Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 11.01.2017

0

Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 11.01.2017

12

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong tháng 12 vừa qua và trong phần đầu của tháng Giêng, chúng ta đã cử hành Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh: đó là một Mùa Phụng Vụ mà nó đánh thức niềm hy vọng trong Dân Chúa. Niềm hy vọng là một nhu cầu căn bản của con người: hy vọng vào tương lai, tin vào cuộc sống, và một suy nghĩ được gọi là “suy nghĩ tích cực”.

Nhưng điều quan trọng là đặt niềm hy vọng này vào điều mà nó có thể thực sự giúp để sống cũng như để trao cho kiếp hiện sinh chúng ta một ý nghĩa. Vì thế, Kinh Thánh đã cảnh báo chúng ta trước những niềm hy vọng sai quấy mà thế gian mời mọc chúng ta, bằng cách là giới thiệu những điều vô ích của nó cũng như phô diễn những điều vô nghĩa của nó. Và thế gian thực hiện điều đó bằng những cách thức khác nhau, nhưng đặc biệt là với cách thức phô diễn những điều sai trái của các ngẫu tượng, mà con người thường xuyên bị cám dỗ đặt niềm tin của mình vào những ngẫu tượng đó, vì con người biến các ngẫu tượng đó thành đối tượng niềm hy vọng của mình. Các Ngôn Sứ và các nhà Khôn Khoan đã luôn luôn nói một cách đặc biệt về điều đó, và vì thế, các Ngài đã đụng chạm tới một trong những điều thiết yếu nhất trên con đường Đức Tin của các Tín Hữu.

Vì Đức Tin có nghĩa là tín thác vào Thiên Chúa: Ai có Đức Tin thì người ấy sẽ tín thác vào Thiên Chúa. Nhưng rồi sẽ có một khoảnh khắc mà trong đó con người đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, trải qua sự mỏng manh của niềm tín thác này và cảm thấy có nhu cầu phải tìm kiếm những niềm tin tưởng khác cũng như tìm kiếm những điều chắc chắn có tính cụ thể và rõ ràng. Mối nguy hiểm nằm ở đó! Và rồi chúng ta sẽ bị cám dỗ để tìm kiếm ngay cả những niềm an ủi mau qua mà nó có vẻ như dễ dàng lấp đầy khoảng trống của sự cô đơn và làm cho những nỗ lực của Đức Tin trở nên nhẹ nhàng dễ chịu. Và sau đó chúng ta nghĩ rằng mình sẽ có thể tìm thấy chúng trong sự bảo đảm mà tiền bạc có thể trao cho, trong sự liên minh với những thế lực, trong tinh thần thế tục và trong các ý thức hệ sai trái. Đôi khi chúng ta tìm kiếm chúng trong một thượng đế mà thượng đế ấy sẵn sàng cúi mình trước những đòi hỏi của chúng ta cũng như có thể can thiệp một cách ma thuật để thay đổi thực tế và để bài trí nó như chúng ta muốn: đúng là một ngẫu tượng, mà ngẫu tượng đó không thể thực hiện bất cứ điều gì khác ngoài những điều như thế, nhưng thực ra, đó là một thần tượng bất lực và lừa dối. Nhưng chúng ta lại ước ao những thần tượng, chúng ta rất ước ao chúng.

Tại Buenos Aires, có lần Cha phải đi từ một nhà thờ này tới một nhà thờ kia với quãng đường dài khoảng một cây số. Hôm ấy Cha đi bộ. Và giữa đường đi có một quảng trường. Trên quảng trường đó có đặt rất nhiều những chiếc ghế nhỏ, và có những thầy bói ngồi ở đó. Có rất nhiều người, họ đứng xếp hàng rồng rắn. Người ta chìa tay ra cho những thầy bói đó, và những thầy bói bắt đầu. Nhưng điều mà các ông thầy bói nói luôn luôn là thế này: Có một người phụ nữ trong đời bạn, một cái bóng đến với bạn, nhưng tất cả sẽ rất tốt… Và sau đó thì người ta tính tiền. Và điều đó có trao cho bạn sự chắc chắn không?  Đó là sự chắc chắn của một điều – Cha xin phép sử dụng một từ – của một sự ngu ngốc. Đến với ông hay những bà thầy bói, rút những lá bài: Đó là một ngẫu tượng! Đó là một ngẫu tượng, và nếu chúng ta quá bám vào đó, thì có nghĩa là chúng ta đang mua cho mình những niềm hy vọng sai quấy. Nhưng hãy tín thác vào niềm hy vọng nhưng không mà Chúa Giê-su đã mang đến cho chúng ta, bằng cách là Ngài trao hiến mạng sống cách nhưng không cho chúng ta: Đôi khi chúng ta không tín thác vào niềm hy vọng này cho lắm. Một Thánh Vịnh đầy không ngoan, qua một cách thức rất ấn tượng, đã đặt trước mắt chúng ta sự sai trái của những ngẫu tượng này, tức những ngẫu tượng mà thế gian giới thiệu cho niềm hy vọng của chúng ta, và con người thuộc đủ mọi thời đại luôn bị cám dỗ đặt niềm tín thác vào những ngẫu tượng ấy. Đó là Thánh Vịnh 115, trong đó có đoạn như sau:

“Tượng thần chư dân chỉ là vàng bạc,
chỉ do tay người thế tạo thành.
Có mắt có miệng, không nhìn không nói,
có mũi có tai, không ngửi không nghe.
Có hai tay, không sờ không mó
có hai chân, không bước không đi,
từ cổ họng, không thốt ra một tiếng.
Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần
cũng giống như chúng vậy” (Tv 115,4-8).

Và bằng một cách thức mang tính châm biếm, tác giả Thánh Vịnh cũng đã đặt trước mắt chúng ta một thực tế rất ư là hời hợt của các ngẫu tượng này. Và chúng ta phải hiểu rằng, đó không phải chỉ là những bức tượng bằng kim loại hay bằng những vật liệu khác, nhưng chúng cũng còn là những hình tượng mà chúng ta chế tạo ra trong tâm trí mình, khi chúng ta tín thác vào những thực tại giới hạn mà chúng ta cho chúng là tuyệt đối, hay khi chúng ta hạn chế Thiên Chúa vào những kế hoạch của chúng ta, hay vào những hình dung của chúng ta về thần thánh: đó là một Thiên Chúa giống hệt như chúng ta, dễ hiểu, có thể tiên đoán, và giống hệt như các ngẫu tượng mà Thánh Vịnh trên đã nói về chúng. Con người, họa ảnh của Thiên Chúa, lại sản xuất ra một Thiên Chúa theo hình ảnh của mình, và đó cũng là một hình ảnh còn tồi tệ và kỳ cục hơn nhiều: nó không nghe, không hành động, và đặc biệt là không thể nói. Nhưng chúng ta lại hài lòng với việc đi đến với các ngẫu tượng hơn là đi đến với Thiên Chúa. Chúng ta hài lòng với niềm hy vọng tắc trách mà các ngậu tượng sai quấy trao cho bạn, hơn là với niềm hy vọng to lớn và chắc chắn mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta.

Niềm hy vọng vào một Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã dùng Lời của Ngài để tác tạo nên thế giới và dẫn dắt cuộc đời chúng ta, sẽ đối lập với niềm tín thác vào những tượng thần câm điếc. Ý thức hệ với sự đòi hỏi tuyệt đối của nó, sự giầu có – và đó là một đại ngẫu tượng -, quyền lực, sự thành công, thói kênh kiệu với những ảo tưởng của nó về sự vĩnh cửu và toàn năng, những giá trị như vẻ đẹp và sức khỏe thể lý: nếu chúng trở thành những ngẫu tượng, mà tất cả phải hy sinh cho nó, thì đó sẽ là tất cả mọi thực tại mà chúng sẽ làm rối mù lý trí và tâm hồn. Thay vì thúc đẩy sự sống, chúng lại dẫn tới sự chết. Thực là tội tệ và đau lòng khi phải nghe tới điều mà Cha đã từng nghe thấy tại Giáo phận Buenos Aires cách nay mấy năm: một người phụ nữ rất đẹp – bà ta luôn kênh kiệu với vẻ đẹp của mình – đã nói như thể đó là chuyện đương nhiên rằng: “Tôi phải phá thai vì ngoại hình của tôi rất quan trọng.” Đó là các ngẫu tượng, và chúng dẫn bạn đi trên con đường sai quấy và làm cho bạn trở nên bất hạnh.

Sứ điệp của Thánh Vịnh trên rất rõ ràng. Nếu người ta đặt niềm hy vọng vào các ngẫu tượng thì người ta sẽ trở nên như chúng: Những bức tượng cao với đôi tay không thể sờ mó, và với đôi chân không bước không đi, với môi miệng không cười không nói. Người ta sẽ không có gì để nói nữa, người ta sẽ không có khả năng để giúp đỡ, để thay đổi sự việc, không có khả năng để cười, để trao hiến, và không có khả năng để yêu thương. Và ngay cả chúng ta, những con người của Giáo hội, cũng sẽ bị liên lụy đến mối nguy này nếu chúng ta để cho mình bị “thế tục hóa”. Người ta phải lưu lại nơi thế giới, nhưng phải bảo vệ mình trước những trò lừa bịp của thế gian, và cụ thể đó là các ngẫu tượng mà Cha đã cảnh báo. Như được viết tiếp trong Thánh Vịnh trên, người ta phải tín thác vào Thiên Chúa cũng như phải đặt niềm hy vọng vào Ngài, và Thiên Chúa sẽ ban phúc lành của Ngài. Thánh Vịnh nói:

“Nhà Ít-ra-en, hãy tin cậy Chúa,
chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.
Nhà A-ha-ron, hãy tin cậy Chúa,
chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.
Ai kính sợ Chúa, hãy tin cậy Chúa,
chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che.
Chúa nhớ đến ta và sẽ ban phúc cả:
sẽ ban phúc cho nhà Ít-ra-en,
sẽ ban phúc cho nhà A-ha-ron,
sẽ ban phúc cho người kính sợ Chúa,
cho người lớn cũng như kẻ nhỏ” (Tv 115,9-13).

Thiên Chúa luôn luôn nhớ tới chúng ta. Ngay cả trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất thì Ngài cũng vẫn nhớ tới chúng ta. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Và niềm hy vọng không bao giờ cho phép bị hư vong. Không, không bao giờ! Các ngẫu tượng luôn luôn dẫn tới sự hư vong: chúng chỉ là ảo tưởng, chúng không phải là thực tế. Đó là thực tế tuyệt vời của niềm hy vọng: nếu người ta tín thác vào Thiên Chúa, thì người ta sẽ nên giống như Ngài, phúc lành của Ngài sẽ làm cho chúng ta trở thành những người con của Ngài, tức những người tham dự vào với sự sống của Ngài. Có thể nói được rằng, niềm hy vọng vào Thiên Chúa làm cho chúng ta bước vào trong phạm vi hoạt động của ký ức và trí nhớ của Ngài, và đó là điều sẽ chúc lành và cứu độ chúng ta. Và rồi lời ca Halleluja sẽ có thể dâng trào, đò là lời ca tụng Thiên Chúa hằng sống và chân thật, Đấng đã được sinh ra cho chúng ta bởi Đức Maria, Đấng chết trên Thập Giá và phục sinh trong vinh quang. Và việc chúng ta đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa ấy, tức vào Thiên Chúa, Đấng không phải là ngẫu tượng, sẽ không bao giờ cho phép bị hư vong.

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 11 tháng 01 năm 2017

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon