CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Mc 1, 7-11
I. Bố cục:
Bài Tin mừng chia làm hai phần:
1/ cc. 7-8: Gioan làm chứng về Chúa Cứu Thế, Đấng có quyền năng thanh tẩy nhân loại trong Thánh Thần, nghĩa là có sức mạnh chữa lành con người toàn diện, mở ra con đường giải thoát thiêng liêng, và nhóm lên trong lòng con người niềm hy vọng nơi quyền năng vô biên của Thiên Chúa.
2/ cc. 9-11: Cuộc thần hiện
II. Tìm hiểu bản văn
1. Lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Đức Giêsu (cc. 7-8)
Gioan đã dùng 3 cách để tuyên bố Đức Giêsu là Đấng có uy thế hơn:
– Theo lời chứng của Gioan thì Đức Giêsu không những là “Đấng đang đến” mà còn là “Đấng quyền thế hơn”. Gioan Tẩy Giả có bổn phận dọn đường cho Chúa Giêsu, dọn xong ông ta tránh sang một bên.
– Người có phẩm giá cao vời hơn: ngay cả việc xách dép cho Người, Gioan cũng không xứng.
– Phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa trong nước, là một nghi thức tượng trưng để giúp diễn tả các tâm tình thống hối; còn phép rửa của Đức Giêsu là một cuộc tuôn đổ Thánh Thần.
2. Đức Giêsu chịu phép rửa
– Nơi chốn: bờ sông Giođan. Trong Cựu Ước, dân Israel được Giôsuê hướng dẫn, đã đi qua sông Giođan trước khi bước vào Đất Hứa. Ở đây Mc giới thiệu Đức Giêsu như Giôsuê mới dẫn dắt Dân mới của Thiên Chúa (trong tiếng Híp-ri, tên “Giêsu” cũng là tên “Giôsuê”). Đây là lần xuất hiện đầu tiên của Đức Giêsu trong trình thuật Máccô.
– Ai làm phép rửa cho Đức Giêsu? Mc 1, 9: bỏ Nazareth miền Galilê đến và được Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Đức Giêsu tình nguyện đến để thanh tẩy
3. Tại sao Đức Giêsu là Đức Kitô mà còn lãnh nhận phép rửa của Gioan?
Vì những lý do sau:
– Tuy bản thân Ngài hoàn toàn vô tội, nhưng Ngài là Đấng gánh tội trần gian, nghĩa là Ngài chất đầy tội lỗi của nhân loại trên bản thân mình. Vì thế, trước mặt Thiên Chúa, với tư cách đại diện cho toàn nhân loại, Ngài phải tự liệt mình vào hàng tội nhân cần phải sám hối. Và Ngài sám hối thay cho toàn nhân loại.
– Với tư cách là Đấng cứu chuộc nhân loại, Ngài muốn hòa mình với loài người tội lỗi để cùng họ sám hối trước mặt Thiên Chúa. Đây là thái độ khiêm nhường và đầy tình yêu, một thái độ cần thiết phải có để được tha tội, và riêng đối với Ngài, để chuộc tội cho nhân loại trước Thiên Chúa. Thái độ này khác hẳn với thái độ của người pharisiêu, thích tự coi mình là những người thánh thiện, muốn được tách biệt hẳn với đa số dân chúng mà họ cho là tội lỗi.
– Ngài muốn đánh dấu việc bắt đầu cuộc đời công khai của mình bằng hành động sám hối thay cho nhân loại và kết thúc cuộc đời Ngài bằng việc chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại. Cái chết của Ngài chính là phép rửa, phép rửa này có khả năng xóa sạch tội lỗi của họ trước mặt Thiên Chúa. Nhờ đó, toàn cuộc đời công khai của Ngài mang ý nghĩa sám hối và đền tội thay cho nhân loại.
– Ngài muốn ủng hộ phép rửa và chủ trương phải sám hối của Gioan. Vì muốn gia nhập Nước Trời, công việc cần thiết đầu tiên là phải sám hối, nhìn nhận tội lỗi của mình trước Thiên Chúa, quyết tâm sống đời sống mới, mặc lấy những quan niệm mới và thay đổi cách sống cho phù hợp với quan niệm mới ấy. Sám hối mà Gioan đòi hỏi không chỉ là thứ sám hối xuông theo hình thức, chỉ tỏ vẻ hối hận nhưng sau đó không có gì thay đổi cả, mà là thứ sám hối đòi buộc phải có hoa quả chứng tỏ lòng sám hối.
4. Cảnh thần hiện
Máccô nói: bầu trời “xé ra” (Mc 1,10). Hình ảnh này nhắc đến Is 63,15-19: trong đoạn văn này, vị ngôn sứ xin Thiên Chúa “xé trời mà ngự xuống”, nghĩa là chấm dứt tình trạng thinh lặng của Ngài và đừng ở xa cách Dân Ngài nữa. Ông xin Thiên Chúa lại mở lòng ra và lại tỏ ra là bạn hữu của nhân loại. Khi dùng hình ảnh này, Mc muốn nói với chúng ta rằng cuộc sống công khai của Đức Giêsu đánh dấu khởi đầu cuộc hòa giải giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và chúng ta. Đức Giê-su chấm dứt thời kỳ Cựu ước của Do Thái giáo và bắt đầu một kỷ nguyên mới là thời kỳ Tân ước. Thời Gioan Tẩy giả hăm dọa nhân loại bằng “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa cũng đã chấm dứt.
Thần Khí tựa như chim bồ câu. Sự kiện này nhắc cho chúng ta nhớ lại lúc bắt đầu công cuộc tạo dựng, Thần khí Chúa cũng đã bay lượn trên nước. Phải chăng đó là nhắc lại bồ câu của biến cố Đại hồng thủy, nhằm báo trước một thế giới mới (St 8, 8) ? Hay là tượng trưng cho tình yêu của Thiên Chúa trong sách Diễm ca (Dc 2, 14-5,2)? Và như thế, cùng với Đức Kitô, Thiên Chúa thực hiện việc tái tạo, việc canh tân thế giới hay nói cách khác, Ngài thực hiện một công cuộc tạo dựng mới.
Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con. Ở đây theo Mc, Đức Giêsu được xưng gọi theo Ngôi thứ hai. Trong khi đó, Mt lại dùng Ngôi thứ ba: “Đây là con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17). Macco diễn giải lời duy Nhất của Thiên Chúa bằng cách trích dẫn ngôn sứ Isaia 42,1 và Thánh Vịnh 2,7. Hiện tượng thần hiện này mạc khải cho chúng ta thấy Thiên Chúa chuẩn nhận hành động chịu thanh tẩy của Đức Giêsu.
5. Phép rửa của Đức Giê su có liên quan đến phép rửa tội?
Người tín hữu, khi chịu phép rửa tội sẽ nhận lấy cũng chính Thánh Thần đó để trở nên con Thiên Chúa. Họ được tái sinh trong ơn tha thứ, Họ trở thành “một tạo vật mới trong Chúa Kitô”. Họ bước vào thế giới đầy ánh sáng Thánh Thần và sẽ bước đi trong ánh sáng đó cho đến khi đạt đến sự viên mãn cuối cùng trong Nước Thiên Chúa. Họ được Chúa Cha đón nhận như con của Ngài: “Hôm nay Cha đã sinh ra con. Con là con yêu dấu của Cha”.
Suy thêm
1. Chúa Giêsu không ngừng đi xuống. Còn bạn, bạn có tự hạ, hay là lúc nào bạn cũng muốn dìm người khác xuống?
2. Làm thế nào để trở nên “Con yêu dấu” của Đức Chúa Cha?
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh