Khi đi đường, tôi có thói quen để ý biển số xe xem nó thuộc tỉnh, vùng miền nào. Vì lẽ đó, những lần đi đò, xe Honda ôm hay xe Grab. Trước khi lên, tôi liếc nhìn biển số xe và biết ngay chiếc xe này ở đâu rồi. Cũng chẳng có chi thắc mắc nhiều, vì nó sẽ là miếng trầu đầu câu chuyện. Hơn nữa, điều này có vẻ quan tâm và hiểu biết chút đỉnh về quê hương của người song hành thì khi nói chuyện sẽ tự nhiên và thân thiện hơn.
Một lần từ bến xe Miền Tây về Lê Quang Định, tôi đi Grab của Bác tài xế, tầm 55 tuổi, chạy xe biển số 67. Nhìn biển số xe, chắc chắn xe Miền Tây còn chủ nhân ở đâu thì chưa rõ. Lên xe, tôi làm dấu cầu nguyện với Chúa, xin Chúa chúc lành cho tôi trên lộ trình đi cũng như cuộc nói chuyện giữa tôi và Bác tài.
Đi được quãng đường, tôi hỏi: Bác ơi! Bác quê Miền Tây hả?
Bác trả lời rất khiêm tốn “Vâng”! Sao cô biết?
Tôi thấy biển số xe ở Miền Tây.
Bác nói: Quê tôi ở An Giang nhưng hiện giờ thuê nhà ở Bình Dương.
Sao Bác tài không thuê ở Sài Gòn cho tiện?
Bác nói: Tiện ai mà chẳng muốn nhưng số phận lại đẩy đưa con người ta vào đường không ai ngờ.
Với giọng điệu như thế, âu là Bác phải có ưu tư trong lòng. Tôi nói chuyện với bác về cuộc sống, công việc, gia đình…Cuộc nói chuyện có vẻ như thân thiện hơn.
Bác hỏi tôi: Cô sống ở đâu?
Tôi hiện giờ đang sống ở Miền Tây.
Bác hỏi tôi: cô đang làm việc ở đó hả?
Tôi trả lời: Chỉ là một năm thôi còn hôm nay thì chuyển đến nơi mới rồi.
Nghe giọng của tôi Bác hỏi: Cô người Bắc về sống ở Miền Tây? Vậy cô nghĩ gì về văn hóa, cuộc sống của người Miền Tây?
Tôi nhớ tới bài hát “Áo Mới Cà Mau”. Tôi lấy một câu trong bài hát ra và nói người Miền Tây dễ thương vô cùng…, họ sống rất thoáng, vô tư, thoải mái.
Bác nói: Chính vì thoải mái mà nếp sống của họ cũng dễ dàng. Ngay cả cuộc sống hôn nhân của họ cũng thế, họ thay người như thay áo. Con cái sinh ra dường như không phải trách nhiệm của họ. Cuộc sống thật phức tạp, con người sống với nhau không gì ràng buộc. Họ nghĩ đến bản thân nhiều hơn là người khác, không biết đến đạo lý đúng sai. Họ “cứ sống giây phút hiện tại trước đã”, còn chuyện ngày mai thì cứ để ngày mai tính.
Bác cứ tuôn dòng kể tiếp: Chính bản thân tôi cũng lớn lên từ môi trường ấy, tôi những mong cuộc đời mình không đi vào vết xe đổ đó. Tôi suy nghĩ lựa chọn cho cuộc đời. Khi 20 tuổi, tôi rời gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp. Tôi may mắn có công việc ổn định và khi ấy đất Sài Gòn vùng ven còn rẻ, tôi đã mua được miếng đất để dành. Rồi sau tính chuyện yêu đương, tôi quyết tâm tiếp xúc với các cô gái người Miền Bắc. Bởi tôi từng tìm hiểu cuộc sống và văn hóa người Miền Bắc. Tôi thấy có vẻ như người Miền Bắc sống chung thủy và có sự kiên nhẫn, siêng năng, dễ chịu khổ hơn người Miền Tây….Bởi thế, người con gái Bắc có thể làm dâu người Miền Tây tốt hơn người con gái Miền Tây làm dâu người Bắc…Sau những lần chọn lựa, tôi kết giao với một cô gái quê Thanh Hóa, cô vô Sài Gòn làm công nhân. Sau thời gian tìm hiểu, tôi thấy ưng và chúng tôi mời Ba Má hai gia đình vô Sài Gòn tổ chức đám cưới tại nhà hàng. Với số tiền dành dụm và sự trợ giúp của Ba Má tôi, chúng tôi cất được ngôi nhà nhỏ gọi là túp lều tranh hai trái tim vàng. Nhưng cuộc đời không ai ngờ cô à. Sống với nhau cả hơn chục năm, chúng tôi có một đứa con mà chưa bao giờ cô ấy cho tôi về quê thăm gia đình cô ấy. Mỗi lần tôi gợi ý về thì cô nói đường xa. Bảo tôi cứ đưa tiền cho cô gởi về biếu ông bà ngoài đó là được. Hằng ngày tôi đi làm, tiền lương hàng tháng tôi đưa cho cô ấy để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Tôi định sinh thêm đứa con nữa, cô ấy nói vất vả, thương vợ tôi cũng đành chịu. Rồi một ngày cô đòi chia tay, kiếm cớ đủ chuyện, cặp bồ ngang nhiên trước mặt tôi. Nhưng tôi yêu cô ấy tôi cố gắng níu lại nhưng đau hơn nữa, cô nói không yêu tôi, lấy tôi chỉ vì thấy tôi có công ăn việc làm ổn định, sống với tôi ngần ấy năm là đủ rồi, cô lợi dụng để có tiền xài chứ không có mục đích gì khác. Đến giờ phút ấy tôi mới biết thân thế của cô là kẻ mồ côi, lần đám cưới cô mướn người làm Ba mẹ. Tất cả tiền của tôi, cô ấy đưa vào sòng bạc và ngay cả nhà của tôi, cô ấy cũng mang đi cầm để trả nợ cũng không đủ. Chúng tôi ra tòa, Cô ta giũ áo ra đi ngay cả đứa con chung mà cô cũng còn nói con của tôi thì xin gởi lại cho tôi. Sau cú sốc này những tưởng tôi không thể tha thứ cho kẻ phản bội, tôi tuyệt vọng, tôi bỏ công ăn việc làm đi tìm rượu giải sầu, tôi không thiết gì nữa. Tôi đã làm gì sai, tôi cố gắng và chân tình như thế. Tại sao cô ấy lại lừa dối tôi chứ. Tôi gởi con gái về quê cho ông bà nội nuôi. Ngày ngày tôi chìm trong men rượu và muốn tìm đến cái chết. Trong một thời gian dài, tôi cứ lang thang phiêu bạt như thế mãi cũng chán. Rồi một buổi chiều Chúa Nhật, tôi đến nhà thờ Fatima, tôi đứng nhìn lên tượng Bà cầu nguyện ở cuối nhà thờ, sau này tôi mới biết là Mẹ Maria. Tôi nói nói với Bà, nếu Bà có thiêng thì xin Bà chỉ cho tôi một con đường sống. Tôi đã nghe có thì thầm buồn làm chi. Những gì không thuộc về mình thì có níu kéo cũng vô ích hãy đứng dậy. Nghe bấy nhiêu thôi, tôi thấy bình an và tôi quyết định bước vô nhà thờ chỉ vì tò mò xem ở đây có gì mà Chúa Nhật nào cũng thấy đông như vậy. Tôi chọn cho mình một chỗ cuối cùng. Tôi nghe ông cha giảng về sự tha thứ mà Chúa Giêsu nói với ông Phêrô không phải tha 7 lần mà tha tới bảy mươi lần bảy, tha mãi, tha hoài…Kết thúc buổi lễ tôi thấy mình chưa bao giờ có giây phút bình an như thế. Tôi suy nghĩ, cái đạo gì mà hay thế, cứ dạy người ta nào là tha thứ, nào là yêu thương, nào là vả má trái đưa mả phải cho người ta vả tiếp… Hãy sống yêu thương thì được cuộc sống vĩnh cửu… Ngày nay cuộc sống thực tại nơi xã hội, con người ta sống hận và thù thì nhiều. Cứ như vậy, chiều nào tôi cũng đến nhà thờ, không đi thì tôi thấy nhớ nên tôi muốn theo đạo và xin đi học giáo lý cho đến nay đã gần 15 năm rồi cô ạ. Sau biến cố ấy tôi bắt đầu vực lại tinh thần và đổi nghề chạy xe ôm, tôi cảm thấy cuộc sống bình an vui vẻ. Chúa cho tôi sức khỏe, cho tôi có công việc ổn định hằng ngày chạy xe đều đều đủ tiền nuôi con gái ăn học và có thời gian đến với Chúa nhiều hơn.
Nghe Bác tài kể chuyện, tôi thấy cứ mỗi chuyến xe đi, tôi nghe được những câu chuyện không ai giống ai nhưng sau mỗi lần thất bại thì mỗi người lại có một chọn lựa khác nhau. Có người tiếp tục tàn phá cuộc đời nhưng có người lại vực dậy đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Cũng giống như Bác tài này, sau biến cố ấy. Thay vì đi tìm cách trả thù; thay vì tìm một cuộc sống dễ dãi cho bản thân; thay vì đi kiếm một mối tình mới để bù đắp vào sự cô đơn trống trải, thì Bác đã tìm đến Chúa qua lời thì thầm của Mẹ Maria. Bác tình nguyện bước vào đạo để trở thành công dân Nước Trời không chỉ một mình mà Bác còn đưa cả con gái theo đạo.
Câu chuyện cuộc đời và Sứ điệp Phục Sinh vẫn vang lên bài tình ca yêu thương – Chúa vẫn ở với chúng ta trong hoàn cảnh dường như bi đát nhất, “tảng đá được lăn ra” và “ngôi mộ trống” đã minh chứng điều đó. Mong sao bạn và tôi luôn cảm nhận được “tình Chúa ủ ấp” và Chúa sẽ cùng chúng ta lăn “tảng đá cuộc đời” để dù trong bất cứ hoàn cảnh đen tối nhất, vẫn lóe lên ngọn lửa hy vọng Phục Sinh – Alleluia!
Maria Nguyễn Điệp