Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa tại Ostia, Italia, 03.06.2018

0

Bài giảng của Đức Thánh Cha  Phan-xi-cô
trong Đại Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa 
tại Ostia, Italia, ngày 03.06.2018 

Anh chị em thân mến!

Trong bài Tin Mừng nói về Bữa Tiệc Ly mà chúng ta đã nghe, có một điều vô cùng ngạc nhiên là, mối quan tâm lại hướng về việc chuẩn bị cho bữa tiệc nhiều hơn là hướng về chính bữa tiệc ấy. Động từ “chuẩn bị” được lập đi lập lại nhiều lần. Chẳng hạn như khi các môn đệ hỏi: “Thầy muốn chúng con chuẩn bị bữa Tiệc Vượt Qua cho Thầy ở đâu?” (Mc 14,12). Chúa Giê-su đã cử các ông đi với nhiệm vụ chuẩn bị, và các ông sẽ thấy “một căn phòng rộng rãi […] đã được chuẩn bị sẵn sàng” (Mc 14,15). Các môn đệ đã đi để chuẩn bị, nhưng Chúa Giê-su đã chuẩn bị trước đó rồi.

Một điều tương tự cũng đã diễn ra sau cuộc phục sinh của Chúa Giê-su, khi Ngài hiện ra với các môn đệ lần thứ ba: trong lúc các ông đang bắt cá dưới biển, thì Chúa Giê-su đứng trên bờ đợi các ông, và trong lúc chờ đợi, Ngài đã chuẩn bị sẵn cơm nước cho các ông. Nhưng đồng thời Ngài cũng xin các môn đệ của Ngài mang đến vài con cá mà các ông vừa bắt được nhờ vào sự chỉ dẫn của Ngài (Ga 21,6.9-10). Ở đây, Chúa Giê-su cũng đã chuẩn bị trước và yêu cầu các môn đệ của Ngài cùng cộng tác. Ngay trước biến cố Phục Sinh, Chúa Giê-su cũng nói với các môn đệ về sự chuẩn bị: “Thầy đi để chuẩn bị chỗ cho anh em […], để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy” (Ga 14,2-3). Chúa Giê-su chính là Đấng chuẩn bị trước, và đồng thời, trước khi hoàn tất cuộc Vượt Qua, với những lời khuyên và những dụ ngôn rất rõ ràng, Ngài cũng yêu cầu chúng ta phải sẵn sàng  (xc. Mt 24,44; Lc 12,40).

Như vậy, Chúa Giê-su đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta, và Ngài yêu cầu chúng ta cũng hãy chuẩn bị sẵn sàng. Ngài chuẩn bị sẵn cho chúng ta cái gì? Thưa, đó là một chỗ ở và một bữa tiệc. Chỗ đó xứng đáng hơn nhiều so với “căn phòng rộng rãi đã được bày biện sẵn sàng” mà Tin mừng nói tới. Đó là ngôi nhà rộng lớn thênh thang của chúng ta trên dương thế này, tức Giáo hội, nơi có chỗ và phải có chỗ cho tất cả. Nhưng Ngài cũng đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta một chỗ ở trên kia, trên Thiên Đàng, để hiệp nhất cùng với Ngài và với nhau mãi mãi. Ngoài việc chuẩn bị chỗ, Ngài còn chuẩn bị cho chúng ta một món ăn nữa, lương thực là chính Ngài: “Này là mình Thầy, hãy cầm lấy mà ăn” (Mc 14,22). Hai ân sủng này, chỗ ở và món ăn, chính là điều mà chúng ta cần tới để sống. Đó là món ăn và nơi ở vĩnh viễn. Cả hai đều được ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể: của ăn và nơi ở.

Vì Chúa Giê-su đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta ở dưới đất này, nên Bí Tích Thánh Thể chính là con tim sống động của Giáo hội, Bí Tích ấy không ngừng tái mang Giáo hội tiến về phía trước, Bí Tích ấy quy tụ Giáo hội và ban sức mạnh cho Giáo hội. Nhưng Bí Tích Thánh Thể cũng chuẩn bị sẵn cho chúng ta một chỗ ở trên trời, trong nơi vĩnh cửu, vì Bí Tích ấy chính là Bánh Bởi Trời. Bí Tích ấy đến từ đó, Bí Tích ấy chính là chất thể duy nhất trên mặt đất này thực sự mang hương vị vĩnh cửu. Bí Tích ấy chính là lương thực của tương lai mà lương thực ấy cho phép chúng ta thưởng nếm một tương lai ngay từ lúc này rồi, và đó là một tương lai còn mênh mông vĩ đại hơn tất cả những gì tốt nhất được mong chờ. Bí Tích Thánh Thể chính là lương thực có khả năng thỏa mãn những mong chờ to lớn nhất của chúng ta, cũng như nuôi dưỡng những giấc mơ đẹp nhất của chúng ta. Tắt một lời, Bí Tích ấy chính là sự bảo đảm cho một sự sống vĩnh cửu: không chỉ là một sự hứa hẹn, nhưng còn là một sự bảo đảm, tức một sự tiên trưng cụ thể của điều sẽ được ban cho chúng ta. Bí Tích Thánh Thể chính là sự “dành sẵn” Thiên Đàng; Bí Tích ấy chính là Chúa Giê-su, Của Ăn Đàng trên đường tiến tới sự sống hạnh phúc của chúng ta, tức sự sống không bao giờ chấm dứt.

Trong Bánh Thánh biến thể, ngoài chỗ ở ra, Chúa Giê-su còn chuẩn bị cho chúng ta cả món ăn và lương thực nữa. Trong cuộc sống, chúng ta không ngừng phải nuôi sống mình, và việc nuôi sống này không phải chỉ nhờ vào lương thực thực phẩm, nhưng cũng còn nhờ vào những kế hoạch và những cảm giác thân thương, nhờ vào những nỗi khát khao và niềm hy vọng nữa. Chúng ta khát khao được yêu. Nhưng những lời tán dương nồng nhiệt nhất, những quà tặng tuyệt vời nhất và những kỹ thuật tiến bộ nhất cũng vẫn không đủ, chúng không bao giờ làm cho chúng ta được thỏa mãn hoàn toàn. Bí Tích Thánh Thể là một lương thực đơn giản như tấm bánh mì, nhưng Bí Tích ấy lại là điều duy nhất có thể mang đến sự no thỏa hoàn toàn, vì không có Tình Yêu nào lớn hơn. Ở đó, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa Giê-su thực sự, chúng ta tham dự vào sự sống của Ngài, chúng ta cảm nhận được Tình Yêu của Ngài. Ở đó, bạn sẽ có thể có được cảm nhận rằng, cái chết và sự phục sinh của Ngài là vì tôi. Và nếu bạn tôn thờ Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể, bạn sẽ nhận được Chúa Thánh Thần từ Ngài, và bạn sẽ thấy được bình an và niềm vui. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chọn bánh sự sống này: Chúng ta hãy đặt Thánh Lễ vào vị trí đầu tiên, chúng ta hãy tái khám phá ra niềm tôn thờ trong các cộng đoàn chúng ta! Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn đói khát Thiên Chúa, và chúng ta hãy đói khát điều mà Ngài đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta.

Nhưng giống như các môn đệ hồi đó, hôm nay Chúa Giê-su cũng yêu cầu chúng ta chuẩn bị. Và như các môn đệ, chúng ta hãy hỏi Ngài. “Chúa muốn chúng con đi tới đâu để chuẩn bị?” Tới đâu ư?. Chúa Giê-su không thích đến với bất cứ nơi nào bị tách biệt hay khép kín. Ngài tìm đến những nơi mà Tình Yêu chưa đến được, và niềm hy vọng chưa đụng chạm tới được. Chúa Giê-su muốn đến với những nơi thiếu thoải mái ấy, và Ngài cũng yêu cầu chúng ta hãy có những chuẩn bị cho Ngài. Biết bao nhiêu con người đã bị cướp mất một nơi xứng đáng để sống, cũng như bị cướp mất thức ăn! Nhưng tất cả chúng ta đều biết rõ những con người cô đơn, đau khổ và thiếu thốn: Họ chính là những Nhà Tạm hoang vắng. Chúng ta, những người đã lãnh nhận từ Chúa Giê-su lương thực và chỗ ở, đang ở đây để chuẩn bị cho những anh chị em đó một chỗ ở và một món ăn. Ngài đã trở thành tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta; Ngài yêu cầu chúng ta hãy trao tặng chính bản thân chúng ta cho người khác để không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho nhau. Và như thế, người ta sẽ sống Bí Tích Thánh Thể bằng cách sống Tình Yêu mà chúng ta đã kín múc được từ máu thịt của Chúa, và rồi tuôn đổ Tình Yêu ấy trên thế giới. Bí Tích Thánh Thể sẽ được chuyển dịch vào trong cuộc sống nếu chúng ta vượt qua cái TÔI để đến với những người anh chị em.

Các môn đệ – Tin Mừng cho biết tiếp – đã chuẩn bị Bữa Tiệc Ly sau khi các ông “đi vào trong thành” (Mc 14,16). Ngày hôm nay Chúa Giê-su cũng mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị cho cuộc tái lâm của Ngài, không phải bằng cách là chúng ta cứ ở mãi bên ngoài, cứ đứng mãi đàng xa, nhưng là đi vào trong các thành thị của chúng ta. Hãy đi vào cả trong thành phố có tên là Ostia này, mà nó nhắc chúng ta nhớ tới chiếc cửa. Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con mở ra cho Chúa những cánh cửa nào ở đây? Những chấn song nào Chúa muốn chúng con mở ra tiếp, những lối đi bị rào kín nào chúng con phải vượt qua? Chúa Giê-su muốn rằng, những bức tường thờ ơ lãnh đạm và bưng bít phải bị giật sập, những chấn song bạo lực và kiêu ngạo phải bị loại trừ, những con đường công lý, lịch thiệp và hợp pháp cần phải được mở ra. Khu vực ngoại ô hẻo lánh của thành phố đang nhắc chúng ta nhớ tới vẻ đẹp của việc mở bản thân mình ra và ra khơi trên đại dương cuộc sống. Nhưng để làm điều đó, người ta cần phải giải quyết bất cứ hình thức vô giáo dục nào mà chúng cột chặt chúng ta vào với những sợi dây sợ hãi và những cơn ác mộng. Bí Tích Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy để cho mình được cuốn theo bởi cơn sóng của Chúa Giê-su, và đừng ở lỳ mãi trên bãi biển với những vật nặng chất lên người để mong chờ môt điều gì đó sẽ đến, nhưng tự do, can đảm và hiệp nhất để ra khơi bắt cá.

Các môn đệ – Tin Mừng kết thúc – “đi tới Núi Cây Dầu sau khi hát Thánh Vịnh” (Mc 14,26). Khi kết thúc Thánh Lễ, chúng ta cũng sẽ ra đi. Chúng ta sẽ cùng đi với Chúa Giê-su, Đấng băng qua những con đường của thành phố này. Ngài mong muốn được cư ngụ giữa anh chị em. Ngài muốn viếng thăm anh chị em trong suốt cuộc đời anh chị em, muốn bước vào những ngôi nhà, muốn giới thiệu Lòng Thương Xót có khả năng giải phóng của Ngài, muốn chúc lành và an ủi anh chị em. Anh chị em đã trải qua những hoàn cảnh thống khổ; Thiên Chúa muốn gần gũi anh chị em. Chúng ta hãy mở những cánh cửa ra và nói với Ngài:

Lạy Chúa, xin hãy đến, và dừng chân nơi chúng con,
Chúng con đón Chúa vào tâm hồn chúng con,
vào các gia đình và các thành phố của chúng con.
Xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã chuẩn bị món ăn sự sống cho chúng con,
và một chỗ trong vương quốc của Chúa.
Xin làm cho chúng con được linh hoạt và sáng tạo trong sự chuẩn bị,
và biến chúng con thành những người gánh vác đầy vui mừng của Chúa,
Đấng là đường,
để mang tình huynh đệ, công lý và hòa bình
vào trong những nẻo đường của chúng con. Amen.

Ostia, Italia, ngày mồng 03 tháng 06 năm 2018
Chúa Nhật Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon