Em con đâu ?

0

1. Câu chuyện Cain

Abel, một khuôn mặt dễ mến, dễ gần, tươi vui, đẹp đẽ, dịu dàng…hết lòng tin tưởng và yêu mến anh mình là Cain. Abel một con người phi thường!

Còn Cain ngược lại, nhỏ mọn và tầm thường, ghen tị và tàn bạo đến nỗi giết em mình là Abel.

Nỡ lòng nào hở Cain!

Và Yavê Thiên Chúa đã lên tiếng gọi: “Cain, Cain, Em con đâu?”

Câu hỏi này đã vang dội trong lương tâm của từng người dọc suốt lịch sử loài người, cho đến hôm nay và mãi mãi. 

“Em con đâu?” những người anh, người chị, những người sống bên tôi, những người anh em đang đói, những người bé nhỏ, yếu ớt không lê nổi tấm thân  bệnh tật, không địch nổi ghen tương, thù hận.

“Em con đâu?”

Tôi nỡ lòng nào ngoảnh mặt dửng dưng?

Quanh tôi, biết bao người đã hiến mình phục vụ và loan báo tình yêu, nhiều người  đã làm đủ rồi, hôm nay đến lượt tôi.

Cuộc sống của tôi, con đường tôi đang đi, tôi chỉ đi có một lần, không thể tháo lui, không thể trở lại những ngày xưa còn bé. Trên con đường tiến đến một cảnh vực khác này, tôi đã gặp biết bao người, nhiều người  không thể gặp lại. Mỗi khuôn mặt tôi gặp là một lần  nghe tiếng Yavê Thiên Chúa chất vấn: “Em con đâu?”

Tôi đã làm gì?

Lạy Chúa, có gì nơi những con người nhỏ bé, nơi những hành tinh nhỏ bé, những vương quốc nhỏ bé của Chúa trên địa cầu này mà Chúa luôn có mặt và thương yêu đến thế? Chẳng có gì cả ngoài tình yêu và lòng thương xót của Chúa, sự hiện diện của Chúa. Tuyệt vời quá, người nghèo thoạt nhìn chẳng có gì, nhưng lại có cả một kho tàng là chính Thiên Chúa tình yêu.

2. Câu trả lời của tôi hôm nay

Cain đã nhắm mắt, bịt tai lại trước ánh mắt van xin và tiếng kêu cứu của Abel.

Tôi đã làm gì trước tiếng khóc tức tưởi của một em bé, trước cơn đói hằng ngày của những người anh em, và khi nghe lời chất vấn của Yavê Thiên Chúa vang dội trong lòng mình: “Em con đâu?”, những người tôi mới gặp hôm nay, và còn những người khác nữa, “Em con đâu”. Tôi đáp lại sao đây?

Tôi lờ như không nghe gì hết, hoặc không dám trả lời, hoặc đáp lại bằng một lời đáp của kẻ vô tình: “Con có biết gì đâu”.

Thực lòng, tôi cũng chẳng biết phải làm gì.

Vâng lạy Thiên Chúa của con, xin dạy con đáp lời Chúa gọi, và xin ban ân sủng để con thực hiện bằng được lời đáp này.

“Em con đâu?”

Em con, nó nghèo quá, yếu quá, con có thể làm gì được đâu?

Nếu con trao nó nụ cười, em con có rồi, vì nghèo thật nhưng nó vẫn tươi vui.

Nếu con đến với bóng dáng dễ thương, thú thật, em con dễ thương hơn con nhiều.

Nếu con đứng lắc đầu tội nghiệp, và bồn chồn lo lắng, nó nhăn nhó bỏ đi.

Mỗi lần đứng nhìn em con tươi vui, con khám phá ra ở đó có cái gì lạ thường, và con như được dẫn đến một cội nguồn đang làm trào dâng sức sống.

Một cuộc sống bình thường để lộ sức sống phi thường, một huyền nhiệm, một con đường và là một con đường riêng, một cuộc phiêu lưu đến một nơi khác.

Nhìn lại hành trình cuộc sống, tôi tự hỏi mình đã nhận được gì và phải cho gì, và xét cho cùng tôi có xứng đáng nhận lãnh  những gì đã được ban tặng  không.

 Tôi đã nhận lãnh rất nhiều từ nơi Thiên Chúa và mọi người, tôi biết mình được yêu thương nhiều lắm, mà tình yêu luôn đòi chia sẻ, vì thế, tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhận lãnh cũng như khi trao tặng và hiến dâng, và thật buồn thảm nếu tôi không thể yêu mến, có thể nói đây là điều đáng buồn duy nhất.

Yêu mến là trao tặng, tôi phải cho gì?

“Bán tất cả những gì anh có để cho người nghèo…”

Bán hết rồi lấy gì để cho, không còn gì nữa lấy gì để cho.

Không còn gì hết, chỉ còn lại bản thân, đây mới là quà tặng đích thật.

Bạn đã cho tất cả của cải mà vẫn chưa cho chính bản thân mình là vẫn chưa cho gì cả.

Trong Hội Thánh có biết bao nữ tu đã dâng hiến sắc đẹp, tuổi xuân, đời sống cho những người nghèo nhất. Trong bóng dáng nữ tu, chị xuất hiện giữa đời chỉ có đôi tay trắng với tấm thân đã dâng hiến trọn vẹn đến nỗi chị không còn thuộc về mình nữa… và chị đã cứu sống biết bao cuộc đời.

3. Khốn cùng và tươi đẹp

Được sai đi loan báo Tin Mừng cho bà con sắc tộc, đứng giữa nương rẫy, sông suối, và núi rừng, tôi đã nhiều lần bị nhận chìm trong cảnh đẹp thiên nhiên, thế nhưng khi nhìn vào cảnh sống của bà con thì tôi lại ái ngại: nghèo quá, đói quá, rồi còn kéo theo dốt nát và bệnh tật nữa, và tôi cảm thấy lo giùm cho họ. Thế nhưng sau một thời gian “nhập cuộc”, tất cả khung cảnh lại diễn ra khác hẳn: đứng trước những con người chân chất, tươi vui, hồn nhiên, tôi thấy nơi đó có một nét đẹp tự nhiên và trong sáng, con người ở đây không mang nét rực rỡ của phấn son, của cơm áo gạo tiền, nhưng giữ nguyên nét đẹp muôn thuở của con người, nét đẹp vô biên, nét đẹp của cặp mắt long lanh trên khuôn mặt thanh thản và an bình.

Khám phá và cảm nhận được nét đẹp này, từ sâu thẳm lòng tôi trào dâng tình yêu và lòng kính trọng và chỉ lúc này tôi mới thấy mình có quyền dấn bước để xoa dịu và băng bó những người anh em đang bị thương tích. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao những người anh em đi trước cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng, bao lâu tôi chưa cảm nhận được nét đẹp này, việc tôi tìm đến băng bó vết thương đồng loại chỉ là trò lố bịch.

Thật vậy, nghèo đâu phải là khốn cùng, càng không thể làm mất tính người. Ngược lại Cain mạnh mẽ, người giầu quyền lực lại dễ mất lòng mến, mà nỗi buồn duy nhất trong cuộc sống là không thể yêu mến.

Lạy Chúa là Thiên Chúa và là Chúa tình thương, xin che chở chúng con, để chúng con trở thành hiện thân của Chúa tình thương, cho chúng con sống an bình và vui tươi giữa mọi người, giữa những người anh em.

4. Trên các nẻo đường dẫn đến bà con trong các buôn làng

–  Những con người bằng xương bằng thịt, những công việc  cụ thể, dễ tin đấy chứ, đây chính là cái đáng quan tâm, tôi vẫn thường nghĩ vậy. Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ, khó tin quá, tôi hiểu lơ mơ thôi và tôi tìm đến với Chúa cũng lơ mơ.

–  Thế nhưng cuộc sống của bà con trong các buôn làng mong manh quá, giữa cái đói, cái bệnh, cuộc sống này có ý nghĩa gì?

–  Từ sông suối, bà con tìm đến thần nước, và tìm đến tận phía bên kia, tương tự như vậy, với hoa trái của núi rừng và nương rẫy, bà con tìm đến cội nguồn, nơi làm nẩy sinh tất cả, nuôi sống tất cả ? và đối với bà con thì ở đấy mới quan trọng.

Theo truyền thống, bà con tin ở Bà Rừng, thần nước, thần lúa, cả một truyền thuyết về nguồn gốc vũ trụ, về chủ tể trời đất, rồi yêu ma. Từ đó nảy sinh các luật lệ, có thưởng có phạt. Cuộc sống bà con hòa quyện với núi rừng và thần linh, luôn hướng về một đấng Thiên Chúa siêu việt mà bà con cảm nhận qua đời sống hằng ngày: khi làm việc, lúc lủi thủi giữa rừng vắng, hay tham gia cúng tế. Có thể nói, trong khi nép mình giữa nương rẫy, mỗi lần bà con giang rộng đôi tay vung búa phát rừng tỉa lúa thì  cũng là lúc bà con chắp đôi tay lại khấn cầu, và khi thâu hoạch vụ mùa, bất kể nhiều ít, mỗi nhà luôn có bữa ăn mừng lúa mới, mời mọi người đến chung vui trong  lời kinh tạ ơn hòa nhịp với các điệu đồng la. Làm gì thì làm, bà con không bao giờ quên nguồn cội.

Được sai đến với bà con, việc đầu tiên tôi muốn khẳng định lời đáp của mình: “Em con đây”. Vì thế, khi đứng ra loan báo Tin Mừng, làm chứng Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, tôi thấy mình được mời gọi cùng bước đi trên con đường bà con đang bước đi, và tôi đã ngỡ ngàng khi cùng bước đi trên con đường này, vì thấy bà con gặp Chúa dễ quá, đúng là con đường dẫn bà con đến với Đức Kitô.

Vậy thì cái gì ẩn sau lớp vỏ gọi là mê tín lạc hậu:

–  đó là kỷ cương của buôn làng.

–  đó là đạo làm người với những qui định và thể thức cho kẻ làm cha, người làm mẹ, cũng như mối tương giao anh chị em dâu rể, bà con buôn làng và khách lạ.

–  đó là đạo đùm bọc, chia sẻ và yêu thương.

Và cái gì ẩn sau các nghi thức cúng tế:

–  đó là khuôn mặt của các vị thần mang tính người, ở với con người.

–  và trên hết là Kôran Chúa cả trời đất.

5.  Thử phác họa cung cách của người được sai đến với bà con.

–  Tôi đã nhìn thấy những khôn mặt của những người được sai đến đây, những khuôn mặt nhiều phen hốc hác vì bước đường sứ vụ, nhưng đôi môi vẫn luôn nở nụ cười cùng với cặp mắt sáng ngời

–  Biết mình  phải sống sao cho xứng với lời  đã xác nhận trước Thiên Chúa khi quả quyết : “Em con đây.” Tôi thấy cần phải tái sinh, phải nhập thể, hiến mình vĩnh viễn trở thành một giữa bà con. Thế có nghĩa là tôi không còn được phép mơ tưởng đến việc thay đổi chỗ ở. Tôi phải ở với bà con, sống số phận của bà con, và ở đó cho đến khi Chúa muốn tôi đi nơi khác.

–  Tôi luôn xác tín rằng cánh cửa chính đi vào với bà con luôn theo hướng mặt trời rực sáng ánh hồng tình thương.

–  Tôi phải cho tất cả với nụ cười và tấm lòng trìu mến, cho hết và cho hết trí thông minh, và ngược lại, nếu không yêu thương thì đừng cho gì cả.

–  Giờ cầu nguyện hằng ngày, tôi vào phòng đóng cửa lại, một mình tôi giữa đền thờ, thế nhưng nhiều lần tôi không thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa mà chỉ nghe tiếng thì thầm của chính mình, đó là những lần tôi quên mở cánh cửa dẫn vào cung thánh, và cánh cửa này phải được mở ra suốt ngày, để mọi hành động của tôi luôn diễn ra ngay trên ngưỡng cửa cung thánh.

–  Cùng với bà con, tôi phải đứng ngay tại cội nguồn của tất cả để ngắm nhìn tất cả.

5. Để kết: trên vùng đất của các ngôn sứ

Ngôn sứ là người nói nhân danh Thiên Chúa, ở đây bà con không chỉ nói mà sống, bà con để Thiên Chúa dùng đời mình mà nói.

Tôi đã nghe được tiếng nói của Thiên Chúa qua ánh mắt sáng ngời, qua khuôn mặt của những con người đang trải qua đói lạnh mà vẫn vui tươi, và tôi bắt gặp bàn tay yêu thương của Thiên Chúa giữa những con người này, bắt gặp khuôn mặt Thiên Chúa thành tín, không bao giờ bỏ rơi con người.

                                                                                                                            MMsj

Comments are closed.

phone-icon