Lời Chúa và mẻ cá lạ: “Chúa đó!” – SN ngày 9.4.2021

0

Ngày 9 tháng 4 năm 2021
Thứ sáu, Tuần Bát Nhật Phục Sinh

I. LỜI CHÚA: Ga 21, 1-14; 15-19

1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này.2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư? ” Các ông trả lời: “Thưa không.”6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó! ” Vừa nghe nói “Chúa đó! “, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây! “11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn! ” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai? “, vì các ông biết rằng đó là Chúa.13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

*  *  *

15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? ” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

II. SUY NIỆM

Phần 1. “Anh em hãy đến và ăn” (c. 1-14)

A“Không bắt được gì cả” (c. 1-3)

B. Lời Chúa và mẻ cá lạ: “Chúa Đó” (c. 4-8)

A’. “Anh em hãy đến mà ăn” (c. 9-14)

Phần 2. Tình yêu và sứ mạng:
“Hãy theo Thầy” (c. 15-19)

A. Ơn huệ lương thực (c. 15a)

B. Tình yêu và sứ mạng (c. 15b-17)

A’. Tôn vinh Thiên Chúa – “Hãy theo Thầy”

Tình yêu của thánh Phê-rô dựa trên tình yêu và lòng thương xót của chính Đức Ki-tô: bữa ăn trên bãi biển: “Anh em hãy đến mà ăn”, nhắc nhớ bữa ăn hàng ngày: “Người ban cho tất cả chúng sinh. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 25), Chúa ban từ thuở tạo thiên lập địa và suốt dòng lịch sử, và nhất là bữa ăn Thánh thể, và hướng tới bữa ăn Nước Trời.

Sứ mạng được Chúa trao dựa trên tình yêu dành cho Chúa; và chúng ta sống và thi hành sứ mạng là để diễn tả tình yêu dành cho Chúa, với tư cách là tôi tớ, nữ tỳ.

Và để sống “tình yêu và sứ mạng” và để “tôn vinh Thiên Chúa”, chúng ta được Chúa mời gọi “HÃY THEO THẦY!”

Phần I
“Anh em hãy đến mà ăn”

Cuộc Thương Khó diễn ra ở Giêrusalem, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh lại chọn Biển Hồ làm nơi hẹn cho cuộc gặp lần cuối này (c. 1). Biển Hồ với biết bao kỉ niệm vui buồn trong tương quan với nhau, với Thầy Giêsu và với nhiều người khác nữa trong sứ vụ. Bao kỉ niệm chợt về, thật sống động và cũng thật xúc động. Nhưng, các môn đệ được mời gọi sống lại những kỉ niệm này với Ánh Sáng mới, Ánh Sáng của Đấng Phục Sinh; với một sự Hiện Diện mới, Hiện Diện vượt không gian và thời gian; và với một tương quan mới, tương quan mến thương vượt qua sự có mặt hữu hình. Để hướng về tương lai và đảm nhận tương lai, Chúa cũng mời gọi chúng ta nhớ lại và sống lại “kỉ niệm” như thế đấy, những kỉ niệm trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi, trong những kì tĩnh tâm và những thời gian đặc biệt.

Chúng ta hãy dừng lại nhìn ngắm từng khuôn mặt: Simôn Phêrô, Tôma, Nathanael… (c. 2). Các ông có cả một cuộc hành trình chung với nhau, nhưng mỗi người đến từ những “vùng quê” khác nhau, gia nhập nhóm theo những cách thức khác nhau và với những hoài bão khác nhau, mỗi người gặp những thách đố khác nhau… Và cũng khó khăn cho nhau nữa.

“Tất cả đang ở với nhau”, trao đổi rất ít. Chúng ta chỉ nghe được tiếng gió, tiếng sóng thôi. Nhưng tâm tình và tâm tư thật nhiều, thật nhiều như chính nhóm hay cộng đoàn của chúng ta lúc này đây. Chúng ta có thể nhìn lại mình và nhìn ngắm nhau; và nhất là lắng nghe sự thinh lặng.

 1. “Không bắt được gì cả” (c. 1-3)

Các tông đồ rủ nhau đi đánh cá, đúng hơn là mọi người tình nguyện làm theo ông Phêrô: “chúng tôi cùng đi với anh”. Chúa Giê-su từng liên kết, khi gọi Phê-rô, việc đánh cá với việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài (Lc 5, 10). Vì thế, hình ảnh này đã loan báo cho chúng ta cuộc sống và sứ vụ của Giáo Hội sẽ được khai sinh từ sức sống của Đức Ki-tô phục sinh. Những gì diễn ra sau đó, Tin Mừng thuật lại chỉ với nửa câu: “Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì ca” (c. 3b). Nhưng thời gian của kinh nghiệm này là suốt đêm, “suốt đêm thâu”.

Chúng ta có thể dành thời giờ để chiêm ngắm (nhìn và nghe) những gì diễn ra trên con thuyền nhỏ bé suốt đêm thâu. Đã có lúc, hoặc đã có cả một giai đoạn, mỗi người chúng ta, cả nhóm chúng ta, cả Cộng Đoàn chúng ta hành động như thế đấy, sống như thế đấy: tự mình dự tính, tự mình làm lụng, tự mình loay hoay mà không cần có Thầy. Đức Giêsu đã từng nói: “không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được”. Dĩ nhiên, Chúa không muốn nói chuyện “đánh cá”, nhưng nói đến sứ vụ làm sinh hoa kết qua cho vinh danh Chúa Cha. Xét cho cùng, không có Thầy chúng ta cũng làm được điều gì đó; nhưng rất tiếc đó không phải là “điều gì đó” cho “Nước của Thiên Chúa”, không phải cho “Sự Sống” mà Đức Giêsu muốn làm cho lan tỏa giữa chúng ta, giữa loài người chúng ta, không phải cho “Ngọn Lửa” mà Đức Giêsu muốn thổi bùng lên, không phải là tình thương mà Chúa ước ao làm lan tỏa giữa chúng ta.

Kinh nghiệm này vẫn có thể lập lại. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đừng bao giờ quên có “Ai Đó” đứng ở “trên bờ” chờ đợi chúng ta không biết từ khi nào.

2. Lời Chúa và mẻ cá lạ: “Chúa Đó” (c. 4-8)

Trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển. Chúng ta có thể dừng lại chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này: Một Dáng Hình hài hòa vào trong Ánh Sáng. Ngài ở đó từ bao giờ? Trong cuộc sống của chúng ta, luôn có Ai đó hiện diện, dù đó là đêm đen, hay vào những lúc chúng ta thấy mình cô độc, không nhận ra có “Ai Đó” bên mình. Chúa chính là “Ai Đó” vẫn luôn hiện diện với lòng trìu mến và thương cảm.

Như trong tất cả các trình thuật về hiện ra, chẳng hạn trình thuật về Maria Magdala và trình thuật Emmau, Đấng Phục Sinh cho nhận ra, thì người ta mới nhận ra. Ở đây, Đấng Phục Sinh cho các môn đệ đang mệt mỏi và thất vọng nhận ra Ngài bằng cách lên tiếng. Chúa cũng lên tiếng với chúng ta hằng ngày đấy thôi. Câu hỏi của Chúa là một câu hỏi thương cảm: “Này các chú, không có gì ăn ư?”

Khi làm theo Lời của Chúa, thì sẽ đạt được kết quả “viên mãn” như thế đó: “lưới đầy những cá”. Chính kết quả viên mãn này làm cho “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” nhận ra Chúa: “Chúa đó!” Nhưng còn có một kinh nghiệm thiết thân hơn làm cho môn đệ này nhận ra Đấng Phục Sinh. “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”, chúng ta thường hiểu đó là môn đệ Gioan, chắc là đúng; nhưng môn đệ Gioan lại thích xưng mình như thế. Điều này có nghĩa là ai trong chúng ta cũng được mời gọi nhận ra mình là”Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”, dù chúng ta có như thế nào. Chính kinh nghiệm “được thương mến” làm Gioan tin Thầy mình đã sống lại, và bây giờ kinh nghiệm này làm cho Gioan nhận ra “Chúa đó”, vẫn luôn hiện diện hướng dẫn mình, hướng dẫn nhóm của mình. Xin cho chúng ta có được sự nhạy bén thiêng liêng như “người môn đệ được Chúa thương mến”, để qua mỗi ngày sống, chúng ta có thể nói: “Chúa đó”.

Hình ảnh của tông đồ Phêrô cũng rất tuyệt vời và thật đúng với cá tính của ông: biết được đó là Chúa, thì bỏ hết, cả thuyền, cả cá, rồi nhảy ùm xuống biển đầy hiểm nguy để đến gặp gỡ Thầy. Điều này làm chúng ta nhớ lại biết bao điều về ông; tí nữa, sau bữa ăn, Chúa còn nhắc khéo thêm một vài chuyện! Theo Chúa là như thế, mình vẫn là mình, chỉ cần mến Chúa thôi.

3. “Các con đến mà ăn” (c. 9-14)

Chúng ta hãy hiện diện thật cụ thể trong bữa ăn sáng rất “thơ mộng” ngay ở bãi biển này, bữa ăn của Chúa, nhưng có phần đóng góp của các môn đệ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Nhưng phần đóng góp của các ông cũng vẫn là ân huệ. Chúng ta có thể “áp dụng ngũ quan”:

  • Chúng ta hãy nhìn ngắm mọi người đang loay hoay. Ông Phêrô vừa nãy vội vàng nhảy khỏi thuyền, bây giờ nghe lời Thầy, lại leo lên thuyền đem cá lên bờ (c. 11). Nhưng chúng ta hãy cùng với các môn đệ nhìn ngắm Đức Giêsu. Có lẽ các ông, tay chân lăng xăng, nhưng mắt chỉ hướng về Thầy thôi: “Họ biết chắc rằng đó là Chúa”. Thầy làm hết mọi sự: có mặt thật sớm, sắp xếp, chuẩn bị bữa ăn, điều động mọi người và cả phục vụ bữa ăn nữa: “Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy”.
  • Chúng ta hãy lắng nghe: chỉ có Chúa nói thôi, nhưng chắc chắn có nhiều trao đổi nho nhỏ giữa các môn đệ; chúng ta cố lắng nghe cả tiếng lòng nữa.
  • Chúng ta hãy hít mũi, để cảm nhận mùi của biển, của gió, của dụng cụ đánh cá, của mồ hôi nhễ nhãi, của cá tươi, của khói than hồng, và nhất là mùi thơm của bánh nướng và cá nướng. Tất cả làm nên hương thơm của buổi họp mặt, tất cả được hòa vào trong Hương Thơm của Đấng Phục Sinh.
  • Chúng ta hãy tham gia dọn bữa, nhưng nhất là đón lấy những gì Thầy trao, trao tận tay; và để cho những cảm xúc trào vọt ra từ đáy lòng.
  • Và chúng ta hãy thưởng thức, thưởng thức bánh và cá. Nhưng nhất là thưởng thức lòng trìu mến Đức Giêsu dành cho các môn đệ của mình, cho mỗi người chúng ta.

Một bữa ăn như thế, Chúa vẫn ban cho chúng ta hằng ngày; nhưng chúng ta dường như chưa chịu nhìn, nghe, ngửi, đụng và thưởng thức với tất cả con người của chúng ta; chúng ta chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa bằng ngũ quan của mình trong các bữa ăn: trong bữa tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa; trong những bữa ăn hằng ngày và nhất là trong những bữa ăn đặc biệt. Nếu chúng ta nhận ra Chúa hiện diện giữa chúng ta, bầu khí nhóm và cộng đoàn của chúng ta cũng sẽ ấm cúng như thế. Những bữa ăn như thế cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng năm, để làm cho chúng ta hy vọng một Bữa Ăn ở đó chúng ta quây quần bên Chúa và bên nhau mãi mãi và trong niềm vui khôn tả.

Phần II
Tình yêu và sứ mạng
HÃY THEO THÂY
(c. 15-19)

  1. Ơn huệ lương thực (c. 15a)

Trước khi, tường thuật cuộc đối thoại “riêng tư” (x. Ga 21, 20) về tình yêu và sứ mạng của Đức Giê-su và ông Phê-rô, thánh sử Gioan cẩn thận nhắc lại ơn huệ bữa ăn trên bãi biển:

Khi các môn đệ ăn xong. (c. 15a)

Bữa ăn trên bãi biển nhắc nhớ bữa ăn hàng ngày của Đức Giê-su và các môn đệ: “Người ban cho tất cả chúng sinh. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 25). “Bánh Hằng Ngày”, Chúa ban từ thuở tạo thiên lập địa và trong suốt dòng lịch sử. Cách đặc biệt, “Ơn Huệ Bánh” nhắc nhớ tình yêu đến cùng” của Đức Ki-tô Thánh Thể và Chịu Đóng Đinh.

Như thế, Tình yêu của thánh Phê-rô dành cho Đức Giê-su chịu đóng đinh và phục sinh, dựa trên tình yêu và lòng thương xót của chính Người.

2. Tình yêu và sứ mạng (c. 15b-17)

a. Tình yêu

Dùng bữa xong, Đức Ki-tô phục sinh muốn “tâm sự” với ông Phê-rô. Ngài gọi ông bằng tên “cúng cơm”, có gốc có nguồn rõ ràng: “Simon, con ông Gioan”. Cách gọi này đã diễn tả lòng bao dung của Chúa rồi: Ngài đón nhận con người của ông cách trọn vẹn và tận gốc rễ, cho dù ông đã trải qua những thăng trầm hay những lỗi lầm nào.

Có thể hai người đã tách riêng ra khỏi nhóm để tâm sự, vì sau đó, theo lời kể của thánh sử Gioan: “Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau”. Và có thể, hai người đã tâm sự với nhau một lúc, Đức Ki-tô mới đặt những câu hỏi liên quan đến tình yêu của ông dành cho Ngài.

Ai cũng hiểu, ba lần hỏi của Chúa ứng với ba lần chối Thầy của Phêrô. Điều này quả thực đã đụng đến “vết thương lòng”, nên nghe hỏi lần thứ ba về cùng một điều, ông Phêrô “buồn” (c. 17). Đức Giêsu còn “thâm” hơn khi kín đáo nhắc lại một chuyện khác,  một thứ “bệnh” khác không kém nghiêm trọng của Phêrô trong câu hỏi đầu tiên: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông Phêrô đã từng so sánh lòng gắn bó của mình đối với Đức Giêsu hơn những anh em khác: “dù mọi người sa ngã vì Thầy, con sẽ không sa ngã!”

Ông Phêrô đã hiểu “thâm ý“ của Thầy, nên trong câu trả lời, ông không còn dám so sánh tình yêu của mình với tình yêu của các anh em khác: “Thưa Thầy vâng, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Không chỉ là tình yêu đậm đà lúc này, nhưng quá khứ thăng trầm của tình yêu này và tương lai đầy bất trắc của tình yêu này (truyền thuyết Quo vadis).

Tại sao Chúa lại khơi ra “vết thương” quá khứ làm đau lòng ông Phêrô, đúng vào lúc nên quên đi tất cả, xí xóa tất cả để hướng về tương lai? Bởi vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải khởi đi từ chính những gì chúng ta là trong sự thật. Gợi lại quá khứ, gợi lại những gì chúng ta đã là, thật là đau lòng, nhưng đó lại là “liều thuốc đắng” có khả năng chữa lành chúng ta. Bởi vì tình yêu của chúng ta có với Chúa, việc chúng ta được gọi theo Chúa, việc chúng ta được trao sứ mạng, là hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của Chúa, vào tình yêu nhưng không và bao dung của Chúa.

Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, nhưng tảng đá Phêrô lại dựa trên lòng thương xót. Điều này cũng hoàn toàn đúng cho chúng ta, các linh mục và tu sĩ nam nữ của Giáo Hội. Quên điều này, chúng ta sẽ không thể chu toàn được sứ mạng, hay ít nhất là không thể chu toàn theo cách mà Đức Giêsu ước mong.

Chúa hỏi riêng mỗi người chúng ta: “con có mến Thầy không?” Ai cần bao nhiều lần, Chúa cũng sẽ hỏi chừng ấy lần! Sau mỗi lần tuyên xưng lòng mến – Ở đây, Chúa cần tuyên xưng lòng mến hơn là “tuyên xưng đức tin” ở bình diện kiến thức – Chúa mới trao sứ mạng, mỗi người một sứ mạng. Bởi vì chúng ta chỉ có thể lãnh nhận và đảm nhận sứ mạng của Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa mà thôi, một tình yêu đã trải qua bao thăng trầm, một tình yêu chỉ biết cậy vào lòng thương xót của Chúa, như tình yêu của thánh Phê-rô.

Trong câu hỏi của Đức Giêsu, Người dùng cả hai động từ “mến” (agapas) và “yêu mến” (phileis). Qua đó, chúng ta có thể hiểu rằng, tình yêu người môn đệ dành cho Chúa phải là một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu xuất phát từ tình yêu của chính Thiên Chúa, được bày tỏ ra cách viên mãn nơi Đức Ki-tô, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu, không phải để loại trừ nhưng mang lại ý nghĩa, định hướng và làm cho viên mãn mọi tình yêu.

b. Sứ mạng

Sứ mạng: chăm sóc chiên con của Thầy; chăn dắt chiên của Thầy (sát nghĩa: hãy là mục tử cho chiên của Chúa); và chăm sóc chiên của Thầy. Chúa chú ý trước tiên đến “chiên con”; trong thực tế chiên con là những ai, thành phần nào, trong hoàn cảnh nào? Những ai là “chiên con” mà chúng ta được Chúa giao phó để chăn dắt? Chúng ta có thể dừng lại để đi vào ý nghĩa của hai động từ: chăm sóc, hãy là mục tử. Cách tốt nhất là chiêm ngắm Chúa, cách Chúa đã chăm sóc ta, là mục tử của ta.

Đoàn chiên, chiên con và chiên lớn, là của Chúa; chứ không phải của mình. Chúng ta nữ tì là tôi tớ thôi. Vì thế, để chu toàn không gì có thể thay thế được tương quan thiết thân với Chúa, tình yêu đối với Chúa. Và lòng mến Chúa đến từ hành trình dài và khó như thế, lòng mến đầy bất ổn, lòng mến chỉ dựa vào lòng thương xót và tin tưởng nhưng không của Chúa.

 3. “Hãy theo Thầy” (c. 18-19)

Sau ba lần đặt câu hỏi về lòng mến đối với Người, Đức Giê-su nói về số phận của thánh Phê-rô:

Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. (c. 18)

Và thánh sử Gioan giải thích lời này của Đức Ki-tô: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” Như thế, Chúa biết hết về những gì ông Phê-rô sẽ trải qua, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ trải qua.

Chúa biết, đơn giản là vì Chúa đã trải qua tất cả, đã mang lấy tất cả, vác lấy tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, để làm cho con người nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu mà thôi. Và điều Ngài muốn mời gọi ông Phê-rô, và mỗi người chúng ta bây giờ là:

“Hãy theo Thầy !” (c. 19)

Chúng ta được mời gọi theo Chúa trong tình yêu tín thác, vì Chúa biết mọi sự (tình yêu và cuộc đời sẽ đến của chúng ta), và Chúa cũng đã trải qua mọi sự, để có thể yêu thương và bao dung chúng ta.

Mùa Phục Sinh 2021
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Comments are closed.

phone-icon