BUONVISO PLACENZA
***
Nhân vật chúng ta đang bàn ở đây thuộc dòng họ ưu tú nhất của thành phố Piacenza, nước Ý. Một số người nói rằng gia đình của người thuộc giới lãnh đạo trong tình có cùng tên. Người được cha mẹ tạo nhiều cơ hội để có được nền học vấn thật thuận lợi, mà từ đó người đã trở thành một tiến sĩ luật, rất có thể ở trường Đại học Bologna. Khi chân phước Reginald Orleans từ Giêsulem trở về Bologna vào mùa thu năm 1218, có lẽ lúc đó Buonviso Piacenza đang là một giáo sư khoa luật tại Đại học danh tiếng đó. Dầu sao đi nữa, cũng chính nơi này, năm 1219, người đã lãnh nhận tu phục của Dòng Anh Em Giảng Thuyết từ tay chân phước Reginald.48
Khi quyết định ở lại Bologna, thánh phụ Đa Minh sai chân phước Reginald qua Paris để giúp cha Matthew người Pháp ở Tu viện thánh Giacôbê, vì thế Buonviso mất đi vị Bề trên tiên khởi trước khi tuyên khấn. Tuy nhiên, bù lại Buonviso lại được tiếp xúc với Đấng sáng lập Dòng. Từ Piacenza, với tài năng và sự khôn khéo, cha Đa Minh đã mang lại một sự phát triển đáng kể cả về phương diện tâm linh cũng như việc học hành của Buonviso. Dường như lúc nào người cũng được Chúa Quan phòng dìu dắt, vì tâm hồn người không chút lây nhiễm những ảnh hưởng xấu xa đã tràn ngập nước Ý vào đầu thế kỷ XIII.
Làm thế nào Buonviso (Bonviso) được thánh phụ Đa Minh để ý và đem lòng tin tưởng! Có thể nhận ra điều đó qua biến cố thánh Đa Minh đã sai Buonviso đi giảng ở thành phố Piacenza, quê hương người, trước khi người hoàn tất năm tập. Đó là năm 1220. Rõ ràng, thánh Đa Minh đã tin tưởng người tập sinh trẻ tuổi này còn hơn Buonviso tin vào chính mình, vì đức khiêm nhường của người đã che dấu không cho mắt nhìn thấy những điều gây được thiện cảm và trân trọng của anh em trong Dòng.
Mặc dù Buonviso đã tốt nghiệp ngành luật với hạng ưu tú, thế nhưng người anh em tập sinh này ít tiến bộ về môn thần học. Vì thế, như chính người đã kể lại, người khiêm tốn cầu xin cho mình khỏi phải đi giảng ở những nơi còn thiếu kiến thức. Thánh phụ Đa minh đã nhân từ khích lệ người và nói: “Con ơi, hãy tự tin ra đi. Thiên Chúa sẽ ở với con. Người sẽ linh hứng cho con phải nói gì”. Thế rồi Buonviso đi đến thành Piacenza giảng dạy theo lệnh truyền của cha Đa Minh. Chính Buonviso đã đoan chắc với chúng ta rằng lời tiên báo của thánh phụ Đa Minh đã được ứng nghiệm. Chắc hẳn Thiên Chúa đã chúc lành cho sự vâng phục của chàng trai trẻ này. Mọi người trong thành phố được soi sáng với lời giảng dạy của người. Thật vậy, kết quả có ba chàng trai trẻ tốt lành đã đón nhận ơn gọi Đa Minh. Theo nguồn dữ liệu khác, chúng ta biết rằng ba chàng trai đó là Gioan Salomonio, Nicôla Parma, và William Telusa.49
Cũng có tài liệu cho rằng cha Buonviso thánh thiện hoạt động với tư cách là vị quản lý Tu viện thánh Nicôla, ở Bologna, khi cha Rudolph Faenza vắng mặt vì lý do mục vụ, và người cũng đồng hành với thánh phụ Đa Minh trên một số cuộc tông du. Nhờ đó, người được chứng kiến không chỉ những phép lạ thánh Đa Minh làm, mà còn chứng kiến cả lòng nhiệt thành, nhân hậu, bác ái, kiên nhẫn, và việc thực thi các nhân đức anh hùng của thánh Đa Minh. Khi thánh phụ Đa Minh phó linh hồn trong tay Chúa ở Tu viện thánh Nicôla, ở Bologna, thì có lẽ Buonviso cũng có mặt ở đó.
Dường như rằng thánh phụ Đa Minh trước khi chết vào ngày 6 tháng 8 năm 1221, đã quyết định thành lập Tu viện ở Piacenza. Vì vậy, thánh phụ đã chọn cha Buonviso làm Bề trên tiên khởi của Tu viện mới thành lập trong thành phố này, quê hương của Buonviso, mặc dù người mới ra khỏi tập viện. Do đó, người đã đi đến nhiệm sở mới sau cái chết của Đấng sáng lập, hoặc trước đó không bao lâu. Những người đồng hương của Buonviso đón tiếp người như một thiên sứ. Trong niềm hân hoan, họ đóng góp cách quảng đại để xây dựng một nhà thờ và Tu viện. Nơi đó, người môn sinh tiên khởi của thánh phụ Đa Minh đã trải qua nhiều năm đẹp nhất của đời mình – có lẽ người đã qua đời ở Tu viện do chính người đã xây cất.
Cũng từ Piacenza, vị Tu sĩ Dòng Giảng Thuyết đã tham dự việc di dời hài cốt của thánh phụ Đa Minh tại Tu viện thánh Nicôla ở Bologna vào năm 1233. Vài tháng sau đó, sự liên kết mật thiết trong đời sống tâm linh của Buonviso với cha thánh Đa Minh đã đem lại lợi ích cho người, khi Buonviso được gọi làm người chứng thứ tư trong cuộc điều tra phong thánh cho Đấng sáng lập của mình. Lời chứng của cha Buonviso chứng tỏ người có một trí tuệ sáng suốt và khôn ngoan. Lời chứng này cũng cho thấy một khuynh hướng nghiêm túc, cũng như chứng tỏ rằng người nghiên cứu về cuộc đời nơi thánh phụ yêu dấu của mình. Điều đó ắt hẳn gây một ấn tượng mạnh mẽ trên các vị thẩm vấn trong việc điều tra phong thánh này. Những dữ kiện trên đây được trích từ những lời khai của người trước tòa án.
Trong hồ sơ lưu trữ, chúng ta không biết thông tin nào về cuộc sống và những hoạt động của vị Tu sĩ Dòng Giảng Thuyết này, sau khi người xuất hiện với tư cách là nhân chứng trong việc phong thánh cho thánh phụ Đa Minh. Pirtro Maria Campi, trong cuốn lịch sử về thành phố Piacenza, cho rằng Buonviso vẫn còn ở trong thành phố và hoạt động tích cực đến cuối năm 1236. Từ đó, chúng ta không biết gì về người nữa. Vì thế, có thể kết luận rằng người đã chết ngay sau đó, và thi hài của người được chôn cất trong Tu viện mà người đã thiết lập. Ở trang 11 phần mở đầu của cha Joachim J. Berthier nói về những công việc của chân phước Jordan Saxony, có đề cập tới cái chết của Buonviso vào năm 1233, với lời nói rằng người đã chết trong hương thơm thánh đức.
Trích từ Victor F. O’ Daniel, Những môn đệ tiên khởi của Thánh Đa Minh, tập I, Học viện Đa Minh, 2011, trang 155-158.
Ghi chú:
48 Campi, Pietro Maria, Historia Ecclesiastica di Piacenza, Book 2, pp. 117 ff, and passim; Mamachi, pp. 513, 543-544 and col. 110; Pio, col. 48; Quetif-Echard, I, 48-49.
49 Campi and Quetif-Echard, as in note 1.