Hãy thương người nghèo, và đừng quay lưng lại với họ. Nếu bạn quay lưng lại với người nghèo là bạn quay lưng với Chúa Kitô. Người làm cho mình thành người đói, người ở trần, người không nhà, để các bạn và tôi có dịp yêu Người”[1]. Lời nhắn nhủ của mẹ thánh Têrêsa thành Calcutta như một tiếng chuông thức tỉnh mỗi người về bổn phận đối với những anh chị em có những hoàn cảnh khó khăn, những người kém may mắn trong xã hội ngày hôm nay.
Cũng trong thông điệp Deus Caritas Est, Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã khẳng định: “Hành vi bác ái là trách nhiệm của từng Kitô hữu, cũng là trách nhiệm của toàn thể Hội thánh, là nghĩa vụ của mọi cấp: từ cộng đoàn địa phương đến Giáo hội cùng miền, cho đến Hội thánh hoàn vũ.”[2]
Công tác bác ái hình thành
Nhìn lại lịch sử Giáo hội từ thời sơ khai, các tín hữu đầu tiên đã ý thức về trách nhiệm này: “Họ để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu”[3]. Các phó tế cũng được đặc cách chăm sóc các bà góa[4]. Theo dòng thời gian cùng với sự phát triển của Hội thánh, việc thực thi bác ái với những người kém may mắn là những người góa buạ, trẻ mồ côi, tù nhân,… trở nên nhiệm vụ của Hội thánh[5]. Cũng vì lòng thương cảm và sự chia sẻ của những Kitô hữu thời đó mà đại văn sĩ Tertulien đã khẳng định: “Việc chăm sóc của các Kitô hữu đối với những người túng quẫn gây ngạc nhiên cho các dân ngoại”[6].
Trong những thế kỉ đầu, chúng ta thấy có một mẫu gương nổi bật và hết mình vì người nghèo đó là thánh phó tế Laurenso. Ngài đã khẳng định: “Người nghèo chính là kho tàng đích thực của Giáo hội”, trong kí ức của những người thời đó thì ngài được xem là nhân vật tiêu biểu của việc bác ái của Hội thánh.[7]
Trong xã hội hiện nay với sự phát triển của mạng lưới truyền thông hiện đại, con người được xích lại gần nhau. Trong vòng tích tắc, chỉ cần một cái quẹt nhẹ trên màn hình chúng ta có thể biết được rất nhiều những hoàn cảnh đang cần đến tấm lòng yêu thương và chia sẻ của chúng ta. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Ngày nay, nhờ những phương tiện truyền thông hoàn thiện hơn, những khoảng cách giữa con người có thể nói là vượt qua, hoạt động bác ái có thể và phải bao trùm tất cả mọi người và tất cả mọi nhu cầu”[8].
Khía cạnh đặc biệt của công tác bác ái của Hội thánh[9]
Cũng vì sự phát triển ấy mà đã có rất nhiều nhiều người dấn thân cho công tác bác ái xã hội. Họ bỏ công, bỏ của để đến với những anh em có hoàn cảnh khó khăn. Chính vì lẽ đó, Giáo hội đưa ra cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể và những khía cạnh đặc biệt của công tác bác ái xã hội để những cá nhân hay nhóm không xa rời với tinh thần của Đức Kitô.
Mẫu gương trong dụ ngôn người Samaritano nhân hậu cho chúng ta nhận thấy được đặc tính của hoạt động bác ái Kitô giáo. Trước hết là phải đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trực tiếp trong một hoàn cảnh cụ thể “cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người rách rưới ăn mặc”. Giáo hội mời gọi các tổ chức phải thực hiện bằng tất cả khả năng của mình, sẵn sàng có các phương tiện, nhất là nhân sự để đảm nhận những trách nhiệm như thế.
Những người muốn dấn thân trong công tác bác ái xã hội phải được đào tạo nghiệp vụ. Chúng ta phải chân nhận rằng mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa, là quà tặng Thiên Chúa ban, nên dù họ là những người yếu đuối, kém may mắn hay ít học thì họ luôn luôn phải được tôn trọng và yêu thương. Vì vậy, khi đến với những hoàn cảnh đó, chúng ta được mời gọi không chỉ trao cho họ những món quà vật chất nhưng còn phải chia sẻ tình yêu Đức Kitô, biết lắng nghe, cảm thông để họ cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa. Điều này cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Hành vi của Đức Ái đối với tha nhân không chỉ có nghĩa là cho đi một của bố thí để tự làm yên lương tâm; hành vi ấy chứa đựng một sự quan tâm đầy chu đáo đối với người khác, mà với sự quan tâm chu đáo ấy, người được quan tâm sẽ được nhìn xem như là một con người với chính mình, và trong mối quan tâm đó, tình bằng hữu đối với Thiên Chúa muốn được sẻ chia với người khác. Vì thế, Đức Bác Ái đối với tha nhân đứng trong trung tâm điểm của đời sống Giáo hội, và là con tim đích thực của Giáo hội, như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã từng nói” [10] Do đó, những người tham gia vào công tác bác ái xã hội cần được đào luyện về trái tim, đào sâu mối tương quan với Chúa Kitô, ở lại với Người để một khi cảm sâu tình Chúa, chúng ta có thể đem Chúa trao tặng cho tha nhân.
Trong một xã hội vàng thau lẫn lộn như hôm nay, chúng ta nhận thấy không ít những doanh nghiệp, những tổ chức hay những cá nhân tham gia vào công tác xã hội nhằm đánh bóng tên tuổi của mình hay để được miễn thuế… Chính vì vậy, Đức Bênêdictô XVI đã nhắc nhở mỗi Kitô hữu rằng: “Hoạt động bác ái Kitô giáo phải độc lập khỏi các đảng phái và ý thức hệ. Hoạt động này không phải là phương tiện để thay đổi bộ mặt trần gian được định hướng theo ý thức hệ và cũng không để phục vụ cho các chiến lược trần thế, nhưng để thực hiện tình yêu tại đây và bây giờ mà con người đang cần đến.”[11]
Yêu người như Chúa yêu
Yêu tha nhân như chính mình là giới răn đầu tiên và quan trọng nhất. Và để có thể yêu như Chúa trước tiên chúng ta cần phải “ngắm nhìn Đức Ái đối với tha nhân của Thiên Chúa như là cái la bàn mà chúng ta hướng cuộc sống của mình theo đó, trước khi chúng ta bắt đầu một hoạt động nào đó[12]. Hành động của người Samaritano chính là hình ảnh của một vị Thiên Chúa cúi xuống, yêu thương, chăm sóc với những người đau khổ. Chiêm ngưỡng mẫu gương ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhắn nhủ với mỗi con cái của Ngài: “Trước nỗi khổ đau của biết bao nhiêu người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả”[13] nhưng phải yêu thương bằng hành động, vì “Đức tin không không việc làm là đức tin chết”[14]. Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh với mỗi chúng ta rằng: “Không biết nỗi khổ đau của con người có nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu không đến gần người những người nghèo, bất hạnh là chúng ta đã không đến gần Thiên Chúa”.
Chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào yếu kém thì được tôn trọng nhiều hơn”[15]. Điều này cho chúng ta xác tín: Từng anh em đang gặp những hoàn cảnh khó khăn chính là những chi thể nơi thân thể của Đức Kitô, “quan tâm đến thân xác của tha nhân là một hành động thánh thiện lớn nhất và đừng bao giờ xấu hổ về thân xác của anh chị em chúng ta, vì đó là xương thịt của chúng ta! Chúng ta sẽ được đánh giá bởi cách chúng ta đối xử với những anh chị em mình”[16].
Kết
Mẹ Thánh Catarina thành Siena, trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, đã được Người nhắn nhủ rằng: “Ta muốn người này cần người kia, và mọi người là thừa hành của Ta để phân phát các ơn, các quà tặng mà chúng đã nhận được nơi Ta”[17]. Điều này cho chúng ta nhận thấy được điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta là hãy trở thành cánh tay nối dài của Người. Thế giới sẽ bớt đi những người đói khổ khi có nhiều người biết cho đi, trái tim nhiều người sẽ được sưởi ấm nếu có nhiều tấm lòng biết lắng nghe, rung cảm và sẻ chia, con người sẽ xích lại gần nhau khi mỗi người biết bước ra khỏi cái an toàn của chính mình, và cuộc đời này sẽ tươi đẹp hơn khi chúng ta biết chia động từ “YÊU”[18] theo cách của Đức Kitô.
Nữ tu Maria Phạm Thị Thanh Trang (HVTT)
[1] YOU CAT trang 251
[2] Thông điệp Deus Caritas Est số 20
[3] Cv2,44-45
[4] Cv6,5-6
[5] Thông điệp Deus Caritas Est số 20
[6] Sđd số 22
[7] Sđd số 23
[8] Sắc lệnh Apostlolicam Actuositatem về tông đồ giáo dân số 8.
[9] Thông điệp Deus Caritas Est số 31
[10]http://www.simonhoadalat.com/GIAOHOI/Nam2016/Thang02/51DeusCaritasEst.htm
[11] Thông điệp Deus Caritas Est số 31
[12]http://www.simonhoadalat.com/GIAOHOI/Nam2016/Thang02/51DeusCaritasEst.htm
[13]http://www.simonhoadalat.com/GIAOHOI/Nam2016/Thang0 4/82NguoiThanCan.htm
[14] Gc3,2
[15] 1Cr12,24
[16] http://www.vietcatholic.net/News/Html/121937.htm
[17] YOU CAT trang 250
[18]http://www.simonhoadalat.com/GIAOHOI/Nam2016/Thang02/51DeusCaritasEst.htm