Giáo hội năm Châu: 10.03 – 16.03.2015: Điện thoại thông minh làm gia tăng ngoại tình, đổ vỡ gia đình

0

1. Thông điệp về sinh thái sẽ được công bố trong một năm đặc biệt quan trọng đối với nhân loại

Một thông điệp của Đức Thánh Cha về môi trường sẽ được công bố trong “một năm quan trọng đối với nhân loại”, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình nói trong một hội nghị tại Ái Nhĩ Lan.

Phát biểu hôm 05 tháng 3 tại Chủng Viện Thánh Patrick ở Maynooth, Đức Hồng Y Peter Turkson nói năm 2015 sẽ là năm quan trọng để thảo luận và quyết định về môi trường và những bất bình đẳng toàn cầu. Theo Đức Hồng Y đó là các vấn đề có liên quan chặt chẽ. Ngài nhắc đến những hội nghị của Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ được triệu tập trong năm nay về đề tài này cũng như một hội nghị về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào tháng Mười Hai tại Paris.

Đức Hồng Y Turkson cho biết thêm Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên kêu gọi bảo vệ môi trường, và lặp lại những thông điệp của các vị tiền nhiệm của ngài, là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói:

“Đối với người Kitô hữu chăm sóc môi trường là chăm lo cho kỳ công sáng tạo đang diễn tiến của Thiên Chúa. Đó là một nghĩa vụ”

Theo Đức Hồng Y, các hiệp định quốc tế cần phải giải quyết các nguyên nhân gây tổn hại môi trường. Tuy nhiên, vị Hồng Y người Ghana nói rằng các hiệp định chính trị “không có khả năng mang lại hiệu quả nếu không có sự hoán cải về luân lý và một sự thay đổi nơi con tim.”

Ngài kết luận rằng người Công Giáo phải “trở thành nghệ nhân của cuộc cách mạng về sự dịu dàng” với thiên nhiên để mang lại sự thay đổi đó.

2. Giáo Hội Maronite thúc đẩy việc hiến tặng nội tạng ở Li Băng

Giáo Hội Công Giáo Maronite đã đồng thanh khuyến khích việc hiến tặng các nội tạng.

Trong một thỏa thuận với Ủy ban quốc gia Li Băng về việc hiến tặng nội tạng sau khi qua đời, Hội Đồng Giám Mục Maronite đã có một cuộc họp và đi đến quyết định thành lập một văn phòng nhằm thúc đẩy sự đóng góp này trong các giáo xứ, giáo phận, và các tổ chức chăm sóc sức khỏe Công Giáo.

Cha Edgar Haiby, một phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Maronite nói rằng văn phòng mới được thành lập sẽ tiếp cận với các tín hữu và bảo đảm với họ rằng việc tự nguyện hiến các cơ phận của con người sau khi qua đời là phù hợp với giáo huấn Công Giáo.

3. Làn sóng bách hại Kitô Giáo tiếp tục tăng tại Ấn Độ

Hôm 17 tháng Hai, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói:

“Chính phủ của tôi đảm bảo rằng công dân của quốc gia này có hoàn toàn tự do tín ngưỡng và rằng mọi người đều có quyền giữ đạo hay theo một tôn giáo do mình lựa chọn mà không bị ép buộc hoặc bị lung lạc. Chính phủ của tôi sẽ không cho phép bất kỳ nhóm tôn giáo, thuộc các tôn giáo đa số hay thiểu số kích động hận thù chống lại những người khác, công khai hoặc ngấm ngầm. Chính phủ của tôi sẽ là một chính phủ mang lại sự tôn trọng bình đẳng cho tất cả các tôn giáo.”

“Ấn Độ là đất của Phật và Gandhi. Sự tôn trọng bình đẳng dành cho tất cả các tôn giáo phải có trong DNA của mỗi người Ấn Độ. Chúng tôi không thể chấp nhận bạo lực đối với bất kỳ tôn giáo nào vì bất kỳ lý do nào và tôi mạnh mẽ lên án bạo lực như vậy. Chính phủ của tôi sẽ hành động mạnh mẽ trong vấn đề này. “

Tuy nhiên, tổ chức World Watch Monitor nói trong những lời của ông Narendra Modi chỉ có zero phần trăm là sự thật. Để chứng minh, World Watch Monitor cho biết đầu tháng Ba này 20 nhà truyền giáo Tin Lành đã bị bắt và bị đánh đập bởi cảnh sát ở Jaipur, một thành phố có 3,1 triệu dân ở tây bắc Ấn Độ.

Sau sự can thiệp của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cảnh sát trả tự do cho họ nhưng răn đe rằng họ sẽ bị buộc vào tội “ép buộc cải đạo người khác” nếu họ không rời khỏi thành phố này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là thành viên của đảng Ấn Giáo cực đoan – Bharatiya Janata Party. Từ khi ông Modi lên nắm quyền vào ngày 26 tháng Năm năm 2014, hàng chục nhà thờ Công Giáo bị đốt phá và hôi của trong mấy tháng vừa qua. Gần đây nhất là Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, thư ký của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và Đức Tổng Giám mục Portase Rugambwa, chủ tịch Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã buộc phải hủy bỏ việc tham dự một hội nghị của Hội Đồng Giám Mục Ấn sau khi thị thực nhập cảnh của hai vị đã bị từ chối vào phút chót.

4. Đức Giáo Hoàng dành được sự ưa chuộng rộng rãi tại Mỹ

Các cuộc thăm dò của Pew Research Center vào tháng Hai cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất được ưa chuộng tại Mỹ, cả trong số người Công Giáo lẫn những người không Công Giáo.

Các cuộc thăm dò này cho thấy 70% công chúng Mỹ có cảm tình với Đức Giáo Hoàng. Trong số những người Công Giáo, 90% có cảm tình với ngài, và 57% “rất mộ mến”. Những con số này gần bằng với những con số thăm dò vào năm 1990 dành cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cảm tình dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô là nhất quán trong mọi giới bao gồm nam và nữ giới, người già và người trẻ được phỏng vấn, chính trị bảo thủ và tự do. Tuy nhiên, cảm tình cao nhất là “rất mộ mến” dành cho ngài đặc biệt cao (lên tới 95%) trong số những người Công Giáo tham dự Thánh Lễ ít nhất một lần trong tuần.

5. Các giám mục Đức lên án hành động xâm lược của Nga ở Ukraine

Hội đồng Giám mục Đức đã đưa ra một tuyên bố lặp lại việc lên án “sự sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea vào Nga và sự can thiệp quân sự tiếp tục của Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine.”

Các giám mục Đức nói những hành động này của Nga là “không thể chấp nhận được” bởi vì chúng gây nguy hiểm cho hòa bình châu Âu và làm leo thang cuộc xung đột.

Bình luận về lời tuyên bố này của Hội Đồng Giám Mục Đức, hôm thứ Sáu 6 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine Hy Lạp nói:

“Người dân Ukraine cảm thấy hạnh phúc trước một đánh giá trung thực từ Giáo Hội thông qua tiếng nói chung của các giám mục Đức.”

6. Chính thống Nga bày tỏ sự hài lòng rằng số ca nạo phá thai đã giảm hẳn từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản

Linh mục Alexey Komov thuộc Ủy ban Gia đình của Giáo Hội Chính thống Nga nói với một cơ quan thông tấn Ý rằng đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc bảo vệ sự sống con người, hôn nhân và gia đình ở Nga.

Ngài nói với thông tấn xã SIR Europe rằng hiện nay chính phủ Nga trợ cấp $10,000 cho mỗi gia đình khi đứa con thứ hai chào đời và những quảng cáo phá thai cũng như những “quảng cáo ồn ào trong lối sống đồng tính” bị cấm tại Nga.

“Số lượng các ca nạo phá thai ở Nga giảm gấp năm lần trong vòng 25 năm qua, từ bốn triệu một năm xuống còn khoảng 700,000”

Cha Komov nói thêm. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. 700,000 thai nhi bị giết trong một năm là quá cao.”

Trong lãnh vực này Chính Thống Giáo Nga mong muốn “có sự hợp tác với các Giáo Hội anh em trong lĩnh vực bảo vệ sự sống, gia đình, các giá trị truyền thống và công ích. Và rõ ràng, chúng ta nên hợp tác với nhau vì chúng ta đang bị tấn công bởi nhiều xu hướng tiêu cực rất đa dạng “.

7. Đức Hồng Y Parolin đến thăm Belarus

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã đến thăm Belarus từ 12 đến 15 Tháng Ba, theo lời mời của chính phủ nước này.

Với chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Parolin tại Belarus, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn “tôn vinh lịch sử đau đớn của Belarus và chia sẻ niềm hy vọng cho tương lai của người dân tại quốc gia này”, cũng như ghi nhận “vai trò của Belarus như là nơi gặp gỡ của các bên trong cuộc xung đột bi đát đang làm rung chuyển khu vực”. Một thông báo của Hội Đồng Giám Mục Belarus đã cho biết như trên.

Tưởng cũng nên nhắc lại là thỏa hiệp ngưng bắn tại Ukraine có hiệu lực từ 0 giờ ngày 15 tháng Hai đã được ký kết tại Minsk, thủ đô của Belarus.

Quốc gia Đông Âu với 9,5 triệu dân này giáp giới với cả Nga và Ukraine. 80% dân số theo Chính Thống Giáo và 14% là người Công Giáo.

8. Đức Hồng Y tân cử Miến Điện kêu gọi hòa bình và hòa giải quốc gia

Vị Hồng Y tiên khởi của Miến Điện là Đức Hồng Y Charles Maung Bo vừa lên tiếng kêu gọi đối thoại giữa quân đội nước này và các nhóm phiến quân, bao gồm cả nhóm quân đội Kachin Độc lập.

Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 4 tháng Ba cho biết trong bài giảng trước 50,000 khách hành hương tại đền thánh Đức Mẹ Nyaunglebin, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, người vừa được tấn phong Hồng Y hôm 14 tháng Hai, đã kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột gần đây đã làm 200,000 người phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong bối cảnh của những cuộc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến và các nhóm dân tộc thiểu số, một cố vấn nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa cảnh báo rằng nhà nước được quân đội hậu thuẫn tại Miến Điện đang “đi lạc hướng”.

Quốc gia Đông Nam Á này đã cam kết sẽ đưa ra những cải cách dân chủ và tổ chức bầu cử vào cuối năm nay. Tuy nhiên ông Zeid Ra’ad al-Hussein cố vấn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã cảnh báo hôm thứ Tư 25 tháng Hai rằng “các diễn biến gần đây liên quan đến quyền con người của các dân tộc thiểu số, tự do ngôn luận và quyền biểu tình ôn hòa khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi về đường hướng cải cách đó”.

Trích dẫn việc bỏ tù những người biểu tình hòa bình, các nhà báo và các nhân vật đối lập, cũng như cuộc đàn áp người Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo tại Miến Điện. Ông Zeid bày tỏ lo ngại rằng một nhà nước độc tài đang từ từ trở lại.”

9. Đức Hồng Y Cipriani Thorne nói: Các chương trình ứng dụng trên điện thoại thông minh làm gia tăng ngoại tình, đổ vỡ gia đình

Tổng kết những cuộc họp mục vụ trong tổng giáo phận Lima, Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani Thorne, là Tổng Giám Mục thủ đô Peru nói trên Radio Lima hôm 3 tháng Ba rằng sự phổ biến của WhatsApp đang gây đổ vỡ cho nhiều gia đình và ngày càng có nhiều người lừa dối người phối ngẫu của họ.

Phát biểu trên đài phát thanh trong chương trình của ngài, Đức Hồng Y khẳng định các ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí dành cho điện thoại di động đang có một tác động tiêu cực đến đời sống của các cặp vợ chồng và gia đình.

Đức Hồng Y nói:

“Liên quan đến điện thoại di động, bao nhiêu người trở thành không chung thủy và bao nhiêu gia đình bị tan vỡ bởi WhatsApp? Tôi không lạc hậu, nhưng phải có một ai đó dám nói lên sự thật về những gì đang xảy ra. Có bao nhiêu người không chung thủy trên WhatsApp? Những cuộc gặp gỡ phiêu lưu với một phụ nữ khác, với một người đàn ông khác, tất cả trên một mạng lưới ít nhiều là ẩn danh.”

Cũng như Viber, WhatsApp là một ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí phổ biến được biết nhiều nhất trên thế giới với hơn 600 triệu người sử dụng trên toàn thế giới.

Những ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí này không để lại dấu vết trên hóa đơn điện thoại gia đình, và rất “di động” – người ta có thể gọi cho nhau bất cứ nơi nào miễn có Wifi hay có nối kết internet.

VietCatholic Network

Comments are closed.

phone-icon