Người giầu có được cung phụng. Kẻ tài giỏi được quý mến. Người có chức quyền được kính trọng. Người thông minh được ưu đãi. Người đã có, lại có thêm. Người nghèo khó bị coi thường. Kẻ ít học bị khinh khi. Não trạng con người bị đóng khung. Ý thức hệ bị thiên kiến. Khuôn mẫu xã hội tạo phân biệt đẳng cấp đã gây nên sự tranh đấu không ngừng.
Một trong những điều gây nhức nhối và phiền hà trong đời sống chính là sự so sánh đua đòi. So sánh để học hỏi và thi đua là điều tích cực, nhưng so sánh để chỉ trích chê bai lại là một điều hết sức tiêu cực. Đôi khi điều tiêu cực này sẽ gây nên sự thù ghét, tẩy chay và phân rẽ. Chúng ta biết sự hình thành của mỗi người hiện hữu trên trần đời thì có muôn hình vạn trạng. Mỗi người khác nhau về kết cấu, khuôn mặt, dấu chỉ tay, khả năng hiểu biết, chuyên môn, số phận và số mệnh. Bước vào cuộc sống chung, chúng ta chấp nhận những khác biệt bổ túc cho nhau để tạo nên một xã hội đa chiều phong phú.
Về cá nhân, không một ai giống ai trong hoàn cảnh sống. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, mỗi người bước vào đời với một số mệnh riêng. Chúng ta có thể ngồi gẫm lại từ những ngày thơ ấu, khi mới chập chững cắp sách đến trường cho tới khi thành đạt lập thân. Cuộc sống của mỗi người trải qua bao năm tháng thăng trầm, mỗi cá nhân đã có biết bao sự đổi thay theo dòng đời. Chúng ta nên chấp nhận hoàn cảnh thực tế của cuộc sống nơi mỗi cá nhân. Mỗi người hãy vui với niềm vui riêng của mình. Chúng ta không thể so sánh hơn thua về cuộc sống và về định mệnh riêng tư của mỗi người.
Về con cái, cha mẹ không nên so sánh sự thành công của bạn bè đồng lứa tuổi với con cái của mình. Đứa con sẽ chạm tự ái và khó chịu. Có lần tôi nghe một đứa con trả lời thẳng thắn với bố mẹ rằng con là con và nó là nó. Là phụ huynh, chúng ta nên hết sức tế nhị dạy bảo con cái. Chịu khó tìm hiểu và nhận biết khả năng, sở thích và nhu cầu mà con cái đang khao khát để hướng dẫn.
Về vợ chồng, một điều tối kỵ là đừng bao giờ so sánh vợ/chồng của mình với vợ/chồng của người khác. Đừng ‘đứng núi này mà trông núi nọ’. Người ta nói: ‘Ở trong chăn, mới biết chăn có rận’. ‘Nhìn vậy mà không phải vậy’ đâu. Thực tế, có nhiều cặp vợ chồng ở với nhau cả đời mà vẫn chưa hiểu và biết nhau tỏ tường. Làm sao chúng ta có thể đem vợ/chồng của mình ra so sánh với một nhân vật nào đó tình cờ gặp gỡ. Chúng ta có nguy cơ lầm lẫn lớn. Vì sự so sánh như cơm với phở đã làm cho biết bao cặp vợ chồng phải rơi vào sự nghi ngờ và thất trung bất tín. Đường đời còn dài và cuộc sống có nhiều niềm vui và thử thách. Mỗi người hãy tự xét mình trước khi xét người. Muốn so sánh để đòi hỏi vợ/chồng phải trở nên giống hoặc bằng người khác là điều xuẩn trí.
Về gia đình, chúng ta không thể so sánh đời sống gia đình này với gia đình khác. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta nhận thấy có gia đình giầu sang phú quý sống trên nhung lụa. Có gia đình bần cùng, màn trời chiếu đất. Có những gia đình may mắn, làm ăn thành đạt và của cải đầy dư. Có những gia đình phải lao động vất vả mà cơm không đủ ăn và áo không đủ mặc. Có những gia đình sang trọng giầu có, nhưng chưa chắc vợ chồng con cái hạnh phúc ấm êm. Có gia đình tuy nghèo nhưng vợ chồng yên vui đầm ấm và con cái ngoan hiền… Mỗi gia đình một hoàn cảnh sống khác nhau cả về tinh thần lẫn vật chất. Có biết bao nhiêu tình tiết tế nhị trong đời sống, chúng ta không thể so sánh cuộc sống gia đình này với gia đình kia.
