Suy niệm: Ga 1, 29-34
Ngày nay chúng ta thấy trên phương tiện truyền thông nhan nhản những bảng quảng cáo. Những nhà sản xuất không ngại chi tiền khủng để giới thiệu thương hiệu mình nhằm để thu hút sự quan tâm của công chúng, khách hàng. Nếu không quảng cáo, không tiếp thị thì mặt hàng có nguy cơ ế ẩm. Trong lãnh vực đem Chúa đến cho anh em mình cũng thế, hiện nay, chung quanh ta có biết bao người chưa biết Chúa, chưa tin vào Đức Giêsu, vào chân lý cứu độ, những người sống đức tin hời hợt, những người bỏ đạo… thì việc giới thiệu Chúa rất cần thiết. Nhưng việc làm này phải thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả?
Truyền giáo là giới thiệu Chúa cho anh em mình. Nhưng giới thiệu Chúa không dễ, chúng tôi đã có cái kinh nghiệm khó khăn này khi sống ở nơi đòi hỏi chúng tôi phải thiết thân hơn với bổn phận này. Với nguyện ước đem Chúa đến cho anh em, chúng tôi hăng say lên đường để khơi dậy lòng tin tiềm ẩn nơi những người chưa biết Chúa; nên khi bắt được một con cá nào, chúng tôi sung sướng vì sự thành công của mình. Nhưng càng đi sâu vào chiều hướng này, Chúa cho chúng tôi nếm cảm sự thất bại của những ngày lao đao trên đường truyền giáo. Con chiên Chúa lạc đàn, chúng tôi đi tìm, nhưng chưa kịp nhốt thì chúng đã chạy trốn. Con chiên Chúa khinh thường luật Chúa, chúng tôi dẫn dụ nhưng họ chỉ giữ khi có mặt chúng tôi. Sau nhiều ngày tháng mải mê với lý tưởng đem Chúa đến cho mọi người, chị em chúng tôi khích lệ nhau: phải kiên trì và hy vọng một ngày nào đó họ sẽ quen dần với những thánh lễ ngày Chúa nhật.
Ngày tháng qua đi, chúng tôi nghiệm rõ một điều đau lòng là khi chúng tôi giới thiệu Chúa, dù nhiệt tình nhưng kết quả chẳng là bao.
Hôm nay qua cách giới thiệu của Thánh Gioan Tẩy Giả chúng tôi mới ngộ ra một điều tuyệt vời: Trước khi giới thiệu Chúa, Thánh Gioan đã vào hoang địa, Ngài ăn chay cầu nguyện, sám hối, đổi thay chính mình. Khi bản thân mình thay đổi, khi sống tận căn việc xóa mình, khi sống điều mình sẽ rao giảng, Ngài mạnh dạn hô vang lời chân lý. Từ lòng Ngài vang lên lời giới thiệu Chiên Thiên Chúa. Chính Ngài đã tin, đã cảm nghiệm và đã sờ đụng được Ngôi Vị Đấng gánh tội trần gian nên lời giới thiệu của Ngài có sức thuyết phục phi thường. Người người khắp nơi chảy vào sa mạc để tận mắt nhìn ngắm nhân chứng sống, một vị ngôn sứ chân chính.
Khi nói Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian, Thánh Gioan đã cảm nghiệm được điều này nơi chính bản thân mình. Mình được Thiên Chúa thứ tha và cứu chữa. Ngài gánh tội lỗi và cất đi ách nặng nề đè nặng trên mình. Việc chay tịnh nơi sa mạc đã cho Ngài biết sức nặng của tội lỗi. Và Ngài khiêm tốn sám hối để có thể đón nhận sự tha thứ.
Ngài liên tưởng đến con chiên thời Cựu Ước: vào ngày chuộc tội, người Do Thái chọn một con dê. Tư tế đọc các tội của dân để mời gọi dân sám hối. Rồi ông đặt tay trên đầu con dê, ấn đầu con dê như ngầm đổ tội trên đầu con vật và đuổi nó vào sa mạc. Đây là dấu chỉ con dê gánh hết tội của dân. Sau này Gioan đã dùng hình ảnh này để chỉ về Chiên Thiên Chúa, đây mới thực là Đấng gánh tội trần gian.
Trước Gioan, các tiên tri đã nói về người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa phải chết như một con chiên. Tiên tri Isaia mô tả: Ngài như chiên bị dẫn đến lò sát sinh, không hề thốt một lời. Ngài chết vì tội chúng ta. Còn tiên tri Jeremia thì viết: Tôi giống như chiên bị đem đi giết và tôi không biết họ đang toan tính những điều gian ác chống lại tôi. Vì thế hình ảnh của con chiên gợi lên sự hy sinh đau khổ. Còn thánh Gioan thì mô tả trong sách khải huyền: Muôn dân vây quanh và ca ngợi con chiên bằng bài hát: Ngài đã bị giết và nhờ cái chết hy tế của Ngài, Ngài đã mua chuộc về Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc, ngôn ngữ, quốc gia…
Gioan đã giới thiệu Chúa Giê-su là Con Chiên, Đấng gánh tội trần gian. Ngài gánh tội để chúng ta được tha thứ. Người hạ xuống để chúng ta được nâng lên. Người nghèo để chúng ta được giàu. Người làm loài người để chúng ta được làm con Chúa. Ngài trở nên yếu hèn để chúng ta được nên mạnh mẽ. Người nhục nhã để chúng ta được vinh quang. Người nô lệ để chúng ta được tự do. Người chết để chúng ta được sống! Nghĩa là vì yêu thương Ngài đi đến rốt cùng của kiếp người để cứu độ chúng ta.
Con Chiên, Thiên Chúa làm người,Ngài đã liên đới với con người cách đặc biệt. Ngài gặp chúng ta trong nỗi khốn cùng của chúng ta. Không có một vực thẳm đau khổ tinh thần cũng như luân lý và sinh lý nào mà Ngài không xuống để thi thố lòng xót thương. Không có một cơn hấp hối ghê sợ nào mà Ngài không trải qua để có thể cảm thông với ta. Không có một sự bất chính nào của nhân loại mà Ngài không bị kết án. Cuộc tử nạn và cái chết của Ngài đã mang một án nặng nề vượt trên tất cả án tội của nhân loại.
Chúng ta biết số phận của Con Chiên được Chúa Cha chọn không phải chỉ để liên đới với chúng ta nhưng còn để chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài. Con Chiên bị giết cho chúng ta hiểu Thiên Chúa là tình yêu, Ngài biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa là khuôn mặt yêu thương. Ngài đi trước trong việc tìm kiếm chúng ta. Chiên Thiên Chúa ở đây chỉ hai hình ảnh: Người tôi tớ đau khổ, Đấng được sai để loan báo cho dân Anh sáng chiếu soi các quốc gia và Chiên Phục Sinh bị giết trên Thập Giá để cứu nhân loại.
Chúa Giê-su, bạn của chúng ta, Ngài gợi lên sự tốt lành nơi chúng ta, vì Ngài biết sự dữ chỉ được phủ lấp bằng sự lành. Bí tích hòa giải là sự trợ lực lớn lao cho người tội lỗi. Toàn thể nhân loại bị kết án bởi tội nhưng Chiên Thiên Chúa đến đem chúng ta vào trong tương quan với Thiên Chúa và với anh em. Chúa Giê-su không kết án chúng ta, Ngài tin chúng ta, Ngài thấy điều tốt nơi chúng ta và cho chúng ta thấy điều tốt nơi mình để chúng ta phấn đấu đi lên.
Với tư cách là ngôn sứ của Chúa, Gioan đã sống ơn gọi này ngay trong bụng mẹ để sau này Ngài mới có thể giới thiệu Chúa cách hữu hiệu. Khi giới thiệu mặc dù biết Chúa, nhưng Gioan vẫn khiêm tốn nhận mình không biết rõ về Ngài : “ Phần tôi, tôi không biết Ngài”.
Tinh thần khiêm tốn thẳm sâu của thánh Gioan khi giới thiệu Con Chiên đã làm cho chúng tôi suy nghĩ nhiều về việc đem Chúa đến cho anh em mình. Chúng tôi vẫn phàn nàn về sự thất bại của mình. Phải chăng chúng tôi nghĩ mình có thể làm được điều này cách dễ dàng nếu chúng tôi nhiệt tâm loan truyền chăng? Chúng tôi quên rằng sứ mệnh ngôn sứ đòi hỏi chúng tôi phải nói lời Chúa. Muốn nói lời Chúa cách trôi chảy và có tính cách thuyết phục thì chúng tôi phải là người sống lời Chúa, để cho lời thấm vào xương tủy . Lúc đó một lời tôi nói ra có thể lay động người nghe. Chúa sẽ cho công việc truyền giáo của tôi nhẹ nhàng nếu tôi sống điều tôi rao giảng.
Tôi có sứ mệnh dọn đường cho Chúa đến với các linh hồn, tôi đừng hãnh diện mình biết Chúa đang đứng đó và Chúa sẽ đáp lời tôi ngay. Tôi Phải nhẫn nại làm việc trong đức tin và để mặc Chúa chọn thời điểm thuận tiện để cho Thần Khí Chúa đáp xuống.
Lòng trung thành nhẫn nại của Thánh Gioan đã được Chúa ân thưởng là Ngài được thị kiến ở sông Jordan và được Chúa Cha làm chứng: “ Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.
Ước gì trên đường truyền giáo tôi luôn khiêm tốn như Thánh Gioan Tẩy Giả thú nhận tôi chưa biết Ngài, biết ở đây là để Ngài sử dụng, điều khiển và chiếm trọn tôi cho công việc của Ngài. Được thế cuộc hành trình sứ vụ của tôi sẽ tươi nở báo hiệu mùa bội thu trong tương lai.
Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu