Bài nói chuyện của ĐTC Phanxicô với các cộng đoàn tu sĩ tại Korea

0

CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO TỚI KOREA

từ ngày 13-18 tháng 8 năm 2014

 BÀI NÓI CHUYỆN CỦA ĐTC PHANXICÔ

TRONG BUỔI GẶP GỠ CÁC CỘNG ĐOÀN TU SĨ

tại Trung tâm Huấn luyện “School of Love” (Kkottongnae)

Thứ Bảy ngày 16-08-2014

Chào buổi chiều!

Có một vấn đề nhỏ! Nếu có một điều mà người ta không bao giờ thơ ơ bỏ qua, đó là việc cầu nguyện, nhưng hôm nay chúng ta sẽ làm việc cầu nguyện một cách cá nhân. Tôi giải thích tại sao chúng ta không thể cử hành giờ Kinh Chiều chung với nhau: bởi vì tôi gặp vấn đề nho nhỏ, tôi tới bằng trực thăng, và nếu trực thăng không cất cánh đúng giờ, thì có nguy cơ sẽ đâm vào núi.Bây giờ chúng ta chỉ đọc một kinh kính Đức Mẹ. Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ. Và hai vị chủ tịch sẽ nói chuyện, sau đó tới phiên tôi.

Kính Mừng Maria . . .

Anh chị em thân mến trong Đức Kitô,

Tôi chào thăm tất cả với lòng thành của tôi trong Đức Kitô: thật là tuyệt đẹp được ở với anh chị em hôm nay và được chia sẻ giây phút này trong tình hiệp thông. Tính cách khác biệt lớn lao trong các đoàn sủng và trong hoạt động tông đồ được thể hiện qua anh chị em làm cho giầu có thêm đời sống của Giáo hội tại nước Korea và ở những nơi khác, với một cách thế thật kỳ diệu. Trong buổi cử hành giờ Kinh Chiều này chúng ta đã hát các lời ca tụng lòng tốt của Thiên Chúa. Tôi cám ơn anh chị em đã cùng với anh chị em của mình dấn thân xây dựng Nước của Thiên Chúa. Tôi xin cám ơn cha Hwang Seok-mo và Nữ tu Scholastica Lee Kwang-ok, các Chủ tịch của các Hiệp hội nam nữ Tu sĩ tại Korea.

Các lời của Thánh vịnh: “Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn.”(Tv 73, 26) diễn tả lòng tín thác hân hoan vào Thiên Chúa làm chúng ta nghĩ tới đời sống của mình. Tất cả chúng ta biết rằng, ngay cả nếu niềm vui không được diễn tả cùng một cách trong tất cả mọi giây phút của đời sống, nhất là trong những lúc khó khăn lớn lao, thì “luôn vẫn có một tia ánh sáng phát sinh ra từ việc chắc chắn cá nhân là ta được yêu thương vô cùng” (Niềm Vui của Tin Mừng, số 6). Sự chắc chắn vững vàng là được Thiên Chúa yêu thương nằm ở trung tâm của ơn gọi của anh chị em: trở nên một dấu chỉ cho người khác nhận ra được sự hiện diện của Nước  Thiên Chúa, một điều tiên báo trước các niềm hoan lạc đời đời của trời cao. Chỉ khi chúng ta là chứng tá của niềm vui thì chúng ta mới có thể lôi kéo những người nam như nữ đến với Đức Kitô; và niềm vui như thế là một ơn huệ được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cử hành các Bí tích và đời sống cộng đoàn. Đó là những điều rất quan trọng. Khi thiếu những điều này, thì các yếu đuối và các khó khăn sẽ nổi lên làm lu mờ niềm vui mà chúng ta vẫn biết là có từ bên trong ngay từ khởi đầu của hành trình theo Chúa.

Với anh chị em, hỡi các người nam và nữ Thánh hiến cho Thiên Chúa, niềm vui như thế được ăn rễ sâu trong mầu nhiệm thương xót của Chúa Cha, được mặc khải ra trong hy tế của Đức Kitô trên thập giá. Cho dù đặc sủng của Hội Dòng anh chị em được quy hướng nhiều hơn về việc chiêm niệm hay thiên về hoạt động, thách đố của anh chị em là trở nên “chuyên viên” về lòng thương xót của Thiên Chúa qua chính đời sống trong cộng đoàn. Do kinh nghiệm, tôi biết rằng đời sống cộng đoàn không luôn dễ dàng, nhưng đó là thửa đất do Chúa quan phòng để huấn luyện con tim chúng ta. Quả là không thực tế khi chúng ta không lưu tâm tới các xung khắc: sẽ có sự hiểu lầm và sẽ phải đương đầu với chúng. Nhưng cho dù có khó khăn như thế, thì trong đời sống chung, chúng ta được mời gọi lớn lên trong từ bi, kiên nhẫn và trong đức ái trọn hảo.

Kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bởi cầu nguyện và đời sống cộng đoàn, phải hình thành nên tất cả điều anh chị em và điều anh chị em làm. Đức trong sạch, khó nghèo và vâng lời của anh chị em sẽ trở nên một chứng tá hân hoan về tình yêu của Thiên Chúa bao lâu anh chị em đứng kiên vững trên tảng đá của lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là tảng đá. Điều này đặc biệt đúng cho việc vâng lời trong đời tu trì. Một sự vâng lời trưởng thành và quảng đại đòi hỏi là anh chị em gắn bó trong cầu nguyện với Đức Kitô, là Đấng, khi nhận lấy thân phận người tôi tớ, Ngài học biết vâng lời qua đau khổ (xem Perfectae caritatis, 14). Không có những lắt léo: Thiên Chúa mong ước trọn vẹn con tim của chúng ta, và điều này có nghĩa là chúng ta phải “thoát bỏ” và phải “đi ra khỏi chính mình” mỗi ngày một hơn.

Kinh nghiệm sống động về lòng thương xót từ bi của Thiên Chúa cũng nâng đỡ ước muốn đạt tới đức ái toàn hảo phát sinh từ sự trong sáng của con tim. Đức trong sạch biểu lộ việc trao dâng cách trọn vẹn cho tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng trở nên tảng đá của con tim chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết rằng phải dấn thân chừng nào trong phạm vi cá nhân và đòi hỏi chừng nào. Các cơn cám dỗ trong phạm vi này đòi hỏi một niềm tín thác khiêm nhường vào Thiên Chúa, phải đề phòng, cần kiên trung và mở lòng ra cho người anh chị em khôn ngoan, mà Thiên Chúa đặt để trên đường chúng ta đi.

Qua lời khuyên Phúc Âm về đức khó nghèo, anh chị em sẽ có thể nhận ra lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa không chỉ như là nguồn suối của sức mạnh, mà còn là một kho báu. Xem ra có vẻ hơi mâu thuẫn, nhưng sống khó nghèo có nghĩa là tìm ra một kho tàng. Cả khi chúng ta mệt nhọc, chúng ta cũng có thể dâng lên cho Thiên Chúa con tim nặng trĩu vì tội lỗi và yếu đuối; ngay trong những lúc cảm thấy mình như hoàn toàn bất lực, chúng ta cũng có thể gặp được Đức Kitô, là Đấng nên khó nghèo để chúng ta được nên giầu sang (xem 2 Cr 8, 9). Nhu cầu căn bản của chúng ta là được tha thứ và được chữa lành là một hình thức của sự nghèo khó mà chúng ta không bao giờ được phép quên, cho dù chúng ta đã có những tiến bộ trong đàng nhân đức. Ngoài ra, còn phải tìm ra lối diễn tả cụ thể trong lối sống của chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn; tôi nghĩ anhchị em cần tránh đi tất cả những điều có thể lôi kéo anh chiẹm, gây nên sự bất đồng và làm gương xấu cho người khác. Trong đời sống thánh hiến, sự khó nghèo là một “bức tường” cũng như một “người mẹ” bởi vì nó giúp đời sống thánh hiến lớn lên và dẫn đưa nó đi trong con đường chính trực. Tính giả hình của những người nam và người nữ thánh hiến đã tuyên khấn lời khấn khó nghèo nhưng lại sống như người giầu có làm tổn thương tâm hồn các tín hữu và làm hại Giáo hội. Anh chị em cũng hãy nghĩ tới nguy hiểm lớn lao của cơn cám dỗ chấp nhận một tâm thức hoàn toàn có tính cách chức năng và thế tục, là điều dẫn tới việc đặt niềm hy vọng vào trong các phương tiện con người, phá hủy chứng tá về sự khó nghèo mà Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô đã sống và đã dạy chúng ta. Và về điểm này, tôi xin cám ơn cha chủ tịch và nữ tu chủ tịch, vì đã nói thật đúng về mối nguy hiểm mà việc toàn cầu hóa và chế độ tiêu thụ hóa mang lại cho sự khó nghèo của đời tu. Xin cám ơn.

Anh chị em thân mến, với tất cả sự khiêm nhường, anh chị em hãy làm điều có thể để tỏ ra rằng đời sống thánh hiến là một ơn huệ quý báu cho Giáo hội và cho thế giới. Đừng coi đó chỉ là điều cho chính anh chị em; hãy chia sẻ nó, mang Đức Kitô tới mọi xứ sở của đất nước quý yêu này. Anh chị em hãy để cho niềm vui của anh chị em tiếp tục tìm được lối diễn tả trong sự cố gắng lôi cuốn và vun trồng các ơn gọi, khi nhận biết rằng tất cả anh chị em đều có phần trong việc huấn luyện những người nam và người nữ thánh hiến sẽ đến với anh chị em trong tương lai. Cho dù anh chị em tận hiến cuộc đời trong đời sống chiêm niệm, hoặc cho hoạt động tông đồ, anh chị em hãy nhiệt thành trong tình yêu mến Giáo hội tại Korea và trong ước muốn được đóng góp, qua đặc sủng riêng của anh chị em, cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng và xây dựng Dân của Thiên Chúa trong sự hiệp nhất, trong sự thánh thiện và trong tình yêu thương.

Tôi gởi một lời chào đặc biệt đến tất cả anh chị em, đặc biệt là những anh chị em già yếu và đau bệnh trong các cộng đoàn của anh chị em. Tôi phó thác tất cả anh chị em cho tình hiền mẫu yêu thương của Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, và tôi vui lòng ban phép lành cho anh chị em. Xin Thiên Chúa toàn năng ban phép lành cho anh chị em, là Cha, và Con và Thánh Thần.

Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí của Tòa Thánh phổ biến ngày 16-08-2014.

Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 16-08-2014

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.

phone-icon