Về nhóm hội và cộng đồng, mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh và mỗi con người có nhiều điểm khác biệt kết nối với nhau tạo nên một nhịp sống chung. Chúng ta có thể tìm thấy một số những điểm tương đồng trong hình thức sinh họat, nhưng không thể rập khuôn bắt chước bất cứ một nhóm hội nào. Sự khác biệt não trạng và ý thức hệ của các thành viên ảnh hưởng đến sinh hoạt chung. Mỗi nhóm hội hay cộng đồng có bản sắc riêng trong cách thế sinh hoạt và sống đạo. Có nhiều sự việc có thể thực hiện được nơi cộng đoàn này, nhưng nơi khác thì không thể. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm, nhưng không thể rập khuôn trong sinh hoạt. Sự chắp nối để nên giống nhau, đôi khi sẽ làm mất đi cái bản chất đích thực của mình.
Sự so sánh nào cũng khập khễnh. Chúng ta chỉ có thể học hỏi và tham khảo lẫn nhau để trau dồi kiến thức. Sống dựa vào nhau để thăng tiến. Điều quan trọng là sự cố gắng phấn đấu không ngừng. Những kinh nghiệm trong đời sống sẽ giúp chúng ta học và học mãi. Người đời khen chê nhau là lẽ thường. Biết lắng nghe và rút tỉa kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta đổi thay nên hoàn thiện mỗi ngày. Ai trong chúng ta cũng cần sự khích lệ tích cực để xây dựng. Bạn của ta là những người dám nói sự thật và nói đúng nơi đúng lúc. Lời nói chân thành có một mãnh lực phi thường khuyến khích nhau trong mọi hoàn cảnh. Người nói sau lưng, mãi mãi là người đứng phía sau.
Tôi thích câu truyện này: Một đàn nhái đang di chuyển qua khu rừng và có hai con bị rơi xuống hố sâu. Những chú nhái tụ nhau bên miệng hố nhìn xuống. Khi thấy hố qúa sâu, chúng nói với hai con nhái kia rằng thôi chịu chết đi. Hai con nhái như giả lờ không nghe và cố gắng hết sức để nhảy ra khỏi cái hố sâu. Các con nhái trên bờ tiếp tục la rằng: Thôi ngừng đi, chúng mày sẽ chết thôi. Cuối cùng, một con nhái chú ý lắng nghe và bỏ cuộc. Nó ngã xuống và chết. Con kia đã tiếp tục cố gắng nhảy lên. Một lần nữa, đám nhái trên bờ lớn tiếng, đừng cố nữa và chờ chết thôi. Con nhái nhảy mạnh hơn nữa và cuối cùng nó đã thoát ra khỏi. Khi nó nhảy ra khỏi hố, những con nhái khác nói: Bạn không nghe chúng tôi nói hả? Con nhái giải thích rằng nó bị điếc. Nó nghĩ rằng các bạn hoàn toàn muốn khuyến khích nó.
Câu truyện dạy chúng ta hai bài học: Thứ nhất, sức mạnh của sự sống và sự chết nằm ngay trong cái lưỡi. Những lời khích lệ với những người đang chán nản sẽ làm họ phấn khích và giúp vượt qua những khó khăn. Thứ hai, những lời tiêu cực xói mòn tâm tư của những người đang thất vọng, có thể dẫn họ tới sự tuyệt vọng và dẫn tới chỗ chết. Hãy cẩn thận dùng lời nói khi chúng ta phát biểu. Sức mạnh của lời nói rất quan trọng giống như chiếc dao sắc có hai lưỡi. Chúng ta biết rằng xây dựng tình thân cần thời gian lâu dài, nhưng phá đổ chỉ trong giây lát.
Chúng ta hãy nhìn đời với con mắt lạc quan hơn. Xây dựng tình người với những lời khen tích cực. Ca dao:‘Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’. Ước chi mỗi lời chúng ta bày tỏ sẽ mang lại niềm vui và phấn khích cho lòng người. Chúng ta bớt đi những lời so sánh chì chiết gây thương đau cho nhau, nhất là trong đời sống vợ chồng. Hãy tôn trọng và nâng đỡ nhau mọi nơi mọi lúc. Không ai tốt hơn vợ/chồng của mình đâu.
Xin Thiên Chúa ban ơn lành, để mỗi người hoàn thành sứ mệnh và định mệnh Chúa đã đặt để trong đời sống của mỗi người chúng ta.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng