Tôi nhớ mãi câu nói của nhà văn Lỗ Tấn : “Kỳ thực, trên thế gian này làm gì có đường, người ta đi nhiều thì thành đường đó thôi.” Thoạt đầu, tôi không hiểu hết ý nghĩa của câu nói ấy, nhưng nó vẫn toát lên một chân lý khó chối cãi : sở dĩ có đường là vì người ta có nhu cầu đi, chứ chẳng ai làm đường để cho có. Như thế, tất cả mọi thứ có trong cuộc sống cũng là vì con người, cho con người, phục vụ con người, mà đó cũng là ý nghĩa mà Đấng Tạo Hoá nhắm đến khi sáng tạo vũ trụ.
Hôm nay, khi nói đến đường, tôi lại liên tưởng đến câu nói của Đức Giêsu : “Thầy là Đường, là sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Đức Giêsu cũng là một con đường, một con đường đặc biệt bằng xương bằng thịt để dẫn mọi người đến cùng sự sống. Nhưng con đường ấy lại là con đường hẹp, con đường ít người đi (Mt 7,14), trong khi con đường thênh thang đưa đến sự chết thì lại lắm người qua lại (Mt 7,13). Theo lẽ thường tình, chẳng mấy ai đi tìm cái khó để làm, tuy chính cái khó mới là cơ hội rèn ý chí, và tôi luyện con người trưởng thành. Song làm cái dễ thì người ta bớt phải suy tính, bớt xây xát, bớt mạo hiểm, được thư thái, an nhàn hơn … Như thế, lời mời gọi bước đi trên con đường Đức Kitô xem ra còn quá ít người hưởng ứng. Tại sao ?
VÌ ĐÓ LÀ CON ĐƯỜNG HẸP
Cùng tồn tại với con đường hẹp, là nhiều con đường rộng rãi hấp dẫn, điển hình là : con đường của khoa học kỹ thuật, con đường của tiền bạc, con đường của hưởng thụ…
Với con đường mênh mông của khoa học hiện đại, người bước vào đó sẽ thấy tầm hiểu biết của mình được nhân lên không ngừng. Họ trở thành những nhà bác học uyên thâm, những con người mang trong đầu kho tri thức của nhân loại, những khám phá về mặt vật chất của vũ trụ bí ẩn. Bước vào con đường khoa học kỹ thuật, người ta thấy mình thật hữu dụng, đem lại cho thế giới những phát minh luôn luôn mới, đem lại cho con người những thành quả nhất định để duy trì sự sống, khắc phục những khó khăn cấp thiết của con người, làm cho cuộc sống con người đẹp hơn, vui hơn, hạnh phúc hơn. Nhìn chung, đó là con đường của trí thức và tạo nên danh vị. Người người kính trọng và biết ơn họ như là vị cứu tinh.
Con đường của tiền bạc là con đường tạo nên sự giàu có. Bước vào con đường kiếm tiền tuy cũng lắm nhiêu khê, người ta phải tính toán, nhiều khi phải mưu mô, thủ đoạn, phải cạnh tranh… Đó tuy là con đường rộng, nhưng bước vào đó phải một mất một còn, người ta không hề chấp nhận song hành với nhau, nếu như đôi bên không cùng có lợi. Con đường của tiền bạc lắm khi làm con người mất nhân tính vì những thủ đoạn xảo quyệt để tiêu diệt đối phương. Nhưng đó lại là con đường nhiều người đi nhất. Vì tuy có nhiêu khê, nhưng mối lợi hiển hiện trước mắt.
Con đường hưởng thụ là con đường thoả mãn cái tôi ích kỷ. Mà thoả mãn cái tôi của mình cũng có 5-7 kiểu. Vì lẽ, cái “tôi” trong mỗi người có một nhu cầu khác nhau, người thì thích danh vị, người ham mê tình dục, người thích thú vui, thích ăn nhậu… một khi tâm trí luôn tìm cách thoả mãn nhu cầu của mình thì làm gì còn thời gian nghĩ đến nhu cầu của tha nhân, có chăng chỉ khi nào chính mình đã chán chê mọi thứ. Bước vào con đường này, người ta cũng không thể đồng hành với nhau, không bao giờ chấp nhận hưởng thụ chung với nhau và đương nhiên ở đó luôn tồn tại hai lớp người rõ ràng : người hưởng thụ và người phục vụ. Không chỉ hưởng thụ vật chất mới cần người phục vụ, nhưng cả về lãnh vực tinh thần cũng thế. Người thích chức vị thường cho mình là quan trọng hơn hết mọi người, muốn được người ta ca tụng ve vuốt sự vĩ đại của mình, nhưng lúc nào cũng lo sợ có người chiếm chỗ mình, nên khi mang máng nhận ra nguy cơ thì lập tức tìm cách đè bẹp, ngay khi nó còn trong trứng nước. Đó chính là thái độ của vua Hêrôđê mà Tin mừng Matthêu mô tả (Mt 2,1-12)
Riêng con đường hẹp của Đức Giêsu khó thu hút được người bước vào là vì nó là một con đường chẳng mấy rõ ràng. Ngài chỉ bảo là hẹp, nhưng lại chẳng nói là hẹp bao nhiêu, con đường ấy ngoài cái hẹp còn có gì khác cũng chẳng ai biết. Người chọn bước vào con đường ấy chắc chắn phải chấp nhận mạo hiểm. Con đường ấy lại không có “động sản” hay “bất động sản” thiết thực cụ thể có thể sờ được làm bảo đảm, ngoài một “bất động sản” có tên là “Thiên Đàng” và “động sản” là “sự sống đời đời” sau khi chết, mà cả hai hiện vẫn nằm trong khuôn khổ lời hứa – một lời hứa không ai có kinh nghiệm, không ai chứng minh được, cũng không ai thấy được cho đến khi qua đời. Vì thế, đòi hỏi phải vận dụng đến niềm tin mà phải là một niềm tin rất mạnh mới chấp nhận lời hứa ấy. Do đó, người đi trên con đường hẹp là người dám lấy sinh mạng mình để đánh cuộc : được ăn cả, ngã về không.
Nếu mọi người cứ sống theo bản năng tính toán của mình, chắc chẳng ai chịu bước vào con đường hẹp. Âu cũng là lẽ thường tình của loài thụ tạo mà Trời “lỡ” phú bẩm cho một tâm lý “đổi chác”, vì có ai cho không ai cái gì bao giờ. Đời sống thiêng liêng cũng thế thôi : người ta không thể “vô tư” ép mình chịu khổ mà không mong nhận được phần thưởng nào đó. Nhưng Trời cũng đặt một kho báu khác trong lòng chính thụ tạo ấy là “Tình Yêu”, mà trong tình yêu thì không tính toán, không so đo : “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.” Một khi đã có tình yêu đích thực, một tình yêu “dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu” thì việc đi vào con đường hẹp để tìm gặp được người mình yêu cũng chỉ là “chuyện nhỏ.” Như thế, bước vào con đường hẹp của Tin Mừng mà còn dọ dẫm xem mối lợi “sự sống đời đời” có thật hay không thì hình như tình yêu dành cho Đức Kitô vẫn không đủ lớn để có thể loại đi tâm lý “có qua có lại”.
ĐÓ LÀ CON ĐƯỜNG CỦA THẬP GIÁ
Đức Giêsu không bao giờ về một con đường đẹp để dụ dỗ người ta đến với Ngài. Ngài có đến 12 Tông Đồ và 72 môn đệ là những người thân tín nhất, cận kề nhất và tin tưởng nhất. Song không phải tất cả các ông đều được chiêm ngưỡng Ngài biến hình trên núi Tabor, mà chỉ có ba Tông Đồ : Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chắc chắn không phải vì Đức Giêsu yêu riêng những vị này, nhưng có lẽ lý do xác đáng nhất là vì lòng trí của các môn đệ còn vướng bận quá nhiều về chuyện “ai lớn ai nhỏ” trong vương quốc tương lai của Đức Giêsu. Ngài không muốn các ông ảo tưởng về những vinh quang được thấy để quên đi cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ trải qua đã được chính Ngài báo trước cách đó 8 ngày, nhưng không được các ông lưu tâm.
Khi ba Tông Đồ được diễm phúc chiêm ngưỡng vinh quang của Thầy, được thấy ông Môisê và Ông Êlia hiện ra thì cũng là khi các ông được nghe hai vị tiền bối đàm đạo với Đức Giêsu về “cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9, 28 – 32). Đó như là một bằng chứng cho thấy vinh quang đích thực mà Đức Giêsu mang lại không thể không có hình bóng Thập Giá. Biến cố đó như một lần nữa lặp lại lời tiên báo trước đây : cuộc khổ nạn là điều có thật và không thể tránh né – vì đó là ý của Cha.
Chẳng vậy mà Đức Giêsu đã lớn tiếng quảng bá : “ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi.” (Lc 9,23). Thập giá của Đức Kitô không giới hạn về quãng đường, cũng không giới hạn về thời gian. Do đó, đi vào con đường của Đức Kitô, bước theo Đức Kitô dĩ nhiên là phải luôn mang vác Thánh Giá và phải vác hằng ngày.
