Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại sân vận động Cairo, Ai-cập, ngày 29.04.2017: Sự chết, sự phục sinh và sự sống

0

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong Thánh Lễ tại sân vận động Cairo, Ai-cập, ngày 29.04.2017
Sự chết, sự phục sinh và sự sống

359

Al Salamò Alaikum. Bình an cho anh chị em!

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ ba Phục Sinh tường thuật cho chúng ta biết về cuộc hành trình của hai môn đệ làng Emmaus khi họ rời Giê-ru-sa-lem. Đó là một Tin Mừng mà nó để cho mình được tóm tắt trong ba cụm từ: sự chết, sự phục sinh và sự sống.

1.Sự chết: Bị gây thất vọng và không còn gì để hy vọng nữa trong cuộc sống hằng ngày của mình, hai môn đệ đã trở về nhà. Vị Thầy đã chết, vì thế họ không còn lý do gì nữa để hy vọng. Con đường của họ là một cuộc bỏ chạy; một cuộc trốn xa khỏi kinh nghiệm đau khổ về Đấng Chịu Đóng Đinh. Cuộc khủng hoảng Thập Giá, vâng – “sự phẫn nộ” và “sự gàn dở” của Thập Giá (xc. 1Cor 1,18.23), có vẻ như đã chôn vùi tất cả mọi niềm hy vọng của họ. Đấng mà họ kiến tạo kiếp sống của họ trên Ngài, nay đã chết, Ngài đã bị khuất phục và đã mang theo mình tất cả niềm trông đợi của họ vào trong mộ.

Họ không thể tin được rằng, vị Thầy và Đấng cứu độ, Đấng đã làm cho những kẻ chết được phục sinh, và chữa lành các bệnh nhân, lại có thể kết thúc với nỗi ô nhục Thập Giá. Họ không thể hiểu được tại sao Thiên Chúa quyền năng đã không cứu Ngài khỏi cái chết nhục nhã như thế. Thập Giá Chúa Ki-tô chính là Thập Giá đối với những tưởng tượng của họ về Thiên Chúa; với cái chết của Chúa Ki-tô, sự tưởng tượng của họ về Thiên Chúa cũng đã chết, từ đó họ nghĩ rằng, Thiên Chúa là như thế. Vì họ chính là những kẻ đã chết trong chính ngôi mộ của sự hiểu biết vô cùng hạn chế của họ.

Con người thường tự làm tê liệt chính mình biết là dường nào khi họ khước từ việc vượt qua sự tưởng tượng của chính mình về Thiên Chúa – mà thực ra, đó là sự tưởng tượng về một Thiên Chúa được tạo nên theo hình ảnh con người và giống như con người. Con người thường xuyên rơi vào tuyệt vọng biết là chừng nào khi họ từ chối tin rằng, quyền năng của Thiên Chúa không có nghĩa là quyền năng của bạo lực, hay thế lực, nhưng chỉ là quyền năng của Tình Yêu, của sự tha thứ và của sự sống!

Các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su “khi Ngài bẻ Bánh” trong bữa tiệc Thánh Thể. Nếu chúng ta không để cho mình được xé rách tấm màn mà nó đang làm mờ cặp mắt chúng ta; nếu chúng ta không để cho mình được làm vỡ tung sự chai cứng của con tim cũng như những thiên kiến của chúng ta, thì chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra dung nhan của Thiên Chúa.

2.Sự phục sinh: Trong bóng tối của đêm đen, trong sự tuyệt vọng và dao động đến tột cùng của hai môn đệ, Chúa Giê-su đã tiến lại gần các ông và cùng đồng hành với các ông, để các ông có thể khám phá ra rằng, Ngài chính là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Chúa Giê-su đã biến nỗi tuyệt vọng của hai ông thành sự sống, vì khi niềm hy vọng nhân loại trôi qua thì niềm hy vọng của Thiên Chúa sẽ bắt đầu tỏa sáng: “Điều không thể đối với con người thì cũng vẫn có thể đối với Thiên Chúa” (Lc 18,27; xc. 1,37). Khi con người hoàn toàn đạt tới đáy của sự sụp đổ và của sự bất khả, khi con người giũ bỏ ảo tưởng cho rằng, mình sẽ trở nên tốt nhất, không hề phụ thuộc vào bất cứ điều gì, và là trung tâm điểm của thế giới, thì lúc đó Thiên Chúa sẽ trải cánh tay của Ngài ra cho họ để biến đêm tối của họ thành một buổi ban mai, biến nỗi tuyệt vọng của họ thành niềm vui, biến sự chết thành sự phục sinh, biến sự tháo chạy của họ thành cuộc trở về Giê-ru-sa-lem, và điều đó có nghĩa là quay trở về với sự sống và với sự chiến thắng của Thập Giá (xc. Dt 10,34).

Sau khi hai môn đệ đã gặp Đấng Phục Sinh, họ đã quay trở về với trọn niềm vui, với trọn niềm tín thác và với tất cả sự hào hứng, để sẵn sàng làm chứng. Đấng Phục Sinh đã làm cho họ được phục sinh từ nấm mộ vô tín và tuyệt vọng của họ. Nhờ vào cuộc gặp gỡ với Đấng chịu đóng đinh và đã phục sinh, họ đã thấy được sự giải thích và sự ứng nghiệm hoàn toàn của toàn bộ Kinh Thánh, của Lề Luật và của các Ngôn Sứ; họ đã thấy được ý nghĩa nơi sự thất bại có vẻ của Thập Giá.

Ai không qua kinh nghiệm về Thập Giá để đi tới với chân lý phục sinh, người ấy sẽ kết án chính mình để đi tới chỗ tuyệt vọng! Vì chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu trước đó không đóng đinh những tưởng tượng đầy giới hạn của mình về một Thiên Chúa, mà vị Thiên Chúa ấy chỉ phản ánh sự hiểu biết của chúng ta về quyền lực và thế lực.

3.Sự sống: Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su Phục Sinh đã biến đổi cuộc sống của hai môn đệ này. Vì, việc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh sẽ biến đổi bất cứ cuộc sống nào, và làm cho bất kỳ sự vô sinh nào cũng đều trở nên phong nhiêu. [1] Thực ra, không phải niềm tin vào sự phục sinh đã phát sinh từ trong Giáo hội, nhưng đúng hơn, Giáo hội mới là thực thể phát sinh từ niềm tin vào sự phục sinh. Vì thế, Thánh Phao-lô nói: “Nếu Đức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi sẽ chỉ là điều trống rỗng, và Đức Tin của anh em cũng trống không” (1Cor 15,14).

Đấng Phục Sinh đã biến mất khỏi tầm nhìn của họ để dậy cho chúng ta biết rằng, chúng ta không thể giữ Chúa Giê-su lại trong sự hữu hình có tính lịch sử của Ngài: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29 và xc. Ga 20,17). Giáo hội phải biết và phải tin rằng, Ngài đang sống với Giáo hội, và làm cho Giáo hội trở nên sống động trong Bí Tích Thánh Thể, trong Kinh Thánh và trong các Bí Tích. Hai môn đệ làng Emmaus đã hiểu điều đó và đã quay lại Giê-ru-sa-lem để chia sẻ với các môn đệ khác về kinh nghiệm này: “Chúng tôi đã thấy Chúa… Ngài đã thực sự sống lại!” (xc. Lc 24,33).

Kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus dậy chúng ta rằng, sẽ chẳng có ích gì khi chiếm được những ngôi Thánh Đường nếu như con tim của chúng ta trống rỗng và chẳng hề có sự kính sợ Thiên Chúa, chẳng hề có sự kính sợ trước sự hiện diện của Ngài; sẽ chẳng có ích lợi gì khi cầu nguyện nếu như lời cầu nguyện của chúng ta không trở thành Tình Yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân; sẽ chẳng có ích lợi gì khi chúng ta mang vẻ mặt rất ư là tôn giáo nhưng đời sống đạo đức lại không được gây phấn chấn bởi Đức Tin và bởi Đức Ái; sẽ chẳng có ích lợi gì khi chỉ chăm chút cho vẻ bên ngoài, vì Thiên Chúa chỉ nhìn trong tâm hồn và con tim (xc. 1Sam 16,7) và kinh tởm những kẻ giả hình (xc. Lc 11,37-54; Kh 5,3-4) [2]. Nơi Thiên Chúa, không tin còn tốt hơn là trở thành một tính hữu sai quấy hay trở thành một kẻ giả hình!

Đức Tin đích thực làm cho chúng ta trở nên nhân hậu, xót thương, chân thực và nhân bản; Đức Tin làm phấn chấn những con tim để mang chúng đến với việc yêu thương tất cả một cách vô điều kiện, mà không hề có sự phân biệt hay thiên vị; Đức Tin sẽ mang chúng ta tới chỗ không nhìn người khác như một kẻ thù, kẻ phải bị khuất phục, nhưng là một người bạn mà người ta nên yêu thương, nên phục vụ và giúp đỡ; Đức Tin mang chúng ta tới chỗ phát tán nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại, kính trọng và liên đới, và hiện thực hóa những điều đó trong cuộc sống; Đức Tin trao cho chúng ta sự can đảm để tha thứ cho người đã xúc phạm tới chúng ta; trao cánh tay cho người sa ngã; trao quần áo cho kẻ trần truồng; cho những người đói ăn; viếng thăm các tù nhân; giúp đỡ những trẻ mồ côi; cho kẻ khát uống; giúp đỡ những cụ già và những kẻ khốn cùng (xc. Mt 25,31-45). Đức Tin đích thực làm cho chúng ta biết bảo vệ quyền lợi của những người khác với sức mạnh và niềm hăng hái mà với chúng, chúng ta tự bảo vệ những gì là của riêng chúng ta. Trong thực tế, chúng ta càng lớn lên trong Đức Tin và trong sự hiểu biết bao nhiêu, thì sự khiêm nhượng và niềm ý thức về việc phải trở nên nhỏ bé, sẽ càng lớn lên bấy nhiêu.

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa chỉ đón nhận Đức Tin mà nó được biết đến với sự sống, vì chủ nghĩa cực đoan duy nhất mà nó được chấp nhận đối với các tín hữu, hệ tại ở Đức Ái đối với tha nhân! Bất cứ chủ nghĩa cực đoan nào khác cũng đều không đến từ Thiên Chúa và không làm cho Ngài hài lòng!

Giờ đây, với trọn niềm vui, can đảm và Đức Tin, giống như hai môn đệ làng Emmaus, anh chị em hãy trở về Giê-ru-sa-lem của mình, có nghĩa là trở về với cuộc sống hằng ngày của anh chị em, trở về với gia đình, với công việc và với quê hương yêu quý của anh chị em. Anh chị em đừng sợ mở con tim mình ra cho ánh sáng của Đấng Phục Sinh, và hãy cho phép Ngài biến đổi những điều bất an của anh chị em thành một sức mạnh tích cực đối với chính anh chị em cũng như đối với những người khác. Anh chị em đừng sợ yêu thương tất cả mọi người, kể cả những người bạn lẫn những kẻ thù, vì sức mạnh và sự giầu sang của các tín hữu nằm trong Tình Yêu được sống!

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Gia – các Ngài đã sống trong đất nước được chúc lành này -, chiếu sáng con tim của anh chị em, cũng như chúc lành cho anh chị em và cho đất nước Ai-cập khả ái này. Vào thời kỳ đầu của Ki-tô giáo, đất nước này đã đón nhận việc loan báo Tin Mừng thông qua Thánh Mác-cô, và trong suốt lịch sử, đất nước này đã sản sinh ra rất nhiều các vị Tử Đạo và một đoàn ngũ đông đảo các Thánh!

Al Massih Kam / Bilhakika kam! – Chúa Ki-tô đã phục sinh!/ Ngài đã thực sự phục sinh!

Vận động trường Cai-rô, Ai-cập

Sáng thứ Bảy ngày 29 tháng 04 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

…………………………………………………………………………

[1] Vgl. Benedikt XVI., cuộc tiếp kiến chung, sáng thứ Tư 11.04.2007.

[2] Thánh Ephrem.

Comments are closed.

phone-icon