Suy niệm: Lc 20,27 – 38
Hôm nay qua bài Tin Mừng Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về sự Phục sinh qua cuộc đàm thoại giữa Chúa Giê-su và người Sa-đốc. Người Sa-đốc không tin vào sự phục sinh và muốn qua vấn nạn này đưa Chúa Giê-su vào tròng. Qua ví dụ của họ, họ muốn cho Chúa và mọi người thấy sự Phục sinh là một điều rất phi lý. Nhưng Chúa Giê-su cho họ thấy cạm bẫy mà họ gài Chúa lại càng làm sáng tỏ sự Phục sinh hơn nữa.
Tất cả họ đều tin Abraham, Isaac và Gia-cóp là những kẻ sống trong Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Chúa của Abraham, Isaac và Gia-cóp, Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết , và tất cả mọi người đều là con cái của Thiên Chúa nên cũng được thừa hưởng hạnh phúc này cùng với các tổ phụ.
Chúa Giê-su trả lời cho nhóm Sa-đốc là đời sống mai ngày không còn dựng vợ gả chồng nữa. Điều này không phải là chối bỏ tình yêu hôn nhân nhưng là xác nhận giá trị của tình yêu phổ quát mà tình yêu của vợ chồng chỉ là khởi đầu và là dấu chỉ của tình yêu viên mãn mai sau.
Ở trần gian này trái tim chúng ta giới hạn không thể ôm ấp một tình yêu rộng lớn vượt biên giới nhưng sau này chúng ta có thể. Hơn nữa, Chúa đang cần chúng ta là cánh tay nối dài của Chúa trong việc sáng tạo những người con cho Chúa. Nên chúng ta chỉ có thể sống tình yêu dưới hình thức ưu tiên. Chúng ta yêu cha mẹ, con cái và những người thân trong gia đình. Nhưng về thế giới bên kia, tình yêu trần gian này của chúng ta sẽ mờ nhạt đi và dần dần vòng tròn tương quan của chúng ta lớn dần để mở ra với mọi người trong tình yêu chân thật. Tình yêu mà ở trần gian này chúng ta không thể yêu mọi người như chính mình thì Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta có thể ở đời sau.
Ở trần gian này mang thân phận yếu đuối, mỏng dòn, tội lỗi, ích kỷ, chúng ta không thể yêu thù địch, nhưng chúng ta đã là những người mang trong mình tình yêu phổ quát thì mai ngày chúng ta cũng sẽ thực hiện được điều đó. Tôi vẫn dùng câu chuyện để minh họa cho tư tưởng này: một người làm cuộc hành trình xa, trên đường anh gặp một cụ già hành khất đói khổ rét run trong cái giá buốt của mùa đông. Vị lữ khách này chỉ có một áo ấm để đắp qua đêm. Thấy cụ già đáng thương, anh muốn cho chiếc áo của anh nhưng anh lại nghĩ: Cụ già có thể quen với cái giá lạnh này rồi còn tôi thì không thể. Nghĩ thế nên anh giữ lại cái áo cho mình. Đêm đến anh ngủ và nằm mơ: khi đang cố rảo bước về nhà thì anh bị trượt chân rơi xuống một cái hố sâu, một hòn đá to đè lên người anh. Anh cố cựa quậy để đứng lên nhưng không thể. Anh nhìn thấy một cụ già nằm rét run bên cạnh, anh muốn lấy chiếc áo ấm của mình để đắp cho cụ nhưng không thể. Anh hối hận vì đã không cho cụ già đói khổ kia khi có thể.
Trong thế giới bên kia, tình yêu của tôi sẽ được biến đổi và tôi rất hối hận với những thiếu sót ở thế giới này, nhất là về tình yêu thương.
Chúng tôi vẫn chia sẻ cho nhau: Khi ở trần gian vương bao tội lụy, tôi khó có thể yêu như Chúa dạy và tôi luôn ích kỷ để vun quén cho mình. Nhưng ở đời sau, tôi mới ngộ ra một điều lạ lùng chưa bao giờ tôi hiểu được khi ở trần gian là anh chị em tôi chính là mắt, là miệng, là tay chân…của tôi nhưng tôi đã khai trừ, tru diệt nó.
Nếu thế thì tình yêu gia đình, con cái, cha mẹ, vợ chồng chỉ là điểm khởi đầu để đi về tình yêu sung mãn ở đời sau. Chính vì thế mà Chúa dạy: Đời sau người ta sẽ không cần dựng vợ gả chồng nữa. Người ta nên như các Thiên thần, sống mãi với Chúa nên không cần sinh sản nữa. Ý nghĩa của hôn nhân là nối tiếp giống nòi, nên khi người ta đạt tới tình trạng bất tử, thì không cần có hôn nhân nữa. Vậy luận cứ của Sa-đốc là sai lạc vì hôn nhân không còn tồn tại ở thế giới bên kia nữa. Tất cả đều là một đại gia đình chung hưởng vinh quang cùng Thiên Chúa.
Người được sống lại từ cõi chết là người được xét là xứng đáng cho thế hệ tương lai. Tất cả mọi người đều được sống lại, người lành cũng như kẻ dữ. Nhưng chỉ đối với người công chính thì sự sống lại mới vinh quang. Và ở đây Chúa Giê-su nghĩ đến sự sống lại của người công chính.
Người của thế hệ tương lai sẽ bất tử, vì họ như các Thiên Thần. Họ chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Cuộc sống của người sống lại không phải thuần túy là tiếp nối cuộc sống trần gian. Thế giới của người sống lại thuộc vào thế giới tương lai, thế giới mới, chứ không thuộc thế giới trần gian này.
Trong đức tin, chúng ta đi về sự Phục sinh: trời mới, đất mới, sự sống đời đời. Không có hai thế giới, chỉ có hai sự sống. Chỉ có một thế giới nhưng nó đang trở nên khác trong sự Phục sinh của Chúa Giê-su. Chỉ có một sự sống đang trở nên hoàn toàn khác nhờ lòng tin và phép rửa, nhưng đó không phải là một cuộc sống khác. Con bướm không phải là con sâu khác với con kén; người nữ không phải là người khác với con gái, nhưng cô khác trước. Cuộc sống Phục sinh này chúng ta không có kinh nghiệm về nó, chúng ta chỉ biết nhờ đức tin. Nó chỉ đến với chúng ta qua những dấu chỉ nhưng rất kín nhiệm. Cha Rey Mermet nói: Chúng ta như những đứa trẻ trong bụng mẹ, em không thể ý thức gì về thế giới của trái đất mà em sắp bước vào. Cũng vậy, chúng ta không biết gì về thế giới bên kia, chúng ta chỉ bập bẹ khởi từ mạc khải mà Thánh Phao-lô nói với chúng ta: “Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm màu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời cho chúng ta được vinh hiển. Không một ai trong các thủ lãnh này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết họ đã chẳng đóng đanh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá. Nhưng như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.”
Khi nói về cuộc sống đời sau, Thiên Chúa cũng dùng hình ảnh tại thế để nói cho chúng ta hiểu về Nước trời. Chúng ta như những đứa trẻ trong bụng mẹ, dẫu cha mẹ có nói với nó về cuộc sống ngoài bụng mẹ, nó cũng không thể hiểu. Nó chỉ biết và hiểu rõ khi nó ra đời và bắt đầu dần dần khám phá những sự mới lạ của thế giới mà nó sắp bước vào. Nó cảm nhận được tình cha tình mẹ, tình đại gia đình và nhìn ngắm được những vẻ đẹp của thế giới này cũng như được thưởng thức những của ngon vật lạ mà trong bụng mẹ nó chưa bao giờ nếm cảm.
Cũng vậy, cuộc sống bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại. Chúng ta sẽ giống các Thiên thần không còn lấy vợ gả chồng, sinh con cái, ăn uống, vì chúng ta không bao giờ chết nữa. Chúng ta sẽ trở thành con cái Thiên Chúa. Khi sống lại chúng ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê hương nay được trở lại nhà Cha. Tâm hồn khao khát Thiên Chúa nay được thỏa mãn.
Tin Mừng hôm nay đem lại cho ta niềm hi vọng: Chúng ta không rơi vào hư vô, nhưng đời ta có cùng đích là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta. Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc làm con Thiên Chúa, chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Khi trả lời cho nhóm Sa-đốc, Chúa Giê-su nhắc lại cho chúng ta chân lý Ngài đã từng dạy: Con cái của thời đại này, của thế giới này bị tội lỗi và sự chết chế ngự, nhưng những ai nhờ sự tuyển chọn và ân sủng của Thiên Chúa, được liệt vào thời đại mới, sẽ lãnh được sự sống đời đời, và được dự phần vào cuộc sống lại từ cõi chết.
Ngày nay, niềm tin vào sự phục sinh của chúng ta được xác quyết mạnh mẽ và chắc chắn trong Tin Mừng qua sự Phục sinh của Chúa Giê-su. Sự phục sinh của Chúa Giê-su loan báo sự phục sinh của chúng ta, vì Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Ngài yêu chúng ta nên không để chúng ta phải chết mãi mãi. Ngài sẽ phục sinh chúng ta để chúng ta được hưởng vinh phúc muôn đời với Ngài.
Như thế, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống đời sau sẽ giúp chúng ta hoàn thành cuộc sống đời này cách tốt đẹp, vì cuộc sống duy nhất này sẽ định đoạt số phận vĩnh cửu của chúng ta. Chúng ta không có cơ hội thứ hai để sống thử và cảm nghiệm thử để làm lại cuộc đời.
Xin Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan của con cái Chúa để chúng ta biết sống phù hợp với ý Chúa hầu mai ngày được chung hưởng niềm hạnh phúc của con cái Chúa trong vinh quang bất tận.
Nt. Faustina Lý Thị Báu