Bình thường thì ít người thích mang Thập Giá, chấp nhận trung thành vác Thập giá cho đến hơi thở cuối cùng. Có người vốn không thích thập giá nhưng vì đã mang danh theo Đức Kitô nên khi không tránh né được Thập Giá thì đành chịu vậy. Bởi vì, là Kitô hữu và hơn nữa là một tu sĩ mà không biết đến Thập Giá thì xem ra đã bị lỗi nhịp ; có người thích chọn lựa thập giá để vác và chỉ chấp nhận những thập giá nào ưng ý; người khác thì vừa thấy bóng Thập Giá đã vội vã đẩy sang cho người khác, nhưng vẫn ra vẻ đang vác Thập Giá và Thập Giá Đức Kitô lúc đó trở thành vật trang sức để đánh bóng cho tên tuổi của mình… Còn vô vàn những thái độ khác nhau khi đứng trước Thập Giá. Tuy nhiên, nhiều lúc người ta tưởng ai đó đã mang Thập Giá đặt lên vai mình, chứ không nghĩ tự thân chính mình đã là một Thập Giá. Do đó, Thập giá nặng không phải là Thập Giá từ ngoại cảnh đưa đến, mà Thập giá nặng nhất thường ở ngay trong tâm hồn mình. Bởi vì chính ý muốn của mình là nguyên nhân trực tiếp đưa đến Thập giá. Tôi không thích một người, nhưng vẫn cứ phải làm việc và gặp gỡ người đó, nên tôi luôn cảm thấy người đó gây khó dễ cho tôi. Tôi không thích công việc này, nhưng tôi vẫn cứ phải làm, và nó đã làm cho tôi luôn căng thẳng, mệt mỏi. Tôi không muốn được sinh ra trong một gia đình nghèo… Tôi không muốn mình học hành dang dở… Tôi không muốn mình bị lãng quên … Tôi không muốn ai đó hơn tôi … Tôi không muốn và tôi không muốn… Với rất nhiều cái không muốn có thì cứ có và những cái muốn có thì lại không có được, đã tạo nên những chuỗi thập giá nặng nề của cuộc sống. Đức Giêsu hiểu rất rõ điều này, nên Ngài không bảo các môn đệ hãy vác thập giá của người ta mà là hãy vác thập giá của chính mình và “ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,27).
Đức Giêsu cũng mong muốn mỗi người hãy từ bỏ mình để vác Thập giá. Hãy để Thập giá trên vai mình đè bẹp cái tôi của mình. Và một khi người môn đệ chấp nhận từ bỏ mình, thì thập giá lúc đó không còn là thập giá nặng nề của mình nữa mà đã biến thành thập giá của Đức Kitô, Thập giá có sức cứu độ, thập giá có sức đỡ nâng vì “ách Tôi êm ái, gánh Tôi thì nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Đó cũng là chìa khóa mở kho sức mạnh cung cấp cho người cảm thấy không vác nổi Thập giá mà theo Chúa.
Vâng, con đường theo Đức Kitô, con đường dẫn đến sự sống là con đường hẹp và là con đường của Thập Giá. Đó là một chân lý bất biến. Đó cũng là con đường độc đạo, một chiều, đầy thách đố và đòi mạo hiểm, và chấp nhận mất mạng sống đời này vì Tin Mừng và vì Đức Kitô. Tuy nhiên, con đường đó là con đường có Đức Kitô đồng hành. Mang danh là người Kitô hữu, là người có niềm tin vào sự Phục Sinh của Đức Kitô, là người có vai trò loan báo về sự Phục sinh đó. Nhưng nếu như chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô Phục sinh mà chính bản thân không trải qua những chặng đường Thập Giá thì làm sao có thể hiểu hết ý nghĩa của sự Phục sinh. Nếu như rao giảng một Đức Kitô sống lại, mà không hề có một kinh nghiệm thiết thân nào cho thấy bản thân đã từng đi trên con đường Thập giá đời mình thì làm sao biết được cái giá để có được sự Phục Sinh là bao nhiêu ? Nếu chúng ta không biết đến cái giá đắt đỏ để có được sự Phục Sinh thì làm sao biết quý trọng ân ban Phục Sinh mà Đức Kitô đem lại ? Do đó, đường hẹp có khó đi thật, đường Thánh Giá có đau thương thật, nhưng đó lại là một điều kiện cần phải có nếu muốn theo Đức Kitô. Vì thế, chỉ những ai tin vào Đức Kitô mới chấp nhận bước vào con đường đó, nhưng cũng nhờ đi trên con đường đó mà niềm tin và tình yêu của người đó mới được củng cố và tăng trưởng mỗi ngày.
Sr. Trăng Xanh