẹ ơi, con khổ quá!

Như đoán được diễn tiến của cuộc đời, mẹ chị nói con bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó. Biết hai đứa lục đục cả năm nay, vợ chồng bà tìm cách khuyên nhủ nhưng xem ra chuyện đâu lại vào đó. Bà là một người hiểu nhiều về tâm lý và cũng đã giúp cho bao nhiêu người giải gỡ một số khúc mắc trong tương quan nhưng bà lại cảm thấy bất lực trước việc của con mình.

– Chồng con ngoại tình mẹ ơi!

Vân vừa khóc vừa cố gắng nói ra từng tiếng. Cay đắng làm quên cả cơn mệt mỏi do thức trắng đêm qua.

– Vân con, nghe mẹ nói. Con giữ bình tĩnh. Để lắng dịu xuống chút rồi tính nhé con. Bố mẹ luôn bên con!

– Mẹ ơi, con mệt mỏi lắm rồi. Lần này con hết chịu nổi rồi. Con đã viết giấy li dị.

– Ừ, mẹ hiểu, mẹ hiểu.

– Hu hu hu…

– Thế Hải đâu rồi?

– Thằng tệ bạc ấy vẫn đang ngủ như con heo chết.

– Con yêu. Con giữ bình tĩnh. Tạm thời nghe mẹ, cất miếng giấy li dị ấy vào một chỗ kín. Tí nữa bố mẹ sẽ gọi điện nói chuyện với chồng con xem chuyện gì xảy ra. Bây giờ con rửa mặt cho tỉnh táo, rồi đi cầu nguyện chút cho nhẹ lòng. Chúa sẽ giúp sức cho con.

Vân chào mẹ. “Lòng trí đâu mà cầu nguyện!” Vân lẩm bẩm. Vân chưa hiểu được rằng nước mắt là một cầu nguyện rất thật và rất thích hợp. Lòng bấn loạn, Vân chỉ muốn li dị quách cho xong. Còn mẹ Vân thì chưa vội kết luận gì. Bà chờ thêm chút nữa cho đến 9 giờ để gọi điện thoại hỏi chuyện Hải.

*****

Bất lực là một phần khó chịu của cuộc sống. Ông bà xưa đã kinh nghiệm về cái gọi là “lực bất tòng tâm”. Cha mẹ của Vân và Hải dõi theo cuộc sống của hai đứa, thấy chúng lục đục thì lo lắng. Là những bậc tiền bối có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống hôn nhân, họ chia sẻ với con những điều bổ ích mà chính họ đã phải va chạm mới rút ra được những bài học quý. Đó là những kinh nghiệm xương máu. Nhưng hai đứa nghe cho có chứ không thấm thía. Hải và Vân không phải là những kẻ nông cạn, nhưng có lẽ chính họ phải trải qua bằng kinh nghiệm thì mới hiểu ra vấn đề.

Những lời khuyên lơn bảo ban, chia sẻ của cha mẹ, đối với họ, đã thuộc về thời xưa. Bây giờ thế hệ trẻ đã khác nhiều rồi. Cha mẹ cứ suy nghĩ theo kiểu cổ lỗ sĩ. Hải và Vân chưa nghiệm ra được rằng có những kinh nghiệm mang tính phổ quát có thể áp dụng cho mọi thời vì thời nào con người cũng là con người và tương quan con người với nhau cần được đặt trên nền tảng của những giá trị khôn ngoan. Ai sống chung với nhau trên đời này mà không gặp khác biệt, trái ý. Ai ở chung mà không cần luyện tập lòng kiên nhẫn và bao dung. Ai trên đời này không có cái dở cái tệ cần được cảm thông tha thứ đâu. Ai chẳng vướng phải cái cố chấp xuất phát từ cái tôi. Trần gian này muôn vẻ muôn dạng nhưng quả thật là có những cái chung. Vấn đề là ai khôn ngoan tìm ra những chìa khóa để mở những cánh cửa đang bị kẹt cho gió mới lùa vào khai thông bế tắc. Những chìa khóa ấy nhiều khi không tìm đâu xa. Chỉ cần lắng nghe những người từng trải, quan sát những ai vương  màu đổ vỡ để rút ra bài học cho chính mình.

*****

Đồng hồ trên tường điểm 9 tiếng. Cha mẹ Vân bấm điện thoại gọi Hải.

Reng reng reng…

– Alo.

– Hải hả con?

– Dạ, chào mẹ. Mẹ khỏe không ạ?

– Mẹ khỏe. Cảm ơn con. Con thế nào?

– Cảm ơn mẹ. Con đang ngủ thì mẹ gọi.

– Thế à? Mẹ xin lỗi.

– Không sao mẹ ơi. May quá mẹ gọi con chứ không thì con ngủ quên lỡ công việc mất.

–  Ừ, vậy con dậy đánh răng rửa mặt cho tỉnh. Nếu còn thời gian thì gọi lại cho bố mẹ. Bố mẹ có chuyện quan trọng muốn nói với con.

– Dạ. Bố mẹ chờ con chút.

Hải lồm cồm bò ra khỏi giường. Cả người ê ẩm. Hình như không còn nhớ chuyện gì đã xảy ra đêm trước. Vệ sinh cá nhân xong, Hải vừa vươn vai vừa uể oải bước vào bếp pha cà phê. Đi ngang qua phòng khách, thấy Vân đang ngồi đó, mắt đỏ và sưng. Hải hỏi:

– Sao mắt em sưng vậy? Có chuyện gì?

Vân không biết nên tức hay nên buồn. Nói gì bây giờ?

Không thấy trả lời, Hải tiến lại gần hơn. Hải nhận ra cái sưng mắt này là do khóc.

– Chuyện gì vậy em? Em khóc à?

Vân vẫn im lặng. Hải không đi vào bếp nữa. Đến ngồi cạnh vợ, định vỗ nhẹ vai để an ủi. Vân biết thế nên nói luôn:

– Đừng chạm vào người tôi.

– Em sao thế?

– Sao cái gì mà sao. Đồ phản bội!

Vân quát lên rồi ngồi qua ghế khác.

– Em nói cái gì kỳ thế? Phản bội gì? Ai?

Vân tức quá, đứng lên đi lấy tờ giấy li dị đã viết sẵn ra. Hồi sáng nghe mẹ khuyên Vân đã cất nó vào ngăn kéo trong góc khuất rồi. Nhưng bây giờ thấy mặt chồng như thế thì không bình tĩnh thêm được nữa. Đập mạnh tờ giấy li dị xuống bàn trước mặt chồng, chị yêu cầu:

– Anh kí tên vào đây cho tôi. Tôi không thể chịu nổi cái cảnh này nữa.

Hôm ấy là Chúa Nhật nên Yên Vỹ không đi học. Cậu đang ngủ nướng thì nghe tiếng ồn ào từ phòng khách. Tiếng cãi nhau lần này nghe to và dữ quá. Cậu nằm trên giường bật khóc thút thít. Đúng là con nít.

Hải đã tỉnh người rồi nhưng vẫn chưa hiểu chính xác là chuyện gì. Nhìn tờ đơn li dị, Hải cảm thấy bối rối. Lý do Vân muốn li dị là vì Hải đã phản bội tình yêu.

Reng reng reng…

Một số điện thoại lạ đang gọi. Có thể là người có cuộc hẹn lúc 10 giờ sáng. Hải buộc phải trả lời.

– Alo. Ai đó?

– Alo. Dạ em đây.

Giọng một phụ nữ trẻ đang nói đầu dây bên kia.

– À, chào em.

Hải hắng giọng cố gắng trả lời một cách nhẹ nhàng. Vân thấy Hải đổi giọng thì nghĩ chắc bồ nhí của Hải đang gọi.

– À em ơi, nhà anh có việc đột xuất nên có lẽ không gặp em hôm nay được. Hẹn gặp sau. Anh sẽ báo lại.

Hải cúp điện thoại. Thở dài.

– Vân, em viết giấy này là có ý gì?

– Đến giờ này mà anh còn giả nai nữa hả? Đúng là vô liêm sỉ. Tôi đúng là một con ngu khi lấy anh.

Vân không khóc nữa, giọng đanh thép.

– Em bình tĩnh lại.

– Tại sao tôi phải bình tĩnh? Anh mau ký vào đây.

– Em giải thích cho anh hiểu chuyện gì đã xảy ra.

– Tại sao tôi phải giải thích? Anh nói chuyện buồn cười. Anh phải giải thích mới đúng. Mà thôi, không giải với thích gì nữa. Kí tên vào đây giùm tôi cái đi.

Hải không biết phải làm sao. Đầu óc lùng bùng hết cả.

 *****

Reng reng reng…

Điện thoại lại reo. Ai gọi lúc này vậy? Bực mình quá. Hải muốn đập nát cái điện thoại.

– Đấy, người ta đang gọi đấy. Nghe đi cho thỏa mãn tơ tình.

Nghe Vân móc mỉa thế, Hải như phần nào hiểu ra câu chuyện.

– Thì ra là thế. Em nghe anh giải thích đây.

– Thôi khỏi. Bằng chứng rành rành rồi. Nói gì cũng thế thôi.

– Bằng chứng gì? Ai nói gì với em hả?

– Chẳng ai nói gì với tôi. Tôi tự biết.

– Sao em ngang thế?

– Tôi như vậy đó. Ngang thì đã sao? Cũng còn đỡ hơn cái thứ như anh.

Khi tính khí đàn ông bị sỉ nhục thì cũng bốc hỏa không kém khi lòng tự trọng của phụ nữ bị xúc phạm.

– Cô vừa phải thôi nhé. Đừng có được nước làm tới. Tôi cũng chán lắm rồi. Cô tưởng tôi muốn sống với cô sao? Cô không viết giấy li dị thì tôi cũng sẽ viết. Thật là hết chịu nổi!

Lúc này bé Yên Vỹ không còn khóc nhỏ được nữa. Tiếng khóc của cậu vang ra từ phòng ngủ. Trẻ con mà! Đâu có kìm nén nổi!

Tiếng khóc của Yên Vỹ làm cha mẹ chợt im lặng. Họ nhận ra trong câu chuyện này không chỉ có hai người. Một cảm giác hối tiếc, thất vọng, bế tắc.

Cát Thường
Nguồn: key4happiness.wordpress.com 

Comments are closed.

phone-icon