I. LỜI CHÚA: Mc 1,14-20
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
II. SỐNG LỜI CHÚA
“Sám hối và tin vào Tin Mừng” là lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu khi bắt đầu sứ vụ công khai. Vì thế nó mang một ý nghĩa rất quan trọng cho tất cả mọi người. Đối với thánh sử Marcô, tin vào Tin Mừng là tin vào ơn cứu độ Đức Giêsu Kitô mang đến vì Người là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Nhưng để có thể tin vào Đức Giêsu, mọi người cần phải sám hối và đi theo đường lối của Người. Bước theo mẫu gương của bốn môn đệ tiên khởi, chúng ta hãy bắt đầu cuộc lữ hành đức tin của mình giữa lòng xã hội hôm nay.
1. Tin vào Đức Giêsu Kitô
Lời Chúa hôm nay cho thấy: Si-môn, An-rê, Gia-cô-bê và Gioan đang làm công việc hàng ngày của mình bên biển hồ Ga-li-lê với tay nghề đánh cá như nhiều người trong dân làng, nhưng khi vừa nghe Chúa Giêsu mời gọi, các ông đã sẵn sàng bỏ lại tất cả: cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, để bước theo Người. Làm sao các ông có được một sự đổi đời như thế nếu các ông không thực sự tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ?
Còn đức tin của chúng ta vào Đức Giêsu như thế nào? Đức Giêsu là ai đối với chúng ta? Theo thánh Phaolô tông đồ: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được ơn cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính, có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng” (Rm 10,9-11).
Là Kitô hữu, tất cả chúng ta đã tuyên xưng đức tin, nhưng sống niềm tin như bốn môn đệ đầu tiên hôm nay là cả một quá trình cần sám hối từ nếp nghĩ tới lối sống.
2. Sám hối và tin
Chúng ta có thể nghĩ rằng: lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu nhắm đến những người tội lỗi đã không giữ đạo nhiều năm hay thường xuyên vi phạm mười điều răn của Chúa. Nhưng theo tinh thần của bốn môn đệ Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan, thì tất cả mọi người, ngay cả những người tốt cũng cần sám hối. Sám hối không chỉ là thái độ trở về sau một cuộc đời tội lỗi, nhưng sám hối và tin vào Tin Mừng, đúng nghĩa là một sự hoán cải từ trong quan niệm sống lấy mình và những giá trị trần gian này làm trung tâm tiến đến thái độ biết qui hướng tất cả về Đức Kitô để được hưởng ơn cứu độ Cha đã hứa ban. Như thế, niềm tin vào Đức Kitô cho chúng ta nhận thức rằng: thế giới này không phải là tất cả và cũng không phải là kết thúc tất cả. Trái lại, trong Đức Kitô, chúng ta sẽ là những công dân của Nước Trời, với hiến chương “Bát Phúc”, nơi chỉ dành cho những người biết sống yêu thương như Đức Kitô đã yêu thương.
Vì thế, mỗi ngày và từng phút giây, chúng ta luôn cần sám hối để thể hiện niềm tin của mình. Nếu chúng ta thực sự tin vào Đức Giêsu, chúng ta cần biết tha thứ, cảm thông và phục vụ những thành viên trong gia đình của chúng ta. Chúng ta cần làm chứng cho Chúa qua thái độ làm việc nghiêm túc, trong sáng nơi các công ty xí nghiệp, và mọi nơi chúng ta sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta cần sắp xếp chương trình sống để có thời gian bước theo Đức Kitô như tới thăm những bệnh nhân neo đơn, đói khổ trong các bệnh viện và những người nghèo hèn bé mọn trong khu xóm của chúng ta. Nếu chúng ta chưa thường xuyên làm những việc lành bác ái như trên, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta sám hối và tin vào Người.
3. Hiệu quả của niềm tin
Thiên Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta trở nên chứng nhân đầy năng lực cho tình yêu của Người; cho dù chúng ta có ngần ngại trước sứ mệnh của Chúa như tiên tri Gio-na, hay phải trải qua nhiều phấn đấu trong một thời gian dài mới có thể hiểu Đức Giêsu là ai như các tông đồ. Thiên Chúa đã đi bước trước để chứng tỏ cho tiên tri Gio-na cũng như các môn đệ thấy Người luôn làm chủ chương trình cứu độ của Người; và ơn gọi của Chúa luôn có sức biến đổi những mặt giới hạn tầm thường của họ, trở nên khí cụ hữu hiệu cho lòng thương xót của Người. Thánh kinh đã cho thấy một dân thành ngoại giáo như Ninivê đã quyết tâm sám hối trở về qua lời giảng của Gio-na và biết bao phép lạ đã được thực hiện nhờ bàn tay các tông đồ. Qua đó, chúng ta cần xác tín rằng: điều Thiên Chúa cần nơi chúng ta là một trái tim mở rộng và khiêm tốn để Người dẫn dắt.
Vậy, với niềm tin vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa luôn bao bọc chúng ta, và quyền năng Thánh Thần của Người luôn đồng hành với chúng ta, cho dù chúng ta đang ở trong bậc sống nào, học cao hay không, thậm chí ngay cả khi còn là tội nhân, chúng ta cũng có thể tiếp bước theo Đức Kitô loan báo Tin Mừng cứu độ cho những người sống bên cạnh chúng ta cùng một sứ điệp như chính chúng ta đã được cảm hóa: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết gia đình chúng con thường quên Chúa và ưu tiên cho những công việc trần thế hơn sống tâm giao với Chúa. Vì thế, Chúa luôn mời gọi chúng con: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Xin giúp chúng con biết thể hiện niềm tin trong cầu nguyện, biết thay đổi quan niệm sống lấy mình và những giá trị đời này làm trung tâm để qui hướng tất cả về Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực của chúng con. Amen.
Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh