A. DẪN NHẬP
Chúa nhật 4 mùa chay có thể được gọi là Chúa nhật mầu hồng vì Giáo hội hé mở cho chúng ta những lý do khiến chúng ta vui mừng. Phụng vụ mời gọi chúng ta hãy vui lên : “Anh em hãy vui lên với thành Giêrusalem, anh chị em là những người đang mang tang chế”. Phụng vụ khuyến khích chúng ta hãy vui lên, chúng ta muốn vui lắm, nhưng nhiều khi không vui được vì còn gặp nhiều nỗi buồn phiền lo lắng, kể cả thất vọng nữa. Thực ra chẳng bao giờ chúng ta hết lo, hết khổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhưng làm sao vui lên được ?
Thì đây, thánh Gioan đã đưa ra lý do căn bản về niềm vui : Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta tới mức độ sai Con Một Ngài xuống thế cứu vớt nhân loại. Vậy muốn tham dự ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, còn cần phải tin vào Ngài ! Đức tin thật cần thiết vì : “Ai tin thì sẽ được sống đời đời”(Ga 3,16).
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1 : 2 Sb 36,14-16. 19-23.
Tác giả sách Biên niên điểm lại những giai đoạn lịch sử dân Israel trước, trong và cuối thời lưu đầy. Nếu Thiên Chúa ngoảnh mặt đi mà cho quân đội Babylon đến phá hủy Đền thờ Giêrusalem và bắt dân ưu tuyển đi lưu đầy, chính là dân đã phản bội, đã bỏ Ngài trước. Dân Israel bị phạt vì tội bất trung, nhưng lại được tha thứ vì biết sám hối. Qua các biến cố trong lịch sử của họ, tác giả luôn tìm được những lý do để trông cậy, mà một trong những lý do quan trọng là Chúa trung thành bởi vì chính Ngài là Tình Thương.
+ Bài đọc 2 : Ep 2,4-10.
Thánh Phaolô nhắc lại cho tín hữu Êphêsô biết là mọi người được cứu độ nhờ ân sủng khi Ngài nói : “Chính là bởi ân sủng mà chúng ta được cứu độ nhờ đức tin”. Chúng ta được cứu độ nhờ ân sủng miễn là có lòng tin. Đó là giáo thuyết thánh Phaolô dạy chúng ta về ơn cứu độ “nhưng không” mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ được ban “nhưng không” chứ không do một điều gì trong con người chúng ta có quyền đòi hỏi. Vì thế, thánh Phaolô xác quyết rằng : “Tất cả là hồng ân”.
+ Bài Tin mừng : Ga 3,14-21.
Ông Nicôđêmô là một người biệt phái đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Đây là đoạn nối tiếp câu chuyện giữa Đức Giêsu và ông. Trong buổi nói chuyện này, ông được hiểu thêm về ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho loài người qua Đức Giêsu Kitô. Qua đó, ông biết được rằng tin vào Đức Kitô, chính là nhận biết Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến, là người Con đã được Chúa Cha ban cho thế gian vì yêu thương, ngõ hầu thế gian được cứu độ.
Nói khác đi , là nhìn nhận ơn cứu độ con người đến từ trời cao, do mối liên hệ cha con, tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nhưng ta chỉ biết một sự thật như vậy khi “sống sự thật “ ấy, khi thực sự dấn buớc vào một cuộc sống được soi sáng không ngừng bởi phận làm con.
Theo ý nghĩa đó, không tin vào Đức Kitô, đó là tự kết án chính mình, vì tự tách rời khỏi nguồn sống và tất nhiên đi vào con đường những việc làm xấu xa.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Lòng Chúa yêu thương tha thứ
I. THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ
1. Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại
Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là một chân lý mà không ai chối cãi được. Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo hội rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời. Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế gian đau khổ bệnh tật qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin mừng. Không có đoạn văn nào trong Kinh thánh nói rõ điều này hơn là lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô : “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời”(Ga 3,15).
Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đó, ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.
2. Nhưng dân Chúa lại phản bội
Bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết dân Do thái đã bất tuân lề luật và phụ bạc đối với tình yêu Thiên Chúa như thế nào. Họ đã phá vỡ giao ước và kéo theo sự sụp đổ hoang tàn của Đền thờ và thành thánh. Chúa đâu có muốn trách phạt họ, Ngài muốn cho họ sống trung thành với Ngài như con cái đối với người cha, nhưng họ cứ đi sâu vào đàng tội, bỏ Chúa mà đi theo tà thần dân ngoại, bất đắc dĩ Ngài phải phạt để cho họ tỉnh ngộ. Cho đến lúc mà Thiên Chúa không còn dung thứ được nữa, Ngài liền cho phép quân thù đến tấn công họ. Quân Babylon đến xâm chiếm đất nước của họ, giết chết hàng ngàn, hàng vạn người. Quân thù phá hủy thành thánh, đốt phá Đền thờ và cưỡng ép dân còn sống sót đi lưu đầy bên Babylon.
3. Các tiên tri nhắc nhở dân chúng
Tuy nhiên vừa khi họ bị sát phạt, thì các tiên tri của Chúa liền xuống giọng. Các tiên tri bảo họ : đó là hình phạt của Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Nhiều tiên tri đã lên tiếng kêu gọi thống hối và sửa đổi cách sống, nhưng đã hoài công, chẳng ai màng tới. Chưa hết, ngay trong những giây phút đen tối nhất của cuộc lưu đầy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi dân Ngài nhưng tiếp tục kêu gọi họ quay về với lề luật, với Thiên Chúa.
Lịch sử dân Do thái thật là một kho lưu trữ nhắc nhở cho chúng ta hay biết những gì sẽ xẩy ra mỗi khi chúng ta phũ phàng từ chối tình yêu Thiên Chúa. Lịch sử ấy cũng đem lại cho chúng ta niềm an ủi rằng chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn : đón nhận hay từ chối lòng nhân từ yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta đã tự đặt mình vào một tình thế nguy hiểm là sống xa lìa với Thiên Chúa.
Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do cá nhân của chúng ta và sẽ không áp đặt ép uổng tình yêu của Ngài, đi ngược với những ước vọng chúng ta. Chúng ta có thể từ chối lòng thương yêu cũng như quà tặng tình nghĩa của Chúa. Chúng ta có thể quay lưng lại với tình yêu của Chúa mà ôm lấy bóng tối của tội lỗi và tự mình vĩnh viễn tách xa khỏi Ngài.
4. Dân hối cải, Chúa thứ tha
Tuy vậy, Chúa không nỡ bỏ rơi dân Ngài. Chúa dùng vua của dân ngoại là Cyrô, vua Ba tư, để cứu thoát dân Ngài và đưa họ trở về quê cha đất tổ. Như vậy ta thấy những hình phạt của Chúa, không phải nhằm báo thù, trách phạt, mà là cách thế để luyện lọc, thanh tẩy và chữa trị họ, khiến họ trở nên tùy thuộc vào Chúa.
Trong bài Tin mừng hôm nay có nhắc đến chuyện con rắn đồng. Sau khi xuất Ai cập, bốn mươi năm ròng rã trong hoang địa, dân Israel gặp mọi thử thách. Họ oán trách Chúa đã để họ lầm than. Một lần cơn thịnh nộ của Chúa đã để cho rắn độc cắn chết nhiều người. Dân Chúa quá sức khiếp sợ. Họ nhìn nhận tội lỗi của mình, và Chúa đã đoái thương nỗi khốn khổ của họ. Ngài dạy ông Maisen hãy làm một con rắn bằng đồng, treo lên một cái sào để bất cứ ai bị rắn cắn, nếu nhìn lên con rắn đồng, sẽ được khỏi. Như vậy, khi con rắn đồng được giương lên, thì ngay chính lúc đó, lòng tha thứ của Thiên Chúa lại tỏa sáng và trao ban. Từ nay Thiên Chúa sẽ cứu sống dân, những kẻ đã từng oán trách Ngài.
II. TÌNH YÊU THIÊN CHÚA NƠI ĐỨC KITÔ
1. Sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước
Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng con người không nhìn ra. Chính vì thế Thiên Chúa đã biểu lộ một cách cụ thể tình yêu của Ngài cho nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, Con yêu của Ngài, như lời thánh Gioan đã nói : “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban chính Con Một Ngài, để tất cả những ai tin vào Con Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). và Ngài còn nói tiếp : “Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến để luận phạt mà là để cứu độ” (Ga 3,17).
Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại qua Đức Kitô đã được ám chỉ trong Cựu ước. Ta có thể nói Cựu ước là hình ảnh của Tân ước. Cựu ước là hình ảnh, Tân ước là thực tại. Chính vì thế, ta thấy có sự sóng đôi giữa Cựu ước và Tân ước. Những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Cựu ước đều là hình bóng của những nhân vật chính yếu và những biến cố then chốt trong Tân ước.
Chẳng hạn , họ chứng tỏ cho thấy Isaac, con trai tổ phụ Abraham là hình bóng của Đức Giêsu như thế nào :
– Isaac con trai độc nhất, Đức Giêsu cũng thế.
– Isaac được cha mình rất mực yêu dấu, Đức Giêsu cũng thế.
– Isaac bị dâng làm hy lễ, Đức Giêsu cũng thế.
– Isaac bị hiến tế trên một ngọn đồi, Đức Giêsu cũng thế.
– Isaac vác củi dùng vào việc hy tế, Đức Giêsu cũng thế.
Thánh Phaolô cũng so sánh tương tự như thế giữa Cựu ước và Tân ước. Chẳng hạn, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Ngài đã so sánh giữa Adong và Đức Giêsu. Ngài viết : “Con người đầu tiên là Adong, đã được dựng nên là một người sống động, nhưng Adong sau cùng (Đức Giêsu) là Thánh Linh ban sự sống… Adong thứ nhất được dựng nên bằng đất, từ đất mà sinh ra, còn Adong thứ hai (Đức Giêsu) từ trời mà sinh ra. Người thuộc về đất thế nào, thì những người thuộc về đất cũng thể ấy. Người thuộc về trời thế nào thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người thuộc về trời”(1 Cr 15,45-49) (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 88).
2. Thập giá, dấu tích của tình yêu
Chính khi nhìn vào thập giá, chứng kiến hình ảnh Đức Kitô chịu khổ hình treo trên thập giá, thấm đẫm bao nhiêu là quyền lực của sự dữ nơi tội lỗi, chúng ta mới bắt đầu nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta cao cả biết bao. Tất cả mọi độc ác hận thù ghen ghét bất công của cuộc đời đều đổ dồn vào cây khổ giá, sừng sững giữa trời và đất, trên ngọn đồi Calvê.
Một trong những chi tiết đầy ngỡ ngàng nhất về cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu chính là Thập giá nay trở nên bằng chứng tột cùng cho tình yêu Thiên Chúa. Thập giá sừng sững trên đồi cao, xưa kia là dấu chỉ của tủi nhục, nay trở nên chiếc cầu ân sủng thần kỳ có sức chữa lành cả thế giới. Cây chết chóc nay trở nên cây sự sống, cây thất bại nay trở thành cây chiến thắng.
3. Truyện con rắn đồng
Con rắn đồng là biểu trưng cho Đức Giêsu bị treo trên thánh giá. Sách Dân số 21,4-9 kể rằng : Dân Do thái đi từ núi Horeb về phía Biển đỏ đi vòng quanh xứ Eđom. Quãng đường dài này đã làm cho dân chúng kêu trách Đức Chúa và ông Maisen : “Tại sao đem chúng tôi ra khỏi Ai cập để rồi cho chúng tôi chết trong rừng ? Không có bánh, không có nước, chúng tôi đã chán món ăn khốn nạn này lắm rồi”. Bấy giờ Đức Chúa cho một thứ rắn lửa từ trong rừng bò ra cắn dân chúng, nhiều người phải chết.
Dân chúng chạy đến ông Maisen, thưa với ông : “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi đã nói phạm đến Đức Giavê và đến ông, xin ông cầu với Đức Giavê cho chúng tôi để Ngài đuổi lũ rắn này xa khỏi chúng tôi đi”. Ông Maisen cầu cho dân. Chúa bảo Maisen : “Hãy làm một con rắn và treo trên ngọn sào, hễ ai bị rắn cắn mà nhìn vào đó thì được sống”. Maisen làm một con rắn bằng đồng và treo lên ngọn sào. Hễ ai bị rắn cắn nhìn vào rắn đó đều được khỏi.
Rắn lửa nói đây không phải nó đỏ như lửa, nhưng vết thương nó gây ra cho người ta rát như bỏng lửa. Tại miền nam xứ Palestine có rất nhiều thứ rắn và rắn có nọc.
Không phải tự con rắn treo lên có sức chữa người ta , nhưng cái sức chữa đó do Đấng truyền lệnh đã ban cho.
Sau này, những con rắn đồng đã trở thành vật dị đoan cho dân Do thái : Họ đốt hương trước rắn đồng. Vì thế, trong cuộc cách mạng tôn giáo Ezechias truyền đập nát con rắn đồng (4 Sb 18,4).
Việc treo rắn đồng là tượng trưng cho việc Chúa chịu treo sau này. Ai tin vào Chúa chịu treo trên Thánh giá sẽ được cứu rỗi (Trần văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr 270).
III. HÃY TIN NHẬN ĐỨC GIÊSU LÀ CỨU CHÚA
1. Ngài đã cứu chuộc bằng máu Ngài
Thiên Chúa có thể cứu chuộc nhân loại bằng bất cứ cách nào nhưng Ngài lại muốn Con của Ngài phải đổ máu ra trên thập giá để cứu chuộc. Máu ấy có thể rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại, làm linh hồn con người được trở nên trong trắng, xứng đáng được làm con Chúa và làm đền thờ của Ngài. Chúng ta không thể hiểu được việc này vì đây là một mầu nhiệm lớn, mầu nhiệm “Ngôi hai cứu chuộc”. Vì thế, suy niệm về ơn cứu độ này, thánh Phaolô trong thư gửi cho tín hữu Do thái đã khẳng định : “Không có đổ máu ra thì không có ơn tha thứ”(Dt 9,22).
Truyện : Máu của Telmachus
Ngày đại hội năm 444 sau kỷ nguyên, làn sóng người từ khắp nơi kéo về Rôma. Rôma tưng bừng với vẻ của một ngày hội.
Hoàng đế Honorius cho tổ chức các trận giác đấu mừng ngày giải phóng dân Goths. Giữa đám đông lũ lượt đi đi lại lại, một ông già trong bộ y phục đơn giản của một vị tu trì Đông phương trầm lặng bước đi. Tên ông là Telmachus. Nhà tu trì này chỉ chăm lo chuyên khảo cứu Thánh kinh và cầu nguyện. Cái trò chơi đẫm máu bỉ ổi này đã chấm dứt ở miền Đông nơi phát xuất ra ông. Nhưng nó vẫn còn đang tiếp diễn ở Rôma, đất nghìn năm muôn thuở, mặc dầu đã có ba vị hoàng đế tìm cách chấm dứt. Telmachus đăm chiêu, vì ông đang suy nghĩ phải làm gì để chấm dứt trò chơi này.
Những tay giác đấu gồm đủ mọi hạng người : có khi là những phạm nhân đã bị án tử, có khi là Kitô hữu, thường hơn là tù binh, đôi khi có người vì tham tiền, ham danh tình nguyện…
Trận đấu đầu tiên ghi lại trong lịch sử diễn ra năm 264 trước kỷ nguyên với 3 cặp đấu. Con số mỗi ngày một tăng. Quốc hội phải hạn chế chỉ cho Julius Cesar được có 320 cặp để chiến đấu trong một trận. Dưới triều Augustô, có lúc tới 10.000 tham dự trận đấu.
Hôm nay ngày tổ chức giác đấu, 85.000 chỗ ngồi trong đại thao trường Colosseum chật ních không còn chỗ trống.
Cái ung nhọt này không còn cơ cứu chữa. Nhân vật duy nhất đã dám lên tiếng chỉ trích là nhà hiền triết Sénèque. Ngoài ra còn có 3 vị hoàng đế chống lại trò chơi này, nhưng không dám thi hành vì sợ sự phản ứng mạnh phía quần chúng.
Đến giờ, những tay giác đấu xếp thành hàng dài chậm chạp diễn quanh đấu trường. Tới chân khán đài danh dự, chỗ vua ngồi, họ la to : kẻ hạ thần là những người sắp chết xin kính chào bệ hạ.
Khán giả quanh đấu trường chọn tay giác đấu nào họ ưa thích rồi la hét kích thích họ xung trận.
Khi hai tay giác đấu đang sát phạt đến hồi gây cấn nhất, bỗng một người ăn mặc đơn giản xông vào giữa hai đấu thủ gạt họ ra. Đám đông khán giả giận dữ la hét vang dội. Một số bực tức quá chạy ra tận đấu trường xé ông ra hàng trăm mảnh vì làm cho họ cụt hứng. Con người đó chính là Telmachus.
Kinh hoàng trước sự việc xẩy ra, Honorius chính thức tuyên bố bãi bỏ trò chơi bỉ ổi đã giết hại không biết bao nhiêu sinh linh ở Rôma cũng như ở các nơi khác.
Kể từ đó lịch sử không còn nói những trận đấu gươm tại Rôma nữa.
Không đổ máu không có ơn cứu rỗi.
Nhờ dòng máu Telmachus làm tắt dòng máu nhiều kẻ khác (Op, cit, tr 271-273).
2. Ai tin thì sẽ được sống
Thánh Gioan nói : “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”(Ga 3, 20 ). Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin còn là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha.
Người tin bước vào một cuộc sống mới. Đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Messia mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma qủi. Phải, chính trong đêm tối của tối tăm mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đừng khép kín lòng lại : “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu”(Ga 3,19). Hãy tin vào Đức Giêsu thì sẽ được tha thứ và được hưởng nhờ ơn cứu độ,
Truyện : Tượng Thánh giá ban phép lành
Tại một nhà thờ bên Tây ban nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt : Chúa Giêsu chỉ chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành.
Chuyện kể rằng : một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh ta, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi toà giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe : “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi toà giải tội mà lòng trĩu nặng và đau khổ.
Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng những tội nặng y như những lần trước. Vị linh mục dứt khoát : “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói với chính mình : “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.
Kể từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu không gắn vào thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi : “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.
Thiên Chúa đã không dạy bài học tha thứ suông, nhưng đã dạy bài học tha thứ bằng chính mạng sống của Con yêu dấu Ngài là Đức Giêsu. Nếu ngày xưa, con rắn đồng trong sa mạc được giương lên, thì hôm nay chính Chúa Giêsu được giương lên. Mãi mãi chúng ta biết ơn Chúa Giêsu và khắc sâu lời Ngài : “Như Maisen đã giương cao con rắn ở sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ giương cao như vậy”.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm