Đôi lời cảm tưởng về Hội nghị Liên hiệp các Bề trên Thượng cấp tại VN năm 2014 

0

Chủ đề đại hội năm nay “được thánh hiến để thi hành sứ vụ”, nhấn mạnh đến mối tương quan giữa hai chiều kích “thánh hiến” và “sứ vụ”. Đề tài này được gợi hứng từ hội nghị Liên hiệp Bề trên Thượng cấp năm 2013, khi nhiều ý kiến đề nghị phải suy nghĩ thêm về tương quan giữa thánh hiến và sứ vụ trong đời sống tu trì.

Xã hội Việt Nam đang dần dần có những cởi mở hơn về mặt kinh tế, văn hoá, và cả đôi chút về tôn giáo. Hy vọng nhiều cánh cửa sẽ còn được mở ra nữa so với hiện nay. Trong bối cảnh đó, người tu sĩ phải tham gia như thế nào ? Thiết tưởng đề tài này là một vấn đề khá bức bách. 

Ai cũng biết thánh hiến và sứ vụ là hai chiều kích của một thực tại ơn gọi, như hai mặt của đồng tiền. Nhưng nếu đồng tiền có hai mặt thì cũng có mặt phải mặt trái. Khi người trọng tài bóng đá tung đồng tiền lên, thì cũng có phe thắng phe thua. Do đó, nói một thực tại có hai mặt, thì cũng đồng nghĩa với việc nói rằng người ta có thể đề cao mặt này hơn mặt kia, hay thậm chí chỉ nhìn thấy một mặt… Đó mới là vấn đề.

Các bài thuyết trình đều nhắc nhở cần phải nhấn mạnh đến cả hai chiều kích thánh hiến và sứ vụ. Thánh hiến để thi hành sứ vụ, sứ vụ là con đường tiếp nối và thể hiện đời sống thánh hiến. Người tu sĩ được thánh hiến không phải một cách chung nhưng là để thi hành một sứ vụ của cộng đoàn hay hội dòng. Thế nhưng trong thực tế, việc quên đi “mặt kia” của đời tu vẫn là một cám dỗ lớn mà chúng ta không thể nhắm mắt bịt tai. Cha Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng đã dùng hình ảnh biển lớn để nói lên hoàn cảnh xã hội hiện nay mà các dòng tu tại Việt Nam đang đối diện. Chúng ta giống như những chiếc thuyến manh đang chèo từ giòng sông nhỏ ra biển lớn. Mặc dù một người anh em tu sĩ đến từ Italia nói rằng các dòng tu việt nam hiện nay không phải ở trong các giòng sông nhỏ đâu.

Trong số các cuốn tập ghi chép mà ban tổ chức gởi đến quý bề trên, có một số tập được “khuyến mãi” thêm tài liệu ngắn “hiểm hoạ khi đi biển và cách xử lý”. Có vẻ tài liệu này rất phù hợp trong khuôn khổ hội nghị suy nghĩ về sứ vụ trong đời sống thánh hiến. Xã hội đang mở ra, chúng ta như đang đứng trước biển lớn. Ai cũng biết biển lớn thì có nhiều cá hơn, nhưng cũng nhiều sóng gió hơn. Biển lớn có nhiều làn gió mới nhưng cũng chứa đựng nhiều hiểm nguy hơn. Do đó, càng ra khơi càng gặp nhiều nguy hiểm nếu không được chuẩn bị. Chuẩn bị thế nào ? Các buổi thảo luận nhóm đã trao đổi rất nhiều về sự chuẩn bị này. Xin ghi lại một vài điểm chính.

1. Đừng quá tham lam vội vàng. 

Đứng trước “biển lớn” vô số sứ vụ tông đồ đang thúc bách người tu sĩ, chúng ta cần thận trọng. Tài liệu “hiểm hoạ khi đi biển…” nhắc nhở đừng phơi nắng lâu quá, đừng ăn no quá hay đói quá, đừng khởi động nhiều quá trước khi xuống biển. 

Nhiều ý kiến lưu ý phải cẩn thận khi lựa chọn sứ vụ. Chúng ta không thể làm hết mọi việc, hoặc mọi việc cùng một lúc. Có khi phải can đảm hy sinh một số dự án vì khả năng nhân sự của hội dòng, hoặc vì dự án đó không phù hợp với đặc sủng của hội dòng. 

Chẳng hạn gần đây khi có thông tin nhà nước sắp cho phép các tổ chức tôn giáo tham gia lãnh vực giáo dục, đã có những băn khoăn rằng nếu khi điều đó được hiện thực thì rất có thể xảy ra tình trạng trăm hoa đua nở, dòng dòng mở trường, xứ xứ mở trường, giáo phận cũng mở trường… Đó là chuyện tương lai, còn chuyện hiện tại, mở cộng đoàn mới trong các vùng sâu vùng xa, nhiều giáo xứ đang ngỏ lời nhờ các tu sĩ đến tham gia mục vụ, rồi giới trẻ, văn hoá, đại học, bệnh nhân, di dân… ấy là chưa nói đến sứ vụ truyền giáo ở nước ngoài, bao nhiêu sứ vụ đang mở ra. Chúng ta cần thận trọng, phải lưu tâm nhận định những sứ vụ mới đó có bảo đảm được chiều kích thánh hiến của anh chị em tu sĩ chúng ta hay không, ấy là chưa nói đến việc chúng ta mở ra một dự án, nhưng liệu có nuôi được dự án đó lâu dài không. Bài của cha Phước SDB còn nhấn mạnh đến việc phải dám từ bỏ một số sứ vụ hấp dẫn.

2. Phải được trang bị.

Môi trường nào cũng có ánh sáng và bóng tối. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đã lưu ý đừng mơ tưởng một môi trường đầy ánh sáng điều chỉ có trên thiên đàng. Do đó, cần phải trang bị cho các tu sĩ trước khi ra biển lớn. 

Tài liệu “hiểm hoạ khi đi biển…” khuyên không nên xuống biển khi nước biển lạnh dưới 18 độ Mặc dù tin vào ân sủng của Thiên Chúa, nhưng cũng đừng liều lĩnh gởi các tu sĩ trẻ đến những môi trường nguy hiểm cho đời sống thánh hiến vốn là bản chất ơn gọi của họ. Cần phải biết khả năng của mình để tự đề phòng. 

Tài liệu trên cũng nhắc không cho trẻ em xuống biển nếu không mặc phao. Một điểm rất được nhấn mạnh trong các bài thuyết trình cũng như trong các bản đúc kết hội thảo là cần phải lưu ý đến công việc đào tạo các tu sĩ. Đừng vì nhu cầu công việc mà hối thúc các tu sĩ vào sứ vụ khi chưa đủ thời gian đào luyện. Phải chuẩn bị các tu sĩ trẻ để họ có đủ khả năng phù hợp khi được giao một sứ vụ.

Chuẩn bị bằng khả năng sống lời khấn, khả năng trí thức, cũng như sự quân bình tình cảm, tâm tình gắn bó với đặc sủng của Hội dòng. Sự trang bị này còn phải được tiếp nối bằng sự hỗ trợ của cộng đoàn, đặc biệt của các bề trên, sự đồng hành trong cảm thông. Một câu nói của Nick Stinnet được cho là châm ngôn cho các bề trên trong việc đồng hành với anh chị em đang thi hành sứ vụ: “khi bạn có một cuộc sống gia đình vững chãi thì bạn biết rằng bạn được yêu thương, chăm sóc và coi trọng… Tình yêu thương và tôn trọng sẽ mang lại cho bạn những nguồn nội lực để có thể đối phó với cuộc đời và thành công hơn.”

3. Dòng chảy ngược

Nếu sứ vụ là mục đích của đời sống thánh hiến thì một điều không thể quên là phải nhận ra những dấu hiệu của những mối đe doạ. Dù tin vào ơn Chúa, dù đã được trang bị, nhưng không thể không lưu ý tới một mối nguy hiểm.

Nguy hiểm lớn nhất khi ra biển là gặp những giòng chảy ngược. Đâu là những giòng chảy ngược trong đời sứ vụ của các tu sĩ. Các ý kiến nhấn mạnh đến nguy cơ tư nhân hoá các dự án, các sứ vụ, tư túi hoá các mối liên hệ tình cảm cũng như tài sản. 

4. Nhận ra mối nguy hiểm.

Nơi nước sâu thường có màu sậm hơn, có vẻ xanh hơn. Oái oăm là chỗ đó. Nhất là chỗ nước sâu thường có vẻ giòng nước êm hơn, mặt nước phẳng lặng hơn. Thực là những mối hiểm nguy rình rập cả trong những hoàn cảnh có vẻ êm ái, an toàn nhất. Nhận ra những chỗ nước sâu đầy hiểm nguy cho dù bên ngoài êm ả, đó là một trách nhiệm của bề trên trong việc đồng hành với các tu sĩ trên đường sứ vụ.

5. Tóm kết

Phải can đảm ra biển lớn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên Kitô hữu phải lên đường, dám chấp nhận hiểm nguy. Thà lên đường mà gặp hiểm nguy còn hơn ngồi trong nhà đóng cửa an toàn nhưng sẽ trở bệnh vì không khí tù tối. Ra khơi để chài lưới các linh hồn, đó là sứ vụ của Giáo Hội. Thực là những lời kêu gọi tha thiết. Nhưng ngày cuối cuộc hội nghị, nghe tin một linh mục tại Vũng Tàu vừa mất tích trong khi tắm biển, mọi người đều bàng hoàng thương tiếc và cũng lo lắng. Phải chăng Chúa đang nhắc nhở chúng ta phải hết sức lưu ý khi ra biển lớn. Hăng say với sứ vụ mà lơ là việc thánh hiến thì cũng giống như ra biển mà thiếu đề phòng. Thiết tưởng đề tài này được đặt ra không phải chỉ nhắc đến việc đời tu gồm hai chiều kích thánh hiến và sứ vụ, nhưng thực thế, dường như chiều kích thánh hiến dễ bị sứ vụ che khuất. Đó là điểm đáng lưu ý. Thông tin cuối cùng, dường như Ban điều hành cũng tỏ ra ngại ngùng trước ý kiến đề nghị tổ chức đại hội năm tới 2015 tại một vùng biển ! 

Lm Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.

Comments are closed.

phone-icon